>> CÁC BẠN CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ LỰA CHỌN NHỮNG BÀI VĂN HAY NỮA NHÉ <<
Bình luận bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
Bài làm
Chúng ta đã được đọc nhiều áng thơ hay về tình yêu quê hương, tình cảm gia đình. Có người thích vẻ đẹp thiết tha, nồng nàn của Tế Hanh ở bài Quê hương. Có người yêu sự mộng mơ, lãng mạn của tình mẹ con trong bài Mây và Sóng của Ta-go… Riêng tôi, tôi đồng cảm cùng tình bà cháu nồng đượm, đằm thắm trong bài Bếp lửa của Bằng Việt.
Bếp lửa là một bài thơ của nỗi nhớ về một bếp lửa tuổi thơ, nhớ rành rọt, nhớ ngọn ngành. Không dễ gì mà biết nhớ như vậy. Nhà thơ đã thổi bùng lên một bếp lửa ấp iu nồng đượm trong kí ức để hiện lên mối tình bà cháu đẹp như trong truyện cổ tích.
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa,
Trong thơ văn, còn có mối tình bà cháu nào cảm động hơn? Mối tình bà cháu như một dòng sông, dòng sông êm đềm và trong vắt, một dòng sông chở đầy kỉ niệm: một bếp lửa và một làn sương sớm. Tiếng tu hú và giọng kể chuyện của bà.
Rồi những ngày đói khổ làm nhòa mắt đứa cháu còn bé… Và kỉ niệm này xin để nguyên khôi, không dám lược bớt:
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu, nhà thơ nói thế, chúng ta cũng thấy cay sống mũi. Những kỉ niệm trôi theo một nhạc điệu tâm tình âm ỉ, thầm thì, triền miên như nỗi nhớ. Dòng sông êm đềm và trong vắt vẫn âm thầm chảy. Chúng ta được dạo trên chiếc thuyền thơ với một tay lái khoan thai, chúng ta đang say mê với những kỉ niệm thì thấy biển cả hiện ra trước mắt!
Dòng sông của tình bà cháu đã đổ vào biển cả của tình yêu nước. Biển yên sóng lặng thôi, nhưng cũng bát ngát sâu thẳm.
Năm giặt đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh
Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen…
Mấy câu thơ chẳng có gì là kĩ xảo, chẳng có gì là gọt tỉa, giản dị như lời nói thường thôi: như được nghe chính lời bà thủ thỉ, như có một thứ gió lạ kì lay động tâm hồn ta mãi. Đứa cháu có nghĩa có tình đã biết đã quý điều bà thường cất giấu kín đáo trong rương trong hòm. Và chính ánh sáng của những thứ của quý đó đã từng rọi vào tâm hồn thơ bé của đứa cháu, nhóm dậy, nhóm dậy, nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ. Nhịp thơ trở nên xốn xao như sự sống sinh đôi, như cây non xòe lá, như chim non chớp cánh.
Rồi đứa cháu lớn vụt lên, bay bổng:
Giờ cháu đã đi xa.
Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?
Những năm tháng sống ở nước ngoài, giữa ngọn khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả, giữa những hoa mĩ, dễ hấp dẫn lòng người, nhưng nhà thơ tỏ ra không bị choáng ngợp. Có thể nói, tình cảm chủ đạo chi phối tâm não tác giả là những hình ảnh thân yêu quen thuộc của quê hương đất nước, đã từ lâu gắn bó với tuổi thơ. Vì thế nhà thơ đã gửi về bà – người bà rất đỗi kính yêu – như lời tâm tình chân thật, thiết tha: sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?
Từ tình bà cháu đẹp như trong truyện cổ tích, bài thơ gợi lên những yêu thương đầu tiên, những suy nghĩ đầu tiên về cuộc đời, về đất nước… Cảm xúc tinh tế, chân thật và đượm buồn của nhà thơ trỗi dậy trong kí ức người đọc những kỉ niệm về cuộc sống gia đình, về truyền thống tình nghĩa của dân tộc. Và đó chính là sức hấp dẫn của bài thơ Bếp lửa.
Nêu cảm nghĩ về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
Phân tích đề
Đây là bốn dạng đề mở. Vì vậy, học sinh có thể trình bày suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. Học sinh có thể trình bày bài làm của mình dưới nhiều cách, song cần đáp ứng được một sốyêu cầu cơ bản bên dưới.
Gợi ý viết bài
I. Mở bài
Giới thiệu khái quát về tác giả Bằng Việt (thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ Bằng Việt hấp dẫn người đọc bởi sự trong trẻo, mượt mà và chiều sâu triết lí).
Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Bếp lửa và nội dung chủ yếu.
II. Thân bài
Tình bà cháu thắm thiết, cảm động được khơi gợi qua hình ảnh bếp lửa.
– Hình ảnh thân thương, ấm áp về bếp lửa: Một bếp lửa chờn vờn sương sớm / Một bếp lửa ấp iu nồng đượm khơi gợi kỉ niệm thời thơ ấu bên người bà. Bếp lửa hiện lên trong kí ức như tình bà ấm áp, như sự đùm bọc của bà.
– Những suy ngẫm về người bà: đó là những suy ngẫm về cuộc đời nhiều gian khổ nhưng giàu hi sinh, tần tảo của người bà. Bà là người nhóm lửa, cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng và tỏa sáng trong mỗi gia đình: Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ / Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm / Nhóm bếp lửa ấp ui nồng đượm… Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, của niềm tin cho các thế hệ sau: Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen / Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn / Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
– Đứa cháu dù đi xa, vẫn không thể quên bếp lửa của bà, không quên tấm lòng thương yêu đùm bọc của bà. Bếp lửa ấy đã trở thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tin, nâng bước cháu trên chặng đường dài. Kì diệu hơn, người cháu nhờ hiểu và yêu bà mà thêm hiểu nhân dân, dân tộc mình. Bếp lửa và bà đã trở thành biểu tượng cho hình ảnh quê hương xứ xở.
III. Kết luận
– Bài thơ khiến người đọc xúc động bởi tình cảm bà cháu chân thành, thắm thiết. Nhà thơ đã khéo sử dụng hình ảnh bếp lửa. Đây là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, có giá trị thẩm mĩ cao: vừa cụ thể, chân thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng, góp phần thể hiện chiều sâu triết lí của bài thơ.
– Tình cảm yêu quý, biết ơn của người cháu đôi với bà trong bài thơ chính là biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương, điểm khởi đầu của tình yêu đất nước.
Từ bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, hãy kể vẽ kỉ niệm của mình gắn liền với hình ảnh bếp lửa ấy.
Bài làm
Những ngày giáp Tết, ngồi bó gối trông nồi bánh Tét sôi sùng sục, lại nhớ cái bếp lửa ngày nào. Bếp lửa trong kí ức tôi là bếp bằng đất nung, là ba ông đầu rau chính hiệu được đặt trên một tấm tôn cán phẳng. Đó chính là giang sơn của bếp.
Tro bếp lúc nào cũng nhiều. Bà tôi hốt tro cho vào những cái lu sành, thỉnh thoảng bán cho những người đi mua tro mỗi chiều vẫn cất tiếng rao trước ngõ.
Bếp là nơi trẻ nhỏ như chị em chúng tôi rất thích, vì mứt dừa, kẹo đậu phộng, hạt mít luộc, khoai lang, khoai mì luộc… từ đó mà ra. Má vất vả đi dạy một buổi, đi bán hàng một buổi nên chị em quấn quýt bên bà, đứa lớn trông đứa bé. Bếp trên nhà sàn chính là nơi quây quần sau giấc ngủ trưa. Hôm nào sau hè nhà có trái mít chín, mấy bà cháu lại lục đục xẻ mít, nấu cơm chiều sơm sớm. Cái ống đồng thổi lửa lại được dịp dùng nhiều hơn, gió sau nhà lại lộng hơn, và mùi bùn của con rạch nhỏ cũng mãi còn quanh quẩn.
Tuổi thơ tôi gắn liền với nhà sàn, với bếp. Lên năm tuổi tôi đã biết thổi lửa nấu cơm (dĩ nhiên là có người lớn, hoặc chị lớn trông chừng). Buổichiều mát, mấy chị em thơ thẩn bên hông nhà, nhặt nhạnh những cành vú sữa khô rụng, bó lại, để dành nhóm bếp. Có khi lại rủ nhau vào hẻm lượm những tàn thuốc lá người ta hút bỏ dở về cho bà. Bà sẽ lấy sợi thuốc còn mà quấn lại làm thuốc mới. Nếu như là bây giờ, chắc bọn nhỏ chúng tôi sẽ khuyên bà bỏ thuốc. Nhưng thời ấy đã quá xa…
Trong tôi, kí ức về bà không nhiều bởi bà đã đi xa khi tôi còn chưa từng bước chân đến trường học. Nhưng hình ảnh bà bên bếp lửa, củi là cành vú sữa làm khói um lên, kho một nồi cá to, pha chén bột mì tinh cho vào cái chén nhựa đỏ, gọi tôi đến cho ăn… là những kỉ niệm khó quên.
Chị em tôi không được thấy “một bếp lửa chờn vờn sương sớm”, cũng không được nghe tiếng tu hú gọi bầy, nhưng hình ảnh bếp lửa trong thơ Bằng Việt đã lung linh suốt bao năm ròng. Có lẽ vì hình ảnh bếp lửa quá đỗi thân quen, nên chị hai người chị của tôi đã thuộc lòng Bếp lửa cho đến bây giờ; và tôi, đứa bé nhất – đứa hay đọc ké sách giáo khoa của chị, cũng thuộc lòng bài thơ trước khi cầm trên tay quyển sách văn 9.
Hai mươi năm rồi, bếp nhà đã từ bếp ông Táo sang bếp dầu, bếp ga, nhưng tôi nhớ hoài tấm tôn đầy tro bếp, cái ông đồng thổi lửa, bụi chuối, hàng dừa, hàng bình bát sau nhà và cả hàng tre xào xạc trước sân.
Lâu lắm rồi không thấy khói bay lên.
Cũng lâu lắm rồi khóe mắt chẳng còn cay.
Ơi bếp lửa.
Leave a Reply