LUYỆN TẬP XÂY DỰNG ĐOẠN VĂN MIÊU TẢ ĐỒ VẬT
(Tiết 2 – Tuần 17)
A. Mục tiêu:
– Học sinh nhận biết đoạn văn hoặc từng phần bố cục của bài văn (mở bài, thân bài, kết luận).
– Học sinh biết viết từng đoạn văn theo yêu cầu cho trước.
B. Nội dung
1. Đọc đoạn văn trang 172 – 173, sách Tiếng Việt 4, tập 1, trả lời câu hỏi:
a. Các đoạn văn trên thuộc phần nào trong bài văn miêu tả? (Thuộc phần thân bài.)
b. Xác định nội dung miêu tả của từng đoạn văn.
Đoạn 1: “Đó là… long lanh. ” —> tả bao quát chiếc cặp.
Đoạn 2: “Quai cặp… ba lô. ”—> tả chi tiết từng bộ phận bên ngoài cùa chiếc cặp.
Đoạn 3: “Mở cặp ra… thước kẻ. ” —> tả chi tiết các bộ phận bên trong của chiếc cặp.
2. Hãy quan sát kĩ chiếc cặp của em hoặc của bạn em và viết một đoạn văn miêu tả đặc điểm bên ngoài của chiếc cặp đó.
Các em xem phần gợi ý (sách Tiếng Việt 4, tập 1, trang 176), trả lời các câu hỏi gợi ý, sắp xếp các câu trả lời cho mạch lạc thành đoạn văn.
Đoạn văn mẫu:
Chiếc cặp hình chữ nhật. Nó to bằng hai quyển sách giáo khoa ghép lại. Cặp được làm bằng nhựa giả da, màu đen bóng. Những đường may viền cặp chạy chỉ nổi hai đường song song vừa chắc chắn, vừa trang trí cho cặp một nét đẹp riêng biệt có vẻ giản dị mà nghiêm túc như nhắc nhở em phải rèn luyện nghiêm khắc và chăm chỉ. Cặp có quai xách, bản rộng ba phân, làm bằng da mềm, cầm rất êm tay. Vừa có quai xách, cặp còn có cả quai đeo được làm bằng vải bố rất chắc chắn. Chiếc cặp được đóng kín bằng hai khoá mạ kền sáng loáng. Hai khoá vuông vức, to bằng ngón tay em xếp khít lại. Em có thể mở cặp dễ dàng bằng cách ấn nhẹ tay vào hai khóa: một tiếng tách nhẹ nhàng vang lên là cặp đã được mở ra.
3. Hãy viết một đoạn văn tả đặc điểm bên trong chiếc cặp của em theo những gợi ý sau:
Chiếc cặp có mấy ngăn? Vách ngăn được làm bằng gì? Trông như thế nào? Em đựng gì ở mỗi ngăn?
Đoạn văn mẫu:
Mở cặp ra, bên trong cặp gồm ba ngăn lớn và một ngăn nhỏ. Hai ngăn lớn làm bằng nhựa, ngăn nhỏ có lắp dây kéo. Em đựng sách giáo khoa, vở vào hai ngăn lớn. Ngăn bé, em dùng để đựng dụng cụ học tập như tẩy, thước kẻ, bút rất tiện dụng vì nhờ khoá dây kéo, các vật đựng ngăn này không bị rớt ra ngoài. Ngăn nhỏ ngoài cũng có dán hình hai chú gấu, rất ngộ nghĩnh. Hai bên chú gấu chính là chốt để ấn khoá cặp vào. Các ngăn cặp và hình trang trí, các khoá cặp được bài trí rất hài hòa. hợp lí.
LUYỆN TẬP XÂY DỰNG MỞ BÀI
TRONG BÀI VĂN MIÊU TẢ ĐỒVẬT
(Tiết 1 – Tuần 19)
A. Mục tiêu:
Học sinh biết viết hai cách mở bài của một bài văn miêu tả đồ vật (gián tiếp hoặc trực tiếp).
B. Nội dung
1. Mở bài trực tiếp:
– Giới thiệu ngay đồ vật định tả.
Ví dụ: Tả chiếc cặp sách.
Vào đầu năm học mới, bố mua cho cm một chiếc cặp sách.
2.Mởbài gián tiếp:
– Dùng những hình ảnh, sự việc khác, đi từ xa đến gần để giới thiệu đồ vật định miêu tả.
Ví dụ: Tả chiếc cặp sách.
Giới thiệu:
Kho tàng của bố là cái tủ sách chễm chệ ở phòng làm việc. Kho tàng của mẹ là phòng bếp, phòng ăn với rất nhiều dụng cụ làm bếp từ thô sơ đến hiện đại. Kho tàng của em chính là chiếc cặp sách đi học.
Nhận xét:
3. Dưới đây là một số đoạn mở bài cho bài văn miêu tả cái cặp sách. Các đoạn ấy có gì giống và khác nhau?
a. Vào ngày khai trường, bố em mua cho em một chiếc cặp sách rất đẹp. (mở bài trực tiếp)
b. Ai là học sinh mà chẳng có cặp sách! Thế mà suốt mấy năm nay em chỉ có một chiếc túi vải mang tới trường, (mở bài trực tiếp)
c. Chủ nhật vừa qua mưa nặng hạt, em không đi thăm bà ngoại được, ba bảo em giúp ba sắp xếp lại cái tủ ở trong buồng. Giữa đống đồ đạc cũ ba dỡtừ trong tủ xuống, chợt em gặp lại chiếc cặp nhỏ đã theo em đi học suốt hai năm lớp một, lớp hai. (mở bài gián tiếp)
• Điểm giống của các đoạn văn: nội dung đều là giới thiệu chiếc cặp sách (mở bài).
• Điểm khác nhau của các đoạn văn:
Cách mở bài khác nhau:
– Mởbài trực tiếp: a, b.
– Mở bài gián tiếp: c.
3. Viết một đoạn văn mở bài cho bài văn miêu tả cái bàn học của em:
• Theo cách mở bài trực tiếp:
Đoạn văn mẫu: Ngay cửa sổ phòng em, cái bàn học được kê ngay ngắn, gọn gàng và ngăn nắp.
• Theo cách mở bài gián tiếp:
Đoạn văn mẫu: Ngoài những người bạn thân thiết, gắn bó với em, theo em đến trường là sách, vở, bút, hộp màu…. chia sẻ với em mọi niềm vui, hăng say trong từng tiết học, em còn có một người bạn thầm lặng, giúp đỡ em rất tích cực trong việc học tập. Đó chính là anh bàn học.
LUYỆN TẬP XÂY DỰNG KẾT BÀI
TRONG BÀI VĂN MIÊU TẢ ĐỒVẬT
(Tiết 2 – Tuần 19)
A. Mục tiêu:
Học sinh biết viết kết bài mở rộng cho một bài làm văn tả đồ vật.
B. Nội dung
Kết bài mở rộng:
Từ đồ vật đang tả, các em liên hệ thực tế, nêu các mối tương quan, liên quan đến đồ vật đang ta hoặc liên hệ đến bài học thực tế về cách sử dụng hoặc mọi hình ảnh tương quan với đồ vật đang tả.
1. Đọc bài văn “Cái nón” (sách Tiếng Việt 4, tập 2, trang 11) trả lời các câu hỏi sau:
a. Xác định đoạn kết bài: từ “Má bảo… méo vành”.
b. Theo em, đó là kết bài theo cách nào? (kết bài không mở rộng).
2. Cho các đề sau:
a. Tả cái thước kẻ của em.
b. Tả cái bàn học ở lớp hoặc ở nhà của em.
c. Hãy tả cái trống trường em.
Kết bài mẫu: (Mở rộng)
a. Cái thước kẻ là dụng cụ học tập không thể thiếu của học sinh. Ngoài việc giúp em vẽ đường ngay, kẻ thẳng, cái thước kẻ như nhắc nhở em phải nghiêm túc trong học tập, làm bài chuẩn xác như từng vạch mi-li-mét của thước. Tương lai mai sau của em dường như được tính bằng từng vạch thước kẻ của thời gian học tập hôm nay.
b. Theo suốt thời gian ngồi dưới mái trường, cái bàn học cùng em bước vào tương lai rộng mở. Sau này, khi em tốt nghiệp Tiểu học, cái bàn sẽ được chuyển lại cho em gái em. Cái bàn ghi dấu ấn tất cả thành tích học tập cùa em. Em muốn nói với cái bàn: “Cậu đã giúp tớ học giỏi như hôm nay!”.
c. Trải qua bao nhiêu năm học, bác trống trường tiễn từng lớp đàn anh tốt nghiệp, đón từng lớp mầm non vào Tiểu học. Một năm nữa, khi em tốt nghiệp Tiểu học, bác trống sẽ gióng từng hồi trang trọng chào những cô cậu học trò nhỏ. Xa bác trống, em nhớ bác biết bao! .
Leave a Reply