Phân tích tác phẩm: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường
BÀI LÀM
A. MỞ BÀI
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế, đã có những năm tháng gắn bó với cuộc kháng chiến chống Mĩ hào hùng. Đây là một trong những nhà văn chuyên về bút kí. Ở ông, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều, tổng hợp từ vốn kiến thức uyên bác. Tất cả thể hiện bằng lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.
“Ai đã đặt tên cho dòng sông” được viết tại Huế ngày 4-1-1981 in trong tập sách cùng tên.
B. THÂN BÀI ,
1. Mở đầu đoạn trích, Hoàng Phú Ngọc Tường đã có cái nhìn bao quát về nhiều con sông trên thế giới và chỉ ra cái đặc sắc của sông Hương. Nó “thuộc về một thành phố duy nhất” là “Huế mộng, Huế thơ”. Rất dễ liên tưởng con sông Hương là ẩn dụ cho cốt cách, bản chất người con gái Việt Nam nói chung và người con gái đất cố đô nói riêng.
“Mắt đen cô gái long lanh
Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung”
(Nguyễn Đình Thi)
Nếu ai đã đến với Huế, không thể không lưu hình bóng sông Hương,
“Con sông dùng dằng, sông không muốn chảy.
Sông chảy vào lòng nen Huế rất thơ”.
(Thu Bồn)
Thực ra người con gái dịu hiền Hương Giang không đơn giản chỉ có một nét tính cách như vậy. Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường người đọc rất bất ngờ tiếp xúc con sông Hương ở vùng thượng nguồn khác vùng hạ lưu. Ta bắt gặp ở đây “Bản trường ca của rừng già” nó biểu hiện bằng những động từ rất mạnh, mỗi lúc một tăng tốc, mỗi lúc một man dại. Nào là “rầm rộ”, nào là “mãnh liệt”, nào là “cuộn xoáy”, “Rầm rộ giữa bóng cây đại ngằn, mãnh liệt qua ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”.
Thật bất ngờ, theo dõi dòng chảy của sông Hương, ta tưởng rằng nó đã biến mất. Nhưng kìa, dòng sông Hương ấy làm ta thấy dịu dàngvà say đắm bôi nó chảy qua những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Tác giả đã có một liên tưởng rất lạ và rất chính xác. Ông ví sông Hương ở giữa lòng Trường Sơn là một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Chính rừng già đã cho cô con gái của mình bản lĩnh gan dạ và trong sáng.
Rời khỏi rừng, sông Hương mang một vẻ đẹp khác. Nó dịu dàng trí tuệ, trở thành “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa” nhà văn giải thích, chính rừng già đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình”. Hai tiếng “rừng già” ở đây rất thú vị vì là rừng hoang sơ nên nó đẻ ra người con gái của mình mang bản tính di-gan. Vì là “rừng già” cho nên người cha ấy có quá nhiều sự khôn ngoan để khi tiễn con ra khỏi rừng, chế ngự những sức mạnh bản năng, vun đắp cái dịu dàng trí tuệ, và tin rằng người con gái ấy mai sau là “bà mẹ phù sa” của văn hóa kinh kì. Theo dòng sông Hương nhà văn tiếp tục cho ta những cảm nhận tuyệt vời. Sở dĩ sông Hương tiếp tục chảy về xuôi là bởi có một người tình mong đợi. Người ấy đánh thức người con gái này “mơ màng giữa cánh đồng đầy hoa”.
Nó chuyển dòng liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn theo những đường cong thật mềm. Nó đã có một cuộc tìm kiếm ý thức với người tình là thành phố Huế tương lai. Bắt đầu từ đây những kiến trúc về địa lí và tình yêu Huế mãnh liệt đã tạo cho câu văn của tác giả đa dạng. Theo sông Hương chúng ta biết thêm nhiều những địa danh xứ Huế. Sông Hương càng lúc càng nữ tính, nhà văn nóirất nhiều về những đường nét mềm mại, nói về nước sông Hương mỗi lúc một xanh thẫm. Có lúc sông Hương mềm như tấm lụa, nó đổi màu trở nên bức tranh tuyệt vời giữa thiên nhiên “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Nó đi qua địa danh, đi qua những cảnh sắc thiên nhiên. Nó đi qua thành quách và những lăng tẩm đồ sộ của vua chúa triều Nguyễn. Đó là vẻ trầm mặc nhất của sông Hương. Nó như triết lí, như cổ thi. Nó chảy mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ “ngân nga tận bờ bên kia, giữa những cánh đồng trung du bát ngát tiếng gà”. Như vậy sông Hương đã đi hết vùng thượng nguồn của nó trước lúc vào Huế. Nó đã phảng lặng một mặt nước để đón nhận âm thanh tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Sông Hương thanh thản trong buổi sáng xao xác tiếng gà để nó chỉ êm đềm đi vào thành phố gặp người tình mà nó mong ước.
2. Ở phần tiếp theo của bài kí Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói về dòng sông chảy vào thành phố Huế với câu văn khái quát: “như đã tìm đúng đường về Huế vui tươi hẳn lên giữa những bãi xanh biếc”.
Dòng sông đã kéo một đường thẳng rất yên tâm về với người tình của đất cố đô. Người con gái sông Hương đã nhìn thấy dấu hiệu ở phía cuối.
“Chiếc cầu trắng in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non”. Đây là một so sánh rất thú vị “Những vành trăng”, với màutrắng ngần đã hứa hẹn một lời thề thủy chung, hạnh phúc. Đi vào lòng thành phố sông Hương càng nữ tính, càng đằm thắm thiết tha “sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ, đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Đây là một liên tưởng độc đáo. Đường cong trong hình thể của con sông dễ gợi đến nét yêu kiều duyên dáng của người con gái Huế. Đường cong là cảm nhận của thị giác, thế nhưng nó lại cho ta một cảm nhận rất tinh tế thính giác. Đó là âm thanh không lời, là tâm sự không cần lời của tình yêu thiêng liêng và tinh khiết. Người con gái sông Hương đã nhận lời hứa hôn với đất đế đô bằng một tiếng “vâng” mà chỉ có trái tim của chàng mới nghe được thứ ngôn ngữ của thị giác, rồi giải mã cái ngôn ngữ ấy cho thính giác.
Với dòng chảy rầm rộ, mãnh liệt, cuộn xoáy giữa đại ngàn, Trường Sơn, khi đi vào Huế sông Hương đã dành riêng cho xứ Huế một điệu Slow.
“Chậm, thật chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”.
Câu văn đã dùng phép lặp để mô tả cái dùng dằng sâu lắng của dòng chảy sông Hương trên đất Huế.
Đặc tính của sông Hương chảy rất chậm giữa lòng thành phố đã được các nhà thơ, nhà văn nói tới. Tố Hữu viết:
Hương Giang ơi dòng sông êm
Quả tim ta vẫn ngày đêm tự tình.
Hàn Mạc Tử cũng từng viết:
“Dòng nước buồn hiu hoa bắp lay”
Thanh Hải “Mọc giữa dòng sông xanh,
Một bồng hoa tím biếc”.
Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng có một cách khai thác rất riêng thông qua một liên tưởng tạt ngang rất độc đáo. Ông dẫn dắt người đọc sang tận cố đô xưa nước Nga để chứng kiến cảnh sắc tuyệt vời kì thú của con sông Nê-ya mùa băng tan. Đứng trên những khối băng như khối thủy tinh lấp lánh nắng là những chú hải âu bé nhỏ. Du khách muốn được thân thiện với những chú chim ấy những lời yêu thương không đến được với chúng vì tốc độ của dòng Nê-va cuốn những tảng băng trôi chóng mặt. Tình yêu không có cơ hội bởi vì tốc độ của thời gian trôi chảy làm người ta muốn khóc.
Hình tượng có ý nghĩa trong phần kết thúc thứ hai này chính là những cánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm rằm tháng 7. Những ngọn đèn ấy “ngập ngừng như muốn đi, muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước vấn vương của một nỗi lòng”.
Không phải ngẫu nhiên khép lại đoạn văn thứ I mặt nước, tiếng chuông Thiên Mụ, lắng đọng để sông Hương vào thành phố. Và khi vàođược thành phố rồi, sông Hương lại vấn vương với biểu tượng những đốm hoa đăng trong ngày rằm tháng 7. Sông Hương quả thật “dịu dàng và trí tuệ”, sẽ là người mang phù sa cung cấp cho kinh thành Huế những giá trị, văn hóa tâm linh.
3. Dòng sông của văn hóa lịch sử.
Sông Hương không chỉ là dòng sông mang vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là dòng sông văn hóa lịch sử, độc đáo. Nhà văn cảm nhận sông Hương như là một người tài nữ đánh đàn lúc khuya.
Bằng một sự am hiểu rất sâu sắc âm nhạc cổ điển cung đình Huế nói chung và cái điệu “tứ đại cảnh” nói riêng, nhà văn cho ta phát hiện rất logic nhưng cũng rất bất ngờ về âm nhạc trên sông Hương với đại thi hào Nguyễn Du. Tác giả tưởng tượng Nguyễn Du đã chèo thuyền, lắng nghe được tiếng nước rơi ở mái chèo thì mới thấy được âm nhạc Huế có người nhạc sĩ bí mật phổ âm chính là sông Hương. Nguyễn Du ngày xưa đã từng làm quan ở Huế, con người đau nỗi đau đồng loại ấy ắt hẳn đã thao thức với “phiến trăng sầu”, đã nghe được âm nhạc của chính dòng sông. Phải chăng những giai điệu trong thơ Nguyễn Du bắt nguồn từ một dòng sông? Đây là lí do tác giả trích thơ trong “Truyện Kiều” và tác giả đã giả định cảm hứng của Nguyễn Du có nguồn gốc từ sông nước Hương Giang.
Phần tiếp theo của bài kí, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cung cấp cho chúng ta những kiến thức lịch sử gắn bó với sông Hương. Đó là dòng sông đã sống những thế kỉ quang vinh thời vua Hùng rồi chiến đấu bảo vệ biên giới của nước Đại Việt. Hào hùng nhất, soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ. Sông Hương đi hết lịch sử bi tráng của thế kỉ XIX rồi rung chuyển thời đại với Cách mạng tháng Tám, với mùa xuân Mậu Thân 1968.
Đây là một hình tượng so sánh độc đáo, sông Hương là dòng sông của “sử thi viết giữa màu lá cỏ xanh biếc”. Nói đến “sử thi” thường nói đến những màu sắc đỏ ngời, đỏ chói biểu hiện cho chiến công. Thế mà, sông Hương vẫn viết sử thi trên nền xanh lá cỏ. Nó thể hiện một triết lí sống ngàn đời của dân tộc Việt Nam: muốn sống hòa bình, hạnh phúc, yên lành. Chúng ta trở thành anh hùng bởi tình cảnh bắt buộc chúng ta như vậy!
Sông Hương để lại một dòng sông thi ca rất đặc trưng. Mỗi tác giả đã nhìn sông Hương ở một góc riêng. Tản Đà tinh tế, Cao Bá Quát hùng tráng, Bà Huyện Thanh Quan bảng lảng, Tố Hữu thể hiện một sức mạnh phục sinh lại những trang Kiều.
Bài kí kết thúc bằng một câu hỏi rất bâng khuâng. Hỏi mà tự nó đã trả lời đấy thôi: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Leave a Reply