LUYỆN TẬP XÂY DỰNG ĐOẠN VĂN KỂ CHUYỆN
(Tiết 2 – Tuần 6)
Mục tiêu:
• Dựa vào hình ảnh và tình tiết cho sẵn. Học sinh viết được đoạn văn.
• Học sinh biết liên kết các đoạn văn đã viết thành cốt truyện.
• Viết bài văn kể chuyện một cách mạch lạc dựa trên đoạn văn và cốt truyện vừa xây dựng kết hợp tả ngoại hình nhân vật, mô tả vật dụng và khung cảnh nơi xảy ra câu chuyện.
I. Cốt truyện “Ba lưỡi rìu”:
1) Có chàng tiều phu hàng ngày kiếm củi trong rừng. Một hôm chàng đang đốn củi thì lưỡi rìu văng ra rơi xuống sông.
2) Bỗng một cụ già hiện ra hứa sẽ vớt rìu giúp. Chàng tiều phu vui mừng lạy tạ cụ già.
3) Cụ già lặn xuống sông. Lần thứ nhất, cụ vớt lên một lưỡi rìu bằng vàng. Chàng tiều phu nhận ra lưỡi rìu này không phải của mình.
4) Cụ già lặn xuống sông lần thứ hai. Lần này cụ trồi lên mang theo một lưỡi rìu bằng bạc. Chàng tiều phu không nhận lưỡi rìu bạc.
5) Cụ già lặn xuống sông lần thứ ba. Lần này cụ đem lên đúng lưỡi rìu sắt của chàng tiều phu. Chàng vui mừng xác nhận đúng là lưỡi rìu của mình.
6) Cụ già khen chàng tiều phu thật thà và tặng cho chàng ca hai lưỡi rìu vàng và bạc.
II. Dựa vào ý của từng hình ảnh, phát triển thành đoạn văn:
Học sinh nhìn vào tranh (SGK) phát triển ý của mỗi tranh và viết thành đoạn văn.
Chú ý: Các em cần miêu tả ngoại hình nhân vật (ông tiên, chàng tiều phu), mô tả đồ vật (lưỡi rìu vàng, lưỡi rìu bạc), tả khung cảnh (cây to, mặt nước sông).
Hình 1….Đoạn 1:
Ngày xưa có một chàng tiều phu khỏe mạnh, quanh năm suốt tháng chàng chỉ mặc độc có một chiếc quần cộc. Chàng tiều phu nghèo khổ nhưng chăm làm. Hằng ngày kiếm củi trên rừng để nuôi thân. Một hôm, chàng đang đốn một cây to thì lưỡi rìu văng ra, rơi tõm xuống sông.
Hình 2…..Đoạn 2:
Sông sâu. Chàng tiều phu không biết lặn đành rầu rĩ ngồi khóc. Bỗng, trên mặt nước sông mờ hơi sương, một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc một cái áo thụng màu xanh nước biển hiện ra cạnh chàng. Cụ già hứa sẽ vớt giúp cậu lưỡi rìu. Chàng trai vui mừng cảm tạ ông lão.
Hình 3 ….Đoạn 3:
Cụ già lặn xuống sông. Thoáng chốc, cụ trồi lên mặt nước, tươi cười giơ lên một lưỡi rìu bằng vàng. Lưỡi rìu vàng sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Chàng tiều phu thưa:
– Thưa cụ. lưỡi rìu này không phải của con.
Hình 4 ….. Đoạn 4:
Cụ già lặn xuống sông lần thứ hai. Một lát sau, cụ già nhô lên khỏi mặt nước, tay giơ cao một lưỡi rìu bằng bạc. Lưỡi rìu bạc sáng lóa dưới ánh nắng mai. Chàng tiều phu xua tay thất vọng:
– Thưa cụ, lưỡi rìu này cũng không phải của con ạ!
Hình 5……..Đoạn 5:
Cụ già gật gù ra ý vui lòng lặn xuống lần nữa. Chàng tiều phu ngồi trên bờ sông chờ đợi. Lần này, cụ già mang lên một lưỡi rìu sắt. Chàng tiều phu mừng rỡ reo to:
– Thưa cụ, đúng là lưỡi rìu của con đây rồi!
Hình 6 ……. Đoạn 6:
Cụ già cười hiền từ:
– Ta là thần sông ở đây thử xem tính tình con thế nào. Con quả thật thà, rất đáng khen. Ta cho con cả hai lưỡi rìu vàng bạc này để con có vốn sinh nhai.
Chàng tiều phu vui mừng lạy tạ cụ già. Cụ già biến mất. Dòng sông tĩnh lặng như cũ. Chàng tiều phu nhờ hai lưỡi rìu vàng và bạc ấy, sống sung sướng hơn xưa.
LUYỆN TẬP XÂY DỰNG ĐOẠN VĂN KỂ CHUYỆN
(Tiết 1 – Tuần 7)
Mục tiêu:
• Học sinh biết viết bổ sung các phần còn thiếu của một đoạn văn để hình thành ý và đoạn văn hoàn chỉnh.
• Học sinh nắm được kết cấu một đoạn kể chuyện dù nhỏ cũng có ba phần: mở đầu, diễn biến, kết thúc.
I. Cốt truyện “Vào nghề”:
1) Va-li-a được bố mẹ cho đi xem xiếc. Tiết mục “Có gái phi ngựa đánh đàn” đã làm cho Va-li-a mơ ước trở thành trở thành diễn viên biểu diễn tiết mục ấy.
2) Va-li-a xin vào rạp xiếc để học nghề. Em được giao quét dọn chuồng ngựa.
3) Va-li-a quét dọn chuồng ngựa, làm quen với chú ngựa và học phi ngựa.
4) Va-li-a trở thành diễn viên tiết mục “Có gái phi ngựa đánh đàn”.
II. Luyện tập:
Bạn Hà viết thư cả bốn đoạn của câu chuyện trên nhưng chưa viết được đoạn nào hoàn chỉnh. Em hãy giúp bạn hoàn chỉnh một trong các đoạn ấy:
a) Đoạn 1:
– Mở đầu: Giáng sinh năm mười một tuổi, Va-li-a được bố mẹ dẫn đi xem xiếc.
– Diễn biến: Tiết mục “Cô gái phi ngựa đánh đàn” do một cô bé trạc tuổi Va-li-a biểu diễn. Cô bé diễn viên xinh xắn, tài giỏi ấy đã thu hút được khán giả, nhất là Va-li-a.
– Kết thúc: Từ đó, lúc nào trong trí óc non nớt của Va-li-a cũng hiện lên hình ảnh cô diễn viên phi ngựa, đánh đàn. Em mơ ước một ngày nào đó cũng được như cô – phi ngựa và chơi những bản nhạc rộn rã.
b) Đoạn 2:
– Mở đầu: Rồi một hôm, rạp xiếc thông báo cần tuyển diễn viên. Va-li-a xin bố mẹ cho ghi tên học nghề.
– Diễn biến: Ông giám đốc rạp xiếc nhận ngay Va-li-a vào học nghề và giao cho em việc quét dọn chuồng ngựa. Va-li-a rất ngạc nhiên nhưng cô bé im lặng đồng ý.
– Kết thúc: Bác giám đốc gật đầu cười, bảo em: “Công việc của diễn viên phi ngựa, đánh đàn bắt đầu như thế đấy, cháu ạ. Cái tháp cao nào cũng phải xây từ mặt đất lên.”.
c) Đoạn 3:
– Mở đầu: Va-li-a bắt đầu học nghề diễn viên bằng việc quét chuồng ngựa và chăm sóc chú ngựa biểu diễn.
– Diễn biến; Những ngày đầu, Va-li-a rất bỡ ngỡ. Có lúc em nản chí. Nhưng cứ nhớ đến hình ảnh cô diễn viên phi ngựa, em lại thấy phấn chấn lên.
– Kết thúc: Một thời gian sau, cô bé đã quen việc, còn chú ngựa thì xem Va-li-a như một người bạn.
d) Đoạn 4:
– Mở đầu: Sau một thời gian chăm chỉ tập luyện, Va-li-a đã trở thành diễn viên tiết mục “Cô gái phi ngựa đánh đàn”.
– Diễn biến: Cứ mỗi lần Va-li-a bước ra sàn diễn, những tràng vỗ tay nồng nhiệt lại vang lên,chỉ trong nháy mắt, cô đã đứng trên lưng ngựa, tay ôm cây vĩ cầm. Rồi tiếng đàn cất lên. Vẻ thán phục lộ rõ trên khuôn mặt từng khán giả.
– Kết thúc: Thế là mơ ước trở thành diễn viên xiếc của Va-li-a trở thành hiện thực.
LUYỆN TẬP PHÁT TRIỂN CÂU CHUYỆN
(Tiết 2 – Tuần 7)
Mục tiêu:
Dựa vào nhân vật vật và tình huống đề bài cho, học sinh sắp xếp diễn biến câu chuyện theo trình tự thời gian và kể lại chuyện đó.
Đề bài: Trong giấc mơ, em được một bà tiên cho ba điều ước và em đã thực hiện cả ba điều ước đó. Hãy kể lại câu chuyện ấy theo trình tự thời gian.
I. Phân tích đề bài:
1. Yêu cầu của đề:
Kể lại một câu chuyện trong giấc mơ. Biết dẫn truyện và liên hệ giữa mơ và hiện thực. (Bà tiên cho ba điều ước và đã thực hiện)
– Nhân vật của câu chuyện trong mơ: bà tiên, em, những nhân vật khác (nếu có) trong việc thực hiện ba điều ước.
2. Giới hạn đề:
– Bà tiên cho ba điều ước.
– Ba điều ước đã được thực hiện.
– Kể lại việc bà tiên đến, cho điều ước. Thực hiện điều ước theo trình tự thời gian.
3. Liên hệ giữa mơ và hiện thực:
– Em nghĩ gì khi thức giấc? Em làm gì để điều ước trong mơ có thể trở thành hiện thực.
BÀI LÀM 1
Chủ nhật, em giúp mẹ phơi quần áo, lau nhà và nấu ăn. Cơm nước và rửa chậu bát xong, em khoan khoái ngã mình lên chiếc ghế dài nghỉ trưa.
Bỗng một bà tiên khoác chiếc áo trắng ngà có đính những hạt bạch ngọc lấp lánh bước vào nhà. Bà tiên có đôi mắt hiền từ và đôi môi đỏ như môi của công chúa Bạch Tuyết. Bà dịu dàng xoa đầu em:
– Con ngoan lấm. Biết giúp mẹ thế này là tốt. Ta thương cho con ba điều ước. Con có mong ước gì thì hãy nói với ta!
Nghĩ đến mẹ buôn bán tảo tần ở chợ xa, em ước mẹ có một cửa hàng nhỏ tại nhà. Thương bố vất vả đi làm từ sớm tới khuya mới về, phải đón xe buýt cực nhọc, em ước bố có một chiếc xe gắn máy cho tiện dụng. Bà em tuổi già hay bệnh và ho hoài. Em ước bà được hồng hào, khỏe mạnh và đứt những cơn ho.
Gian nhà em bỗng trở thành tiệm tạp hóa, bác bán hàng là mẹ em. Bà em mọi khi vẫn nằm trên giường trong buồng, bước ra giục em lo cơm chiều vì bố sắp đi làm về. Bà hồng hào, tươi tỉnh. Em sung sướng cầm tay bà:
– Bà ơi. Bà khỏe rồi hả bà?
Bố đi làm về. Cả nhà vui vẻ vì những câu chuyện bố kể. Bố cười to quá làm ánh sáng trắng do tà áo bạch ngọc của bà tiên phát ra vụt tắt. Em choàng tính dậy. Hoá ra, tất cả chỉ là một giấc mơ.
Em cố gắng học tập giỏi để sau này có nghề nghiệp vững vàng. Em sẽ dành dụm tặng ba mẹ một cửa tiệm tạp hoá như đã ước trong mơ. Còn bà, em sẽ chăm sóc bà thật tốt hơn nữa, để bà thoải mái, mau chóng khỏi bệnh.
BÀI LÀM 2
Hoàng hôn buông nhanh xuống mái nhà. Em dọn sạch nhà cửa, chuẩn bị cơm nước, học bài xong mà bố mẹ vẫn chưa về. Mưa lâm râm làm em bồn chồn ngóng bố mẹ.
Em nhìn ra cửa, lạ chưa, một bà tiên áo xanh đứng đó tự bao giờ. Bà tiên có khuôn mặt trái xoan, bàn tay trắng muốt thon dài như bàn tay của nghệ sĩ dương cầm. Bà tiên đến bên em mỉm cười, dịu dàng bảo:
– Con ngoan lắm. Ta cho con ba điều ước và con nhớ chỉ ước đúng ba điều thôi nhé!
Điều thứ nhất em mong trời ngừng mưa để ba mẹ đi làm về không bị ướt. Điều ước thứ hai em mong mẹ khỏi bệnh đau lưng. Điều thứ ba em mong em trở thành người lớn để giúp đỡ bố mẹ. Thoáng chốc, cả ba điều ước đều được thực hiện. Tiếng chuông gọi cửa làm em choàng tỉnh. Hoá ra đó chỉ là giấc mơ.
Ba mẹ em đi làm về không bị ướt mưa. Trời đã tạnh từ lúc nào. Một trong ba điều ước bà tiên tặng đã trở thành hiện thực. Em sẽ cố gắng giúp đỡ mẹ bớt công việc nhà và học giỏi để biến hai điều ước còn lại thành hiện thực.
LUYỆN TẬP PHÁT TRIỂN CÂU CHUYỆN
(Tiết 1 – Tuần 8)
Mục tiêu:
• Học sinh biết viết đúng quy định từng phần của đoạn văn trong truyện kể.
• Học sinh nắm được trình tự sắp xếp trong đoạn văn, nhận biết được câu mở đầu trong đoạn văn và vai trò của nó.
• Học sinh biết kể lại câu chuyện các em đã học, đã đọc hay đã chứng kiến theo diễn biến trình tự thời gian.
I. Viết câu mở đầu cho đoạn văn:
Bài tập: Dựatheo cốt truyện “Vào nghề”, hãy viết lại câu mở đầu cho từng đoạn văn.
BÀI LÀM
Câu mở đầu cho từng đoạn văn trong truyện kể “Vào nghề” có thể viết lại như sau:
Đoạn 1:
Giáng sinh năm ấy, Va-li-a tròn mười một tuổi. Cô bé được bố mẹ đưa đi xem xiếc.
Đoạn 2:
Rồi rạp xiếc treo bảng tìm diễn viên. Va-li-a xin bố mẹ cho em học nghề diễn viên xiếc.
Đoạn 3:
Ngày ngày, Va-li-a dọn chuồng ngựa sạch sẽ và làm bạn với chú ngựa diễn.
Đoạn 4:
Sau một thời gian học tập, rèn luyện, Va-li-a trở thành diễn viên xiếc.
II. Quy định sắp xếp của đoạn văn. Vai trò của câu mở đầu trong đoạn văn:
1) Các đoạn văn được sắp xếp theo trình tự thời gian: việc xảy ra trước kể trước, việc xảy ra sau kể sau.
2) Các câu mở đầu của đoạn văn có vai trò thể hiện sự tiếp nối về thời gian và để nối đoạn văn sau với đoạn văn trước đó.
III. Luyện tập:
Kể lại một câu chuyện em đã học (qua bài tập đọc, kể chuyện, tập làm văn), trong đó, các sự việc được sắp xếp theo trình tự thời gian.
Phân tích đề bài:
1) Yêu cầu:
– Kể một câu chuyện đã học (được chọn tùy ý trong chương trình đã học).
– Truyện kể không bắt buộc theo chủ đề nhất định.
– Nội dung câu chuyện phải được sắp xếp theo trình tự thời gian.
2) Giới hạn đề:
– Các câu chuyện kể nằm trong chương trình tập đọc, kể chuyện, tập làm văn đã học từ trước, không chọn kể chuyện đọc ngoài chương trình học.
BÀI LÀM 1
(Gà Trống và Cáo)
Trong khu nọ, có một anh Gà Trống rất tinh khôn và một gã Cáo xảo quyệt, ranh ma.
Một lần,gặp Gà Trống đứng vắt vẻo trên cành, Cáo tính kế bắt Gà Trống để ăn thịt. Cáo đon đả nói với Gà Trống:
– Chào anh bạn quý, mời anh xuống đây để tôi thông báo tin tốt lành này: muông thú trong rừng này từ rày sẽ kết thân nhau. Chúng ta không săn bắt lẫn nhau. Đây qua là một hạnh phúc lớn. Tôi xin được hôn anh để bày tỏ tình thân và lòng sung sướng của mình!
Gà Trống biết: “Gã Cáo chỉ lừa phỉnh mình để chộp mà nhai thôi. Gã Cáo quả che giấu dã tâm của mình bằng lời phủ dụ lịch sự. Ta phải cho gã Cáo rơi cái mặt nạ giả dối này mới được!”. Nghĩ vậy,Gà Trống từ tốn đáp:
– Xin cảm ơn anh đã nhọc công thông báo tin tốt lành. Gà và Cáo sống chung quả là chuyện chưa từng có trên đời. Tin mừng này thật sự đáng trân trọng, sửng sốt. Kìa, ở trên ngọn cây cao này, tôi nhìn thấy cặp chó săn đang chạy lại đây, chắc là để loan tin này.
Nghe đến chó săn, gã Cáo hồn xiêu phách lạc, quắp đuôi, chạy biến vào rừng sâu.
Gà Trống cất tiếng cười khoái chí:
– Rõ là nhà người dối trá ta mà mắc mưu ta. Cáo ơi, mày có khôn ngoan xảo quyệt cũng không làm gì được ai đâu vì không ai dám nghe lời ngon ngọt của một kẻ ranh ác như mày.
BÀI LÀM 2
(Sự tích hồ Ba Bể)
Hồi xưa, ở xã Nam Mầu, tỉnh Bắc Kạn nước ta có mở lễ hội cúng Phật. Mọi người trong làng nô nức đi dự lễ, ai nấy cũng đều cung kính dâng hương, dâng quả để cầu phúc.
Hôm ấy,ở đám hội,bỗng có một bà lão ăn xin không biết từ đâu đến. Bà lão gầy còm,lở loét, khoác một manh áo rách tơi tả. Người bà toát mùi hôi thối, mắt bà kèm nhèm. Bà lão vừa chống gậy vừa phều phào: “Đói lắm, cầu xin các ông các bà cho già chén cháo.”. Bà lão ăn xin ấy lê chân đến đâu, người ta xua đuổi bà đến đó. Bà rời đám hội đi lần vào làng. May sao, đến ngã ba đường, bà già ăn xin ấy gặp hai mẹ con bà góa cấy xong đám ruộng đang sửa soạn về nhà. Thấy thương tình cảnh của bà lão, mẹ con bà góa đưa bà lão về nhà rồi nhường phân cơm ít ỏi của mình cho bà lão ăn. Sập tối, hai mẹ con bà góa sửa soạn đi ngủ thì bà lão ăn xin gõ cửa xin ngủ nhờ. Nhà chỉ có một manh chiếu nên mẹ con bà góa dồn vào ngủ trong nhà để bà lão nằm ở chõng tre trước hiên nhà. Nửa đêm, tính giấc, bà góa thấy trước hiên nhà sáng rực, lấy làm lạ, bà bước ra xem. Bà góa rụng rời khi nhìn thấy trên chiếc chõng tre là một con Giao Long to lớn đang nằm ngủ, đầu gác lên xà nhà. Đuôi trải trên chõng tre thòng xuống tận đất. Bà góa sợ quá vào nhà nằm im chờ sáng. Trời hửng sáng, bà góa ra khỏi giường, bà chẳng thấy con Giao Long đâu cả. Trên chõng tre, bà lão ăn xin ngồi đó hiền lành như chưa có chuyện gì lạ đêm hôm. Bà lão ăn xin gọi bà góa đến rồi bảo: “Chúng nó thờ Phật mà kì thực chỉ buôn Phật. Chúng nó phải bị trừng phạt. Chỉ có mẹ con nhà bà biết thương người cùng khổ, bệnh tật. Thương mẹ con bà hiền lành, ta cho bà gói tro này đem rắc xung quanh nhà. Hãy cất giữ thức ăn lúa gạo phòng khi lũ lụt lớn xảy ra.”. Bà góa tần ngần thưa: “Còn mọi người có việcgì thì làm sao cứu giúp?”. Bà lão ăn xin thò tay vào túi áo lấy ra hai mảnh vỏ trấu đưa cho bà góa: “Khen cho bà có lòng thiện. Hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp hai mẹ con bà cứu người!”. Nói xong, bà lão biến mất. Đêm hôm ấy, lễ hội cúng Phật càng đông người đi lễ. Đang lúc lễ hội nghi ngút hương khói thì đột nhiên giữa sân vọt lên một vòi nước. Tia nước phun ngày một mạnh. Tưởng là phép thần của Trời, Phật, người ta càng quỳ sụp lạy xin. Tia nước ngày một phun mạnh hơn, nước chảy lênh láng, dâng ngập khắp nơi. Tia nước to lên rồi làm mặt đất sụp lở, lũ dữ dội cuốn phăng tất cả. Đêm đó, mưa to gió lớn bẻ gãy cây rừng, đất lở ầm ầm, nước phủ mênh mông. Lạ lùng sao, nước dâng đâu, nhà bà góa dâng cao đến đấy. Đau xót trước cảnh người, vật bị cuốn phăng, mẹ con bà góa đem hai mảnh vỏ trấu ra. Vừa thả xuống nước, hai mánh vỏ trấu lập tức biến thành hai chiếc thuyền. Hai mẹ con bà góa chèo thuyền đi cứu vớt người bị nạn.
Chỗ đất lở do thần Giao Long phạt dân trở thành cái hồ lớn ngày nay chính là hồ Ba Bể. Còn nhà bà góa chính là cái gò cao giữa hồ, người ta đặt tên cho gò đất ấy là Gò Bà Góa.
LUYỆN TẬP PHÁT TRIỂN CÂU CHUYỆN
(Tiết 2 – Tuần 8)
Mục tiêu:
• Học sinh biết kể lại câu chuyện theo trình tự thời gian (có thể dùng lời dẫn gián tiếp).
• Học sinh biết kể lại câu chuyện khi nhiều sự việc xảy ra theo trình tự không gian.
• Phân biệt được trình tự các sự việc trong khi kể chuyện, biết dùng từ ngữ nối hai đoạn (chuyển ý khi dẫn chuyện).
I. Kể chuyện theo thứ tự trình tự thời gian:
Đề bài: Dựa theo nội dung trích đoạn kịch “Ở vương quốc tương lai” (bài tập đọc. tuần 7). Hãy kể lại câu chuyện ấy theo trình tự thời gian.
Chú ý: “Vương quốc tương lai” là đoạn kịch trích dẫn. Cuối đoạn kịch này không có lời dẫn hay đối thoại cho phần kết. Các em cần nắm nội dung đoạn kịch thể hiện ước mơ của con người vô một thế giới tương lai hạnh phúc. Thế giới đó được thực hiện do các em bé tương lai. Do đó, phần kết của câu chuyện này học sinh tự viết theo lời người dẫn truyện.
BÀI LÀM 1
(Kể chuyện bằng lời dẫn trực tiếp)
Tin-tin và Mi-tin được bà tiên giúp đỡ đã đến thăm Vươngquốc tương lai.
Hai bạn lần lượt đi thăm các nơi. Đầu tiên Tin-tin và Mi-tin đến thăm Côngxưởng xanh. Hai bạn gặp những em bé sắp ra đời có những máy móc mà hiện nay Trái Đất chưa có. Tin-tin trông thấy một cái máy giống như đôi cánh, cậu hỏi Em bé thứ nhất:
– Cậu đang làm gì với đôi cánh xanh ấy?
Em bé thứ nhất trả lời:
– Mình sẽ dùng nó vào việc sáng chế trên Trái Đất.
Tin-tin hỏi:
– Cậu sáng chế cái gì?
Em bé thứ nhất cho Tin-tin biết là em sẽ chế tạo ra một vật làm cho con người hạnh phúc. Mi-tin không nén nổi tò mò:
– Vật đó ăn ngon chứ? Nó có ồn ào không?
Em bé thứ nhất bảo:
– Nó không ồn ào. Mình chế sắp xong rồi, cậu muốn xem không?
Tin-tin thích thú:
– Có chứ! Nó đâu?
Lúc ấy, Em bé thứ hai chen vào:
– Cậu có muốn xem vật mình sáng chế không?
Tin-tin nói ngay:
– Có chứ! Cái gì đấy?
Em bé thứ hai vui vẻ:
– Có ba mươi vị thuốc trường sinh ở kia, trong những chiếc lọ xanh.
Tin-tin và Mi-tin thấy chung quanh mình nhiều máy sáng chế, dược phẩm,chai lọ. Liền lúc ấy, em bé thứ ba từ trong đám đông đi ra. Người em tỏa một thứ ánh sáng lạ thường, em bé nói:
– Mình mang đến một thứ ánh sáng mà chưa ai biết cả. Thật kì lạ, phải không?
Em bé thứ tư kéo tay Tin-tin:
– Hãy lại đây xem cái máy của mình này, nó biết bay trên không như một con chim,
Tin-tin chưa kịp nói gì thì Em bé thứ năm bảo:
– Khoan đã. Cậu hãy xem cái máy của mình trước đã. Nó biết dò tìm những kho báu còn giấu kín trên Mặt Trăng.
Sau khi xem hết các loại máy móc, Tin-tin và Mi-tin đến thăm khu vườn kì diệu. Nho ở đây to lạ lùng, mỗi trái nho to bằng một trái lê hiện nay. Tin-tin buột miệng:
– Chùm lê đẹp quá!
Em bé cầm nho nói đúng hơn là treo nho trên đầu cây gậy – bảo em đã tìm ra cách trồng và chăm sóc nho to như vậy và còn cho biết kết quả nghiên cứu của em chỉ được công bố khi em ba mươi tuổi. Một em bé khác bê một sọt qua giốngquả táo nhưng to như quả dưa hấu dến. Tin-tin liền hỏi:
– Dưa đỏ, phải không cậu?
Em bé cầm táo trả lời:
– Không, táo đấy! Nhưng đây chưa phải là loại to nhất đâu. Khi mình ra đời,mình sẽ giúp mọi người trồng những loại táo to như thế này.
Chưa hết ngạc nhiên trước những quả táo to như dưa hấu, Tin-tin và Mi-tin thấy một em bé đẩy chiếc xe chất đầy những quá dưa to như quả bí đỏ. Em vừa đi vừa giới thiệu:
– Đây là sản phẩm của mình.
Tin-tin dè dặt nói:
– Mình như bao giờ thấy những quả bí đỏ to như thế này!
Em bé giải thích:
– Không phải bí đỏ đâu. Đây là dưa. Khi mình ra đời, mình sẽ trồng những quả dưa to như thế này nè!
Vương quốc tương lai là một thế giới hạnh phúc do các em bé tương lai xây dựng. Tin-tin và Mi-tin trở về thế giới hiện thực với tâm trạng vui vẻ, yêu đời và tin tưởng một tương lai loài người sẽ hạnh phúc hơn nhiều.
• Các em có thể kể câu chuyện trên bằng lời dẫn gián tiếp, như thế bài văn kể chuyện sẽ ngắn gọn hơn. Khi kể bằng lời dẫn gián tiếp, các em chỉchọn dẫn các câu nói tiêu biểu của các nhân vật, không nhất thiết phải dẫn hết tất cả các câu nói.
BÀI LÀM 2
(Kể chuyện bằng lời dẫn gián tiếp)
Được sự giúp đỡ của bà tiên, Tin-tin và Mi-tin đến thăm Vương quốc tương lai.
Trước tiên hai bạn đến thăm Công xưởng xanh. Ở đây sản xuất các loại máy móc, thuốc men cho thế giới tương lai do các em bé sắp ra đời sáng chế. Tin-tin trông thấy một cái máy như đôi cánh xanh, cậu lấy làm thắc mắc thì được em bé thứ nhất cho biết em dùng máy đó để chế tạo một vật làm cho con người hạnhphúc. Mi-tin chỉ cảm nhận hạnh phúc khi ăn. Cái tính háu ăn làm cậu ta hỏi liền xem vật đó ăn có ngon không, có ồn ào không? Em bé thứ nhất mời hai bạn xem vật đó và cho biết nó không ồn ào gì cả. Tin-tin háo hức đòi xem nhưng chưa kịp xem thì em bé thứ hai chen vào. Em bé ấy muốn cho hai bạn xem sáng chế của mình: đó là ba mươi vị thuốc trường sinh đặt ở những cái lọ xanh. Đặc biệt là em bé thứ ba mang theo một thứ ánh sáng lạthường chưa ai biết cả. Em bé thứ tư kéo tay Tin-tin khoe một thứ máy biết bay như một con chim. Liền lúc ấy, em bé thứ năm cho hai bạn xem một thứ máy biết dò tìm các kho báu còn giấu kín trên Mặt Trăng.
Rời Công xưởng xanh, hai bạn tham quan khu vườn kì diệu. Các em bé ở đây lần lượt cho hai bạn xem các loại quả do các em sẽ thực hiện. Em bé trồng nho có những quả nho to như quả lê, to đến nỗi phải treo trên đầu gậy mang đi. Công trình đó chỉ được công bố khi em đó ba mươi tuổi. Mi-tin lạ lẫm vô cùng khi thấy quả táo to như quả dưa hấu thì được em bé trồng táo cho biết còn có quả to hơn nữa vì đây chưa phải là loại to nhất. Chưa hết kinh ngạc vì táo, hai bạn lại sửng sốt trước những quả dưa to như quả bí đỏ được em bé có dưa vừa giới thiệu sản phẩm của mình, vừa giải thích cho hai bạn.
Tin-tin và Mi-tin đã được tham quan những thành tựu mới của Vương quốc tương lai. Hai bạn trở về thế giới hiện thực với một niềm tin con người sẽ sống hạnh phúc hơn trong tương lai nhờ vào các phát minh kì diệu của các em bé sắp ra đời.
II. Kể chuyện theo trình tự không gian
Đề bài: Giả sử các nhân vật Tin-tin và Mi-tin trong câu chuyện “Ở vương quốc tương lai” không cùng nhau lần lượt đi thăm Công xưởng xanh và Khu vườn kì diệu mà cùng lúc mỗi người tới thăm một nơi. Em hãy kể lại hướng đó.
Chú ý giới hạn đề bài:
• Tin-tin và Mi-tin mỗi bạn đến thăm một nơi. Nghĩa là hai chuỗi sự việc cùng diễn ra trong một thời điểm. Thế nghĩa là hành động và lời nói của mỗi bạn chỉ có thể diễn ra ở một nơi, nơi bạn đó đang hiện diện. Trong trường hợp này, để đảm bảo sự việc xảy ra ở mỗi nơi được kể lại đầy đủ, có thể nhắc đến người vắng mặt bằng sự liên tưởng của người đang hiện diện hoặc để cho nhân vật hiện diện nhắc đến người vắng mặt như một người tham dự sự việc ở vị trí thứ ba trong truyện kể.
BÀI LÀM 1
(Dùng lời dẫn trực tiếp)
Tin-tin và Mi-tin đến thăm Vương quốc tương lai với sự giúp đỡ của bà tiên.
Để rút ngắn thời gian hoàn thành sứ mạng của mình, hai bạn chia nhau đi thăm mỗi người một nơi. Tại Công xưởng xanh, Tin-tin nhìn thấy một cái máy giống như đôi cánh màu xanh. Chẳng biết cái máy dùng làm gì, Tin-tin hỏi em bé thứ nhất:
– Cậu làm gì với cái máy trông như đôi cánh này?
Em bé thứ nhất trả lời:
– Mình sẽ dùng nó để chế tạo ra một thứ máy làm cho người ta hạnh phúc hơn!
Tin-tin nghĩ đến hạnh phúc của Mi-tin khi Mi-tin được ăn no. Chắc là có nó ở đây thế nào nó cũng thắc mắc “cái máy hạnh phúc” có ăn được không. Tin-tin đang nghĩ ngợi thì em bé thứ nhất mời:
– Cậu có muốn xem cái máy ấy không?
Tin-tin nhanh nhẹn đáp:
– Có chứ! Nó đâu?
Liền lúc ấy em bé thứ hai hỏi Tin-tin:
– Cậu có muốn xem phát minh của mình hay không?
Tin-tin nói ngay:
– Có chứ, cái gì thế?
– Đó là ba mươi vị thuốc trường sinh trong những cái lọ xanh kia! – Em bé thứ hai bảo.
Giữa đám đông, em bé thứ ba bước ra mang theo một thứ ánh sáng kì lạ:
– Mình mang đến một thứ ánh sáng lạ thường đúng không?
Chưa hết, em bé thứ tư kéo tay Tin-tin:
– Hãy xem cái máy biết bay như chim của mình đây.
Em bé thứ năm cũng tranh thủ nói về sáng chế của mình:
– Khoan đã. Cậu hãy xem cái máy dò tìm những kho báu còn giấu trên Mặt Trăng của mình đã.
Trong lúc Tin-tin đến thăm Công xưởng xanh thì Mi-tin cũng thăm Khu vườn kì diệu. Mi-tin gặp một em bé treo chùm nho trên đầu cây gậy. Mỗi trái nho to như trái lê. Cái mũi thính của Mi-tin biết ngay đây là nho nhưng chắc gặp Tin-tin thì thế nào cậu ấy cũng buột miệng: “Chùm lê đẹp quá!”. Quả đúng như Mi-tin đoán, em bé có nho tự hào khoe:
– Nho đấy! Khi nào mình ra đời mình sẽ trồng những quả nho to như thế này. Phát minh này chỉ được công bố khi mình ba mươi tuổi thôi!
Mi-tin thấy những quả táo to như những quả dưa hấu chất đầy trên xe đẩy, Mi-tin ngớ ngẩn hỏi:
– Dưa đỏ, phải không?
– Không phải. Táo đấy – Em bé có táo trả lời – nhưng chưa phải là quả táo to nhất đâu. Khi nào ra đời, mình sẽ giúp mọi người trồng những quả táo to như thế này.
Chưa hết ngạc nhiên, Mi-tin thấy một em bé đẩy một xe, quả nào quả nấy to như quả bí đỏ. Em bé vừa đi vừa giới thiệu:
– Sản phẩm của mình đấy: dưa đỏ. Khi mình ra đời mình sẽ trồng dưa to như vậy nè.
Cả Tin-tin và Mi-tin trở về thế giới hiện thực cùng một lúc. Hai bạn trao đổi thông tin cho nhau và cùng đồng ý là tương lai con người sẽ sống hạnh phúc hơn nhờ những em bé sắp ra đời rất thông thái ở Vương quốc tương lai.
BÀI LÀM 2
(Dùng lời dẫn gián tiếp)
Trên đường tìm đến xứ sở có con Chim Xanh làm thuốc cứu bệnh cho một người bạn hàng xóm, Tin-tin và Mi-tin được bà tiên giúp đỡ, hai bạn đến Vương quốc tương lai.
Tin-tin đến thăm Công xưởng xanh. Cậu nhìn thấy một cái máy có hình giống như đôi cánh xanh. Còn đang thắc mắc thì cậu được Em bé thứ nhất cho biết đó là phát minh của em, em bé sẽ dùng cái máy ấy để sản xuất một thứ máy làm cho con người hạnh phúc hơn. Nhớ là Mi-tin luôn cho hạnh phúc là khi được ăn no, Tin-tin nghĩ nếu có Mi-tin ở đây thì cái tính háu ăn sẽ khiến cậu ta bật hỏi ngay là cái máy ấy có ăn được không rồi có ồn ào không cho mà xem. Tin-tin hào hức muốn biết xem cái máy ấy thế nào nên hỏi Em bé thứ nhất cái máy đó ở đâu. Liền đó, Em bé thứ hai cho Tin-tin xem sáng chế của em: đó là ba mươi vị thuốc đựng trong những cái lọ xanh. Rồi đột nhiên, Em bé thứ ba đi ra khỏi đám đông, em mang theo một thứ ánh sáng lạ thường. Em bé thứ tư kéo tay Tin-tin để cho Tin-tin xem một thứ máy biết bay như chim. Em bé thứ năm còn có một thứ máy tối tân hơn nữa, máy đó có thể dò tìm kho báu trên Mặt Trăng.
Cùng lúc với Tin-tin thăm Công xưởng xanh, Mi-tin khám phá nhiều thứ quả to dị thường ở Khu vườn kì diệu. Nào là nho to như quả lê, không cầm nổi, phải treo trên đầu cây gậy. Nho to và giống lê thế này thế nào Tin- tin cũng sửng sốt tưởng là lê rồi khen lê đẹp cho mà coi – Mi-tin nghĩ thầm. Em bé có nho bảo là em sẽ giúp mọi người trồng nho to như thế này nhưng chỉ khi nào em ba mươi tuổi thôi. Rồi Mi-tin trông thấy em bé đẩy xe đầy những quả táo to như những quả dưa đỏ, nó khiến cậu bật hỏi xem phải là dưa đỏ không. Em bé có dưa đỏ vui vẻ giải thích đó là táo. Em còn nhắc thêm đó chưa phải là loại táo to nhất, còn có loại táo to hơn đó nữa. Chưa hết kinh ngạc vì táo. Mi-tin nom thấy một chiếc xe đẩy chất đầy dưa nhưng quả nào quả nấy to như quả bí đỏ. Tin-tin có mặt ở đây thì cậu ấy nói gì nhỉ? Mi-tin chắc chẳng dám chắc là dưa vì dưa đâu có tỏa mùi như nho. Mi-tin chẳng thể thông báo cho Tin-tin cảm nhận mùi của mình được thì Tin-tin chắc phải hỏi thăm dè dặt xem đó có phải là bí đỏ không. Mi-tin không phải nghĩ ngợi lâu, cậu được em bé có dưa giải thích ngay đây là dưa chứ không phải là bí đỏ.
Như đã hẹn trước, hai bạn trở về thế giới hiện thực ngay khi xem xong những điều kì thú của Vương quốc tương lai. Hai bạn đều hết lời khen các em bé sắp ra đời thật thông thái. Cả hai đều tin tưởng con người sẽ hạnh phúc hơn trong tương lai.
III. Luyện tập:
Cách kể chuyện trong bài tập 2 có gì khác với cách kể chuyện trong bài tập 1.
Điểm phân biệt | Bài tập 1 | Bài tập 2 |
a) Về trình tự sắpxếp của sự việc | – Kể theo trình tự thời gian. | – Kể theo trình tự không gian. |
b) Về những từngữnối hai đoạn.
| – “Sau khi tham quan Công xưởng xanh, hai bạn đến khu vườn kì diệu”. – “Rời Công xưởng xanh, hai bạn đến Khu vườn kì diệu.’’ | – “Trong lúc Tin-tin thăm Công xưỏng xanh thì Mi-tin thăm Khu vườn kì diệu”. – “Cùng lúc với Tin-tin thăm Công xưởng xanh, Mi-tin khám phá Khu vườn kì diệu.” |
LUYỆN TẬP PHÁT TRIỂN CÂU CHUYỆN
(Tiết 1 – Tuần 9)
Mục tiêu:
• Biết chuyển nội dung kịch sang chuyện bằng lời dẫn gián tiếp.
• Kể lại chuyện theo phân đoạn gợi ýở SGK.
I. Đọc trích đoạn “Yết Kiêu”:
(SGK Tiếng Việt 4, tập 1, Trang 91 – 92)
II. Dựa vào đoạn kịch, hãy kể lại câu chuyện “Yết Kiêu”.
BÀI LÀM
Giặc Nguyên sang xâm lược nước ta. Trước cảnh nước mất nhà tan. Yết Kiêu quyết định đầu quân diệt giặc.
Chàng thưa cha cho mình lên kinh đô để yết kiến đức vua, xin vua cho cống hiến tài năng của mình giúp quân dân diệt giặc. Cha chàng tần ngần không muốn cho chàng đi vì ông tàn tật. Có mỗi mụn con là Yết Kiêu. Hiểu tâm trạng của cha. Nhưng nước mất thì nhà tan. Yết Kiêu thuyết phục cha cho mình lên kinh đô. Cha Yết Kiêu hiểu ýchí của con, vui lòng để chàng ra di.
Yết Kiêu đến kinh đô, chàng ra mắt vua Trần Nhân Tông. Nhà vua vui mừng tiếp nhận chàng và cho chàng chọn binh khí. Yết Kiêu chỉ xin một chiếc dùi sắt. Đức vua rất ngạc nhiên, ngài hỏi Yết Kiêu dùng loại binh khí đơn giản ấy để làm gì. Yết Kiêu tâu vua biết là chàng có biệt tài lặn hàng giờ dưới nước. Vì thế chàng sẽ đục thủng thuyền giặc, làm thuyền giặc đắm mà chúng không hề hay biết. Kinh ngạc và mừng rỡ, Vua Trần hồi Yết Kiêu ai đã dạy chàng tài nghệ phi thường ấy. Yết Kiêu tự hào tâu lên vua rằng ông chacủa chàng cha truyền con nối đều có biệt tài này vì ông của Yết Kiêu là một người yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Đức vua cho đúc ngay dùi sắt để Yết Kiêu nhanh chóng ra trận.
Trong khi ấy,tại quê nhà, người cha già thân yêu của Yết Kiêu mong ngóng và tin tưởng, chờ ngày con trai thắng trận trở về.
>> CÁC BẠN CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ XEM THÊM NHỮNG BÀI VĂN HAY NỮA NHÉ <<
Leave a Reply