>> CÁC BẠN CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ LỰA CHỌN NHỮNG BÀI VĂN HAY NỮA NHÉ <<
Đọc tập thơ Nhật kí trong tù, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã xúc động viết:
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.
Những bài thơ mà em đã được học và đọc thêm trong tập thơ đã phần nào chứng tỏ cảm nghĩ trên của Hoàng TrungThông là đúng. Em hãy chứng minh điều đó.
Bài làm
Tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chủ tịch một cuốn nhật kí bằng thơ làm xúc động lòng người đọc với giá trị ý nghĩa cao cả, tuyệt vời của nó. Thơ Bác khi thì cứng cỏi, kiên cường, lúc lại vút cao lên âm điệu thiết tha, ngọt ngào của tình người, đúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết:
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.
Điều phải nói đến đầu tiên là thơ chính là động lực giúp Bác vượt qua mọi gian khó trong cảnh tù đày, để giữ vững ý chí son sắt của người cộng sản. Vượt lên cảnh tù đày, Bác đã dùng thơ để giải khuây và răn mình trong thời gian bị giam cầm:
Ngày dài ngâm đợi cho khuây,
Vừa ngâm, vừa đợi đến ngày tự do.
Chất thép trong thơ như đã được tôi luyện già dặn ánh lên phẩm chất kiên cường cho nên nhà tù chỉ giam được thể xác, chứ không thể giam được tinh thần, đặc biệt là tinh thần của người chiến sĩ cộng sản:
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao.
Với nghị lực phi thường ấy, tâm hồn thi sĩ của người tù – người chiến sĩ rõ ràng là hoàn toàn tự do để chọn lấy cho mình một chỗ đứng thênh thang:
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
. (Đi đường)
Dường như chẳng có gì làm cho trái tim Người run sợ, nên Người mỉm cười dí dỏm, thách thức trước mọi gông cùm, vượt lên mọi khổ đau của thân thể để tấm lòng vẫn luôn ngời sáng ung dung:
Hôm nay xiềng xích thay dây trói
Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung
Tuy bị tình nghi là gián điệp
Mà như khanh tướng vẻ ung dung.
(Đi Nam Ninh)
Xiềng xích cùm cả chân tay, mỗi bước đi là mỗi bước kéo lê nặng nề loảng xoảng mà Bác Hồ lại ví như “tiếng ngọc rung”, cùm gông đeo trên cổ mà người tù vẫn ung dung như “khanh tướng”, thật không còn hình ảnh nào độc đáo hơn để diễn tả ý chí không lay chuyển của mình.
Sống trong tù, chịu đựng mọi sự hành hạ, nhưng Bác luôn coi đó là dịp rèn luyện mình, cũng ví như hạt gạo phải đem vào giã chịu “bao đau đớn” nhưng sẽ “trắng tựa bông”.
Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông.
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công.
(Nghe tiếng giã gạo)
Nhật kí trong tù không chỉ biểu hiện tinh thần thép của người chiến sĩ cộng sản mà sự “mênh mông bát ngát tình” của một tâm hồn thơ cũng được thể hiện rất sâu sắc. Trước hết phải nói đến tình yêu thiên nhiên tha thiết. Trong cảnh tù đày, thiếu thốn, tình yêu thiên nhiên của Bác càng đáng quý, đáng trân trọng. Thiên nhiên trở thành người bạn tri kỉ, gắn bó với nhà thơ, làm tâm hồn người dịu mát và thanh thản:
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
(Ngắm trăng)
Rõ ràng tâm hồn của Bác đã vượt qua song sắt nhà tù để tâm sự cùng thiên nhiên tươi đẹp bên ngoài. Thân thể ở sau song sắt mà tâm hồn lại vút lên bầu trời bao la, hòa với không gian lấp lánh ánh trăng.
Và cảnh gian nan trên đường đi không thể giết chết tình yêu thiên nhiên của Bác. Bác vẫn hòa đồng cùng vạn vật với một trái tim nhạy cảm và chan chứa tình:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
(Chiều tối)
Dù mệt mỏi, gian nan, Bác vẫn cảm nhận được những nét vô cùng nhỏ bé, tinh tế của cảnh trời chiều. Tâm hồn, trái tim Bác như vẫn cùng cánh chim bé nhỏ bay bổng trên bầu trời, cùng chòm mây nhỏ trôi nhẹ nhàng lơ lửng. Chẳng hề có một lời than thở, chỉ thấy tình yêu chan chứa cùng thơ Bác vút bay lên. Còn đây nữa, suốt ngày trên đường đi, “mặc dầu bị trói chân tay”, thơ Bác vẫn rộn tiếng chim và vẫn ngát hương thơm cây cỏ.
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng.
(Trên đường đi)
Yêu thiên nhiên, Người càng yêu đời tha thiết. Thân bị tù đày, đêm đêm bị cùm, không manh chiếu ngả lưng, ngày này qua tháng khác bị giải đi khắp 13 huyện, 18 nhà lao. Nhiều lúc Người bị hành hạ rất kì quặc, đi thuyền mà bị “lủng lẳng chân treo tựa giáo hình”. Mặc dầu vậy, thơ Người vẫn ghi nhận được cảnh “làng xóm ven sông đông đúc thế’. Ngày đi bộ mấy chục dặm đường, áo quần mỏng manh, rách hết giày, khi thì “rát mặt đêm thu trận gió hàn”, khi thì “gió sắc tựa gươm mài đá núi, rét như dùi nhọn chích cành cây”, ta tưởng người tù sẽ gục ngã, rên rỉ. Nhưng không, đôi mắt ấm áp tình đời của Người vẫn thấy được cuộc đời xiết bao đáng yêutrong ánh lửa của “lò than đã rực hồng” nơi xóm núi heo hút; tấm lòng thắm tươi tình yêu cuộc sống của Người vẫn bay theo tiếng sáo của em bé chăn trâu trở về: “Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay”… Không những có tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời, tim Bác còn chứa chan niềm yêu thương đồng loại, sự cảm thông với những người cùng cảnh khổ, với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương tha thiết:
Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu.
Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi,
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.
(Người bạn tù thổi sáo)
Chỉ qua một tiếng sáo vi vu của người bạn tù, tình thương những thân phận khổ đau đã bùng lên mãnh liệt trong Người. Tình thương mênh mông của Người còn đi xa hơn tiếng sáo buồn của người tù để liên tưởng ngay đến cuộc sống đợi chờ khắc khoải của người vợ bạn, ngày ngày lên lầu ngóng chồng từ muôn dặm xa. Và Người như òa khóc theo em bé mới “vừa nửa tuổi” đã phải theo mẹ đến ở nhà pha:
Oa…! Oa…! Oa…!
Cha trốn không đi lính nước nhà
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi
Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
(Cháu bé trong nhà lao Tân Dương)
Trái tim mênh mông của Bác ôm “mọi kiếp người” (Tố Hữu), mà vẫn không quên cả những vật nhỏ bé tầm thường đã gắn bó với mình. Bài thơ về chiếc gậy đã nói với ta điều đó:
Suốt đời ngay thẳng lại kiên cường,
Dìu dắt nhau đi mấy tuyết sương.
Giận kẻ bất lương gây cách biệt,
Hai ta dằng dặc nỗi buồn thương.
Tấm lòng nhân hậu của thi nhân đã biến chiếc gậy vô tri vô giác thành người bạn tri kỉ, đã từng dìu dắt mình. Bác quý nó, không còn coi nó là đồ vật nữa. Và yêu nó nên khi bị “cách biệt”, Người mới buồn thương.
Ôi, tình yêu thương trong tấm lòng Bác thật mênh mông vô bờ!
Với ý chí sắt đá, với tình yêu thương bao la, thơ Bác đã gieo vào lòng em một cảm xúc sâu sắc và ấn tượng tốt đẹp. Nhật kí trong tù quả là một tác phẩm giàu ý nghĩa và có giá trị to lớn.
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.
Lời thơ của Hoàng Trung Thông đã giúp bạn đọc khẳng định thêm điều đó.
Leave a Reply