Truyền thuyết và ý nghĩa tục thờ Thần tài, ông Địa
Ngoài bàn thờ gia tiên, ở Nam bộ, người ta còn có trang thờ, bàn thờ ông Táo, thờ ông Địa, Thần tài.
Bàn thờ ông Táo được đặt ở sau bếp. Đây cũng chính là vị “nhất gia chi chủ”, có nhiệm vụ coi sóc việc gia cư, định hoạ phúc, trừ ma diệt quỷ.
Sở dĩ các vị Thần tài, ông Địa chỉ thờ dưới đất, trong góc hẹp là dựa theo truyền thuyết về Như Nguyệt: Ngày xưa, có một người lái buôn tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo được Thuỷ Thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt. Âu Minh đem Như Nguyệt về nuôi. Từ đó trong nhà làm ăn phát đạt. Về sau, đúng vào ngày tết, Âu Minh giận, bèn đánh Như Nguyệt. Sợ hãi, Như Nguyệt chui vào đống rác rồi biến mất. Từ đó, nhà Âu Minh sa sút dần.
Người ta coi Như Nguyệt là Thần tài và lập bàn thờ. Từ đó, có tục kiêng hốt rác 3 ngày đầu năm vì sợ đem mất Thần tài ẩn trong đống rác đổ đi, việc làm ăn sẽ không phát đạt, tiến tới được.
Cũng có quan niệm cho rằng, Thần tài là một biến thể của Thần đất (Thổ địa) – vị thần hộ mệnh của xóm làng, cai quản vùng trời, đất đai, phù hộ con người và gia súc, giúp mùa màng bội thu. Khi những cư dân từ miền Trung vào khai khẩn vùng đất Nam bộ, họ gặp phải nhiều khó khăn (thiên nhiên khắc nghiệt, thời tiết thất thường, thú dữ hoành hành…) và ý niệm trông mong vào các vị thần bắt đầu hình thành để giúp họ trên con đường mưu sinh.
Thần đất cũng là một trong các vị thần bản địa được họ đưa vào phương Nam để thờ phụng, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Dần dà về sau, thương nghiệp phát triển, kinh tế hàng hoá phổ biến, nhu cầu mua bán, trao đổi phát triển, người ta cần vàng và tiền bạc hơn. Lúc đó, vàng, tiền bạc là thước đo của cuộc sống sung túc và nghèo hèn nên Thần tài xuất hiện. Thần tài theo đó là một dạng thức khác của Thần đất. Nếu Thần đất là vị thần bảo hộ cây trái, hoa màu, thể hiện tư duy nông nghiệp thì Thần tài là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc, là dấu ấn của thời kỳ kinh tế thương nghiệp.
Qua các thời kỳ, hình tượng của Thần tài ít nhiều thay đổi. Có lúc tượng Thần tài đầu đội mũ cánh chuồn, 2 tay để trên gối, mặc áo thụng, chân di hài, tay cầm túi vải để đựng tiền. Lại có lúc tượng Thần tài ngồi với tư thế chân co, chân xếp, tay cầm bó lúa và đầu để trần. Sau này có loại tượng Thần tài cầm xâu tiền hoặc cầm một thoi vàng.
Mặc dù Thần tài được xem là một hình tượng khác của Thần đất, nhưng tựu chung, cả hai vị thần vẫn có quyền uy giúp cho con người làm ăn phát đạt, tài lộc tấn tới. Vì vậy, cư dân Nam bộ hiếm khi thờ cúng Thần tài một mình, mà thường thờ cúng chung với ông Địa – Vị thần cai quản đất đai, nhà cửa. Họ không chỉ cúng Thần tài vào ngày tết, mà cúng quanh năm, nhất là những gia đình chuyên nghề buôn bán. Người ta tin rằng, chỉ khi thờ phụng vị thần này chu đáo thì mói được phù hộ. Sáng sớm, khi mở cửa bán hàng người ta thắp hương cầu khẩn Thần tài phù hộ mua may bán đắt.
Vào ngày tết, vai trò của Thần tài càng được xem trọng hơn. Người dân lo trang hoàng nhà cửa, và nếu vị thần này đã quá cũ hay bị hư hỏng họ sẽ thỉnh vị mới về. Dân gian tin rằng, năm mới, mọi thứ đều ngăn nắp và Thần tài được thờ cúng cẩn thận thì làm ăn mới phát tài.
Sơ đồ sắp đặt bàn thờ Thần tài, ông Địa
Trong cùng bàn thờ là một tấm bài vị. Hai bên, bên trái (từ ngoài nhìn vào) là bát hương thờ Thần tài, bên phải là ông Địa. Ớ giữa 2 ông là một hũ gạo, một hũ muối và một hũ nước đầy. 3 hũ này chỉ đến cuối năm mới thay. Giữa bàn thờ là một bát Hương. Để tránh động bát hương khi lau chùi bàn thờ, nên dùng keo cố định. Khi đang làm ăn tốt mà xê dịch bát hương gọi là bị động bát hương, mọi chuyện trở nên trục trặc. Theo nguyên lý “Đông bình – Tây quả” thì đặt lọ hoa bên tay phải, đĩa trái cây bên tay trái (nhìn từ ngoài vào). Thường nên cắm hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền. Trái cây nên chuẩn bị ngũ quả (5 loại), nên xếp 5 chén nước thành hình chữ “thập” (+), tượng trưng cho 5 phương, và cũng là tượng trưng cho Ngũ hành. Cóc 3 chân để bên trái (từ ngoài nhìn vào), sáng hướng ra, tối quay vào. Ngoài cùng trên mặt đất, nên chọn một cái tô sứ đẹp, nông lòng, đổ đầy nước và ngắt những cánh hoa thả trên mặt nước (tượng trưng Minh đường tụ Thuỷ – Một cách giữ tiền bạc).
Nguồn: choiphongthuy.com Lý Cư Minh
Leave a Reply