Chủ đề: Vì hạnh phúc con người.
BÀI LÀM 1
(Chuyện kể: “Chuỗi ngọc lam”)
Mọi người đều muốn sống hạnh phúc. Và mỗi người cần hạnh phúc theo mỗi cách khác nhau. Chủ điểm của tuần mười bốn “Vì hạnh phúc con người” giới thiệu câu chuyện “Chuỗi ngọc lam” rất cảm động.
Chiều hôm ấy, có một em gái đứng áp trán cửa tủ kính cửa hàng của Pi-e, nhìn từng đồ vật. Bỗng em ngẩng đầu lên:
– Cháu có thểxem chuỗi ngọc này không ạ?
Pi-e lấy chuỗi ngọc ra đưa cho cô bé, cô bé thốt lên:
– Đẹp quá! Xin chú gói lại cho cháu.
Pi-e ngạc nhiên quá đỗi:
– Ai sai cháu đi mua?
Cô bé hãnh diện một cách hồn nhiên:
– Cháu mua tặng chị cháu nhân lễ Nô-en. Chị đã nuôi cháu từ khi mẹ cháu mất.
Pi-e hỏi:
– Cháu có bao nhiêu tiền?
Cô bé mở khăn tay ra, đổ trên bàn một nắm xu và nói:
– Cháu đã đập con lợn đất đấy!
Pi-e trầm ngâm nhìn cô bé. Anh quyết định bán chuỗi ngọc cho cô bé. Anh vừa lúi húi gỡ mảnh giấy ghi giá tiền, vừa hỏi:
– Cháu tên gì?
– Cháu là Gioan.
Pi-e đưa Gioan chuỗi ngọc gói trong bao lụa đỏ:
– Đừng đánh rơi nhé!
Cô bé mỉm cười rạng rỡ, chạy vụt đi. Cô đâu biết chuỗi ngọc này Pi-e dành tặng vợ chưa cưới của mình, nhưng rồi một tai nạn giao thông đã cướp đi người anh yêu thương.
Ngày lễ Nô-en tới. Khách hàng ai cũng vui làm Pi-e buồn lòng vì nỗi cô đơn, trống vắng của mình. Khi người khách cuối cùng bước ra, anh thởphào. Thế là qua được năm nay, cửa lại mở, một thiếu nữ bước vào. Cô lấy trong túi xách ra chuỗi ngọc lam:
– Chuỗi ngọc này có phải của tiệm ông không ạ?
– Phải? – Pi-e trả lời.
– Thưa… có phải là ngọc thật không?
– Không phải là thứ ngọc quý nhất nhưng là ngọc thật.
– Ông có nhớ đãbán cho ai không?
Pi-e từ tốn trả lời:
– Một cô bé tên là Gioan mua tặng chị của mình.
– Giá bao nhiêu ạ? – Cô gái hỏi.
– Tôi không bao giờ nói giá tiền của quà tặng.
– Gioan chỉ có ít tiền tiêu vặt. Làm sao em mua nổi chuỗi ngọc này?
Pi-e gói lại chuỗi ngọc và bảo:
– Em đã trả giá rất cao, bằng toàn bộ số tiền em có.
Cả hai đều im lặng. Mỗi người đều có nỗi niềm riêng tư. Tiếng chuông từ một giáo đường gần đó bắt đầu đổ. Cô gái nói:
– Nhưng sao ông lại làm vậy?
Pi-e vừa đưa chuỗi ngọc cho cô gái, vừa nói:
– Hôm nay là ngày Nô-en. Tôi không có ai để tặng quà. Cho phép tôi được đưa cô về nhà và chúc cô một lễ Nô-en vui vẻ nhé!
Trong tiếng chuông đổ hồi, Pi-e cùng thiếu nữ bước qua một năm mới hạnh phúc trong hi vọng tràn trề.
Hạnh phúc của Pi-e là được tặng chuỗi ngọc lam cho cô bé Gioan. Hạnh phúc của bé Gioan là được tặng quà cho chị mình một cách hồn nhiên, vô tư. Pi-e đã giúp hai chị em được hạnh phúc và bản thân Pi-e cũng được chia sẻ hạnh phúc. Và em hi vọng Pi-e sẽ tìm được hạnh phúc lứa đôi với cô thiếu nữ trong câu chuyện này. Thế là những gì Pi-e cho đi sẽ được nhận lại bằng chính hạnh phúc, niềm vui của mình.
BÀI LÀM 2
(Chuyện kể “Thầy thuốc như mẹ hiền”)
Trong các bài tập đọc em đã học có nhiều câu chuyện hay và bổ ích. Sách Tiếng Việt giới thiệu cho em biết nhiều danh nhân lịch sử Việt Nam và thế giới, ví dụ: Thái sư Trần Thủ Độ, Bác Hồ. Trong tất cả danh nhân mà chương trình Tập đọc giới thiệu, em thích nhất câu chuyện “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Đó là câu chuyện kể về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Lê Hữu Trác là nhà nghiên cứu y học lớn. Ông sinh ngày 11 tháng 12 năm 1720 tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Hưng (nay là huyện Yên Mĩ, tỉnh Hưng Yên) trong một gia đình nhiều người đậu tiến sĩ, làm quan to. Ông là con thứ bảy của quan thượng thư Lê Hữu Mưu, nên ông còn có tên thường gọi là Chiêu Bảy, hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Thuở còn trẻ, ông chăm chỉ học tập, mang chí làm quan, lập công danh lớn. Có lần, ông đã cầm quân theo chúa Trịnh, đàn áp phong trào nông dân. Nhưng rồi nhận ra tính độc tài thối nát của quan lại phong kiến, ông từ bỏ mộng công hầu khi chưa tròn hai mươi. Những năm bốn mươi của thế kỉ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn, nhân dân sống trong cảnh lầm than, cơ cực. Lưỡi gươm, cây bút của kẻ làm quan chẳng giúp gì được cho xã hội. Vì vậy, đầu năm 1741, Lê Hữu Trác về quê ngoại là làng Tình Diệm, huyện Hương Sơn (Nghệ Tĩnh) nuôi mẹ già và học thuốc, làm thuốc, nghiên cứu y học giúp người, giúp đời. Từ người tìm danh lợi cá nhân, ông đã trở thành người mưu lợi ích cho xã hội, là danh y nổi tiếng trong cả nước thời bấy giờ. Năm 1781, Chúa Trịnh Sâm triệu ông ra Thăng Long chữa bệnh cho Chúa và Thế tử. Ông ở lại Kinh đô gần một năm rồi lại trở về Hương Sơn.
Hải Thượng Lãn ông là một thầy thuốc giàu lòng nhân ái, xem lợi danh là phù vân. Ông chữa bệnh cho dân nghèo rất tận tình. Có lần, một người thuyền chài có đứa con bị bệnh đậu mùa nặng, nhưng nhà nghèo không có tiền chữa. Lãn Ông biết tin liền đến thăm. Giữa mùa hè nóng nực, cháu bé nằm trong khoang thuyền chật hẹp, người đầy mụn mủ, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Nhưng Hải Thượng Lãn Ông vẫn không ngại khổ. Ồng ân cần chăm sóc đứa bé suốt một tháng trời và chữa khỏi bệnh cho nó. Khi từ giã thuyền chài, ông chẳng những không lấy tiền mà còn cho thêm gạo củi.
Một lần khác, có người phụ nữ được ông cho thuốc và giảm bệnh. Nhưng rồi bệnh tái phát, người chồng đến xin đơn thuốc mới. Lúc ấy trời đã khuya nên ông hẹn hôm sau đến khám kĩ mới cho thuốc. Hôm sau ông đến thì được tin người chồng đã lấy thuốc khác nhưng không cứu được vợ. Lãn Ông rất hối hận. Ông ghi vào sổ thuốc của mình: “Xét về việc thì người bệnh chết do tay thầy thuốc khác song về tình thì tôi như mắc phải tội giết người. Càng nghĩ càng hối hận.”.
Sự nghiệp y dược nổi tiếng của ông được tập hợp trong bộ “Y tông tâm lĩnh” gồm sáu mươi sáu quyển, được biên soạn trong bốn mươi năm và được in toàn bộ vào năm 1886. Đây là công trình to lớn, kế thừa và phát huy sáng tạo, có phê phán những tri thức y học lạc hậu của nhiều thế hệ trước.
Lãn Ông còn là một nhà thơ, nhà văn hiện thực phê phán và trữ tình. Tác phẩm văn học nổi tiếng của ông là tập “Thượng kinh kí sự” ghi chép lại lần ông lên kinh chữa cho chúa Trịnh và Thế tử. Ông được tiến cử vào chức Ngự y nhưng đều khéo léo từ chối. Suốt đời, Lãn Ông không vướng vào vòng danh lợi. ông từng bộc bạch:
“Thuốc gì chữa được mệnh khanh tướng
Lòng khác tâu lên với quỷ thần
Chỉ có tiếng thơm đời để mãi,
Giàu sang, giả dối với phù vân.”
Ông cương trực, khẳng khái bày tỏ:
“Công danh trước mắt trôi như nước,
Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương.”
Ông mất năm 1791 tại Nghệ An. Sống vào giữa thế kỉ XVIII đầy sóng gió, Lê Hữu Trác là con người trong sạch, là thầy thuốc vĩ đại và là một nhà văn xuất sắc.
Gấp sách lại, em như nhìn thấy hình ảnh của ông hiện lên trong tâm trí. Không màng danh lơi, hết sức tận tụy cứu giúp người, Lê Hữu Trác như tiên ông của Việt Nam, cứu giúp người dân Việt khỏi tật bệnh. Tấm lòng giản dị thanh cao của ông sáng chói nghìn thu.
Leave a Reply