A. Mục tiêu:
– Viết bài tập làm văn tả đồ vật hoàn chỉnh theo dàn ý đã hướng dẫn.
– Biết trình bày mở bài, kết bài (trực tiếp hoặc gián tiếp, mở rộng hoặc không mở rộng).
B. Nội dung
Đề bài: (viết)
Tả một đồ chơi mà em thích.
1) Phân tích đề:
• Mệnh lệnh đề: tả đồ vật.
• Đối tượng tả: một đồ chơi.
• Giới hạn đề: em thích.
2) Lập dàn ý chi tiết:
Mở bài:
a) Trực tiếp:
Em có rất nhiều đồ chơi: búp bê, bóng nhựa, banh lông, đồ hàng, ru-bic… trong số đồ chơi ấy, em thích nhất là khối xoay ru-bic.
b) Gián tiếp:
Hầu hết đồ chơi em hiện có đều là quà tặng. Mẹ tặng em búp bê nhân ngày sinh em chín tuổi, bố tặng em tàu thủy khi đi công tác xa về, anh Hai tặng một bộ ghép hình tranh phong cảnh năm trăm mảnh ghép… Hôm đi nhà sách một mình lần đầu tiên, em mua một khối ru-bic. Đó là món đồ chơi mà em thích nhất.
Thân bài:
a. Tả bao quát:
– Ru-bic được làm bằng nhựa cứng.
– Khối ru-bic là khối lập phương, 6 mặt cua khối lập phương là sáu màu khác nhau: trắng, vàng, xanh lá, xanh biển, đỏ, đen.
b. Tả chi tiết:
– Mỗi một mặt của ru-bic là một hình vuông cạnh 6 cm được kết bởi chín khối lập phương nhỏ, mồi khối có cạnh 2 cm.
– Các khối lập phương nhỏ dính kết với nhau bằng một sợi dây thun có độ dẻo và đàn hồi tốt.
– Cách chơi ru-bic: xoay chuyển các khối lập phương nho sao cho chúng trở về đúng màu mặt lập phương (cùng một màu).
c. Việc giữ gìn ru-bic và ích lợi của đồ chơi ru-bic:
– Xoay chuyển nhẹ nhàng khi chơi.
– Lau sạch, cất vào tủ cẩn thận sau khi chơi.
– Đồ chơi ru-bic rèn tính cẩn thận, kiên nhẫn, sự tính toán chuẩn xác, giải trí và phát huy tư duy tốt.
Kết bài:
– Nêu cảm xúc của em khi chơi ru-bic.
– Nêu tình cảm của em về món đồ chơi này.
a. Kết bài mở rộng:
Cũng như các món đồ chơi khác, khối ru-bic giúp em vui hơn sau nhiều giờ học tập, làm việc căng thẳng. Không chỉ có vậy, khối ru-bic còn là người bạn đấu trí thầm lặng của em. Khối lập phương sáu màu này như sáu mặt của cuộc sống hằng ngày, tưởng như không bao giờ người ta có thể sắp xếp thống nhất được, vì đời sống muôn màu muôn vẻ. Nhưng cuối cùng cũng thu xếp được một cách gọn gàng, ngăn nắp, cũng như cái đích cuối cùng của trò chơi ru-bic, em phải rèn luyện để cuộc sống, học tập trở nên tốt đẹp hơn.
b. Kết bài không mở rộng:
Khối ru-bic là một món đồ chơi thú vị. Em rất yêu thích món đồ chơi do chính mình lựa chọn này.
3) Viết từng đoạn thân bài. Chú ý có câu mở đoạn:
• Ru-bic:
Thoạt trông, khối ru-bic chỉ là một khối lập phương đơn giản gồm sáu mặt, sáu màu khác nhau. Nhìn kĩ hơn, em thấy rõ mỗi mặt của ru – bic được kết dính bởi chín khối lập phương tí hon. Chúng dính vào nhau nhờ một sợi dây thun nhỏ, dẻo, có độ giãn rộng để dễ dàng xoay qua, trở lại.
• Trái banh chuyền:
Trái banh chuyền rất xinh. Nó là một khối cao su dẻo, đàn hồi, nẩy bổng rất tốt. Nó chỉ to bằng nắm tay em, được bao bọc bằng lớp vỏ nỉ kín màu xám nhạt. Trên nền nỉ, một rãnh trang trí rộng hai li màu đen chạy vòng quanh trái banh rất mỹ thuật.
• Búp bê người mẫu:
Cô búp bêngười mẫu nom rất yêu kiều. Cô mặc một cái váy xòe rộng hở vai viền voan trang thật diễm lệ. Lớp váy màu xanh da trời bồng lên từng tầng như những đám mây xốp trên bầu trời. Môi cô tô son đỏ chói, mặt trắng hồng, làn mi đen cong vút. Đôi vai để trần gầy mỏng manh tạo cho cô một nét tiểu thư, đài các. Cánh tay, búp chân cô thon dài, màu da hồng tự nhiên (làm bằng cao su đấy nhé!). Chân cô đi đôi giầy cao gót, kiểu giầy của các cô người mẫu. Tưởng như cô đang bước những bước điệu đàng trên sàn diễn thời trang.
Gợi ý:
Các em có thể viết một đoạn để tả các đồ chơi sau: tò he, búp bê tí hon bằng bột, chong chóng, tàu thủy, bộ điện thoại, bộ xe đua, bộ cờ triệu phú… theo cách viết đoạn văn trên.
Leave a Reply