1. Định nghĩa
Dưới dạng tổng quát nhất; tập quán là một cách thể hiện hữu tư duy hay hành động; làm giảm đi sự cố gắng thích nghi và khiến cho hành động được dễ dàng bằng cách nó tự động hoá lấy nó.
2. Tập quán với bản năng
Tập quán là một cách thế sinh hoạt thụ đắc bắt nguồn sâu xa từ cách thế sinh hoạt bẩm sinh hay bản năng; ta biết rằng nơi đời sống tâm lí con người vẫn có những schème nào là cử thái; tri giác và tư tưởng tiền nghiệm. Theo một phương diện nào đó; tập quán khác hẳn bản năng.
Tập quán có một bản chất khác với bản năng: tập quán là một năng khiếu thủ đắC; còn bản năng là một năng khiếu bẩm sinh; nhưng được tạo thành trong đời sống chủng loại cùng một cách thế; như tập quán trong đời sống cá nhân,
Nhiều tập quán có nguồn gốc đầu tiên trong các cử chỉ bản năng; mà giữa các cử chỉ đó; chúng thiết lập được một sự điều hợp. Sự bước đi nơi con người cũng vậy. Nó là một thứ tập quán bởi vì giả thiết là một tập tành của cá nhân nhưng nó được tạo thành khởi từ những cử chỉ bản năng: từ tháng thứ hai, người ta thấy đứa trẻ nhấc chân lên, lần lượt duỗi co các ngón chân, ít lâu sau, nó đã có thể cong cổ được, quay toàn thân về phía phải hay phía trái, rồi đứng thẳng. Sự tập tành được giúp đỡ của người lớn, để mau chóng tạo sự thăng bằng là điều kiện cho cơ năng vận động mà thôi.
3. Tập quán với kí ức
Tập quán biểu lộ những tính cách thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn: tự động và thông lệ, nhưng lại đổi mới. Vì thế có những lí thuyết khác nhau về bản chất của tập quán. Thực sự tập quán là một hoạt động cơ cấu đổ hướng được tạo thành bởi sự lặp đi lặp lại.
4. Những đặc tính tổng quát của tập quán
4.1 .Những tập quán sinh học
Ta có thể tập quen với việc sống tại một độ cao nào đó nhờ thích nghi được với tình trạng thiếu oxy. Cả động vật và thực vật, như người, cũng tập quen với các thay đổi về nơi ở hay môi trường ngoại giới. Nhà sinh vật học Đức Simon giải thích các thích nghi ấy bằng những kỉ niệm di truyền tiềm tàng tạo nên một thứ kí ức của chủng loại.
4.2. Những tập quán máy móc
Trước hết đó là những hành vi thông lệ, như những hành vi chúng ta thực hiện để mặc; để ăn; để mỗi ngày, cùng một giờ, đi dạo cùng một lối. Những tập quán đó được tiêu biểu bởi một chuỗi cử động mà một khi đã thủ đắc thì lúc nào cũng khởi phát gần như cùng một cách thế nhờ ở cả một hệ thống báo hiệu nội tại. Người đàn bà đan áo mà nghĩ đến việc khác, mỗi lúc được báo hiệu bởi sự tiếp xúc của ngón tay với cây kim và cái áo đương đan không những về cử chỉ đã thực hiện, mà cả về cử chỉ phải thực hiện, cử chỉ trước sửa soạn cho cử chỉ sau. Trong trường hợp ấy, có sự siêu việt của tự động tính. Cả những tập quán còn máy móc hơn cũng vậy, chẳng hạn như sự đi bộ.
4.3, Những tập quán thượng đẳng
Những tập quán hoặc có tính cách cơ động hoặc có tính cách tâm linh. Nơi các tập quán này, tự nhiên tính thắng vượt tự động tính. Người chơi dương cầm lão luyện có thể nhận ra và trình diễn ngay lúc thấy lần đầu, một bản nhạc cùng một loại khó chơi như những bản mình đã từng trình diễn. Những tập quán trí tuệ cũng vậy: nhà toán học thực hiện những chữ, hay số, những động tác về phương diện hình thức giống hệt những động tác mà ông đã từng thực hiện, nhưng lại khác với những động tác này về phương diện chất liệu.
Trong trường hợp ấy, người ta nhận thấy tập quán đã được thủ đắc do tập luyện như mọi tập quán khác và hoạt động một cách máy móc, nhưng ngày nay đã có tính cách đổi mới. Tuy nhiên, mặc dù có tính cách tổng quát, tập quán đó vẫn bao hàm một sự chuyên môn hóa nào đó: một học sinh trước một bài toán thuộc dạng đã quen làm, sẽ không hề cảm thấy bối rối.
5. Các giai đoạn tạo thành tập quán
5.1. Giai đoạn chuẩn bị
Giai đoạn đầu này đánh dấu bởi cách tập luyện từng phần và các hành vi tương đối thiếu điều hợp. Chẳng hạn, để học chơi đàn dương cầm, các bắp thịt, các ngón tay phải tập cho mềm dẻo và vững chắc, và hai bàn tay phải trở nên độc lập với nhau, nhấn phím riêng biệt nhau, và những cử động của bàn tay này không kéo theo những cử động tương đương của bàn tay kia. Sự nói bi bô của trẻ con, sự tập viết hay tập đi cũng thế. Những động tác tập luyện từng phần có hiệu quả là tạo nên những liên kết cảm giác cơ động, những điều hợp sơ đẳng các cử động, phân bố những công việc cho cơ thể và đơn giản hoá cách thực hiện chúng.
5.2. Giai đoạn tổ chức
Sự lặp đi lặp lại. Giai đoạn này rất quan trọng. Trong khi ở giai đoạn trên, sự lặp đi lặp lại chỉ dùng để dẫn mở liên hệ giữa các neurone, bây giờ nó góp phần vào sự tổ chức. Trước đó nó là một lặp đi lặp lại không có thay đổi, bây giờ nó bao gồm những cải tiến và tiến bộ.
Những thách thức và lầm lẫn. Những tập quán cơ động được tạo thành bởi một loạt tác động dò dẫm, mà lần thử thách đầu tiên để lại một tàn dư, một phác lược của một lược đồ cơ động, một hình thái lâu bền và mềm dẻo. Cái hình thái này hướng dẫn các thử thách trở nên phong phú qua chúng và dần dần được phân hóa ra.
Các nhà tâm lí theo dõi sự tạo thành các tập quán đã xác nhận điều này. Chẳng hạn như, khi quan sát những cử động của một con chuột bị đưa vào trong một mê lộ và học cách ra khỏi đó bằng con đường ngắn nhất, họ đã ghi nhận ngay từ thử thách đầu tiên, những hướng đi xác định, những phương pháp được cải tiến khi thấy tốt, bỏ đi khi tỏ ra dở, một thứ lược đồ địa hình dần dần phác hoạ ra lộ trình phải theo và dần dần trở nên rõ rệt.
Khoảng cách tập luyện. Những tập luyện được cách nhau bởi một khoảng thời gian nào đó, không ngắn quá mà cũng không lâu quá, cho một hiệu năng khá hơn do có sự tập luyện liên tiếp không ngừng. Ta có thể tính toán được khoảng cách thuận lợi đó.
Sự tập luyện giác quan. Quan sát hay tưởng tượng ra cử động thay vì thử thực hiện nó trước thì sự tập luyện giác quan lại trở thành chuẩn bị cho tập luyện cơ động và có thể khiến cho sự tập luyện trở nên vô ích. Có khi, ngay lần đầu tiên, tôi đã thực hiện đúng một hành vi mà tôi đã thấy và sự hình dung hay lược đồ tri giác này còn hiện diện trong trí tôi.
6. Bản chất của tập quán
Như vậy có sự siêu việt của tự động tính và thông lệ trong một số tập quán của tự nhiên tính và sự phát minh trong các tập quán khác. Làm thế nào để suy diễn các sự kiện ấy? Chúng bao hàm một khác biệt về bản chất hay chỉ về cấp độ?
6.1. Giải pháp máy móc: Tập quán giản lược còn là một chuỗi phản xạ
Những thông lệ đã đưa nhiều nhà tâm lí học tới chỗ nhìn thấy nơi tập quán có một bộ máy thiết lập nên một chuỗi phản xạ cơ động trong cơ thể, do sự giáo dục liên kết với những kích thích thị giác, thính giác… Như thế, khi học chơi đàn dương cầm, những kích thích là những nốt nhạc, những đáp ứng là các cử động điều hợp với một loạt ấn tượng thị giác. Nhưng, sau một thời gian tập luyện, người ta đã có thể trình diễn đúng một bản nhạc mà không cần nhìn các nốt nhạc nữa: cử động đầu tiên khơi dẫn mọi cử động khác, bởi những kích thích cơ bắp đã chiếm chỗ của các kích thích thị giác, đã liên kết trực tiếp với nhau. Đó là lí thuyết khơi mở thần kinh, theo đó hành vi tập quán là kết quả của một quá trinh vận động cơ bắp và sau cùng là một chuỗi phản xạ có điều kiện.
Phản xạ không giải thích được các tính cách của tập quán. Mọi tập quán đều bộc lộ một sự bền lâu đối lập với tính cách thiếu vững chắc của các phản xạ có điều kiện: chẳng hạn như phản xạ chảy nước miếng nơi các con chó của Pavlov biến mất khi vật kích thích điều kiện không được sử dụng nữa trong một thời gian quá lâu. Để tạo nên một hành vi lâu bền, cần phải có một cái gì khác hơn là một liên kết ngẫu nhiên.
Ngoài ra, tập quán máy móc nhất cũng đã có những biến thái nội tại đủ để phân biệt nó với phản xạ. Những biến thái ấy được thấy trong việc đi bộ cho tới các bài học thuộc lòng.
6.2. Giải pháp tâm lí hình thái
Tập quán là hình thái năng động. Hình thái này phát sinh do sự tập tành, từ một tổng thể các tương quan cơ năng thiết lập trong phạm trường não hệ, giữa các quá trình vận động của thần kinh có nguồn gốc ngoại tại cũng như có nguồn gốc nơi các trung khu cơ động.
Thuyết tâm lí hình thái không giải thích được tính cách chuyển dịch của hình thái hành vi tập quán, hình thái này chỉ có thể thể hiện nơi các cử động khác nhau với điều kiện không bị hạn định trong không gian.
Ngược lại và điều này các nhà tâm lí hình thái cũng không nhận thấy hình thái đó có tính cách cốt yếu là tiến diễn theo thời gian, bởi vì nó xác định sự diễn tiến của một động tác có thể là tâm linh hay cơ động.
6.3. Giải pháp của Burloud
Tập quán là một hoạt động tạo cơ cấu. Để thấu đáo bản chất thực sự của các hình thái cấu thành tập quán ở mọi cấp độ, với cùng những tính cách mâu thuẫn tự nhiên và tự động, đổi mới và thông lệ, hãy khảo sát trở lại trường hợp người nhạc sĩ dương cầm trình diễn một bản nhạc mới. Bề ngoài, sự trình diễn là một chuỗi không ngừng của sự tiếp xúc các ngón tay với phím đàn, nhưng thực sự, đó là một chuỗi có điều hợp các cử động mà mỗi cử động kêu gọi và sửa soạn cho cử động tiếp theo. Bản nhạc cũng vậy, bao gồm những nốt tách biệt nhau, nhưng không được đọc kế tiếp nhau: chúng được lãnh hội theo từng nhóm. Toàn thể tác động vào các phần tử giúp chúng ta nhận thấy chúng đồng thời với nhau. Tri giác cũng vậy, ở chúng ta chỉ có tri giác toàn thể về một câu rồi toàn thể ấy mới giúp chúng ta nhận ra được những tiếng; và tri giác toàn thể giúp chúng ta nhận thấy những chữ hợp thành tiếng. Nhưng người ta chỉ nhận thấy mau chóng được một toàn thể nhờ ở một lược đồ quen thuộc xác định cơ cấu toàn thể ấy, và người ta cũng chỉ thực hiện mau chóng được một chuỗi có điều hợp các cử động nhờ ở một lược đồ khác điều hành một cách tự động sự tiếp diễn cảu các cử động. Lược đồ trên là một lược đồ tri giác, lược đồ sau là một lược đồ cơ động. Cả hai lược đồ này đều là những sức mạnh có cơ cấu và tạo cơ cấu hoạt động trong thời gian theo cách thế của một kỉ niệm.
Thực vậy, lược đồ tri giác là một thứ kỉ niệm kiểu mẫu thành hình khởi từ các tri giác thông thường. Chẳng hạn khi càng nhìn nhiều cây cối; nơi chúng ta được tạo nên một lược đồ về cây cối. Lược đồ này là một phương pháp để hình dung mọi thứ cây cối khác nhau hơn là một thứ hình ảnh trừu tượng và tương đối không xác định về một cây thân thẳng cắm sâu rễ xuống đất và ở bên trên tỏa rộng cành lá. Cũng một cách như vậy, một lược đồ cơ động là một thứ kỷ niệm kiểu mẫu các kinh nghiệm đã dùng để tạo nên hành vi tập quán.
Như thế, tập quán là một trong hai phương cách duy trì quá khứ, còn phương cách kia là ký ức. Trong khi kí ức, nói riêng, phục hồi lại quá khứ y như đã xảy ra, thì tập quán là thứ kí ức sử dụng quá khứ để xây dựng hiện tại. Tập quán bảo đảm, xuyên qua thời gian, sự điều hợp và nội tại hóa cho một chuỗi thử thách mà nó giữ lại hình thái toàn thể. Hình thái này một khi được xác định, sẽ tái diễn lại một cách tự động nơi các hành vi mới. Vì tính cách trừu tượng và tổng quát, hình thái ấy sẵn sàng có vô số biến thái đòi hỏi bởi sự dị biệt về hoàn cảnh mà trong đó tập quán hoạt động.
7. Giá trị của tập quán
7.1. Ích lợi
Tập quán là một lược đồ khá tổng quát, có thể đưa vào vô số công việc tương tự. Chính vì thế, một nhà vô địch đua xe sẽ thích ứng mau chóng hơn người khác với một chiếc xe hơi kiểu mới. Tập quán giúp đỡ và tạo điều kiện dễ dàng cho những sáng kiến và sự đổi mới.
Là sự thích ứng có sẵn mà phần lớn có tính cách vô thức, tập quán xuất hiện như một sự tiết kiệm ý chí để làm những công việc mới. Kiến thức, học vấn của mỗi người giống như một hệ thống tập quán của trí tuệ; và căn cứ vào hệ thống đó, mỗi người thâu thái được những hiểu biết mới cho riêng mình.
7.2. Tai hại
Nếu tập quán là một năng khiếu đôi khi khá mềm dẻo, thì cũng có khi cái tính mềm dẻo đó bị giảm thiểu đi nhiều, và khi ấy tập quán trở thành thông lệ; những lược đồ nhường chỗ cho những “khuôn mẫu cứng nhắc”. Sinh vật trở nên một cái máy, không thể làm gì khác ngoài những điều đã học tập. Mọi đổi mới đều không thể thực hiện được. Tập quán, theo Rousseau, đã “giết chết trí tưởng tượng”. Tập quán có thể làm khô cạn đời sống tình cảm và trí tuệ. Tập quán làm hại đến sự phát triển tình cảm mà trước hết là vi tập quán đôi khi làm cùn nhụt cảnh khổ sẽ làm trái tim trở nên cứng rắn. Sau nữa, tập quán có thể ngăn cản được sự trưởng thành, sự trở nên phong phú đời sống tình cảm bằng cách giam hãm đời sống ấy trong những hình thái cũ của nó, như những hình thái trẻ nhỏ chẳng hạn. Trong phạm vi hoạt động trí tuệ, tập quán cũng có những tai hại. Người ta có thể thụ động chấp nhận đối với những khái niệm đã quá quen dùng. Sự thái quá của kiến thức cũng có thể bóp nghẹt thiên tài. Khi quá chú trọng đến việc nhớ lại những gì người khác đã suy nghĩ, người ta có thể không còn gì để tự mình suy nghĩ nữa, không còn muốn khám phá hay sáng tạo nữa.
Leave a Reply