” Trái Đất là ngôi nhà chung của chúng ta“
Từ thông điệp này, anh (chị) hãy trình bày những suy nghĩ của mình về vấn đề môi trường và trách nhiệm của cá nhân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Mấy chục năm gần đây, cùng với quá trình ô nhiễm môi trường và sự phá hoại sinh thái ngày một nghiêm trọng, vấn đề môi trường ngày càng trở thành vấn đề bàn luận hằng ngày của nhân dân và các nhà chính trị đứng đầu các nước.
– Cụ thể từ mùa mưa năm (2010), sự biến đổi tiêu cực của môi trường đã gây ra những tác động xấu, thậm chí hủy hoại thiên nhiên và gây chết chóc dân chúng ở một số vùng miền: lụt lội và lở đất ở Trung Quốc, lũ lụt kinh hoàng tại Pa-kix-tan, cháy rừng dữ dội ở Liên Bang Nga, các cơn bão lũ tàn phá miền Trung của Việt Nam, sự biến đổi ngày càng bất thường của thời tiết…
– Trước những thông tin đáng lo ngại trên, mỗi người chúng ta cần có suy nghĩ thế nào về vấn đề môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ “Trái Đất – ngôi nhà chung của chúng ta”?
II. THÂN BÀI
A. VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG
1. “Trái Đất là ngôi nhà chung của chúng ta”. Vì “Trái Đất là chiếc nôi có một không hai của loài người. Trái Đất có bầu khí quyển bao la chứa nhiều oxi thừa đủ cho loài người hít thở, có các đại dương mênh mông, những lục địa rộng lớn, có các nguồn khoáng sản phong phú, các loài sinh vật muôn màu, muôn vẻ, đặc biệt là Trái Đất có nhiệt độ khí hậu ấm áp hiếm có trong vũ trụ.” (Bộ sách 10 vạn câu hỏi vì sao, Bảo vệ môi trường, NXB Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội, 2001).
Trong ngôi nhà này, con người và vạn vật được sinh tồn và phát triển. Lẽ nào chúng ta lại không yêu quý và bảo vệ cái nôi duy nhất của loài người chúng ta?
2. Vấn đề môi trường
– Nói một cách đơn giản, môi trường là tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta. Môi trường tự nhiên là tổng thể các nhân tố tự nhiên như bầu khí quyển, nước, thực phẩm, động vật, thổ nhưỡng, nham thạch, khoáng sản bức xạ mặt trời… Tất cả đều tồn tại trên Trái Đất và hiện hữu chung quanh chúng ta. Còn môi trường nhân tạo được sáng tạo và phát triển trên cơ sở môi trường tự nhiên và cũng ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên.
– Như vậy, môi trường tự nhiên hoặc môi trường nhân tạo có tầm quan trọng to lớn đối với đời sống con người. Những nguy cơ có thể xảy ra do biến đổi môi trường dưới tác động của con người sẽ đe dọa trực tiếp tới môi trường sinh tồn của loài người.
B. TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
1. Bảo vệ môi trườngtức là bảo vệ môi trường sinh tồn của loài người khỏi bị ô nhiễm và bị phá hoại, khiến cho môi trường tự nhiên phù hợp với sản xuất và đời sống loài người, đồng thời bảo vệ các loài sinh vật trong thế giới tự nhiên, loại trừ những nhân tố bất lợi phá hoại môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người.
2. Vấn đề môi trường vừa là một vấn đề kinh tế vừa là một vấn đề xã hội. Kinh tế tăng trưởng, xã hội phát triển không những cần có khoa học kĩ thuật tiên tiến mà cần có nguồn tài nguyên môi trường hỗ trợ. Nếu không có nguồn tài nguyên môi trường thì bất cứ quốc gia nào cũng không thể đẩy nền kinh tế lên được. Bởi vậy nói tới bảo vệ môi trường tức là bảo vệ sức sản xuất. Môi trường sản xuất là môi trường cơ sở của sự phát triển kinh tế xã hội. Cơ sở này bị phá hoại không những sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng tới ổn định xã hội.
3. Bảo vệ môi trườngsẽ làm giảm thiểu một loạt khó khăn của thế giới, trong đó có năm cuộc khủng hoảng lớn là dân số, lương thực, năng lượng, tài nguyên và sinh thái.
– Về việc sản xuất lương thực: Việc khai hoang bừa bãi đất đai để canh tác dần dần làm cho đất trồng trọt bị xói mòn, một số nơi bị sa mạc hóa. Hơn nữa, việc sử dụng bừa bãi phân hóa học, thuốc trừ sâu chẳng những khiến cho nông sản bị ô nhiễm, còn làm ô nhiễm cả môi trường chung.
– Việc sử dụng ngày càng nhiều năng lượng làm cho không khí bị ô nhiễm, khí hậu Trái Đất ấm dần lên do nồng độ khí cacbonic, xuất hiện các trận mưa axit do các hợp chất chứa lưu huỳnh và nitơ…
– Nguồn tài nguyên đang cạn kiệt làm môi trường sinh thái xấu đi: mỏ quặng non bị khai thác, đào bới; rừng, đồng cỏ, hồ, biển… bị chặt phá, sinh vật bị đánh bắt quá mức làm cho chúng khó có thể tái sinh…
– Các vấn đề về dân số, lương thực, tài nguyên, ô nhiễm môi trường đang đẩy nhanh tiến trình phá hoại sinh thái. Loài người cần ngăn chặn những vấn nạn trên về môi trường để con người có thể tiếp tục sinh tồn trên “Trái Đất, ngôi nhà chung này”.
Riêng mỗi người trong chúng ta phải có ý thức xem xét thực tế, chú ý dến thực trạng môi trường nơi ta đang sống, đế góp phần ngăn chặn những hiện tượng gây ra tác động xấu đến môi trường như vấn đề ô nhiễm nước, đất, không khí, rác thải…
Hơn nữa, chúng ta cần phải thường xuyên tìm hiểu những thông tin về môi trường qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các tài liệu phổ cập về môi trường, những giải pháp được đề xuất và thực hiện ởcác nước, của các tổ chức, cá nhân. Từ đó, ý thức bảo vệ môi trường ngày được nâng cao, ta có thể góp phần hành động bảo vệ môi trường tại địa phương.
III. KẾT BÀI
– Cần có hiểu biết (đầy đủ về tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống con người và những nguy cơ có thể xảy ra do sự biến đổi tiêu cực về môi trường dưới tác động của con người.
– Từ đó, cần có hành động” tích cực bảo vệ môi trường, để có một “ngôi nhà chung” tươi đẹp, an toàn, bền vững: tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hưởng đến lối sống hài hòa, tôn trọng thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Leave a Reply