Vị trí lập phòng thờ – tủ thờ
Trong giải pháp thiết kế kiến trúc dành cho những căn nhà phố hiện nay, kiến trúc sư thường bố trí bànthờ đặt trong một phòng riêng, ở tầng trên cùng của ngôi nhà (tầng trên cùng thường là tầng thượng – tầng tum gồm: Phòng thờ, phòng giặt, sân phơi). Vị trí này không chỉ mang đến sự trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng… mà còn thuận tiện cho việc, hoá vàng mã trên sân thượng…
Đối với các căn hộ, do bị hạn chế về diện tích sử dụng nên việc bố trí một phòng riêng lập bàn thờ là điểu rất khó. Chính vì vậy nên khi phân chia lại các không gian trong căn hộ chung cư, kiến trúc sư thường sắp xếp không gian thờ cúng nằm trong các không gian sinh hoạt chung, không gian sảnh hay các phòng chức năng phù hợp khác.
Thư viện, phòng khách, phòng sinh hoạt chung trang trọng là những nơi phù hợp để có thể đặt bàn thờ. Tuyệt đối không nên đặt bàn thờ ở những phòng sinh hoạt chung ồn ào như phòng karaoke, phòng thể thao… Cũng không nên đặt bàn thờ trong phòng ngủ vì không gian trang trọng và khói hương sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người trong phòng.
Kết hợp không gian thờ cúng với phòng khách đối với nhà chung cư. Ngoài ra, trong căn hộ, cũng có thể bố trí góc thờ, bàn thờ trong khoảng giữa mặt bằng căn hộ, trong khoảng đi lại ở khoảng giữa nhà và không thuộc hẳn một phòng nào, đảm bảo sự thông thoáng, không bị quẩn khói khi thắp hương.
Dù là nhà ở truyền thống hay hiện đại, bàn thờ cũng luôn phải đảm bảo được đặt tại vị trí cao, phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời, không bị các không gian sinh hoạt khác đè lên… Để khi cúng bái, con cháu trong nhà tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với ông bà tổ tiên.
Thiết kế tủ thờ, bàn thờ phù hợp
Trong phòng thờ, hệ thống tủ thờ, bàn thờ phải có quy mô và hình thức tương xứng để tạo nên sự trang nghiêm cho không gian đặc biệt này.
Kích thước tủ thờ không nên quá lớn nhưng cũng không nên nhỏ bé so với căn phòng. Nếu bàn thờ được đặt tại các không gian khác như phòng sinh hoạt chung, phòng khách… thì tủ thờ cần được thiết kế phù hợp về tỉ lệ với kích thước phòng và tương quan với các đồ nội thất khác.
Ớ những không gian này, tủ, bàn thờ nên được thiết kế đơn giản, tránh cầu kỳ, lạc lõng hay gây cảm giác nặng nề. Bàn thờ phải tạo được sự tôn nghiêm nhưng vẫn phải mang lại cảm giác gần gũi với các thành viên trong gia đình và các sinh hoạt chung khác.
Vật liệu và màu sắc của tủ thờ, bàn thờ cũng phải phù hợp. Nên sử dụng các màu trầm, tốt nhất là màu gỗ nâu sậm. Các chi tiết kiến trúc, nội thất (lát sàn,trần, chiếu sáng,..), các vật dụng, đồ thờ (bát hương,đèn nến, lọ hoa…) nên bày theo lối cân đối.
Ở góc căn hộ diện tích hạn chế, trong trường hợp tủ thờ để ở phòng chức năng nào đó hay không gian chung, thì có thể dùng hình thức tủ thờ kết hợp với tủ trang trí, tủ ngăn phòng, tủ bày đồ lưu.
Đặt bàn thờ trong nhà diện tích hẹp
Không gian thờ cúng là không gian cần yên tĩnh, trang nghiêm. Vì vậy, việc để chung phòng thờ với một số không gian sinh hoạt như phòng ngủ là một điều bất lợi. Nếu là phòng ngủ của vợ chồng thì càng không tốt vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm. Tuy thế, đối với nhiều gia đình có những lý do khách quan khác nhau, cụ thể với những căn nhà nhỏ, diện tích có hạn thì việc bố trí như vậy là không thể khác.
Trong trường hợp này, để khắc phục nên chọn vị trí đặt bàn thờ ở vị trí thoáng, tránh đối diện giường ngủ hay bếp. Trên bàn thờ nên làm chiếc rèm bằng hoa văn cổ kính bao quanh. Khi thắp hương mở tấm rèm ra, sau khi hết hương thì kéo rèm lại.
Leave a Reply