A. MỤC TIÊU
Học sinh nắm vững về trình tự bài văn tả cây cối đã học ở lớp 4.
B. NỘI DUNG
1. Học sinh đọc bài văn “Tả cây chuối mẹ” (Sách Tiếng Việt 5, Tập 2, trang 96 – 97) trả lời các câu hỏi sau:
a) Cây chuối trong bài văn trên được tả theo trình tự nào? Em còn có thể tả cây chuối theo trình tự nào nữa?
– Cây chuối trong bài văn trên được miêu tả theo cách tả quá trình phát triển của cây. Em còn có thể tả cây chuối mẹ theo cách tả từng bộ phận của cây.
b) Cây chuối đã được tả theo cảm nhận của giác quan nào? Em còn có thể quan sát cây cối theo giác quan nào nữa?
– Cây chuối được tả theo cách quan sát bằng mắt (thị giác). Ta còn có thể miêu tả cây cối bằng cách ngửi mùi (khứu giác), nếm thử lá hoặc quả (vị giác), xem xét cảnh vật xung quanh, nghe chim hót trên cây, nghe tiếng lá reo (thính giác).
c) Tìm các hình ảnh so sánh, nhân hoá được tác giả sử dụng để tả cây chuối.
Hình ảnh so sánh:
– Cây chuối con mang tàu lá xanh nhạt, dài như lưỡi mác đâm thẳng lên trời.
– Thân cây to bằng cột hiên.
– Các tàu lá ngả ra mọi phía như những cái quạt lớn.
– Cái hoa thập thò hoe hoe đỏ như một mầm lửa non.
Hình ảnh nhân hoá:
– Nó đã là cây chuối to đĩnh đạc.
– Chưa được bao lâu, nó đã nhanh chóng thành mẹ.
– Cổ cây chuối mập tròn, rụt lại.Vài chiếc lá ngắn cũn cỡn, lấp ló hiện ra, đánh động cho mọi người biết, hoa chuối ngoi lên đến ngọn rồi đấy.
– Khi cây mẹ bận đơm hoa kết quả thì cây con cứ lớn nhạnh như thổi.
– Lẽ nào nó đành để cái hoa to bằng cái chày giã cua hoặc buồng quả to bằng cái rọ lợn đè dập một hay hai đứa con đứng sát nách nó?
– Cây chuối mẹ khẽ khàng ngả hoa sang cái khoảng trống không có đứa con nào.
2. Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá hoặc hoa, quả, rễ, thân…).
BÀI LÀM 1
(Tả lá của cây xoài)
Qua tháng Giêng, cành lá xoài trở nên rườm rà, xanh mướt. Lá xoài cũng khá đặc biệt: nó thon dài, một mặt nhẵn bóng còn mặt kia mờ mờ như phủ phấn. Gân lá xoài đối xứng nhau nổi đều ra hai bên cuống lá. Gân lá có màu xanh rêu chứ không xanh mướt như phiến lá. Vò nhẹ một lá xoài, em ngửi thấy mùi xoài chua chua, man mát như mùi quả xoài xanh non. Lá xoài rụng xuống gốc vào tháng mười một, tháng Chạp âm lịch rồi qua tháng Giêng xoài ra hoa trắng cành. Trong vòm lá xanh mướt, hoa xoài “dọn mình” đơm quả. Tháng năm, tháng sáu, nhìn lên cành, em thấy quả xoài lớn lên, to trái, lúc lỉu chen nhau trong vòm lá xanh biếc.
BÀI LÀM 2
(Tả thân cây bàng)
Cây bàng đại lão ở sân trường được trồng lúc nào em không biết. Khi em vào lớp một thì cây bàng đã có gốc, thân to, sừng sững bên cạnh phòng Truyền thông từ bao giờ. Thân bàng to hai người ôm. vỏ thân cây có chỗ lồi lõm, đen mốc, sần sùi, có chỗ rạng nứt, li ti như váng của cháo gạo để khô, tưởng chừng đưa ngón tay vào là cạy được vỏ cây ra. Nhưng không, vỏ cây bàng có chỗ nứt nẻ như thế nhưng dính chắc như keo dán. Năm tháng qua đi, thân bàng nâng đỡ mấy tầng lá, như một chiếc ô khổng lồ che mát sân trường. Trên thân cây, cành bàng phân nhánh, ra lá xanh mướt màu thạch bích. Thân cây là cầu nối tiếp cho lá, hoa nhận được chất bổ của đất từ rễ cây để nuôi cây thêm lớn. Rồi chim muông bay đến. Chúng đậu trên cành hót véo von. Thân cây bàng cùng vạn vật chim muông dâng cho đời bài ca thiên nhiên bất tử.
BÀI LÀM 3
(Tả quả sầu riêng)
Quả sầu riêng có hình dáng đặc biệt mà không loại quả nào có được. Sầu riêng quả nào bé nhất cũng phải một ki-lô-gam. vỏ của quả cứng, có gai to rất nhọn, màu nâu nhạt, sầu riêng có hai loại: sầu riêng hạt lép và sầu riêng hạt tròn, sầu riêng hạt lép có vỏ màu nâu nhạt pha hơi xanh xanh, sầu riêng hạt tròn màu vàng nâu. Bổ quả sầu riêng phải tách theo múi hạt. Mỗi múi sầu riêng giống như một khoang thuyền bầu dài màu trắng đựng từ hai đến ba hạt vàng ươm, thơm ngọt, beo béo. Thịt quả có mùi thơm rất nồng nàn. Ăn một múi sầu riêng người ta cảm thấy vị ngọt, béo của sầu riêng tan ra trên lưỡi. Một số người không ăn được sầu riêng vì mùi thơm nồng đượm của nó, nhưng nếu ai đã ăn được, sầu riêng sẽ sinh “nghiện” cái vị béo, bùi, ngọt, thơm nồng mà không thứ quả nào có được.
BÀI LÀM 4
(Tả thân cây mía)
Đa phần các loại cây trái đều được trồng để lấy quả cho người ăn. Riêng cây mía hiến hết thân nó cho con người sử dụng. Thân mía giống như thân tre nhưng nhỏ hơn, các đốt mắt ngắn hơn, ruột cây mía đặc, mọng nước. Nước mía có màu vàng chanh. Mía mây ăn ngọt thanh, thân nó mềm nên nhiều người nhai được. Mía đường cứng, vỏ nó màu vàng ngà, phủ đầy phấn trắng. Nước của nó được dùng để sản xuất đường. Mía tím có thân màu tím như lá cẩm, thịt mía mềm, ngọt, được dùng trong các thang thuốc lá mát hoặc róc vỏ ăn cũng rất ngon. Mía chặt từng khúc độ ba đốt mía là món quà quê tươi mát cho lũ trẻ khi mẹ đi chợ về. Với thân thẳng đuột, cao từ một mét rưỡi đến hai mét, mía đem lại vị ngọt mà Đấng Tạo Hoá làm ra, nó giúp đời sống con người thêm ngọt dịu, mát lành
Leave a Reply