A – MỞ BÀI
Văn học hiện thực phê phán đã đi sâu miêu tả những bi kịch về sự bần cùng của người nông dân đó là tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng từ những trang sách Nam Cao thì người ta liền nhận ra rằng đây mới là hiện thân đầy đủ cho nỗi khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân bần cùng ở một nước thuộc địa bị cào xé hủy hoại từ “nhân tính đến nhân hình” (Nguyễn Đăng Mạnh). Thật thế, Nam Cao đã có một phát hiện và đào sâu đến tận cội rễ nỗi đau của người nông dân: Một con người không được làm người và đó là bi kịch.
B – THÂN BÀI
Như vậy, Nam Cao là nhà văn đầu tiên đã đi sâu miêu tả một tai họa có lẽ còn đáng sợ hơn cả sự bần cùng. Đó là mối nguy cơ hủy hoại trong con người những giá trị cao đẹp của tính nhân bản, hay đấy cũng là bi kịch bị mất quyền làm người. Có thể nói truyện ngắn Chí Phèo là lời kêu gọi thảm thiết đòi quyền được sống cho con người.
1) Hoàn cảnh, nguyên nhân của bi kịch
Xã hội đương thời (cả một chế độ thực dân phong kiến) trong tác phẩm Chí Phèo có thể xem làng Vũ Đại là xã hội thu nhỏ của làng nông thôn Việt Nam. Ở đấy những người dân nghèo thấp cổ bé họng “chỉ nghĩ đến sự yên ổn của mình vốn ghét lôi thôi” cho nên nhiều khi rất dửng dưng, thờ ơ với số phận của người khác.
Ở đây cái đáng sợ hơn là bọn cường hào mặc sức tung hoành. Chúng chia thành nhiều phe cánh luôn sẵn sàng thanh toán lẫn nhau để tranh giành quyền lợi. “Mồi thì ngon đấy, nhưng mà năm bè bảy mối, bè nào cũng muốn ăn. Ngoài mặt tử tế với nhau nhưng thật ra trong bụng lúc nào cũng muốn cho nhau lụn bại để cưỡi lên đầu lên cổ”. Tuy vậy, chúng cũng luôn “bu lại với nhau” để bóc lột con em và để đẩy những người lương thiện vào con đường cùng quẫn, phải chấp nhận làm loại tay chân mạt hạng cho chúng sai bảo theo kiểu ném đá giấu tay. Bọn người hung bạo ấy là Tư Đạm, Bát Tùng và Đội Tảo, “một tay vai vế trong làng”, là Lí Cường “con giai cụ Bá” nổi tiếng là hách dịch, coi mạng người như cái rơm cái rạ. Và tiêu biểu hơn cả là Bá Kiến.
Bá Kiến không giống những tên cường hào địa chủ khác ở “giọng nói rất sang”, ở tiếng cười khanh khách thật giòn giã, “cụ” vẫn “tự phụ hơn đời cái cười Tào Tháo ấy” nhưng Bá Kiến giống với những tên cường hào địa chủ khác và là điển hình nổi bật cho bọn chúng ở bản chất độc ác và thâm hiểm, hắn khét tiếng đến cả trong hàng huyện vì hắn là “thằng mọt già khôn róc đời”, “già đời đục khoét” để làm giàu.
Bá Kiến không từ một thủ đoạn tàn ác nào với người nông dân từ việc cướp đất cướp nhà, đẩy họ vào vòng tù tội đến việc xúi giục bọn lưu manh đâm chém họ. Tuy vậy Bá Kiến vô cùng thâm hiểm khi biết che đậy sự nhẫn tâm bằng bộ mặt giả nhân giả nghĩa “hắn đập bàn đập ghế đòi được năm đồng nhưng được rồi thì vứt trả lại năm hào vì thương anh túng quá”. Bá Kiến khi thì biết “rút ra những quy luật mềm nắn rắn buông già néo đứt dây”, khi thì biết “thu dụng những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi tù”, những thằng ma cà bông ấy là Năm Thọ, Binh Chức và hậu thân là Chí Phèo.
Có thể nói bi kịch Chí Phèo là do cả xã hội đen tối đương thời tạo ra nhưng nguyên nhân trực tiếp là do âm mưu nham hiểm độc ác của Bá Kiến, hắn đã dùng bàn tay phù thủy để vắt nặn những con người như cục sáp trong lòng bàn tay nóng, hắn đã làm thành công và tạo nên những thằng đầu bò trước khi có một thằng đầu bò Chí Phèo.
2) Bi kịch mất quyền làm người
Bị lưu manh hóa.
a) Chí Phèo vốn là một người nông dân hiền lành chất phác có lòng tự trọng và rất chăm chỉ làm ăn, Chí sinh ra ở đời như là một người dưới đáy xã hội. “Một thằng cùng hơn cả dân cùng, không vây cánh, không họ hàng thân thích, anh em không có, đến bố mẹ cũng không”. Chí đã lớn lên trong sự cưu mang của những người lao động lương thiện (anh đi thả ống lươn, người đàn bà góa mù, bác phó cối không con…) sau đó là những ngày Chí bơ vơ đi ở, đi làm thuê. Năm 20 tuổi khi làm công cho Lý Kiến, Chí là một anh canh điền khỏe mạnh “hiền lành như đất”, nhưng con người đó có ý thức về nhân cách của mình cho nên khi bị bà vợ Ba Lý Kiến “gọi đến nhà mà bóp chân” hắn chỉ “thấy nhục chứ yêu đương gì”.
Chí Phèo đã bị tha hóa, bị biến đổi cả về nhân hình và nhân tính bởi bàn tay độc ác của bọn thực dân phong kiến, bởi tác động sâu xa của xã hội đương thời.
Mở đầu bi kịch này chỉ là sự ghen tuông và âm mưu thâm độc của Bá Kiến mà Chí bị đẩy vào tù suốt 7, 8 năm trời. Như vậy, dưới ngòi bút của Nam Cao, tội ác của bọn cường hào đã được vạch mặt sâu sắc, chính chúng đã biến người lương thiện thành những kẻ có tội và rồi đẩy họ vào nanh vuốt của nhà tù thực dân. Chúng làm việc đó như một thói quen dễ dãi với những chứng cứ vu vơ nhưng chính cái dễ dãi và vu vơ ấy đã tố cáo thật hùng hồn bản chất bất nhân, vô trách nhiệm của chúng trước vận mệnh con người.
Đây là một bằng chứng để nói lên sự cấu kết của bọn phong kiến và lũ thực dân khiến cho dân ta “thân một cổ hai tròng nô lệ” và cái bất nhân này đã trở thành dẫn đường cho một cái bất nhân khác: Chí Phèo trở về làng Vũ Đại, cái mặt hắn không trẻ cũng không già: nó là mặt một con vật lạ, vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là vết sẹo… Hắn mặc quần nái đen với cái áo Tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ”. Cái bộ dạng này không phải là của người nông dân quanh năm hiền lành chất phác sau lũy tre làng. Hình dạng ấy “trông gớm chết!”. Nó phản ánh một tính cách bên trong rất khó phân biệt rạch ròi đâu là cái lưu manh của những thằng đâm thuê chém mướn, đâu là cái bất cần đời của những thằng cố cùng. Nó kết hợp một cách quái dị ngổ ngáo của cái quần nái đen phong kiến và cái áo tây vàng của ông tây.
Nhưng cái đáng sợ không phải là sự biến dạng về ngoại hình mà là sự thay đổi dữ dội trong tính cách của Chí bởi vì quãng đời hắn sống trong tù và lang thang khắp nơi thực sự là một quá trình hắn bị lưu manh như biết bao nhiêu kẻ khác cùng cảnh ngộ “mười thằng đã ra đi thì chín thằng trở về với cải vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được lừ phương xa”. Trước kia Chí hiền lành chất phác còn bây giờ mọi người
đều sợ hắn bởi vì hắn đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại… giở toàn những giọng uống máu người không tanh, hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện. Từ phá đến đập nát, đạp đổ cho đến làm chảy máu và nước mắt là một quá trình tăng dần của tội ác, xa dần với bản chất gốc của anh Chí nông dân thuở nào. Nó cho thấy mỗi ngày tội ác mỗi chất chồng, thằng lưu manh đang “phấn đấu” để trở thành con quỷ.
b) Bị biến thành con thú khác với những kẻ lưu manh có ý thức như Xuân Tóc Đỏ chẳng hạn, Chí Phèo chỉ gây tội ác trong trạng thái vô ý thức, tức là trong khi hắn say “những con say của hắn tràn cơn này sang cơn khác thành một cơn dài mênh mông, say vô tận” – trong cơn say, bản chất con người của Chí đã mất đi và hắn hành động gần như theo bản năng của một con thú dữ.
Khi nào hắn cũng sẵn sàng gây gổ, chửi bới, đập đổ, rạch mặt, ăn vạ, kêu làng. Chính trong trạng thái bản năng vô ý thức ấy Chí Phèo lại càng nguy hiểm hơn những thằng tỉnh táo khi bị bọn cường hào lợi dụng biến thành những tay sai đắc lực để tranh giành quyền lợi cho chúng, đàn áp người nghèo: “bao nhiêu việc ức hiếp phá phách, đâm chém, mưu hại người ta đều giao cho hắn làm… hắn biết đâu vì hắn làm tất cả những việc ấy trong khi người hắn say”. Có thể nói chỉ vì mấy đồng tiền uống rượu Chí đã bán sạch từ diện mạo, sức lực đến linh hồn (dấu hiệu phân biệt con người với con vật ở Chí Phèo đã rõ), hắn thực sự trở thành con vật u mê điên cuồng khát máu, một con quỷ gây tội ác trong tay bọn cường hào. Cái bi kịch đau đớn chính là ở đó. Nỗi thống khổ của Chí không phải là do tự nhiên, do tạo hoá; chẳng phải vì không cha mẹ, không họ hàng thân thích mà bị một cái xã hội ngất nghểu những con quỷ nắm quyền. Nói cách khác, Chí đã sa vào tay của lũ quỷ và được vắt nặn theo mô hình của quỷ, chính thế giới quỷ ấy đã rạch nát bộ mặt người, đã cướp di linh hồn và đặt Chí ngang hàng với thú dữ, với quỷ ác: “Chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu”. Tóm lại, bi kịch của Chí là sinh ra vốn đã là người nhưng rồi xã hội bất nhân đã không cho Chí được làm người. Nói chính xác hơn, Chí sinh ra và lớn lên là người nông dân nhưng rồi phải làm một kẻ lưu manh tội lỗi chồng chất.
3) Sự trở về bản chất con người
a) Mối tình Thị Nở và Chí Phèo.
Phát hiện đặc trưng mang tính nhân đạo của Nam Cao là nhà văn đã cho thấy ở đáy sâu cái tâm hồn tưởng chừng cằn cỗi, mê muội của Chí vẫn có chút ánh sáng lương thiện còn sót lại bởi vì xã hội đương thời đã tạo ra tính cách lưu manh, ngang ngược của Chí nhưng không đủ giết chết người nông dân lương thiện trong Chí Phèo. Đấy mời là “bản tính của hắn, ngày tháng bị lấp đi”.Ở đây, cuộc gặp gỡ của Chí Phèo với Thị Nở đóng vai trò rất quan trọng. Nó sinh ra từ khát vọng của Nam Caomuốn khám phá và chứng minh cái bản chất người của Chí không hề bị mất mà chỉ bị ngủ mê di trong cải vỏ ngoài của một con quỷ dữ.
Bản chất ấy được tình người sưởi ấm thì sẽ thức tỉnh. Do đó có thể nói chính bát cháo hành nồng ấm tình người và nhất là tình yêu của Thị Nở đã là cơn gió thổi bùng cái đốm lửa lương thiện vẫn âm ỉ cháy trong con người Chí Phèo. Tình người và đặc biệt là tình yêu đã khơi dậy trong Chí cái ước mơ giản dị ngày xưa lúc Chí mới 20 tuổi. “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.” Cái ước mơ thật giản dị và cũng rất nông dân. Chi tiết này đã cho thấy Nam Cao am hiểu rất tường tận và sâu sắc về bản chất của người nông dân. Chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao đã cảm nhận thấy cái điều mà sau này khi Đảng Cộng sản giương cao khẩu hiệu “Người cày có ruộng” thì lập tức tập hợp được đông đảo nhân dân để cách mạng đi đến thắng lợi.
b) Khát vọng sống lương thiện
Đây cũng là cái thời điểm Chí Phèo tự nhận thấy sâu sắc về hoàn cảnh hiện tại của bản thân mình “tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà còn cô đơn. Buồn thay cho đời”… không những thế Chí còn suy nghĩ về tương lai tuy còn mơ hồ nhưng hắn cảm thấy cái ngày hắn không thể sống liều mạng được nữa “nếu không có sức mà giật, cướp, dọa nạt nữa thì sao? Bấy giờ mới nguy”. Tình yêu Thị Nở là một cơ hội may mắn để Chí trở về với cuộc đời, được sống trong lương thiện và trong tình yêu thương con người. Lần đầu tiên sau 3 năm say khướt, đập phá, sống trong trạng thái bản năng vô ý thức, bây giờ cái hi vọng được làm người đã khiến Chí tỉnh táo hơn. Chí cảm thấy cuộc sống thật đẹp và đáng yêu hơn. Chí đã nghe được tiếng chim hót ban mai, tiếng trò chuyện của người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá trên sông… Trong cái lều ẩm thấp ngày cũng như đêm tối mò mò, chỉ nghe các thứ tiếng, Chí Phèo đã nhận ra một buổi sáng mới mẻ của thiên nhiên, cuộc sống, cũng là một buổi sáng sạch sẽ nhất mở ra một trang đòi rất mới cho Chí Phèo.
Không chỉ cảm nhận mà cái con quỷ dữ của làng Vũ Đại ấy đã biết phán đoán suy nghĩ… Nói cách khác những tố chất, những nội lực bên trong đã làm tan rữa cái con người bản năng thú vật của Chí vì thế niềm khát vọng được sống lương thiện trong nhân vật Chí Phèo đã trào lên mãnh liệt: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao”.
b’) Xưa nay khi phân tích truyện Chí Phèo, người ta thường theo dõi cuộc đời của nhân vật bắt đầu từ lúc Chí sinh ra, lớn lên, làm thuê rồi bị đi tù. Sau khi ra tù hắn thành con quỷ của làng Vũ Đại và rồi tình yêu Thị Nở đã giúp hắn trở lại làm con người. Hắn bị cự tuyệt nên uống rượu say để giết chết Bá Kiến và tự sát.
Thật ra cả đời Chí Phèo, Nam Cao dựng lại chỉ trong vòng chưa
đến 5 ngày. Nó bắt đầu từ tiếng chửi của con quỷ rồi tình yêu Thị Nở và kết thúc số phận, Trong chuỗi ngày dằng dặc những khổ đau chìm trong say và sống với bản năng của thằng say thì 5 ngày cuối cùng này là khoảnh khắc được thăng hoa của Chí. Rõ ràng lựa chọn cách viết như vậy, Nam Cao không muốn nghiêng về việc mô tả hiện thực mà muốn nói quan điểm nhân đạo, muốn nói về cái niềm thương cảm và ca ngợi bản chất của những người nông dân dù cho họ đã bị tha hóa, lưu manh hóa.
b”) Thông thường quy luật của chủ nghĩa hiện thực là tính cách của con người tốt xấu do bởi hoàn cảnh, tính cách hoàn toàn thụ động bởi hoàn cảnh, truyện Chí Phèo chỉ cần viết đến lúc Chí tha hóa say rượu đập phá thì đã là một truyện rất hay. Nam Cao lại có một cách nhìn rất biện chứng, đó là con người vốn xuất phát từ lương thiện, dù hoàn cảnh biến nó thành quỷ nhưng chỉ cần có điều kiện thì cái lương thiện sẽ được đánh thức, cái ác sẽ bị loại trừ. Có được.cách nhìn ấy phải có được một tấm lòng nhân đạo như Nguyễn Du nhìn một cô gái thanh lâu, như Hồ Chí Minh nhìn một kẻ tội phạm:
“Ngủ thì ai cũng như lương thiện
Tỉnh dậy phân ra kẻdữ hiền
Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”
Ngòi bút nhân đạo của Nam Cao khi miêu tả sự trở về bản chất con người của Chí Phèo không dễ dãi chỉ là chuyện mối tình với Thị Nở mà tham gia vào con đường hoàn lương này có rất nhiều yếu tố.
Thứ nhất là ánh trăng, ánh trăng đã làm mát dịu, đã làm cho cái máu côn đồ của Chí Phèo dịu lắng. Nó đã cho con người cô đơn ấy một người tri kỉ, ấy là cái bóng của Chí. Vậy là có một kẻ không biết sợ Chí, thậm chí là đùa giỡn với anh ta.
Hắn gặp tiếp một tri kỉ nữa đó là Tư Lãng – một con người bằng xương bằng thịt nâng chén với Chí dưới ánh trăng và rồi con đường trăng nhễ nhãi đã làm cho Chí thấy rười rượi tâm hồn. Để có những khát vọng dù là bản năng nhưng cũng rất con người.
Viết một cách tỉ mỉ và đầy dụng ý như vậy là Nam Cao đang dành tất cả tấm lòng yêu thương trân trọng của mình cho cái sự lần hồi về với người của “con quỷ” Chí Phèo.
4) Bị cự tuyệt làm người
Sự tuyệt vọng: Xã hội cũ tàn ác đã chặn đứng con đường trở về cuộc sống lương thiện. Trước đó Chí đã từng nghĩ “Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”, thế mà người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn ấy rồi cũng không chấp nhận chung sống với Chí. Tuyệt vọng, Chí đã uống rượu nhưng càng uống càng buồn “hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoáng thoáng thấy hơi cháo hành, hắn cứ ôm mặt khóc rưng rức”. Lần uống rượu này khác với baolần trước đó rượu vẫn làm cho thần kinh của con người bị chao đảo. Nếu trước đó rượu khơi gợi cái phần bản năng để dẫn đến những hành động đập phá thì lần này rượu khơi gợi cả một thế giới của tình người, cái ảo giác có vẻ rất lạ nhưng mà rất thật của ấn tượng tình yêu Thị Nở: Mùi rượu không có mà chỉ thấy mùi hành của kĩ niệm, của tình thương cứ bốc lên khi uống rượu. Chí Phèo khóc bởi vì hắn hạnh phúc với thời gian ít ỏi nhưng ngọt ngào ở bên cạnh Thị Nở, đồng thời hắn khóc bởi vì bát cháo hành chỉ còn lại thoang thoảng. Một thế giới tình yêu vô cùng đẹp đẽ đã thật sự sụp đổ.
Có thể nói mất tình yêu với Thị Nở, Chí như một con người đi trong bóng tối vừa nhìn thấy chút ánh sáng cho cuộc đời thì ánh sáng đó lại vụt tắt. Tuy vậy cái tia chớp lóe lên đó dù không đủ sức soi sáng toàn bộ cuộc đời u tối của Chí thì ít nhất cũng giúp Chí nhận thấy tình cảm tuyệt vọng của mình và bộ mặt của kẻ thù. Do đó khi say Chí vác dao đi với ý định đến “đâm chết cái con khọm già nhà nó”, tức là bà cô Thị Nở nhưng cái vô thức đã đưa Chí đến nhà Bá Kiến – kẻ đã đẩy hắn đi tù, đã biến hắn thành con quỷ dữ và không bao giờ muốn anh được làm người.
Mối thù hắn tích lũy đã lâu trong cơn tuyệt vọng làm cho hành động của Chí tỉnh táo, có ý thức và những tiếng nói dõng dạc của Chí đối với Bá Kiến: “Tao muốn làm người lương thiện, không được! Ai cho tao lương thiện? Tao không thể làm người lương thiện được nữa” là những tiếng kêu tuyệt vọng của một người hoàn toàn bế tắc không tìm thấy lối thoát trong cuộc sống. Đây cũng là nỗi đau thê thảm của một kẻ cùng một lúc tỉnh ngộ nhận ra hai sự thật: Mình khao khát muốn được sống lương thiện và mình không thể đạt được ước mơ đời thường giản dị ấy.
Với quan điểm của Nam Cao thì mâu thuẫn ấy chỉ có thể giải quyết bằng cái chết. Và nhà văn đã miêu tả Chí đâm chết Bá Kiến rồi tự kết liễu đời mình. Hành động trả thù của Chí thật bất ngờ và dữ dội.
Hai cái chết ở cuối tác phẩm đã cho thấy tính chất đối kháng gay gắt của mối mâu thuẫn giai cấp có từ ngàn đời giữa nông dân với cường hào trong suốt quá trình lịch sử. Đồng thời nó cũng cho ta thấy sức mạnh căm thù tiềm tàng thật đáng sợ ở người nông dân bị áp bức. Qua cái chết của Bá Kiến, dường như Nam Cao đã bày tỏ được quan điểm quyết liệt của mình: Đó là phải trừ khử tội ác ở đời, phải gạt bỏ những kẻ bất nhân, tàn bạo ra khỏi cuộc sống con người. Qua cái chết của Bá Kiến, Nam Cao đã cho chúng ta nhìn nhận cái quy luật của cuộc đời: những kẻ vấy máu người phải đền tội theo luật nhân quả là quá rõ, nhưng những kẻ ném đá giấu tay, lộng hành như Bá Kiến cũng không tránh khỏi quy luật “ác giả ác báo”. Càng mưu mô nham hiểm thì càng nhận được cái kết cụ bi đát và bất ngờ. Con người cũng có thể là con vật, là công cụ nhưng chỉ cần được đánh thức thì hậu quả sẽ thật khó lường. Trong bài toán của mình, Bá Kiến đã rất khôn ngoan, cứ tưởng rằng Chí Phèo sẽ là Binh Chức, Năm Thọ nhưng hắn đâu lường được tìnhyêu và bát chảo hành Thị Nở trở thành một liều thần dược rũ lốt quỷ để Chí thành người… và cuộc báo thù đã xảy ra.
Chí đã chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống lương thiện. Đấy là bi kịch đau đớn của một kẻ bị cự tuyệt quyền làm người, phải tự thủ tiêu cuộc sống của mình để giữ nguyên vẹn chất nhân phẩm vừa được thức tỉnh. Hành động cuối cùng của Chí là sự khẳng định của Nam Cao: Sống mất hết nhân tính thì thà chết còn hơn. sống làm quỷ chỉ gây thêm đau khổ cho mọi người và nhận thêm nhiều tội lỗi cho mình.
Tuy nhiên, qua tài năng phân, tích tâm lí và miêu tả số phận nhân vật, Nam Cao đã cho thấy cái chết của Chí Phèo là một tất yếu để giải quyết một tấn bi kịch không lối thoát. Nó là sức mạnh của chủ nghĩa hiện thực, của chủ nghĩa nhân đạo. Tiềm thức của mối thù truyền kiếp đã được đánh thức dậy khi Chí càng uống thì thể xác của hắn say nhưng tinh thần của hắn càng tỉnh, khi hơi rượu cứ thoang thoảng mùi cháo hành – nó là biểu tượng của tình thương, của khát vọng được sống lương thiện… Chí chết là cự tuyệt trở lại làm quỷ của làng Vũ Đại.
Cái chết đã làm thăng hoa cái lương thiện, cái nhân bản trong con người. Nó là niềm tin vô bờ bến của Nam Cao đối với những con người ngỡ như đã mất hết nhân tính lẫn nhân hình. Có người cho rằng cái chết của Chí có hạn chế bởi nó thể hiện cái nhìn bi quan bế tắc trong nhìn nhận cuộc sống, Nam Cao chưa thấy được khả năng đổi đời của người nông dân bằng con đường đấu tranh cách mạng. Cách hiểu này có lẽ không hợp khi đánh giá cái chết Chí Phèo… chết chưa hẳn đã bi quan. Có rất nhiều người đã mường tượng rằng đứa con của Thị Nở sẽ không đi theo con đường cha nó. Bởi cái chết của cha nó vừa là lời cảnh tỉnh, vừa là sự hi sinh để khuyên người ta biết quý trọng cái lương thiện, cái nhân cách con người.
C – KẾT BÀI
Bi kịch Chí Phèo không phải là bi kịch cá nhân, mà có tính xã hội phổ biến: Nó tố cáo xã hội đen tối đương thời đã không cho phép những người lương thiện như Chí Phèo được sống làm người, trái lại đã đẩy họ vào con đường lưu manh, đã dồn họ tới bước đường cùng phải tự hủy hoại đòi mình. Vì thế cái chết của Chí là tiếng kêu đòi được sống làm người, đòi quyền được sống lương thiện mãnh liệt hơn bao giờ hết. Câu chuyện kết thúc với một hình ảnh đầy ám ảnh: Cái lò gạch cũ và đứa con của Chí sẽ ra đời nay mai… Truyện Chí Phèo viết năm 1941, chỉ bốn năm nữa thôi, cuộc cách mạng tháng Tám thành công, niềm lo âu của Nam Cao sẽ không là sự thật.
Leave a Reply