Giới thiệu bài văn bia Hiền tài là nguyên khí quốc gia của Thân Nhân Trung.
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
Khi người nông dân Việt Nam bán đi con trâu cuối cùng trong nhà để lo cho con cái mình ăn học thành tài, nên người cũng là lúc họ ý thức rất rõ về giá trị của việc học. Truyền thống hiếu học ấy chảy từ nguồn cội, có trong tâm hồn và có minh chứng trong lịch sử. Dấu ấn văn hóa, lịch sử ấy in đậm trong văn bia đề danh tiến sĩ mà bài văn bia Hiền tài là nguyên khí quốc gia của Thân Nhân Trung là tiêu biểu nhất.
II. THÂN BÀI
A. GIỚI THIỆU CHUNG
– Đoạn trích thuộc phần giữa tác phẩm nguyên có tên là Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa tiến sĩ đề danh kí (Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba).
– Là một trong 82 bài Văn bia ở Văn Miếu Hà Nội, do Tiến sĩ Thân Nhân Trung (người Yên Ninh – Bắc Giang, đỗ tiến sĩ năm 1469)viết năm 1484 thời Hồng Đức.
– Bài kí này giữ vai tròquan trọng như một lời tự chung cho cả 82 tấm bia ở Văn Miếu Hà Nội.
B. NỘI DUNG
1. Vai trò quan trọng của hiền tài
– Hiền tài: người tài cao, học rộng và có tàiđức.
– Nguyên khí: chất làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội.
– Người tài giỏi và có đạo đức là nền tảng, là động lực cho sự phát triển của đất nước: nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh…
2. Những vị vua tài năng, sáng suốt luôn lấy việc bồi dưỡng nhân tài làm trọng, khi có được người tài thì Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất.
– Đề cao bằng tước trật (chức tước và cấp bậc).
– Ban ân rất lớn: ban cho danh hiệu (ban danh hiệu Long hổ: danh hiệu tiến sĩ), danh tiếng (nêu tên ở tháp Nhạn), ban cho của cải, bày tiệc Văn Hỉ để tỏ niềm vui mừng.
3. Lí do dựng bia đề danh Tiến sĩ
Lời khen tiếng thơm chưa đủ lưu vẻ sáng lâu dài, cho nên lại dựng bia đá đề danh đặt ở cửa Hiền Quan.
– Là động lực cho kẻ sĩ trông vào mà phấn đấu, rèn luyện gắng sức giúp vua.
– Được đề cao đúng mực, kẻ sĩ sẽ đem hết tài sức mình giúp vua.
– Kẻ gian ác dù tài giỏi mà không có đạo đức, nhìn thấy bia thì lấy đó làm việc răn mình (nghĩa là phải sống sao cho xứng với danh thơm tiếng tốt khi đã được đề danh).
– Người thiện nhìn bia để hoàn thiện hơn nhân cách, tài năng, củng cố vận mệnh đất nước.
C. NGHỆ THUẬT
1. Kết cấu đầu cuối đoạn trích có sự tương ứng và nâng cao về ý. Mở đầu khẳng định vai trò “nguyên khí” của hiền tài đối với quốc gia, kết thúc khẳng định vai trò củng cố mệnh mạch cho nhà nước. Kết cấu này tạo sự chặt chẽ trong lập luận, thuyết phục người đọc về vai trò trọng yếu của hiền tài đối với đất nước.
2. Tuy lí giải về mục đích dựng văn bia nhưng cách lập luận chứa đựng quan điểm về hiền tài. Cách lồng ghép này tạo sự sinh động và thuyết phục cho lập luận. Lập luận, lí lẽ sâu sắc, lời văn hàm súc khơi gợi lòng tự trọng và ý chí phấn đấu của kẻ sĩ.
III. KẾT BÀI
Văn bia đề danh tiến sĩ là niềm tự hào về truyền thống hiếu học và coi trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam. Đoạn trích Hiền tài là nguyên khí quốc gia khơi gợi tinh thần học tập, công hiến cho đất nước, cho tuổi trẻ hôm nay.
Leave a Reply