Giới thiệu sử thi dân gian Việt Nam.
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Mỗi thể loại văn học là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử nhất định. Sử thi ra đời sau thần thoại và chỉ xuất hiện với đúng ý nghĩa của nó trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại.
– Sử thi dân gian thuộc thể loại tự sự, bằng văn vần hoặc văn vần kết hợp văn xuôi, kể lại những sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể cộng đồng.
II. THÂN BÀI
A. ĐẶC ĐIỂM VỀ NỘI DUNG
Sử thi thường kể về hai đề tài chính:
1. Các sự kiện liên quan đến sự hình thành vũ trụ, xã hội, con người và cuộc đấu tranh để chế ngự thiên nhiên của họ (sử thi thần thoại). Ví dụ trong sử thi Đẻ đất đẻ nước, tác giả dân gian đã tập trung và hệ thống hóa các thần thoại tản mạn về nước, về gió mưa, sấm sét… nhằm giải thích công cuộc tìm kiếm nước, chinh phục nước để phát triển sản xuất. Kể chuyện mây mưa, sấm sét nhưng là để kể chuyện và ca ngợi con người dám vật lộn để chinh phục thiên nhiên.
2. Những sự kiện liên quan đến cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù bên ngoài, bảo vệ, xây dựng và mở mang bờ cõi, nhằm tập trung ngợi ca sự nghiệp của những anh hùng; đề cao sức mạnh, ý chí, nghị lực và trí tuệ của một cộng đồng. Ví dụ sử thi Đăm Săn tập trung kể về chiến công anh hùng cùng với những khát vọng mãnh liệt của chàng Đăm Săn, người tù trưởng trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và tài năng của dân tộc Ê-đê. Đó chính là những khát vọng mãnh liệt và hào hùng của cả một cộng đồng trong cuộc sống, trong tình yêu, hôn nhân cũng như trong chiến đấu nhằm bảo vệ cộng đồng.
B. ĐẶC ĐIỂM VỀ NGHỆ THUẬT
1. Sử thi bao gồm một tập hợp truyện thần thoại rời rạc, biến chúng thành một pho sử có hệ thống. Kết cấu tác phẩm đồ sộ; cốt truyện vẫn đượm màu sắc thần thoại, ngôn ngữ trang trọng, hào hùng; hình ảnh vừa kì vĩ, vừa tươi sáng, đậm đà màu sắc các dân tộc thiểu số.
2. Trong thế giới sử thi, dù các thần vẫn ngự trị nhưng con người đã xuất hiện như là một nhân vật trung tâm. Đó là những người anh hùng có sức mạnh, tài năng và vẻ đẹp phi thường, tạo nên những chiến công kì diệu. Họ là đại diện tiêu biểu cho sức mạnh tinh thần và vật chất của một cộng đồng. Sử thi thường dùng lời kể theo các chương khúc và bằng văn vần.
III. KẾT BÀI
Văn học Việt Nam trong giai đoạn chống Pháp và chống Mĩ đậm chất sử thi bởi đã tiếp thu và kế thừa một số đặc điểm của thể loại này: tập trung ca ngợi cuộc chiến đấu và những sự kiện trọng đại có ý nghĩa sống còn với cả dân tộc; ca ngợi người anh hùng đại diện cho cộng đồng; tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ giàu chất thơ và giọng điệu hào sảng, hùng tráng. Đó là biểu hiện của tính sử thi.
Leave a Reply