Phân tích nhân vật Xuân tóc đỏ trong tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.
BÀI THAM KHẢO
Vũ Trọng Phụng là một nhà văn hiện thực xuất sắc của thời kì 1930 – 1945, ông mất năm 27 tuổi nhưng đã để lại 17 tác phẩm lớn: Vỡ đê, Giông tố. Số đỏ… về phóng sự, ông cũng có nhiều tác phẩm giá trị. Riêng với hai cuốn phóng sư Kĩ nghệ lấy Tây, Cạmbẫy người, ông được báo chí suy tôn là “Vua phóng sự đất Bắc”. Vũ Trọng Phụng đã xây dựng thành công hai nhân vật điển hình là Xuân tóc đó và Nghị Hách. Nghị Hách từ một cái nền đã dùng thủ đoạn lừa đảo và nhiều âm mưu thâm độc trở thành một tên tư bản giàu có, độc ác, cơ hội về chính trị, vô đạo đức. Trong các nhân vật như Nghị Lại (Bước đường cùng), Nghị Quế (Tắt đèn) thì Nghị Hách có bề dày cá tính rõ rệt hơn. “Xuân tóc đỏ” là một điển hình sắc sảo và Số đỏ là một tác phẩm lớn của dòng văn học hiện thực. Nhà văn Bùi Huy Phồn nhận xét: “Trong các tác phẩm của ông Phụng, tôi thích “Số đỏ” hơn cả”. Nhà văn Nguyễn Khải cho rằng cùng với một số tác phẩm hiện thực khác, Số đỏ là “cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học”. Có người xem Số đỏ là một tiểu thuyết, là hiện tượng không tiền khoáng hậu. Nhân vật Xuân tóc đỏ cũng được xây dựng trên cơ sở tổng hợp những bóng dáng, những nét khác nhau của nhiều kiểu người trong xã hội cũ. Xuân tóc đỏ là một nhân vật của nhiều môi trường thành thị, vừa bụi đời, lại vừa lạc vào môi trường giàu có… Tác giả vận dụng có nghệ thuật giữa lối tả thực và trào phúng, giữa lối viết thật và phóng đại kích thước một cách thích hợp và hài hòa.
Nhân vật Xuân tóc đỏ được hình thành trước hết là trong môi trường bụi đời. Vốn là đứa trẻ không cha không mẹ, ở với bác bị đuổi vì thói xấu vô đạo đức và Xuân trở thành kẻ lang thang bụi đời: Thằng Xuân lấy đầu hè, xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát, bán cao đơn hoàn tán trên xe lửa, và vài ba nghề tiếu xảo khác nữa. Ánh nắng mặt trời làm tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục tuy nó tinh quái lắm, thạo đời lắm.
Môi trường bụi đời làm cho Xuân bị lưu manh hóa, biểu hiện ở những hành động xấu, cách tán tỉnh cô hàng mía, thái độ của Xuân với cô đầm, lối nói năng vô văn hóa: “Mẹ kiếp”, “Nước mẹ gì”. Môi trường bụi đời là sản phẩm của chế độ thực dân phong kiến, Xuân tóc đỏ là một đứa vô học, không hề được tiếp nhận ảnh hưởng tốt của giáo dục gia đình, nhà trường. Xuân tóc đỏ lại là kẻ gặp nhiều cơ may. Vào lúc Xuân tóc đỏ bị bắt vì hành vi xấu, nó lại được bà Phó Đoan giải thoát và được chuyển về môi trường những kẻ giàu có. Hai lối sống khác biệt nhưng không đối lập nhau. Những người giàu có này thường có nhiều dục vọng, chạy theo thời cuộc, sống đối phó, nhiều thủ đoạn. Xuân tóc đó đã tạo được chỗ đứng trong gia đình của ông bà Văn Minh (Xuân tóc đỏ nhanh trí, khôn vặt, nhiều mánh lới). .
Vốn quen nghề rao thuốc nên có một số kiến thức vặt về y học. Xuân được cụ cố khen là biết nhiều về y lí và nhân đó Văn Minh giới thiệu Xuân tóc đỏ là sinh viên trường thuốc và từ đó nghiễm nhiên trở thành quan Đốc.
Xuân nói năng linh hoạt, được bà Phó Đoan suy tôn là nhà hùng biện, biết chơi quần vợt, được đăng kí là danh thủ. Và đến lúc Xuân tóc đỏ có thể tự giới thiệu mình một cách hãnh diện củamột kẻ không hiểu mình, hiểu người: “Mc sử Xuân, nguyên sinh viên trường thuốc, giáo sư quần vợt, giám đốc hiệu Âu hóa phụ nữ tân tiến”. Xuân dùng thủ đoạn gạt người giỏi để cuối cùng được thi đấu với danh thủ Xiêm La. Và sau trận đánh, Xuân đã vì nghĩalớn mà chịu thua và dám tự xưng là anh hùng cứu quốc.
Xuân khéo léo tự giấu mình và được Tuyết yêu. Tuyết là cô gái ham danh vọng, cả tin và có phần dễ dãi trong chuyện tình cảm. Một số người biết bản chất của Xuân nhưng vẫn phải chấp nhận, ông bà Văn Minh luôn đề cao Xuân tóc đỏ trước mọi người, bà Phó Đoan cho Xuân là người có học, ông Phán “mọc sừng” cho Xuân là người đứngđắn. Sự ngu độn của nó được người ta cho là nhũn nhặn, là sự khiêm tốn, nên nó càng được yêu mến hơn.
Tính cách của Xuân phát triển phức tạp, mang nhiều nét lố bịch, hài hước, ở Xuân có những mặt ổn định không hề thay đổi đó là bản chất vô văn hóa của nhân vật. Tuy nhiên Xuân cũng là một nhân vật nhạy cảm, luôn tìm cách đối phó với hoàn cảnh, có lúc không ngại nói ra cái thân phận thấp hèn của mình một cách thách thức: “Tôi thì danh giá quái gì. Hạ lưu. Ma cà bông. Nhặt banh quần. Không đứng đắn”. Có lúc Xuân tóc đỏ kiêu ngạo, hóm hỉnh một cách lố bịch. Xuân tóc đỏ càng kiêu ngạo làm bộ tịch bao nhiêu thì lại được thiên hạ kính trọng.
Nhân vật Xuân tóc đỏ trở thành một nhân vật lố bịch. Kết hợp trong nó nhiều thứ rởm, hợm mình nhất là khi Xuân nói năng trước quần chúng: “Hỡi quần chúng, mi không hiểu gì, mi oán ta. Ta vẫn yêu quý mimặc lòng mi chẳng rõ lòng ta. Thôi giải tán đi”. Mọi người hô: “Xuân tóc đỏ vạn tuế, sự đại bại vạn tuế”.
Dùng thủ đoạn để tiến thân, Xuân tóc đỏ đã có một vị trí nhất định trong xã hội, nhưng vẫn là một nhân vật hài hước, mang nhiều tính chất xảo quyệt, thủ đoạn.
Về nghệ thuật miêu tả, Xuân tóc đỏ là một nhân vật có tính cách sinh động, được miêu tả tổng hợp từ những người cùng loại và không rõ nguyên mẫu trực tiếp.
Xuân tóc đỏ là một nhân vật điển hình, nhân vật mang tính tiêu biểu cho nhiều người cùng loại trong xã hội cũ, dùng thủ đoạn lừa đảo để tiến thân. Nhân vật Xuân không bị bóc trần bản chất xấu xa vì nó phát triển theo quy luật của xã hội, một xã hội không dựa trên những quan hệ chân thực giữa con người, mà mang nặng tính chất đối phó lừa đảo lẫn nhau. Do đó nhân vật Xuân cũng phản ánh không khí xã hội. Xuân là một nhân vật sinh động, gây ấn tượng chân thực, có nhiều chi tiết sinh động tạo ra tính cách có một sức hấp dẫn riêng. Nhân vật Xuân tóc đỏ được miêu tả kết hợp giữa tính chân thực với những yếu tố phóng đại, hài hước. Trong tác phẩm Số đỏ, Vũ Trọng Phụng cũng dùng thủ pháp này cho hầu hết các nhân vật và có khả năng nói lên được bản chất của xã hội cũ. Cách đặt tên nhân vật hài hước, châm biếm: Bà Phó Đoan nhưng không đoan chính, ông bà Văn Minh, ông Típ-phờ-nờ (Tvpn) tân tiến nửa vời, Min đơ, Min toa cảnh binh hạng năm hay nhiễu sách, rồi lang Tỳ, langPhế là những thầy lang vườn… Nhiều chi tiết trong tiểu thuyết, nhiều hành động của Xuân tưởng như vô lí trong từng tình huống cụ thể, nhưng nhìn tổng thể thì lại hợp lí, phù hợp với tính cách. Nhân vật Xuân được dựng lên với nhiều yếu tố tự nhiên, nhiều cơ may và cả những yếu tố tưởng như không hợp lí nhưng nhìn chung là hợp với lý luật và tính cách. Xuân tóc đỏ là một nhân vật thành công, góp phần phản ánh được bộ mặt của bọn thực dân phong kiến xây dựng xây dựng trên một quan hệ có tính chất đối phó, lừa dối. Ý nghĩa của nhân vật ít nhiều vượt ra khỏi khuôn khổ của xã hội đương thời.Nhắc đến Xuân tóc đỏ là nhắc đến một tính cách, một loại người mà hình như đây đó trong cuộc sống hôm nay vẫn còn thấp thoáng bóng dáng nhân vật
Leave a Reply