Quãng năm 1988, trong nhà tôi xảy ra một sự việc. Ông chú làm việc ở Nhà máy gang thép Thái Nguyên, lấy vợ và định cư trên đó, sau chuyến đi Tây mấy năm liền, viết thư nói sẽ về chơi. Thư không quên nhắc sẽ có bà nội, hai cháu Ngân, Đức về cùng. Tiện thể đem chiếc xe đạp mifa và ít tiền gọi là quà của anh chị và các cháu. Bố đe: “Được, để xem nó mang về những gì!”. Mẹ mỉa bố: “Chuyến này bố con ông tha hồ mở mày mở mặt!”.
Mười ngày sau, chiếc DD đỏ nổ rầm, thổi vào làng cả một luồng không khí giàu có, sang trọng. Mẹ tất bật mổ gà, làm cơm. Bố lặng lẽ chơi với cậu cháu trai, hạt giống duy nhất của cả hai nhà, quý hóa hơn vàng. Bà nội hàn huyên đủ chuyện với bà con hàng xóm, chốc chốc lại vạch áo quần ra khoe. Nào sa tanh con bướm, sa tanh quả táo, áo lông, áo len. Toàn thằng Hiên mang từ Đức về cả. Tôi còn bảo vợ nó phải đưa tôi cái áo phao nữa mà chưa thấy. Cái con mẹ nó tính hay quên… Tôi theo giúp việc chị Chi, thỉnh thoảng nhìn trộm chú. Chú cao to, hồng hào, tóc lơ thơ vài sợi bạc. Ngồi cạnh chú, bố tôi trở nên tiều tụy đến đáng sợ. Chẳng ai để ý chị Lam tôi, tay năm tay ba mọi việc, thỉnh thoảng nhìn lén chú mà mắt cứ rưng rưng.
Sau bữa cơm chiều vui vẻ, khách khứa thăm hỏi cũng về hết, chú phân trần, nào em về đã hai tháng, nhưng bận nhiều việc… Nào hàng hóa về chậm quá, chỉ có ít quà. Chị Lam bấm vào hông chị Quý, chị Quý huých tay chị Chi. Tôi hồi hộp chờ đợi. Chú cắt đặt: “Đây, con Lam đem chia cho mẹ và các em. Chị Sơn, em biếu chị 1 mét sa tanh com bướm. Con Chi, con Quý mỗi đứa 1 mét, 1 lạng len. Con Lam, chị cả vất vả nhất nhà, cho mét hai với hai lạng len. Con Hoa cái áo lông”. Quay sang bố, chú bảo: “Anh ạ, em về đợt này hàng hóa chậm quá, nên không mang được xe cho các cháu, đành để đợt sau. Anh cầm tạm mấy chục ngàn mua vài thang thuốc ngâm rượu. Bệnh tình anh dạo này thế nào?”. Bố lạnh nhạt: “Cảm ơn chú, thuốc thang làm gì, tôi vẫn khỏe”. Mẹ đỡ lời: “Chú nó đã cho thì ông cứ cầm lấy, cả đời chú nó mới đi Tây có một lần. Thôi, chú ạ, để chị xin”. Chú dúi 45 ngàn đồng vào tay mẹ. 45 ngàn đồng thời điểm đó vừa đủ mua 3 thang thuốc ngâm rượu loại xoàng. Ngưng một lát, chú tiếp: “Anh chị ạ, bà dạo này cũng già rồi, nói năng lẫn cẫn, cứ luôn mồm bảo nhớ quê, muốn về quê ở cho có bà con xóm giềng. Em với Ngọc (Ngọc là vợ chú, buôn bán đồ điện ở chợ huyện) tính, đưa bà về quê ở với anh chị ít ngày, không biết…” Bố gắt ngang: “Thôi, thôi, khỏi nói, tôi biết cả rồi”. Chuyện tắt ngấm. Mọi người thu xếp đi ngủ.
Tờ mờ sáng, chị Lam lục đục nấu cơm. Bữa sáng cũng đầy đủ cơm, canh, rau muống xào, thịt gà rang còn lại từ tối hôm trước. Chú ghé ngồi xổm bên cửa bếp: “Thế nào, con Lam, cứ vất vả mãi thế bao giờ mới chịu lấy chồng? Chú là chú thương mày nhất đấy”. Chị Lam “Vâng”. “Bố mày bệnh tật, trái tính trái nết, chúng mày phải biết vâng lời”. “Vâng”. “Hôm nay thằng Khôi (bạn chú từ thuở nhỏ ở quê) mời chú ăn cơm, nhà đừng nấu nhé”. “Vâng”.
6h, bữa sáng đã dọn sẵn. Chú dắt xe máy ra: “Chị à, em vào thành phố chơi, tiện thể ăn sáng luôn”. “Cơm nước rau dưa có gì khách khí đâu, chú ở nhà ăn xong hẵng đi, vội gì”. “Thôi chị ạ, em đã lên kế hoạch rồi”. Chiếc xe lao vù ra khỏi ngõ, khói xám bay lên.
Bố không ăn gì, cả buổi sáng ngồi uống hết chai rượu, xong bọc cái chai không vào xà cạp đi làm đồng của mẹ, dúi vào cót thóc. Mẹ biết sự chẳng lành, lén lấy ra. Bố nghiến răng: “Bà cứ để đó cho tôi, nó về đây, tôi đập nát cái xe của nó ra. Đồ bất hiếu!”. “Thôi, tôi xin ông, không có nó ông cũng không chết. Ông ốm bao nhiêu năm, tôi lo được cả”. Bố gọi thằng cháu trai: “Hè sang năm nhớ về chơi với bác nhé. Bác có quà.” “Chim chào mào hay gà chọi?”. “Không chim, chẳng gà, bác chỉ có một quả”. “Quả gì?”. “Quả lừa!”. Thằng bé 10 tuổi chạy ra vườn khóc một mình, mắt sưng húp.
Khi chú về thì cả nhà đã đi ngủ. Bố lên cơn ho. Bố bị hen suyễn có đến hai chục năm rồi, thuốc thang cứ trôi trượt như nước đổ lá khoai, chẳng ngấm vào người. Bao nhiêu tam thất, thần sa, rượu tằm cũng thế. Mẹ như thân cò lặn lội tận Thái Bình, Hải Hậu… ai mách bảo đâu cũng theo tìm thuốc tìm thang. Trong nhà, mẹ như bố. Chị Lam như mẹ. Chị không lấy chồng, hay tủi thân tủi phận, già nhanh và càng ngày càng lôi thôi luộm thuộm.
Chú gọi riêng mẹ ra một góc: “Chị à, anh giận em điều gì đó không biết. Em không tiện nói chuyện. Mai, em cho các cháu đi, các cháu còn phải đi học. Chị ở nhà chăm nom bà giúp vợ chồng em. Có khó khăn gì, em sẽ có trách nhiệm, chị đừng lo”. “Tôi đàn bà, không biết chuyện anh em nhà chú. Bà ở với chú thím từ khi có con Ngân đến giờ là 15 năm rồi. Anh em nhà chú hành hạ tôi quá thể!”.
Bữa cơm chia tay chú và các em sáng hôm ấy vẫn có thịt gà, thêm bát miến nấu với bộ lòng gà và rau ngót. Mẹ sai chị cả bắt ba con gà mái tơ béo mượt bỏ vào cái rỗng nhốt lợn, buộc chắc chắn sau xe máy. Bố vẫn không ăn, chỉ uống rượu. Cơm xong, bố quát: “Con Lam, đem cái bao tải, bỏ bà vào đấy, cho chú mày mang đi! Đồ bất hiếu!”. Tôi sợ xanh mặt. Mẹ lạy van: “Tôi xin ông!”. “Xin cái gì! Tránh ra để tôi đập nát cái xe của nó ra!”. Bố mẹ giằng co cái chai. Bà nội chạy ra: “Chúng mày cãi nhau cái gì thế? Để tao ở nhà quê thật đấy à?”. Bốn chị em tôi, Ngân và Đức đều khóc, mắt đỏ hoe. Rồi chúng tôi chia tay nhau nghẹn ngào.
Bà nội lẫn thật. Suốt ngày cứ đi tìm quần áo, giầy dép, soi gương, cởi ra lại mặc vào. Giữa mùa hè lại đòi mặc áo lông, áo len, luôn mồm bảo thằng Hiên nó mua, xuống lỗ đến nơi rồi, để làm gì cho phí, của một đống tiền! Nhà tôi 5 gian. Gian giữa đặt bàn thờ ông bà tổ tiên, bộ bàn ghế ngồi uống nước. Buồng kín bên đông chứa thóc gạo và đồ đạc lỉnh kỉnh. Buồng trống bên tây kê cái giường của chị Lam, cái máy khâu của chị Chi. Chị Quý đã lấy chồng, có hai con gái. Giường mẹ và phản của bà đặt song song ở gian ngoài, áp buồng trống. Tôi ngủ với mẹ. Chị Chi ngủ với bà. Bố nằm gian áp buồng kín.
Bà nội hay ỉa đùn, lại ăn trầu, phân thối khẳn. Giặt giũ cho bà chỉ có chị Chi. Một hôm, bố mẹ cãi nhau, cứ giường bên này nói vóng sang giường bên kia. Đến nửa đêm, bố bất lực, thở dài, mẹ khản giọng, quay sang chì chiết tôi: “Ngày xưa bà bảo mày là con hoang. Giờ thì dọn cứt cho bà mày đi!” Tôi lẩm bẩm: “Bà chẳng bế con ngày nào, cũng không ở với con ngày nào. Mẹ chỉ…”. “Chứ lại không à? Tao thì tao nhớ sơn đời, sống để dạ chết mang đi. Tao chửa mày vượt mặt đây này. Bố mày cầm viên gạch, đứng ở đầu hè này này, bảo “hễ bước vào nhà là ông ném!”. Tao nhớ tao nhảy qua bờ giậu dâm bụt kia, ngã sấp bụng xuống. Tao trốn chui trốn lủi ở nhà bà ngoại mà vẫn phải mò cua bắt ốc, dúi gạo cho con Quý mang về, cả nhà ăn. Đẻ mày ra tím ngắt mấy đận, tưởng chết chứ sống được đến thế này à! Mày không tin sang hỏi bà Cử mà xem, bà ấy biết cả đấy! Đời tao chỉ biết bắt cua mò ốc cho cái nhà mày”. Tôi không dám khóc, sợ mẹ lại có cớ nói dai. Chuyện bố đuổi mẹ đi lúc mang bầu tôi, tôi đã có lần được nghe mấy bà trong xóm kể, lôi thôi lằng nhằng lắm. Tôi không tin, nhưng mà buồn khủng khiếp.
Một hôm, bà nội đốc chứng kêu mất cái quần sa tanh. Bà đi rêu rao khắp xóm là chỉ có con Chi nó lấy của bà. Chị Chi khóc. Mẹ lu loa: “Sao thân con khổ thế con ơi! Con gái hơ hớ ra thế kia nó mặc sa tanh làm gì, mà bà đổ oan cho nó hả giời! ối ông ơi là ông ơi, ông xem mẹ ông độc ác với con lớn con bé của ông đây này!”. Bố ném phăng cái bát ra ngoài sân: “Bà chuẩn bị tiền, mai cùng con Chi, mang cụ đi!”.
Tôi vào học cấp 3. Chị Chi lấy chồng. Mẹ vẫn chạy như con thoi với hai giỏ cua nặng trĩu bên hông, lo tiền học cho tôi, thuốc thang cho bố. Mỗi dịp chuyển mùa, bố ho dữ, thở không được. Bố phải nằm phủ phục suốt đêm, hai đầu gối chai hai lại thành miếng thâm xì. Thỉnh thoảng, có hai bố con ở nhà, bố hứng chí ngâm đi ngâm lại câu thơ của Tú Xương: “Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn. Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn. Bối rối tình duyên cơn gió thoảng. Nhạt phèo quang cảnh bóng trăng suông…” Rồi bố lại xoa đầu tôi, bảo chỉ ước sau một đêm ngủ dậy, tôi biến được thành thằng con trai để bố có người nối dõi. Tôi bảo bố: “Con đã đọc hết thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, cả Truyện Kiều, bạn con bảo Bouderlair, Muysue… viết hay lắm.” “Không được, đọc cái thứ văn chương lãng mạn đó là hư hỏng!”. Bố kèm sát việc học của tôi. Hễ tôi làm cái gì trái ý, ông lại bảo: “Dòng dòng theo mẹ! Hỏng!”.
Càng ngày bố càng khó tính, mẹ càng cay nghiệt. Nhiều lúc dựa vào những chuyện rất vụn vặt, mẹ đem chuyện cũ, chuyện anh em họ hàng ra đay nghiến thậm tệ. Họ nhà ông chẳng đứa nào ra gì. Đàn ông thì vô tích sự. Đàn bà thì giả dối, tham lam. Làm dâu nhà ông, tôi uổng phí một đời. “Tôi vô tích sự rồi, mai tôi sẽ treo cổ tự tử. Trước khi chết, tôi chỉ xin bà con gà luộc làm lễ tạ tội tổ tiên”. Tưởng bố nói dỗi vậy thôi, ai ngờ, hôm sau bố tự tay mổ gà, làm mâm cỗ cúng, lại gọi chị Chi chị Quý đến đông đủ. Dọn mâm ra, khói trầm vẫn lẩn quất quanh ban thờ. Chị em tôi chống đũa nhìn nhau, mắt đứa nào cũng ngân ngấn nước. Bố giục: “Ăn đi, ăn đi các con, ăn để từ biệt bố. Bố sống thế đủ rồi!”. Bốn chị em tôi òa khóc. Mẹ cũng òa khóc. Tôi chạy lại ôm bố, chẳng may đập vào vết đứt ở tay bố do hôm trước bố phát dậu xoẹt dao phải, máu bắn ra, đỏ một vệt trên bát cơm. Cả nhà xúm xít hốt hoảng, tìm giẻ buộc tay cho bố. Chuyện tự tử, bố tuyệt nhiên không nhắc nữa. Nhưng từ hôm đó, bố ít nói hẳn, ra vào như cái bóng, ngày nấu hai bữa cơm, đến bữa, nhất định chỉ ăn một bát, không hơn. Bố bảo, biết nấu ngày hai bữa cơm, ăn thế là đủ. Bố gầy chỉ còn da bọc xương.
Một hôm, bố gọi tôi: “Con xuống chị Nhạn (cháu gọi mẹ bằng cô ruột), xin cho bố ít thuốc phiện”. Chị Nhạn có anh chồng đi bộ đội tận Lào, lúc về đem giấu được viên thuốc phiện bằng cái ngón chân cái, dành để mỗi khi lỡ đau bụng đi ngoài, nướng lên một tí bằng hạt đậu xanh rồi nuốt, nghe nói rất nhạy. Bố thi thoảng xin chị một viên con con như thế, nướng lên nuốt để cắt cơn ho. Mẹ gọi giật tôi: “Mặc ông ấy, ở đâu lắm mà nó cho mãi. Chết thì không chết đi cho rảnh cái nợ đời!”. Tôi chết lặng. Bố quát: “Không phải đi nữa!”. Một tuần sau, người bố bỗng sưng phù, mọng nước. Mẹ sai tôi: “Con vào chị Chi, bảo ra ngay, bố mệt”. Chị tôi bụng chửa vượt mặt, thấy tôi dấm dứt khóc, hỏi: “Lại cãi nhau hả? Nhà chúng mày dơ lắm!”. Tôi ấp úng: “Không, bố mệt, mẹ bảo…” Mắt chị ngấn nước: “Bố ốm đau mãi, sống cũng khổ…” Rồi giục tôi: “Đi!”.
Chị Lam mua một thanh đậu phụ, luộc lên, lại nấu thêm bát cháo trứng, ép bố ăn. Bà hàng xóm mang sang quả cam, vắt nước, bón từng thìa cho bố. Bố nằm thiêm thiếp, da căng mọng hồng hào. Mẹ thủ thỉ: “Ông ơi, ông đừng chết. Mai con Hoa đi thi học sinh giỏi văn toàn tỉnh. Thầy hiệu trưởng hứa nếu nó đoạt giải cao sẽ được nhà trường miễn học phí. Ông cố sống cho con nó được học”. Bố thều thào vài từ nghe không rõ. Mẹ kéo tôi vào buồng: “Con cứ học đi, bố không sao đâu. Mai còn dậy sớm đi thi”. Nhưng chẳng có chữ nào vào đầu tôi được nữa.
11 giờ đêm hôm ấy, bố mất, thọ 58 tuổi, không có gì để lại gì cho chị em tôi, kể cả một tấm hình. Ông trưởng họ bảo mẹ: “Thím gọi điện báo cho chú Hiên đi!”. Mẹ dứt khoát: “Nó có thiết gì đến ông ấy đâu, báo làm gì!”. Rồi mẹ khóc: “Ông ơi… ông sống vợ con ông khổ… ông chết… anh em chia lìa… ông có biết không… ông ơi!…”
Bố mất được 10 ngày, tôi bỗng nhận được một bức thư của Ngân, nhòe nhoẹt nước. Lúc này nó đang học Trung cấp Sư phạm ở thị xã Thái Nguyên, ở nội trú. Tôi kém nó 1 tuổi, đang học lớp 12. Thư viết: “Chị thân yêu! Đêm nay em không sao ngủ được. Cả phòng chỉ còn em và một bạn nữa cũng ở Bình Lục nhà mình, còn mọi người về nhà nghỉ cuối tuần. Em nhớ các bác, các chị, em đã khóc. Chị ơi, sao nhà mình lại khổ thế hả chị?…” Tôi nhẩm lại, Ngân đã nhớ đến chúng tôi đúng vào lúc bố tôi nhắm mắt…
49 ngày bố, Ngân, Đức và thím Ngọc về. Thím trách mẹ không báo tin bố tôi mất. Nghĩa tử là nghĩa tận mà để đến nỗi anh em không được nhìn mặt nhau. Lại bảo chúng tôi có lớn mà không có khôn. Chú và bố mày giận nhau, nhưng còn các em nữa chứ. Chúng nó chẳng có tội gì! Chị Lam và mẹ giận dữ điên cuồng, mắng thím mất mặn mất nhạt. Thím phải dắt các em tôi ra đi vào sáng sớm ngày hôm sau.
Tôi viết thư cho Ngân: “Chị không hiểu được chuyện của người lớn, chỉ thấy họ vừa ác độc lại vừa đáng thương… Chị không được đi thi đại học, vì mẹ bảo, nghèo lắm con ơi, học làm gì, có thay đổi được không? Chị biết chị bất hạnh. Mẹ chị cũng bất hạnh. Bà nội không yêu mẹ chị. Bố chị làm khổ mẹ chị. Nhưng mẹ chị không sai, bố cũng không sai. Chị yêu bố mẹ chị, còn tất cả đều đáng ghét”.
Ngân viết lại, nó an ủi tôi và giải thích loằng ngoằng rằng không thể có chuyện vô lý như tôi nói. Nó còn kể, bà nội lẫn thế, nằm đâu ỉa đấy, mà bỗng một hôm hỏi bố nó: “Thằng Sơn chết rồi à?”. Bố nó không nói gì. Bà nhịn ăn uống hai hôm liền. Sau đó, thư từ giữa tôi và Ngân cứ thưa dần, tôi cũng không biết vì sao mình không muốn trả lời thư của nó nữa. Ngày bà nội mất, chú gọi điện về, mẹ, chị Chi ra, tôi không được ra.
Hai năm sau tôi lên Hà Nội học đại học. Kỳ nghỉ hè, tôi một mình lần đầu tiên đi thăm chú thím. Ông mới ngoài 50 mà tóc bạc quá nửa. Nhắc chuyện quê quán, ông chỉ ôm đầu. Ngân đã tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, đang dạy học ở một trường cấp 2 huyện. Đức 16 tuổi, học giỏi, cao to, đẹp trai. Chẳng ngờ, chỉ hơn một năm sau ngày chị em tôi gặp lại nhau đó, một tai nạn bất ngờ đã cướp nó đi vĩnh viễn. Tôi là người đầu tiên trong nhà nhận được tin này, khóc lặng. Mẹ bảo: “Khóc lóc cái gì, số kiếp cả thôi!”. Nhưng lần đầu tiên trong đời, chân mẹ bước không vững.
Tôi 30 tuổi. Con gái tôi lên 4. Một hôm nó hỏi tôi: “Mẹ ơi, ông ngoại chết rồi à?”. “Ừ, ông chết rồi con ạ”. “Ông sao mà chết?”. “Ông ốm, bệnh không chữa được thì người không sống được, nhưng ông còn ở trên trời, rất thương con”. “Ông có cánh không?”. “Có”. “Không đúng, ông chỉ có hai cánh tay thôi. Ông không phải ở trên trời mà bị chôn dưới đất!”. Hôm khác, nó lại hỏi: “Mẹ ơi, ông ngoại trông mặt thế nào?”. Tôi bảo nó: “Mẹ giống ông”. “Mẹ tìm ảnh của ông cho con nhé, con nhớ ông ngoại”. “Ừ, mẹ sẽ tìm”. Con tôi bỗng mếu máo: “Ông ngoại chết rồi, cụ kỵ cũng chết rồi, con thì còn sống được bao lâu nữa? Sao lại khổ đến nỗi này!”. Tôi kinh hoàng. Trời ơi! Trong đời ai chẳng một lần phải chết. Con tôi mới 4 tuổi, ai xui khiến nó nghĩ những chuyện ấy để làm gì
Leave a Reply