>> CÁC BẠN CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ LỰA CHỌN NHỮNG BÀI VĂN HAY NỮA NHÉ <<
Trình bày một số nét về tác giả, dịch giả, về nội dung và giá trị tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc.
Bài làm
Đặng Trần Côn quê ở làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, ngoại thành Thăng Long. Ông sống vào nửa đầu thế kỉ XVIII. Ông đỗ Hương công (Cử nhân) từng làm quan dưới thời Lê – Trịnh. Ông để lại một số thơ văn chữ Hán; tác phẩm tiêu biểu nhất là Chinh phụ ngâm khúc gồm có 478 câu thơ chữ Hán dài, ngắn xen nhau theo thể trường đoản cú.
Hiện nay có nhiều bản dịch thơ của Chinh phụ ngâm khúc.
Bản dịch gồm 408 câu thơ song thất lục bát rất được phổ biến, nhiều người cho là của bà Đoàn Thị Điểm, người cùng thời với ông Đặng Trần Côn.
Đoàn Thị Điểm quê ở làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bà là một phụ nữ nổi tiếng: “Đẹp người, đẹp nết, giỏi văn chương “, là vợ thứ của tiến sĩ Nguyễn Kiều, danh sĩ Bắc Hà thời Lê – Trịnh. Ngoài bản dịch Chinh phụ ngâm khúc, nữ sĩ còn để lại tác phẩm Truyền kì tân phả bằng chữ Hán.
Có người nói rằng dịch giả của Chinh phụ ngâm khúc là của Phan Huy Ích. Phan Huy Ích (1750 – 1822) tự là Dụ Am, người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh), sau di cư ra làng Sài Sơn, phủ Quốc Oai (nay thuộc Hà Tây). Ông đỗ tiến sĩ năm 26 tuổi. Ông để lại một số tác phẩm như Dụ Am văn tập, Dụ Am ngâm lục.
• Nội dung: Chinh phụ ngâm khúc thể hiện nỗi thương nhớ, trông mong, đợi chờ, nỗi buồn cô đơn, vất vả, dài dằng dặc của người vợ trẻ có chồng đi chinh chiến miền xa, đồng thời nói lên cảnh gian truân, nguy hiểm của người chồng trên chiến địa.
• Giá trị: Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc là một kiệt tác của nền văn thơ cổ điển Việt Nam. Nó có giá trị nhân đạo sâu sắc, nói lên tình thương đối với những chinh phụ, những khách chinh phụ trong thời loạn lạc: nguy hiểm, chết chóc, lo buồn cô đơn, cảm thông với nỗi khát khao về hạnh phúc lứa đôi, về ước mơ sum họp gia đình. Chinh phụ ngâm còn là tiếng nói lên án chiến tranh thời phong kiến.
Về mặt nghệ thuật Chinh phụ ngâm khúc đạt được nhiều thành tựu rực rỡ về thể thơ song thất lục bát mà khó có tác phẩm nào sánh được. Nhạc điệu du dương, ngôn ngữ trong sáng gợi cảm, hình tượng mĩ lệ, cách diễn tả tâm trạng tinh tế, sâu sắc, các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng cực kì điêu luyện. Nhiều câu thơ, đoạn thơ đã in sâu trong tâm trí hàng triệu con người. Chẳng hạn:
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai? hay:
Ôm yên, gối trống đã mòn,
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.
Phân tích đoạn thơ Sau phút chia li (trích Chinh phụ ngâm khúc).
Bài làm
Chinh phụ ngâm khúclà khúc ngâm tả nỗi buồn cô đơn, thương nhớ, chờ mong của người vợ trẻ có chồng đi chinh chiến miền xa. Tác giả khúc ngâm là Đặng Trần Côn, một danh sĩ tài ba, sống vào nửa đầu thế kỉ XVIII, khi đất nước ta đang đắm chìm trong cảnh loạn lạc, nội chiến lầm than và đau thương. Nguyên tác bằng chữ Hán, gồm có 478 câu thơ dài ngắn xen nhau theo thể trường đoản cú. Bản dịch thơ dài 408 câu thơ song thất lục bát, tương truyền là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, người cùng thời với tác giả. Tiếng Việt và thể thơ song thất dưới ngòi bút sáng tạo của dịch giả Chinh phụ ngâm khúc được nâng lên một tầm vóc mới, trở thành kiệt tác trong nền thi ca cổ điển Việt Nam. Nghệ thuật diễn tả tâm trạng, hình tượng thơ mĩ lệ, nhạc điệu du dương, thiết tha, ngôn ngữ thơ tinh luyện, biểu cảm… là vẻ đẹp của áng thơ này. Nỗi buồn cô đơn, niềm khao khát hạnh phúc của nàng chinh phụ giữa thời chiến tranh loạn lạc mang ý nghĩa thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân, lên án chiến tranh phi nghĩa. Tinh thần nhân đạo là giá trị to lớn và sâu sắc của Chinh phụ ngâm khúc.
Đoạn thơ 12 câu thơ dưới đây trích từ câu 53 đến câu 64 của khúc ngâm đã thể hiện một cách cảm động tâm trạng cô đơn và nỗi sầu chia li – của nàng chinh phụ trong những ngày đầu, sau khi tiễn chồng ra trận:
“Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
…………………………………..
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
Hai vế đôi xứng song hành: “Chàng thì đi / Thiếp thì về” làm hiện lên một cảnh ngộ chia li của lứa đôi đầy bi kịch giữa thời loạn lạc. Người vợ trẻ thương chồng phải dấn thân vào “cõi xa mưa gió”, phải nếm trải bao nguy hiểm, gian lao nơi chiến địa xa xôi. Rồi nàng lại tự thương mình phải sống lẻ loi, cô đơn, một mình trong bóng tối suốt năm canh nơi “buồng cũ chiếu chăn”. Hai hình ảnh tượng trưng là “cõi xa mưa gió” và “buồng cũ chiếu chăn” đã thể hiện một cách sâu sắc nỗi đau khổ của “đôi lứa yêu nhau ” khi đất nước “nổi cơn gió bụi”:
“Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng củ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh”.
Ba chữ “đoái trông theo” gợi tả một cái nhìn đăm đắm về phía chân trời xa. Hình bóng người chồng thân yêu đâu còn nhìn thấy nữa, đã “cách ngăn”, bởi màu “biếc” của mây, cứ “tuôn” mãi ra, bởi “ngàn núi xanh” cứ trải dài trải rộng và che khuất ở phía chân trời. Chinh phụ một mình một bóng lẻ loi giữa trống vắng bao la. Nỗi buồn cô đơn như thấm vào mây núi.
“Mây biếc”càng làm cho bầu trời cao hơn, mênh mông hơn. “Ngàn núi xanh” càng làm cho chân trời thêm xa xăm, cách trở. Câu thơ “tuôn màu ,mày biếc, trải ngàn núi xanh” là một câu thơ có hình tượng mĩ lệ và rất hay. Tác giả đã lấy ngoại cảnh để thể hiện tâm trạng thương nhớ và cô đơn của chinh phụ một cách đặc sắc.
Nỗi buồn cô đơn của nàng chinh phụ được khắc sâu, được tô đậm qua cách nói ước lệ tượng trưng ở đoạn song thất tiếp theo:
“Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng”.
Hàm Dương và Tiêu Tương, hai địa danh trên đất nước Trung Hoa bao la, cách xa hàng nghìn dặm, được nhắc đi nhắc lại đến ba lần ám ảnh. Trên cõi xa trường tầm tã gió mưa sương tuyết, giữa rừng gươm giáo “chàng còn ngoảnh lại”..Ở chốn “buồng cũchiếu chăn”, sớm sớm chiều chiều “thiếp hãy trông sang”. Nhưng chỉ thấy “bến”, thấy “cây”, thấy “khói” mịt mù trong tâm tưởng. Không gian địa lí bao la đã trở thành không gian nghệ thuật trống vắng. Chữ “cách” được điệp lại hai lần, kết hợp với “mấy trùng” càng làm nổi bật bi kịch chia li của lứa đôi. Và đó cũng là tâm trạng nghệ thuật: nỗi buồn cô đơn, thương nhớ của nàng chinh phụ không thể nào kể xiết.
Cách nói ước lệ tượng trưng là một thủ pháp nghệ thuật của thi pháp cổ mang giá trị thẩm mĩ đặc sắc: tạo nên tính hàm súc và liên tưởng phong phú, đầy ý vị. Chinh phụ ngâm khúc có nhiều đoạn thơ mang tính ước lệ rất hay. Lúc thì gợi lên nỗi gian truân của khách chinh phụ trên chiến địa:
“Nay Hàn xuống Bạch Thành đóng lại,
Mai Hồ vào Thanh Hải dòm qua
Hình khe, thế núi gần xa,
Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”.
Lúc thì tái hiện một cách rùng rợn chốn sa trường:
“Non Kì quạnh quẽ trăng treo,
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phụ trăng dõi dõi soi”.
Bốn câu thơ cuối đoạn đã cực tả nỗi buồn của nàng chinh phụ trong sự trông ngóng, nhớ thương:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”.
Càng ngóng trông càng vô vọng cô dơn; ở hai phía chân trời, chàng và thiếp đang buồn đau: “cùng trông lại mà cũng chẳng thấy”. Ngày và đêm, thực và mộng “chẳng thấy” hình bóng thân thương của chàng, mà thiếp chỉ “thấy” màu “xanh xanh” của ngàn dâu, càng về sau càng nhạt nhòa trên cái nền bao la “ngàn dâu xanh ngắt một màu”. Màu “xanh xanh”, màu “xanh ngắt” ấy của ngàn dâu cũng là màu xanh của tâm tưởng, màu xanh của li biệt. Thiếp đang sống trong nỗi buồn nhớ thiết tha. Chẳng có ngọn gió tây, chẳng có cánh chim nhạn để thiếp gửi tình thương nhớ tới chàng đang chinh chiến trên ải xa? Câu hỏi tu từ như một tiếng thở dài ngao ngán: “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
Các từ ngữ: “cùng trông lại”, “cùng chẳng thấy”, “thấy”, “ngàn dâu”. “Ngàn dâu”, “ai… ai” đã tạo nên nhạc điệu du dương, tha thiết, diễn ra một cách xúc động một tâm trạng đầy bi kịch thời loạn lạc. Biện pháp nghệ thuật liên hoàn và cách diễn tả trùng điệp là một nét rất tài hoa của nữ sĩ được thể hiện qua 4 câu song thất này. Chữ “thấy” cuối câu bảy ở trên được nhắc lại đầu câu bảy chữ ở dưới; chữ “ngàn dâu” cuốicâu bảy ở dưới lại được điệp lại đầu câu sáu, đã làm cho thơ liền mạch, làm nổi bật nỗi sầu, nỗi buồn li biệt diễn ra triền miên khôn nguôi trong tâm hồn chinh phụ.
Trong Chinh phụ ngâm khúc, biện pháp nghệ thuật liên hoàn – trùng điệp đã để lại dấu ấn tuyệt đẹp qua nhiều đoạn thơ tuyệt tác:
“Hướng dương lòng thiếp như hoa,
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương,
Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái
Hoa để vàng bởi tại bóng dương
Hoa vàng hoa rụng quanh tường,
Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần”.
Thơ là cái đẹp muôn đời của sự sống. Chinh phụ ngâm khúc là cái đẹp chứa chan tinh thần nhân đạo phản ánh một thời kì loạn lạc đau thương, để lại bao xúc động trong lòng người hơn 250 năm nay. Đoạn thơ 12 câu trên đây là một nét đẹp của khúc ngâm tuyệt tác này. Ngôn từ điêu luyện, biểu cảm, hình tượng mĩ lệ, nhạc điệu du dương, câu thơ song thất của khúc ngâm đã trở thành cổ điển. Cách nói ước lệ tượng trưng, cấu trúc song hành đối xứng, biện pháp liên hoàn -tượng trưng đã được nữ sĩ sử dụng rất tài tình.
Chiến tranh loạn lạc đã để lại bao nỗi đau trong lòng người. Nỗi buồn li biệt, tình thương nhớ, cảnh ngộ cô đơn của người vợ trẻ sau khi tiễn chồng ra trận như thấm sâu vào cảnh vật từ mây trời, núi non đến cây cỏ, từ chốn phòng khuê đến ải xa nơi chiến địa. Đoạn thư thấm đượm tính nhân văn, thể hiện niềm khao khát của người chinh phụ muốn được sống trong tình yêu hạnh phúc, trong bình yên.
LUYỆN TẬP
Để 1. Có ý kiến cho rằng, tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc là khúc ca lên án tình trạng chiến tranh liên miên, đồng thời là tiếng nói của người phụ nữ có chồng ra trận. Qua đoạn trích Sau phút chia li, em hãy chứng minh ý kiến trên.
Đề 2. Phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ trong đoạn trích Sau phút chia li.
Leave a Reply