Gấp lại truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa lòng ta cứ xao xuyến, vấn vương trước vẻ đẹp của những con người, trước những tình cảm chân tình, nồng hậu trong một cuộc sống đầy tình yêu. Viết về một mảnh hiện thực trên miền đất Sa Pa trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, thiên truyện như muốn nói với ta rằng: Bên trong cái vẻ đẹp lặng lẽ, cuộc sống ở đây chứa bao vẻ đẹp đáng yêu nhưng cũng có không ít những hi sinh thầm lặng.
Dù được miêu tả nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp, nhân vật nào trongLặng lẽ Sa Pa cũng hiện lên với nét cao quý đáng khâm phục. Đó là anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu sông một mình trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét. Đã mấy năm nay, công việc hằng ngày của anh là đo gió, đo nhiệt độ, đo mưa, đo nắng rồi ghi chép, rồi gọi vào máy bộ đàm báo về trung tâm. Nhiều mùa, nhiều đêm anh phải đối chọi với gió tuyết và lặng im. Vậy mà anh ta rất yêu công việc của mình: Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất (lời anh thanh niên nói với ông họa sĩ già). Đó là ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa đang thầm lặng kiên nhẫn nhân giống su hào, là người cán bộ khoa học ngày đêm chăm chú miệt mài lập bản đồ sét cho đất nước. Đó là một họa sĩ già xin anh em ở cơ quan hoãn bữa tiệc ông nghỉ hưu để đi thực tế lần cuối ở Tây Bắc. Ông gặp người, gặp cảnh ông hỏi chuyện và mải miết vẽ mà trong đầu hiện lên bao ý nghĩ, cảm xúc về những con người và công việc cụ thể, về đất nước và tâm hồn. Đó là cô kĩ sư nông nghiệp mới ra trường, lần dầu rời Hà Nội, hăm hở lên Tây bắc cheo leo núi, ngút ngàn sương mây nhận công tác, là bác lái xe dễ thông cảm, vui tính, tất cả hình ảnh những con người trong truyện làm cho ta tin yêu cuộc sống, tin yêu chế độ mới biết bao.
Những con người có lẽ sống cao đẹp, tâm hồn trong sáng như thế khi gặp nhau sẽ tự nhiên nảy nở tình cảm nồng hậu, chân tình. Lặng lẽ Sa Pa còn đẹp ở mối quan hệ thân ái, tin cậy giữa con người với con người. Dù gặp gỡ tình cờ trên một chuyên xe nhưng giữa người họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ có mối quan hệ vừa trân trọng nhau vừa cởi mở, thân thiết như tình cảm bốcon. Anh thanh niên làm khí tượng hồ hởi đón hai người lên thăm nhà mình theo lời giới thiệu của bác lái xe. Việc làm đầu tiên của anh là hái một bó hoa rực rỡ tặng người bạn gái chưa hề quen biết. Anh con trai rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân, trao bó hoa đã cắt cho người con gái, và cũng rất tự nhiên, cô đỡ lấy. Sau đó, anh cũng không quên tặng củ tam thất cho vợ bạn lái xe vừa bị ốm dậy, làn trứng, bó hoa tiễn người họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ tiếp tục cuộc hành trình. Cuộc gặp gỡ bất ngờ, ngắn ngủi nhưng vô cùng thú vị khiến người họa sĩ già thêm suy ngẫm về vẻ đẹp của cuộc đời mà mình không bao giờ thể hiện hết được, khiến cô kĩ sư trẻ lòng bao cảm mến, bâng khuâng.
Từ một cốt truyện khá nhẹ nhàng, những chi tiết chân thực, tinh tế, bằng ngôn ngữ đối thoại sinh động, Nguyễn Thành Long đã kể lại một cuộc gặp gỡ tình cờ mà thú vị nơi Sa Pa lặng lẽ. Với truyện ngắn này, phải chăng nhà văn muốn khẳng định rằng cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu, hi sinh lớn lao và thầm lặng. Những con người cần mẫn, nhiệt thành rồi sớm muộn gì họ cũng gặp nhau và quý mến nhau. Một cuộc sống như thế, mối quan hệ như thế thật đáng trân trọng, thật đáng tin yêu.
Leave a Reply