Viết một đoạn văn giới thiệu về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Gợi ý làm bài
I. Nguyễn Du
1. Cuộc đời
Nguyễn Du (1765-1820) tự là TốNhư, hiệu là Thanh Hiên, quê ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình đại quý tộc thờiLê, có truyền thống văn học. Cha là Nguyễn Nghiễm, đỗ tiến sĩ làm tể tướng. Anh là Nguyễn Khản, đỗ tiến sĩ, làm đại quan trong phủ chúa.
Triều Lê – Trịnh sụp đổ, Nguyễn Du trôi giạt về quê vợ ở Thái Bình suốt mười năm gió bụi rồi về sống ở Hà Tĩnh quê nhà, sống ẩn giật, tự xưng là Nam Hải điếu đổ, Hồng Sơn liệp hộ.
Tây Sơn đổ, Gia Long thiết lập triều đại mới. Năm 1802, Gia Long triệu ông ra làm quan cho nhà Nguyễn. Năm 1813, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc, có lúc giữ chức Tham tri bộ Lễ, cần chánh điện đại học sĩ.
2. Sự nghiệp thơ văn
a. Thơ chữ Nôm
– Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh).
– Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh)
– Thác lời trai phường Nón.
b. Thơ chữ Hán
– Thanh Hiên thi tập.
– Nam trung tạp ngâm.
– Bắc hành tạp lục.
II. Truyện Kiều
1. Xuất xứ
Nguyễn Du dựa vào cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đờiThanh (Trung Quốc) để sáng tạo ra Truyện Kiều. Truyện Kiều có 3.254 câu thơ lục bát. Đó kiệt tác sốmột, là tập đại thành của nền thơ ca cổ điển Việt Nam.
2. Cốt truyện
Về đời Minh, có gia đình Vương Viên ngoại ở Bắc Kinh sinh thành được ba người con: Thuý Kiều, Thuý Vân, Vương Quan. Hai chị em Kiều nhan sắc tuyệt trần, riêng Kiều còn có tài thi họa, ca, ngâm. Nhân ngày hội Đạp Thanh, ba chị em Kiều đi chơi xuân, gặp một văn nhân tên là Kim Trọng, tình trong như đã mặt ngoài còn e. Kim Trọng tìm cách gặp gỡ Kiều, nhờ cành kim thoa mà hai người ước hẹn, thề nguyền dưới trăng trăm năm tạc một chữ đồng đến xương. Kim Trọng phải về Liễu Dương hộ tang chú. Gia đình Kiều gặp tai biến, Kiều phải bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy tiền chuộc cha. Nàng trao duyên cho Thuý Vân rồi theo họ Mã về Lâm Truy. Kiều mắc lận Sở Khanh, bị Tú Bà làm nhục. Kiều vào lầu xanh lần thứ nhất. Kiều được Thúc Sinh chuộc ra lấy làm vợ lẽ. Hoạn Thư đánh ghen. Kiều bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư, lại rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh. Kiều vào lầu xanh lần thứ hai tại Châu Thai. Kiều được Từ Hải chuộc, lấy Từ Hải trở thành mệnh phụ phu nhân. Kiều báo ân báo oán. Kiều và Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến. Từ Hải bị giết chết, Kiều bị ép lấy viên thổ quan, nàng nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử nhưng được cứu thoát rồi đi tu.
Kim Trọng trở lại vườn Thuý, kết duyên với Thuý Vân. Kim Trọng và Vương Quan thi đỗ được bổ đi làm quan. Cả gia đình qua sông Tiền Đường may mắn gặp vãi Giác Duyên, tìm đến ngôi chùa Kiều đi tu. Kiều gặp lại cha mẹ, hai em và chàng Kim sau 15 năm trời lưu biệt…
3. Giá trị nội dung
a. Giá trị tố cáo hiện thực
Lên án xã hội phong kiến thối nát, những thế lực hắc ám tàn bạo, dã man đã chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc con người như bọn quan lại tham ô thối nát, bọn buôn thịt bán người, bọn ma cô lưu manh tàn ác; lên án mặt trái của đồng tiền hôi tanh…
b. Giá trị nhân đạo
Xót thương cho nỗi đau khổ của con người, tài sắc bị dập vùi, nói lên ước mơ về hạnh phúc, tự do và công bằng, đề cao quyền sống của con người…
4. Giá trị nghệ thuật
a. Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, tạo ra những mẫu người với những tínhcách tiêu biểu cho cái đẹp, cái xấu, cái thiện, cái ác… trong xã hội phong kiến suy tàn, thôi nát.
b. Nghệ thuật tự sự hấp dẫn, cảm động, tạo ra những tình huống, những bi kịch. Lúc miêu tả, lúc tả cảnh ngụ tình, lúc đối thoại, câu chuyện về nàng Kiều diễn biến qua trên ba nghìn câu thơ liền mạch.
c. Ngôn ngữ thi ca: Nguyễn Du đã kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ bác học, sử dụng điển tích, thi liệu văn học cổ Trung Hoa với ca dao, tục ngữ, thành ngữ… nâng lên thành một ngôn ngữ văn chương trong sáng, traư chuốt, mượt mà, mẫu mực. Cho đến nay chưa có nhà thơ Việt Nam nào viết thơ lục bát trên ba nghìn câu hay bằng Nguyễn Du. Truyện Kiều xứng đáng là tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày (Tố Hữu).
Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu:
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người.
Bài làm
TốHữu, một nhà thơ chiến sĩ, một người thư kí trung thành của thời đại, trong quá trình làm cách mạng đã đồng thời tiếp cận với thơ ca. Thơ ca đối với ông không ngoài mục đích chính trị, phục vụ cho lí tưởng của Đảng, của cách mạng. Trong nguồn mạch về các đề tài chính trị của đất nước ấy, Tố Hữu đã tìm về với quá khứ lịch sử của cha ông, của một thế hệ hôm nay vọng về với thế hệ cha ông xưa để đồng cảm, thấu hiểu, để tìm nguồn sinh lực mới cho cuộc kháng chiến hôm nay. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho đề tài này là bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du, trích trong tập Ra trận.
Tháng 11-1965, khi giặc Mĩ bắn phá ác liệt, nhà thơ có dịp qua quê hương của Nguyễn Du và nhân kỉ niệm đúng hai trăm năm ngày sinh của Người, Tố Hữu xúc động viết lên bài thơ này. Bài thơ đã thể hiện một cách cảm nhận, suy nghĩ và đánh giá của TốHữu tiêu biểu cho thế hệ hôm nay nhìn về quá khứ lịch sử của cha ông xưa để từ dó khẳng định cuộc kháng chiến chống Mĩ hôm nay của dân tộc.
Trong tiếng vọng của tấc lòng tri kỉ ấy, Tố Hữu đã thốt lên:
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người.
Bài thơ của Tố Hữu trừ bốn câu thơ đầu và cuối, tất cả có năm khổ thơ với ba cặp lục bát tương xứng. Bằng hình thức tập Kiều nhuần nhuyễn, sáng tạo, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, giàu hình ảnh, những so sánh bất ngờ… Tố Hữu đã diễn tả thành công tấm lòng của một người cúi mình trước sự vĩ đại của Nguyễn Du, thi hào kì tài đã chấp bút nên Truyện Kiều, một công trình đồ sộ và có giá trị thật lớn lao, góp phần tăng giá tríđạo đức, nhận thức vào kho tàng văn học Việt Nam. Cảm khái và ngưỡng mộ trước tài năng ấy kết hợp với tấm lòng khát vọng tìm về với quá khứ xưa, Tố Hữu đã viết:
Tiếng thơ ai động đất trời Nghe như non nước vọng lời ngàn thu.
Tố Hữu đã ca ngợi giá trị nhân bản của tiếng thơ Nguyễn Du, một tiếng thơ vang động đến hồn thiêng sông núi, đến tạo vật muôn loài. Bằng cách sử dụng lối so sánh, ẩn dụ tài tình, nhà thơ đã nâng cao tầm vóc, giá trị của thơ ca Nguyễn Du. Ông đã ví tiếng thơ ấy là “non nước” vọng về từ ngàn năm trước, của thời gian xa xưa, của quá khứ. Tiếng thơ ấy vọng về đây trong niềm tự hào, hân hoan đón nhận của một tấm lòng thật đáng ngưỡng vọng. Hai câu thơ không những khái quát được tầm vóc, giá trị to lớn của tài năng Nguyễn Du mà còn thể hiện sâu sắc tình cảm cao đẹp của TốHữu – thế hệ hôm nay ngưỡng vọng về quá khứ của cha ông.
Lối thơ ấy, tiếng lòng hân hoan Tố Hữu lại tiếp tục mở rộng vươn tới những giá trị vĩnh hằng khác:
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Nghìn năm là khoảng thời gian của hồi tưởng; của ngưỡng vọng, của khát vọng mãnh liệt, của tấc lòng trị kỉ biết ơn của thế hệ hôm nayy. Đó còn là khoảng thời gian của thế hệ hôm nay trả lời cho nỗi đau lịch sử của cha ông ta trong quá khứ… Một lần nữa cảm hứng ngợi ca chấp bút cho Tố Hữu cất tiếng lòng tự hào trong khúc hát tràn đầy hân hoan, hứng khởi, trong sự ngưỡng vọng trước một thiên tài. Tiếng thơ của Nguyễn Du được ví như tiếng mẹ, mà tiếng mẹ thì gần gũi, thiết tha quá. Đó là lời ru nhẹ nhàng ân tình, chan chứa tình yêu thương và trong ấy gửi gắm biết bao mơ ước thật đẹp. Và vì thế tiếng thơ của Nguyễn Du là tiếng ru của mẹ ân tình, ngọt ngào thổi vào lòng biết bao thế hệ có sức mạnh thật lớn lao. Tình cảm ấy, khúc hát lại ru ân tình ấy là lời nhắc nhở, thủ thỉ cho con – cho thế hệ hôm nay vững bước trưởng thành.
Tiếng lòng đồng vọng của cõi xưa nhập cùng thế hệ hôm nay để con lại vang lên lờica tự hào:
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người.
Trên trục kết câu “xưa- nay”, “con – Người” cùng vang lên tiếng lòng khao khát tìm kiếm tri âm. “Con” sẽ cùng “Người” hát tiếp khúc tráng ca ấy chào đón cách mạng. Chữ “cùng” đã thể hiện đầy đủ ước vọng của chúng con và Người. Tình cảm ấy, nghĩa cử ấy thật đáng tự hào và trân trọng.
Sáu câu thơ, ba cặp lục bát song hành ấy là tình cảm, tiếng lòng của thế hệ chúng con hôm nay đáp lại lời quá khứ. Đó cũng là lời hứa chân thành nhất của thế hệ hôm nay cùng ngân vang theo nhịp đập của quá khứ.
Bằng lối tập Kiều nhuần nhuyễn, sử dụng hình ảnh có tính gợi hình, giọng điệu ân tình, ngọt ngào, đậm chất dân tộc, khổ thơ đã thể hiện trọn vẹn phong cách thơ TốHữu: Khuynh hướng thơ trữ tình – chính trị, một giọng điệu tâm tình ngọt ngào và đậm đà chất dân tộc. Khổ thơ khép lại nhưng lại mở ra một chân trời mới, tương lai mới trong hành trình chống Mĩ hôm nay:
Sông Lam nước chảy bên đồi
Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân.
Cảnh chia tay giữa người quốc sắc, kẻ thiên tài trong hội Đạp thanh chiều xuân ây được thi hào Nguyễn Du viết:
Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha…
Hãy bình giảng hai câu thơ trên và nêu một vài cảm nhận về nghệ thuật tả cảnh trong Truyện Kiều.
Bài làm
Truyện Kiềucủa thi hào dân tộc Nguyễn Du là một công trình nghệ thuật bằng thơ lục bát chứa chan tinh thần nhân đạo. Thiên diễm tình của người quốc sắc, kẻ thiên tài với bao tình tiết đẹp đẽ, cảm động gieo vào lòng ta bao ấn tượng khó phai mờ. Trong kiệt tác này cũng có không ít vần thơ, câu thơ tả cảnh lung linh sắc màu. Thiên nhiên trong Truyện Kiều được đại thi hào Nguyễn Du tả rất sinh động với nhiều gam màu khác nhau. Và đây là hai câu Kiều cho ta nhiều thú vị văn chương:
Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha…
Cái buổi chiều tà thanh minh ấy, hình ảnh Kiều e lệ vào dưới hoa đã làm cho Kim Trọng hào hoa phải chập chờn cơn tỉnh cơn mê… Cuộc chia tay không một lời hẹn ước mà sao đằm thắm nghĩa tình? Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy (Thế Lữ) đã được thi hào Nguyễn Du ghi lại một cách thần tình:
Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo…
Rất tế nhị và thanh tao, cái giây phút rạo rực trái tim Kim – Kiều dự cảm một tình yêu đắm say chớm nở, khiến Nguyễn Du đồng cảm viết nên những vần thơ trữ tình tuyệt bút.
Cuộc chia tay trong hội Đạp thanh đâu dễ quên? Bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du nâng cao cảm xúc nghệ thuật. Thời gian trôi nhanh, không gian trở nên trong sáng, tĩnh lặng. Hình ảnh chọn lọc, cụ thể nhưng xiết bao gợi cảm: chiếc cầu nho nhỏ xinh xinh, dòng nước trong veo lững lờ, cành liễu thướt tha trong bóng chiều nhạt… Cảnh đơn sơ mà xinh xắn như bức tranh thuỷ mặc – chứng nhân cho một mốitình đẹp đang nảy nở.
Cảnh vật thanh trong và thơ mộng quá! Thiên nhiên như mang nặng tình người. Dòng nước trong veo chảy dưới cầu như tình cảm trong sáng của lòng người. Nhà thơ không thể nói đến gió mà có gió nhè nhẹ thổi:
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Hình ảnh tơ liễu và từ láy thướt tha gợi tả lá liễu, cành liễu dài và mềm bay trước làn gió nhẹ, mang theo bao tình ý xôn xao. Ngoại cảnh hòa nhập cùng tâm cảnh, biểu hiện nỗi lòng bâng khuâng xao xuyến, thiết tha của Thuý Kiều và Kim Trọng trong buổi đầu gặp gỡ.
Hai câu thơ lục bát được viết theo cấu trúc bình đối không gian hai chiều: dưới cầu và bên cầucó màu xanh trong veo của dòng nước chảy, có dáng liễu, tơ liễu bay thướt tha trong bóng chiều xuân. Cảnh vật cân xứng, hài hòa và rất hữu tình. Hai câu thơ lục bát dựng lên một cảnh sắc đẹp như bức tranh của một danh họa được vẽ bằng những đường nét tinh tế, tươi tắn với gam màu nhẹ hòa hợp tạo dáng vẻ thơ mộng: màu xanh của dòng nước trong veo, màu vàng nhạt của bóng chiều tà mùa xuân, màu xanh lục của liễu, đường nét của chiếc cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang, của dòng nước nao nao uốn lượn quanh co… Ngòi bút của thi nhân tả ít mà gợi nhiều. Cảnh vật thanh tao, sống động, ấp ủ hồn người. Ngoại cảnh như đang xao xuyến rung động trước nỗi niềm bâng khuâng, man mác của lứa đôi. Cảnh vật in dấu tâm sự và tình cảm; một tình yêu đẹp mới chớm nở trong lòng người quốc sắc kẻ thiên tài.
Trong Truyện Kiều, ta nhớ mãi bức tranh tứ bình về trăng, hoa, gió, tuyết:
Đòi phen gió tựa, hoa kề Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.
Ta quên sao được sự chuyển vận của bốn mùa trong nỗi buồn đau nặng trĩu lòng người:
Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
Thiên nhiên trong Truyện Kiều rất đỗi quen thuộc với tâm hồn con người Việt Nam. Nhà thơ như một họa sĩ tài ba phối sắc, tạo hình, dựng cảnh… đều thần tình, đem đến cho người đọc nhiều rung cảm. Mùa xuân vớiCỏ non xanh tận chân trời – Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Mùa hè với tiếng chim quyên và hoa lựu đỏ:
Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.
Mùa thu với sắc màu rực rỡ, tươi sáng và mênh mông:
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.
Những hình ảnh Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia, những nhánh cây mềm Lơ thơ tơ liễu buông mành, những con đường Lối mòn cỏ nhợt màu sương… ta vẫn thấy quanh ta, thân thiết, gần gũi. Ta vốn mê say mảnh trăng xứ sở trong ca dao, dân ca, cho nên ta yêu thêm vầng trăng li biệt trong Truyện Kiều.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Có lúc thi hào dựa vào thi liệu cổ Trung Hoa rồi chắt lọc, tái tạo câu thơ Kiều trở nên cổ kính, trang nhã, cảnh sắc đậm đà một hồn quê:
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Nguyễn Du đã từng nói: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu- Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? Thiên nhiên trong Truyện Kiều không chỉ là cái nền, cái khung cảnh cho nhân vật, mà còn biểu hiện tâm trạng nhân vật. Ngoại cảnh hòa hợp với tâm cảnh. Hai câu thơ tả cảnh Trước lầu Ngưng Bích là những vần thơ tả thiên nhiên trong đoạn thơ đồng thời là một ẩn dụ về tâm trạng và một hoán dụ về số phận người thiếu nữ tài sắc bạc mệnh:
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Nguyễn Du đã dành cho thiên nhiên một tình yêu nồng hậu với tất cả trái tim đa cảm của người nghệ sĩ thiên tài. Thi hào có biệt tài nắm bắt được cái thần tiêu biểu nhất của mỗi cảnh vật riêng biệt, và chỉ vài nét phác họa, bức tranh thiên nhiên hiện ra hữu tình, hấp dẫn kì lạ:
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
Trong Truyện Kiều, thiên nhiên cũng là một nhân vật trữ tình. Mỗi lần thiên nhiên xuất hiện, câu thơ trở nên lung linh, huyền diệu. Nó phản ánh một hồn thơ tuyệt đẹp, một nghệ thuật tả cảnh điêu luyện vô song. Đẹp thay những câu thơ Kiều nói về thiên nhiên. Qua những câu thơ ấy, ta yêu thêm tiếng Việt và thơ ca dân tộc. Đến với những vần thơ Kiều, tâm hồn người đọc rộng mở, thắm tươi mãi tình yêu tạo vật, yêu cảnh sắc bốn mùa của đất nước quê hương:
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn.
(Chế Lan Viên)
Đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bíchlà một trong những đoạn tả cảnh ngụ tình đặc sắc nhất trong Truyện Kiều.Hãy chứng minh điều đó qua tám câu thơ sau đây:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Bài làm
Bỗng quý cô Kiều như đời dân tộc
Chữ kiên trinh vượt trăm sóng Tiền Đường.
Chàng Kim đã đến tìm, lau giọt khóc Và lò trầm đêm ấy tỏa bay hương…
(Đọc Kiều – Chế Lan Viên)
Những vần thơ trên đây của Chế Lan Viên đã gợi thương gợi nhớ trong lòng ta về cuộc đời bạc mệnh của người con gái tài sắc Thuý Kiều, và ta càng xúc động biết bao trước tấm lòng nhân đạo bao la của Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc.
Buồn trông cửa bể chiều hôm…Đoạn thơ tám câu như thấm đầy lệ làm vương vấn hồn ta: Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc – Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên (Chế Lan Viên).
Kiều ở lầu Ngưng Bíchlà một trong những đoạn thơ hay nhất của Truyện Kiều, kiệt tác của thi hào dân tộc Nguyễn Du. Bi kịch nội tâm của Thuý Kiều trên con đường lưu lạc những ngày đầu đã được ngòi bút thiên tài của nhà thơ miêu tả qua hình thái ngôn ngữ nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Những vần thơ buồn thương mênh mang đã gieo vào lòng người đọc nhiều xót xa khôn nguôi về những kiếp người bạc mệnh ngày xưa.
Sau khi bị lừa, bị thất thân với Mã Giám Sinh, rồi lại bị Tú Bà làm nhục, Kiều dùng dao tự vẫn. Nghiệp chướng còn dài, nợ đời còn nặng – nàng đã được cứu sống. Tú Bà lập mưu mới, dỗ dành Kiều ra ở lầu Ngưng Bích.
Thân gái nơi đất khách quê người, lo âu bơ vơ. Những ngày bão tố, hãi hùng vừa qua. Chặng đường phía trước mịt mờ, dầy cạm bẫy. Nàng cay đắng và vô cùng đau khổ. Giờ đây, nàng sông một mình trong lầu Ngưng Bích với bao tâm trạng bẽ bàng, chán ngán. Biết lấy ai, cùng ai tâm sự? Nỗi nhớ thương như lớp lớp sóng dâng lên trong lòng. Kiều nhớ thương cha mẹ già yếu, không ai đỡ đần nương tựa quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ? Nàng nhớ chàng Kim: Bên trời góc bể bơ vơ – Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?
Sau nỗi nhớ là nỗi đau buồn tê tái, sự hoang mang và lo sợ triền miên… Nỗi đau buồn như xé tâm can, cứ xiết chặt lấy hồn nàng. Đoạn thơ tám câu đầy ắp tâm trạng. Nhà thơ đã lấy khung cảnh thiên nhiên làm nền cho sự vận động nội tâm của nhân vật trữ tình. Còn đâu nữa cảnh vật thân quen ở vườn Thúy? Tất cả đều một cánh hoa trôi man mác, nội cỏ dầu dầu, màu xanh xanh của mặt đất, chân mây, gió cuốn và tiếng sóng vỗ ầm ầm… Chính những cảnh vật ấy, âm thanh ấy đã góp phần đặc tả tâm trạng Kiều; một bi kịch đang giày vò tan nát lòng nàng suốt đêm ngày.
Mỗi một hình ảnh, một ngôn từ xuất hiện lại gợi ra trong tâm hồn người đọc mộttrường liên tưởng chua xót về nỗi đau và số kiếp bạc mệnh của người con gái đầu lòng của Vương Viên ngoại. Mỗi một hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa tượng trưng cho nỗi lo âu và sợ hãi của Kiều. Cánh buồm xa xa thấp thoáng trên cửa bể chiều hôm như gợi ra một hành trình lưu lạc, mờ mịt:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Cánh hoa trôi man mác dồi lên dồi xuống giữa ngọn nước mới sa bao la, cũng là tâm trạng lo âu cho thân phận nhỏ bé trôi dạt trên dòng đời vô định:
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Nội cỏ dầu dầuvàng úa hiện lên giữa màu xanh chân mây mặt đất nơi mờ mịt xa xăm đó là vũ trụ hay là cuộc đời tàn úa của nàng:
Buồn trông ngọn cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Và biển trời dữ dội ầm ầm tiếng sóngđang vỗ, đang kêu, đang bủa vây, như nói lên sự lo âu, sợ hãi, nỗi khiếp sợ của Kiều:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Mỗi câu thơ mỗi hình ảnh, ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên, miêu tả ngoại cảnh mang ý nghĩa và giá trị như một ẩn dụ, một tượng trưng về tâm trạng đau khổ và số phận đen tối của một kiếp người trong bể trầm luân.
Một hệ thống từ láy: thấp thoáng, xa xa, man mác, dầu dầu, xanh xanh, ầm ầm – tạo nên âm điệu hiu hắt, trầm buồn, ghê sợ. Ởvị trí đầu dòng thơ, điệp ngữ buồn trông bốn lần cất lên như một tiếng ai oán, não nùng kêu thương, diễn tả nét chủ đạo chi phối tâm trạng Thuý Kiều làm cho người đọc vô cùng xúc động:
Buồn trông cửa bể chiều hôm…
Buồn trông ngọn nước mới sa…
Buồn trông nội cỏ dầu dầu…
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh.
Kiều ở lầu Ngưng Bíchlà một đoạn thơ kì diệu. Một bức tranh đa dạng, phong phú về ngoại cảnh và tâm trạng khắc họa nỗi đau buồn, sợ hãi mà Kiều đang nếm trải, dự báo sóng gió bão bùng mà nàng phải trải qua trong mười lăm năm trời lưu lạc với thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, có lửa nồng, có âm thanh, cười ra tiếng khóc, khóc nên trận cười…
Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du vô cùng điêu luyện. Cảnh mang hồn người. Cảnh và tình hòa hợp, sống động, hình tượng, biểu cảm. Tả cảnh để tả tình, trong cảnh có tình, lấy cảnh để phô diễn tâm trạng, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!
Đoạn thơ có giá trị nhân bản sâu sắc. Nó gợi lên trong lòng mỗi chúng ta những xót thương về con người tài sắc bạc mệnh. Một thái độ yêu thương, một tấm lòng nhân hậu, cảm thông, chia sẻ của nhà thơ đối với nỗi đau của Thuý Kiều đã để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim người đọc qua hàng thế kỉ nay. Như TốHữu đã viết: Tố Như ơi! Lệ chảy quanh thân Kiều.
Cảm nhận về đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều.
Bài làm
“Truyện Kiều” của thi hào dân tộc Nguyễn Du có nói đến nhiều cảnh biệt li – mỗi cảnh là một trang đời thấm đầy lệ trong nỗi đoạn trường của người con gái tài sắc Thuý Kiều. Đoạn thơ “Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều” là một đoạn thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt bút, ghi lại giây phút từ biệt và nỗi buồn của Kiều đối với Thúc Sinh cũng như đối với sốphận mình. Nỗi buồnlibiệt từ lòng người như thấm sâu vào cảnh vật, tỏa rộng trong không gian và thời gian vô tận.
Thuý Kiều đã được Thúc Sinh “chuộc” ra khỏi lầu xanh. Thúc Sinh không “tài mạo tót vời” như Kim Trọng, và cũng chẳng phải là anh hùng “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” như Từ Hải, nhưng là một con người đã yêu thương, say mê nàng Kiều hết mực. Thúc Sinh mãi mãi là ân nhân của Kiều đã cứu vớt nàng ra khỏi vũng bùn nhơ nhớp hôi tanh. Trải qua nhiều trắc trở, hai người đã có một cuộc sống hạnh phúc thật sự:
Huệ lan sực nức một nhà,
Từng cay đắng, lại mặn mà hơn xưa.
Sau biết bao nhiêu “rày lần mai lữa”: “Cầm tay dài ngắn thở than – Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời”, Thúc Sinh chia tay Thuý Kiều về nhà gặp Hoạn Thư, để thu xếp chuyện “vườn mới thêm hoa”. Bằng tám câu thơ lục bát, Nguyễn Du đã thông cảm với tình nghĩa gắn bó hai người và nói lên nỗi niềm lưu luyến, tâm trạng cô đơn của họ trong li biệt. Đây là chuyến đi dầy lưu luyến và tràn đầy hi vọng: “Chén đưa nhớ bữa hôm nay – Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau”.
Mở đầu đoạn thơ là giây phút đưa tiễn: “Người lên ngựa, kẻ chia bào”. Câu thơ được ngắt thành hai vế tiểu đối, lứa đôi bịn rịn và lưu luyến như bịtách rời ra hai phía của không gian. Sau bao nhiêu dùng dằng trì hoãn, Thục Sinh đành phải lên ngựa. Và Thúy Kiều đành buông vạt áo của chàng ra. Câu thơ đã làm hiện lên cảnh đưa tiễn trang trọng, lưu luyến của vợ chồng những đại gia, những quý tộc thời xưa. Thời gian chia li ấy đã làm cho không gian và cảnh vật biến đổi:
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Một bức tranh thiên nhiên bao la, bát ngát với “rừng phong thu”. Cả một miền quan san – cửa ái, núi non trùng điệp bỗng chốc nhuốm bởi màu sắc đỏ ối của rừng phong. Nơi tiễn biệt này là Lâm Tri, thuộc nước Tề ngày xưa (nay là Sơn Đông), để Thúc Sinh đi về Vô Tích thăm Hoạn Thư. Đây không phải là nơi quan ải, thế nhưng lứa đôi vừa chia tay thì cả rừng phong như đã nhuộm màu biệt li cách trở. Kiều vừa buông áo bào chàng ra, nàng như ngẩn ngơ đứng lặng theo dõi bóng ngựa đi xa dần. Giữa hai người là một vùng quan san hiện ra, ảm đạm, hoang biệt, buồn thấm thìa. Cảnh sắc xa dần, mờ dần:
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Quan san, dặm hồng, chinh an, ngàn dâu xanh vốn là những từ ngữ giàu sắc thái trữ tình, diễn tả những tâm trạng nảy sinh trên cơ sở chinh chiến tha hương của những binhlính tướng tá xưa, nay được mở rộng vào lĩnh vực tình cảm chia biệt nói chung và ở trong văn cảnh này là sự chia cắt đầy lưu luyến giữa đôi lứa trẻ trung.
Con đường từ Lâm Tri đi về Vô Tích bụi đỏ (dặm hồng) cuồn cuộn bốc lên mờ mịt, cuốn bọc lấy chiếc yên ngựa của người đi xa (chinh yên). Bóng Thúc Sinh dần dần mất hút sau mấy ngàn dâu xanh. Rõ ràng màu sắc của cảnh vật, từ màu đỏ của rừng phong, màu hồng của bụi cuốn theo yên ngựa, đến màu xanh của ngàn dâu vô tận là cả một sắc màu tâm lí, màu của chia li, cách biệt xa xôi. Tâm tư con người ẩn dấu, hiển hiện dưới hình bóng của cảnh vật thiên nhiên, vừa nhẹ nhàng thấp thoáng, vừa cô đơn buồn tủi. Câu thơ “Kiều” như gợi lại cảnh biệt li, dõi trông và thương nhớ của “đôi lứa thiếu niên” trong “chinh phụ ngâm” thuở nào:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Hai câu thơ tiếp theo là hai hình ảnh đối ngẫu: “người về” với “kẻ đi”, đã cực tả tâm trạng Kiều:
Người về chiếc bóng năm canh Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Đây là cảm nhận của Kiều về cảnh ngộ và số phận hai người. Cả hai đềucô đơn và nhỏ bé như nhau, thấm thìa một cảm giác lẻ loi, bất lực: ngườivề thì “chiếc bóng”, kẻ đi xa thì “một mình”, người thì “năm canh” vò võ thao thức, kẻ thì “muôn dặm… xa xôi”. Lứa đôi ở hai phía chân trời cách trở. Kiều vừa thương mình, vừa thương kẻ đi xa, buồn tủi cho thân phận. Cấu trúc câu thơ rất đặc sắc được thể hiện ở cách sử dụng các số từ đặt trong thế đối lập, tương phản: “chiếc” với “năm”, “muôn” với “một” đã làm nổi bật nỗi buồn thao thức, đơn chiếc, lẻ bóng của nàng Kiều… là vô cùng, vô tận.
Người đời chẳng bao giờ quên được vầng trăng thề nguyền trong cảnh tình giữa “người quốc sắc, kẻ thiên tài”. Người đọc cũng từng bị ám ảnh về vầng trăng li biệt trong đêm thu đầu tiên khi Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Đây là hai câu thơ tuyệt bút. Nguyễn Du đã lấy ngoại cảnh (vầng trăng) để đặc tả tâm cảnh Thuý Kiều. Có phải Kiều và Thúc Sinh, hai người như một vầng trăng tròn bị cắt, bị “xẻ” làm hai nửa? Hay từ nay trở đi, mỗi người một phương trời chỉ soi lẻ một vầng trăng mà chỉ thấy một nửa? Trăng thượng huyền hay trăng hạ huyền mà chỉ có một nửa: nửa thì soi gối chiếc của nàng Kiều cô đơn, nửa thì soi dặm trường, một mình lẻ loi của Thúc Sinh?
Câu thơ vừa xót xa, vừa ai oán. Chữ “ai” trong câu thơ “Vầng trăng ai xẻ làm đôi” như một tiếng thở dài ngao ngán về sự bất lực trước số phận. Ai đã đang tâm chia rẽ hạnh phúc tròn đầy, êm thấm của Kiều? Sốphận lẽ mọn buộc nàng phải cam chịu và chấp nhận? Vì ai mà Thúc Sinh phải đi về Vô Tích “muôn dặm một mình xa xôi?”. Cuộc chia tay không thể tránh khỏi. Kiều như dự cảm một cuộc chia tay vĩnh biệt đã bắt đầu. Không phải là từ biệt mà là sự chấm dứt của tình duyên. Có thể họ còn gặp nhau nhưng chẳng bao giờ tái hợp nữa. Tràn ngập cả không gian và thời gian là nỗi buồn nhớ xa xôi đến muôn dặm. Thúc Sinh với chuyến đi này sẽ phải “đối diện” với người vợ cả “Ởăn thì nết cũng hay – Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Kiều phấp phỏng lo âu, nàng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết!
Hai câu thơ cuối đoạn đã thể hiện sâu sắc lòng thương cảm xót xa của thi hào Nguyễn Du dối với số phận và hạnh phúc của nàng Kiều và cho thấy ngòi bút tài hoa của ông. Gần 200 năm trôi qua, người đọc thật khó phân định nguồn gốc, nguồn cảm hứng của hai câu thơ này. Phải chăng Nguyễn Du đã mượn ca dao để nói lên cảm hứng của mình? Hay là nhà thơ dân gian đã mượn câu thơ “Kiều” để khơi nguồn thi hứng? Rõ ràng “Truyện Kiều” đã thấm sâu vào hồn dân tộc, đã trở thành lời ru, câu hát dân gian:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?
Đưa nhau một bước lên đàng,
Cỏ xanh hai dãy mấy hàng châu sa…
(Ca dao)
Đoạn thơ “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều” có kẻ ở, người đi, có chia tay bịn rịn, nhưng chủ yếu là sự hòa nhập giữa cảnh vật với con người, giữa tình người và cảnh vật. Cảnh từ biệt, tình chia li đã thể hiện tài tình, cảm hứng sáng tạo về yêu cầu hạnh phúc của tuổi trẻ. Giọng thơ nhẹ nhàng, mênh mang, lan tỏa. Hình tượng vầng trăng bị ai đó “xẻ làm đôi” để lại trong lòng ta bao xót thương ám ảnh. Đặc biệt trong cuộc từ biệt này, nhà thơ không gọi đây là nàng Kiều, kia là chàng Thúc Sinh mà gọi bằng “người”, “kẻ”, những đại từ phiếm chỉ ấy xuất hiện năm lần trong đoạn thơ ở trong hai cảnh ngộ giữa không gian: “người về – kẻ đi” làm cho tình thơ về nỗi buồn chia li, chia lìa mang tầm phổ quát của muôn đời. Đây là cuộc chia tay của tình yêu muôn đời. Nó đã “ngang giá với một thiên phú biệt li”. Đó là lời bình hay nhất, thấm thìa nhất, đích đáng nhất, lời bình của nhà nho Vũ Trinh (1759-1828) đời Nguyễn về tám câu thơ “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều”.
LUYỆN TẬP
Đề 1. Phát biểu cảm nghĩ của em về hai nhân vật trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).
Đề 2. Phân tích đoạn thơ Chị em Thuý Kiều trong Truyện Kiềucủa Nguyễn Du.
Đề 3. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả và sử dụng từ ngữ của Nguyễn Du trong đoạn trích Chị em Thúy Kiểu.
Đề 4. Phân tích đoạn trích sau trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bềtài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thuỷ nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.
Thông minh vốn sắn tính trời,
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân…
Đề 5. Phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Đề 6. Cảm nhận của em về hoàn cảnh của Thúy Kiều trong đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Đề 7. Cảnh và tình trong đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bíchđược thể hiện như thế nào?
Đề 8. Phân tích đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều. .
Đề 9. Trình bày suy nghĩ của em vềhai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
Leave a Reply