Đề bài: Nhà thơ Tố Hữu viết: Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn? Theo anh (chị) thế nào là sống đẹp? Lấy ví dụ thực tế để chứng minh.
Hướng dẫn lập dàn ý 1
1. Mở bài:
– Câu thơ: Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn? trích từ bài Một khúc ca của nhà thơ Tố Hữu, sáng tác năm 1979, sau khi đất nước hòa bình thông g nhất được bốn năm.
– Trong hoàn cảnh cả dân tộc hăng hái bắt tay vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc thì mọi người cần phải có quan điểm sống đúng đắn. Xã hội không chấp nhận lối sống cá nhân ích kỉ.
2. Thân bài:
a. Giải thích: Thế nào là sống đẹp?
– Quan niệm sông đẹp của dân tộc Việt Nam đã có từ ngàn xưa. Đó là nếp sống trong sạch, thanh cao, nhân ái.
– Ở thế kỉ XV, Nguyễn Trãi cũng nêu cao quan điểm sống đẹp: Tiên thiên hạ chi ưu, nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc. (Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ).
– Ở thế kỉ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động, khuyến khích và cổ vũ phong cách sống: Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Bản thân Bác là tấm gương tuyệt vời cho nhân dân noi theo.
b. Chứng minh
– Bằng cuôc đời phấn đấu, hi sinh vì nước, vì dân của Bác.
– Bằng tinh thần yêu nước, quyết chiến quyết thắng của tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mĩ.
– Bằng các phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, (Nêu một số gương sáng tiêu biểu trong thực tế cuộc sống).
3. Kết bài:
– Sống đẹp là quan điểm sống đúng đắn, đáng ca ngợi.
– Ai cũng cố gắng sống đẹp thì đất nước sẽ phát triển rất nhanh.
Hướng dẫn lập dàn ý 2
1. Mở bài
– Giới thiệu, dẫn dắt để nêu vấn đề
+ Trực tiếp: nêu ngay câu thơ của Tố Hữu và nội dung, mục đích của câu thơ.
+ Gián tiếp: lựa chọn lối sống là vấn đề vô cùng khó khăn, đặc biệt đối với bạn trẻ.
+ Phản đề: nêu thực trạng một bộ phận thanh thiếu niên sống ích kỉ, trục lợi.
– Nêu vấn đề: vấn đề sống đẹp mà câu thơ của Tố Hữu đưa ra là vấn đề mỗi con người cần nhận thức và rèn luyện một cách đúng đắn, tích cực.
2. Thân bài
a. Giải thích nội dung, ý nghĩa câu thơ của Tố Hữu.
Ý nghĩa câu nói: con người sống phải có ước mơ, lí tưởng và khát vọng lớn lao, để hoàn thiện nhân cách, năng lực giúp mình, giúp đời.
– Câu thơ của Tố Hữu viết dưới dạng một câu hỏi, nêu lên vấn đề sống đẹp trong cuộc sống mỗi con người.
– Sống đẹp là một đòi hỏi tất yếu của loài người từ khi xã hội xuất hiện nền văn minh, văn hóa. ‘
– Sống đẹp: sống có ý nghĩa, sống có ích cho cộng đồng, quốc gia dân tộc, sống khẳng định năng lực bản thân, giá trị của mỗi cá nhân; sống khiến người khác cảm phục, yêu mến, kính trọng, noi theo; sống với tâm hồn, tình cảm nhân cách, suy nghĩ khát vọng chính đáng, cao đẹp.
– Câu thơ của Tố Hữu là lời chất vấn, thực chất là lời nhắc nhở định hướng con người cần rèn luyện cách sống đẹp.
b. Biểu hiện của lối sống đẹp
– Sống có lí tưởng, mục đích đứng đắn, cao đẹp:
+ Sống tự lập, có ích cho xã hội.
+ Sống biết dung hòa lợi ích bản thân và cộng đồng.
+ Sống có ước mơ, khát vọng, hoài bão vươn lên, khẳng định giá trị, năng lực bản thản.
– Sống có tâm hồn, tình cảm lành mạnh, nhân hậu:
+ Sống hiếu nghĩa với người thân.
+ Quan tâm, yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh.
+ Dũng cảm, lạc quan, giàu ý chí, nghị lực.
+ Không chạy theo lối sống lập dị, không phù hợp với truyền thống, thẩm mĩ, văn hóa dân tộc.
– Sống không ngừng học hỏi, mở mang trí tuệ, bồi bổ kiến thức:
+ Học để biết, để có kiến thức về các lĩnh vực xã hội, để khám phá chính mình.
+ Học để sống có văn hóa, tiến bộ.
+ Học để làm, để chung sống, để khẳng định chính mình.
– Sống phải hành động lương thiện, tích cực:
+ Không nói suông mà phải có hành động cụ thể để chứng tỏ lối sống đẹp.
+ Hành động cần có tính xây dựng, tránh vì lợi ích cá nhân mà gây bất lợi cho lợi ích tập thể.
c. Phê phán quan niệm và lối sống không đẹp.
– Thói ích kỉ, vụ lợi không những làm cho con người nhỏ nhen, ti tiện, vô cảm mà còn gây những hậu quả xấu cho xã hội: như nạn tham ô, phạm pháp,
– Thói sống buông thả, tùy tiện, thiếu lí tưởng dẫn đến tình trạng tha hóa nhân cách, sống vô nghĩa, không có mục đích, vô giá trị, sống thừa.
– Thói lười nhác trong lao động, học tập dẫn đến ngu dốt, thiếu kí năng sống, kĩ năng ỉàm việc và quan hệ xã hội.
– Sống vô cảm, thiếu tình yêu thương, lòng trắc ẩn … dẫn đến cô độc, thiếu tính nhân văn.
d. Phương hướng rèn luyện lối sống đẹp.
– Tích cực học tập trong cuộc sống, lịch sử, sách vở.
– Xác định mục đích sống rõ ràng.
– Rèn luyện đạo đức, tinh thần lao động, mở mang tri thức.
3. Kết bài
– Khẳng định ý nghĩa tích cực của lối sống đẹp.
+ Sống đẹp là chuẩn mực cao nhất của nhân cách con người, là tiêu chí đánh giá giá trị con người. .
+ Câu thơ của Tố Hữu có ý nghĩa nhắc nhở, gợi mở về lốì sống đẹp, nhất là cho thế hệ trẻ ngày nay.
Bài làm tham khảo Nhà thơ Tố Hữu viết: Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn? Theo anh (chị) thế nào là sống đẹp? Lấy ví dụ thực tế để chứng minh.
Nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài Một khúc ca vào mùa xuân năm 1979, sau bốn năm đất nước sạch bóng quân thù, cả dân tộc đang háo hức bắt tay vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất. Sau ba mươi năm chiến tranh, mất mát, đau thương là vô cùng to lớn. Khó khăn, gian khổ trùng trùng trước mắt lại tiếp tục thử thách ý chí, nghị lực của mỗi con người. Để có thể đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, cần phải có một sức mạnh phi thường được tạo nên từ tinh thần đoàn kết, nhất trí của toàn dân tộc. Trong hoàn cảnh ấy, quan điểm sống cá nhân ích kỉ không thể tồn tại. Câu hỏi mà Tố Hữu đặt ra trong bài thơ khiến chúng ta phải băn khoăn suy nghĩ: Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?
Vậy thế nào là sống đẹp ?
Quan niệm sống đẹp của dân tộc Việt Nam đã có tự ngàn xưa. Lối sống nề nếp, thanh cao: Giấy rách phải giữ lấy lề; Đói cho sạch, rách cho thơm; Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn… của người lao động chính là sống đẹp. Nguyễn Trãi cách đây sáu thế kỉ cũng đã nêu cao quan điểm sống tích cực: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc, tức là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Suốt đời, ông canh cánh bên lòng lí tưởng phấn đấu và cống hiến cho đất nước được thái bình, dân chúng được ấm no, để những chốn thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu.
Đến thế kỉ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới – đã kế thừa và phát huy cao độ quan điểm sống đẹp ấy và Bác đã cụ thể hóa thành một câu giản dị, dễ hiểu nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc của một chân lí: Mình vì mọi người, mọi người vì mình, vế: Mình vì mọi người Bác Hồ đặt lên trước, vế: mọi người vì mình đặt ở sau là có ý nhấn mạnh mỗi cá nhân phải nhận thức được rằng có cống hiến rồi mới được hưởng thụ; hãy nghĩ đến nghĩa vụ trước rồi mới nghĩ đến quyền lợi sau.
Bác Hồ lấy chính bản thân mình để làm gương. Suốt một đời Bác hi sinh, cống hiến cho dân, cho nước. Khi đã ở cương vị cao nhất là Chủ tịch nước
Việt Nam Dân chủ,Cộng hoà, Bác vẫn khẳng định: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là dân ta ai cũng được tự do, no ấm, ai cũng được học hành. Cuộc sống đạm bạc, thanh khiết, mẫu mực của Bác Hồ có sức thuyết phục rất lớn. Cả dân tộc tin tưởng và kính yêu Người. Sau khi Bác đã lên đường theo tổ tiên, nhà thơ Tố Hữu khóc Bác bằng những vần thơ vô cùng xúc động:
Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người…
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già…
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Trước đây, theo lời Bác dạy, hàng triệu thanh niên miền Bắc đã tạm xa đồng ruộng, nhà máy, trường học để nắm chắc cây súng, lên đường chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu:
Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ,
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
(Tố Hữu)
Mĩ cút, ngụy nhào, non sông ta liền một dải, cả dân tộc tay trong tay đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam mới ngày càng phát triển. Tuổi trẻ lại một lần nữa xung phong vào những trận tuyến nóng bỏng của cuộc sống để góp phần xóa đi dấu tích chiến tranh, thay đổi bộ mặt đất nước, nâng cao cuộc sống nhân dân. Coi nhẹ quyền lợi của bản thân, coi trọng quyền lợi tập thể sống có lí tưởng, hoài bão đúng đắn, sẵn sàng cống hiến sức lực, tài năng cho sự nghiệp chung của dân tộc – đó là sống đẹp.
Xung quanh ta có rất nhiều gương sáng chứng minh cho quan điểm sống mình vì mọi người. Một cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mĩ, nay tuổi đã ngoài sáu mươi, nguồn Sống duy nhất là số lương hưu ít ỏi mà vẫn ngày ngày viết thư, thông báo tin tức cho thân nhân của những liệt sĩ còn nằm rải rác ở khắp các chiến trường, để các liệt sĩ được trở về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương. Chị Tư Hồng, một y tá quân y sau hòa bình đã bỏ công sức gần hai mươi năm để đi tìm hài cốt đồng đội. Chị đã mang lại niềm vui cho hàng trăm gia đình liệt sĩ. Công việc chị làm hoàn toàn tự nguyện, tự giác, xuất phát từ lòng nhân ái, từ tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, sống như chị là sống đẹp.
Có thể kể thêm những tấm gương sống đẹp khác như chị Hướng Dương, bị tai nạn cụt cả hai chân vẫn không bi quan, chán nản, vẫn vươn lên bằng nghị lực mạnh mẽ để trở thành người có ích cho đời. Chị đã lập ra thư viện sách nói để phục vụ các em học sinh khiếm thị. Các em coi chị Hướng Dương là cô Tiên đã đem ánh sáng tinh thần đến cho những người tưởng chừng suốt đời phải sống trong bóng tối. Hay như chị Trịnh Tiểu Hương – một trẻ bụi đời năm xưa – nay đã trở thành người mẹ hiền của hàng trăm trẻ mồ côi, bất hạnh. Tất cả mọi suy nghĩ, hành động của chị đều xuất phát từ một mục đích : đem lại tình thương yêu và niềm tin cho các em trong cuộc sống. Gần hơn nữa, cụ thể hơn nữa là sự chia sẻ của nhân dân cả nước đối với đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lụt. Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành đùm lá rách… Dẫu chỉ là một vài chục ngàn của bác xích-lô, em học trò, chị buôn gánh bán bưng… hoặc vài chục, vài trăm triệu của những nhà doanh nghiệp lớn, nhưng tất thảy đều đáng quý vì nó chứng minh cho truyền thống nhân ái – một lối sống đẹp của dân tộc Việt Nam.
Xin trích hai đoạn thơ cũng trong bài Một khúc ca của nhà thơ Tố Hữu để kết thúc bài viết này:
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?
Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn ?
Bữa cơm dù dưa muối đầy vơi
Chân lí chẳng bao giờ đổi bán
Tình thương vô hạn để cho đời.
Nguồn: choiphongthuy.com
Leave a Reply