Bản năng nơi loài vật
1. Khái niệm
Người ta thường hiểu bản năng như:
+ Một khuynh hướng bẩm sinh không thiết yếu đi kèm theo sự khéo léo (savoir faire); nó chỉ là một chủ đề hành động; một nhu cầu. Theo nghĩa này, ta có bản năng xâm kích, bản năng thống trị, bản năng thư hùng, và đó là nghĩa bản năng của loài người.
+ Một sinh hoạt phát hiện rất sớm, dần dần độc lập với kinh nghiệm cá nhân và tiến gần đến khi thì một sinh hoạt máy móc sinh lí đơn giản, khi thì một tác động thông minh. Bản năng thuộc loại này ta thấy chỉ có riêng nơi loài vật, mà chỉ loài vật hạ đẳng như côn trùng mới có những bản năng tuyệt xảo nhất.
Từ đó ta có hai ý kiến mâu thuẫn nhau. Một nhóm cho rằng bản năng chỉ là một sinh hoạt máy móc của chiếc đồng hồ, của bộ máy tiêu hóa; một nhóm khác, trái lại, so sánh bản năng với trí thông minh. Người ta bảo khi thì bản năng đã hoàn hảo ngay từ lúc ban đầu, khi thì biến hóa và như thế nó lại cần có sự học tập nhờ bắt chước để hoàn tất, và nhờ học tập mà con vật lợi dụng được những kinh nghiệm đã có được. Theo Burloud, ý nghĩa đầy đủ bản năng chỉ xuất hiện nơi loài vật.
Đặc tính của bản năng
1. Chủng loại
Chủng loại chỉ đặc tính sinh hoạt được thực hiện theo cùng một cách thể của mọi cá thể cùng loài để đạt đến một mục đích giống nhau. Đó là đặc tính ta thấy nơi hằng ngàn giống ong; mỗi giống có một con mồi, và cách giết con mồi hay chỉ làm tê liệt để sử dụng riêng.
Tuy nhiên đặc tính này không tuyệt đối: chủng loại tính này biến đổi theo từng cá thể trong cùng loài. Louis Verlaine nghiên cứu về cách làm tổ của chim kim tước (ca¬nari) ở quần đảo thuộc Đại Tây Dương. Trong số chim mẹ bị bắt thì có một số có thể xây được tổ giống như đồng loại, còn một số khác thì không, hay không làm được hoàn hảo. Achillen Urban (Psychologie des animaux sauvages) cho thấy còn có nhiều khác biệt giữa cử chỉ của các gấu con hay sư tử con đối với con người hay một vài đối tượng nào đó.
2. Bẩm sinh tính với luận đề cổ điển
Theo nhà côn trùng học Pháp Fabre, thì bản năng đã hoàn hảo ngay từ lúc ban đầu và không thay đổi, cho nên nó cũng chẳng cần học tập để biến đổi hay cải thiện gì hết. Ông dẫn chứng cho thấy trong các giống ong vò vẽ Giboyeuses, có loại sphex không giết con mồi mà chỉ làm tê liệt để dành nuôi con. Vậy bẩm sinh tính là đặc tính của bản năng: sinh ra là đã có một cách hoàn hảo mà không cẩn học tập kinh nghiệm để biến hóa.
Nhưng Paul Marchai lại cho rằng có sự tiến hoá của bản năng: luận cứ của O. Fabre không chấp nhận được. Theo P. Marchai, có những trình độ không cảm thấy được từ bản năng của giống côn trùng giết mồi đến làm tê liệt con mồi tuỳ cùng một loại. Chẳng hạn con cerceris ornata sau khi làm tê liệt nạn nhân là con ong hoang nhỏ thuộc họ Halycte, nó bóp cổ con mồi, không những chỉ đập vào trung tâm thần kinh nạn nhân như trường hợp con Sphex theo Fabre, mà còn xé rách da để liếm máu và mật chảy ra từ vết thương của Plalycte; con mồi này chết sớm hơn để ngăn cản không cho con cerceris có nhiều dòng dõi.
3. Thích ứng tính
Đó là đặc tính của bản năng có thể thích nghi vào những trường hợp mới, kể cả bản năng của loài côn trùng, nhưng thường thấy ở nơi loài chim. Giống chim bông lan đầu đen (fauvette à tête noire) không xây tổ trên tàu lá rậm rạp và những nơi kín đáo, mà lại xây tổ nơi nào trống trải trên cao. Nhiều giống chim biết làm tổ thích nghi theo những điều kiện khí hậu khác nhau. Tuy nhiên đó không phải là một luật chung cho cả loài.
4. Cứu cành tính
Người ta thường đặt vấn để cứu cánh tính cho bản năng;
+ Con vật hoạt động theo bản năng thì có con có ý thức về cùng đích không?
+ Bản năng có mục đích không? Dĩ nhiên là ta trả lời không đối với câu hỏi thứ nhất. Con guêpe làm sao có thể có ý thức về nhu cầu của con nó vì nó chết trước khi biết được điều đó. Sự thích nghi vào hoàn cảnh mới bao hàm không phải ý thức về một cứu cánh, mà là ý thức tiệm tiến và giới hạn của một chuỗi vận động xảy ra tuần tự theo một trật tự ở mỗi lúc một. Chính nhà động vật học Rabaud cũng phủ nhận cứu cánh tính của bản năng.
5. Huấn luyện tính của bản năng
Những thí nghiệm của Louis Verlaine cho thấy rằng bản năng biến đổi đến hoàn hảo theo từng loại.
Những con chim hoàng yến cái được sinh ra trong thời gian mẹ chúng bị bắt, ban đầu xây cái tổ rất vụng và rất nhỏ không đủ chổ để ấp trứng, nhưng lần xây tổ sau chúng lại biết rút kinh nghiệm để xây tổ khá hoàn hảo và trong thời gian ngắn nhất nhưng vẫn theo những kỹ thuật của tổ tiên chúng.
Định nghĩa về bản năng
“Tóm lại, ta có thể định nghĩa bản năng là một sinh hoạt cứu cánh hoá nhưng không có ý thức về cứu cánh mà nó đang hướng về, mù quáng nhưng có thể thích nghi, bẩm sinh nhưng có thể thay đổi trong vài hạn giới, trở nên cố định nhưng bao hàm một khả năng thích ứng vào những hoàn cảnh mới trong vài chi tiết”.
Định nghĩa này còn mơ hồ; ta sẽ xác định nó rõ hơn khi nghiên cứu đến nguyên nhân của bản năng và nhất là những nguyên nhân bên trong của chúng (vấn đề bản chất).
1. Bản chất của bản năng
+ Bản năng với sinh hoạt máy móc
Bản năng không phải là một sinh hoạt máy móc như Bethe hay Rabaud đã quan niệm, vì nó có thể thực hiện cả một chuỗi biến thể của cùng một chủ đề độc nhất: Giống chim canari mà Louis Verlaine nghiên cứu không nhất định xây tổ lại như cũ, nhưng tổ của chúng lại lớn hơn và hoàn hảo hơn. Hành vi gần với sinh hoạt máy móc như ta thấy ở đây chính là phản xạ, phản ứng bộc phát theo ngay một kích thích, đặt dưới một định luật của chung tất cả hay chẳng phải là của một cái gì cả. Thế nhưng hầu hết mọi hành vi bản năng đều không bộc phát tự nhiên, mà lại trì hoãn theo những thời kì chờ đợi nhanh, chậm. Loài chim vẫn thường thấy các cọng rơm cỏ… nhưng chúng chỉ dùng đến thứ ấy khi sắp đến mùa đẻ trứng.
+ Bản năng với trí thông minh
Trái lại, người ta nhấn mạnh đến tính huấn luyện và tính đàn hồi của bản năng để đưa nó đến gần với trí thông minh. MyerS; Lloyd Morgan; Cuinot; RiverS, Spaier, Ver- laine đều cho rằng không có ranh giới giữa bản năng và trí thông minh. Rivers quan niệm hoạt động của thú vật và người chỉ khác biệt nhau về trình độ mà thôi.
+ Bản năng hay một sinh hoạt độc đáo
Bản năng có phải là một sinh hoạt độc đáo? Chính Bergson quan niệm: “Trí thông minh và bản năng; sau khi bắt đầu bằng cách xuyên thâm vào nhau, đều còn giữ một cái gì từ nguồn gốc chung. (…) Chúng hoạt động trong sự dìu dắt và bổ túc cho nhau bởi vì chúng khác biệt nhau, cái gì thuộc bản năng trong bản năng thì có nghĩa khác với cái gì thông minh được gọi là thông minh của trí thông minh”. (Évolution créatrice p. 147).
Nhưng; mặc dù bản năng là một hoạt động hơn là một tri thức, nó vẫn bao trùm “một trực giác sống động (hơn là biểu tượng); giống như cái mà ta gọi nơi con người là một “thiện cảm chiêm đoán”. Trong khi bản năng hiểu như sự vật từ bên trong; thì trí thông minh là lĩnh hội từ bên ngoài; hay đúng hơn nó chỉ được lĩnh hội như một tương quan giữa các sự vật mà thôi.
Quan điểm của Bergson thật khó chấp nhận. Muốn biết trong bản năng cái gì giống với trực giác hay thiện cảm chiêm đoán, thì phải chấp nhận sự mô tả cổ điển vể bản năng chính là mô tả của Fahre: một sinh hoạt hoàn hảo ngay từ đầu, có hơi biến đổi và rất chắc chắn. Và tất cả sự phân tích của Bergson đều bao hàm ông ta chấp nhận quan điểm cổ điển thật sự. Nhưng bây giờ chúng ta lại thấy cẩn phải dè dặt khi bảo rằng bản năng cũng cẩn đến những dọ dẫm, do dự, bất toàn và sai lầm.
Khi nói bản năng là một sinh hoạt độc đáo thì phải hiểu điều đó không có nghĩa Bergson đã đối lập bản năng với trí thông minh, mà phải hiểu rằng Bergson đã đặt bản năng dưới trí thông minh trong đẳng cấp chức vụ của con người và cả chính thú vật.
Nguồn gốc của bản năng
1. Quan điểm của Darwin: Bản năng là phản xạ
Đây là một quan điểm “sinh vật học hoàn cảnh” rất nổi tiếng một thời nhằm tìm cách giải thích bản năng thú vật bằng cách trở ngược về nguồn gốc của nó. Ông nghĩ là các cá thể khi sinh ra đều mang theo một biến thiên mà một số có ích, còn một số khác thì không. Những cá thế nào không biến thiên hữu ích sẽ bị loại trừ trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Như thế sẽ xảy ra một cuộc đãi lọc tự nhiên: các chủng loại còn sống sót đến ngày nay là những chủng loại mà thiên nhiên đã cung cấp cho những bản năng hoàn hảo nhất, có tính cách cố định, và tích lũy nơi chúng các biến thiên hữu ích. Vậy các bản năng chúng ta phản xạ, trong đó sự ngẫu nhiên đã đóng vai trò chính. Những người chủ trương thuyết Darwin sau này (néo darwiniens) đã đưa ra khái niệm về biến thiên đột ngột hay sự đột biến thay thế vào những biến thiên chậm chạp và không thấy rõ do Darwin giả thuyết.
Người ta đã chỉ trích thuyết này: nguồn gốc của các biến thiên bẩm sinh không được giải thích! Sự tổng hợp lại các biến thiên đó dường như không thể thực hiện được. Thực vậy, như Bergson nhận xét, khi một biến thiên mới xuất hiện; cần phải xếp đặt lại những yếu tố cũ để đảm bảo sự hòa hợp của toàn thể. Bản năng tiến triển bằng cách dọ dẫm; nhưng những dọ dẫm bao hàm sự tìm kiếm một điều gì và sự tìm kiếm này, để thành công, lại bao hàm một định hướng nào đó. Vậy mà thuyết Darwin và nhất là tân Darwin đã không dành một chỗ nào cho định hướng đó cả vì họ nhìn thấy trong sự tiến hóa chỉ có công trình ngẫu nhiên. Hơn nữa bản năng dù không hoàn hảo cũng không đồng nghĩa được với phản xạ. Thực vậy trong khi phản xạ là một phản ứng lập tức thì phần lớn các động tác bản năng lại là hành vi trì hoãn, bao gồm những giai đoạn chờ đợi nhiều ít, lâu dài. Bản năng không tùy thuộc vào những kích thước đơn giản như chính phản xạ: con chim thường trông thấy những cọng cỏ, nhưng chỉ sử dụng chúng khi gần đến mùa sinh nở. Sau nữa, phản xạ chỉ chấp nhận một sự biến đổi rất giới hạn; trong khi bản năng có thể giáo dục và hoàn thiện được trong một chừng mực nào đó thôi.
2. Thuyết Lamarck và tân Lamarck: Bản năng như là trí thông minh thoái hóa và tập quán di truyền
Quan niệm này gần giống như Darwin: Lamarck cố gắng đi ngược về nguồn gốc của bản năng. Ông coi mọi bản năng như là một tập quán di truyền mà sự tạo thành tùy thuộc ở:
+ Ảnh hưởng của môi trường ngoại giới;
+ Những nhu cầu gây nên do sự thay đổi các điều kiện ngoại giới và sự cố gắng của sinh vật để thích nghi với các điều kiện đó;
+ Sự di truyền chuyển lại những thay đổi thủ đắc nơi một cặp sinh vật nào cho con cháu.
Đối với một số môn đệ của Lamarck; những cố gắng thích nghi với môi trường lúc sơ khởi có tính cách thông minh. Sự khác nhau duy nhất giữa bản năng và trí thông minh là nơi bản năng các động tác lúc khởi đầu có tính cách thông minh; ngày nay đã được cố định nơi chủng loại dưới hình thái tự động tính. Vậy thì bản năng là một thứ thông minh thoái hóa; được tổ chức thành tập quán máy móc.
Người ta khó tưởng tượng được làm thế nào những côn trùng mà cuộc sống không vượt quá vài tuần lễ lại có thể; trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó; học tập được nghệ thuật của con ong thợ; con sphex… Dù có chấp nhận với Edmond Perrier là các côn trùng thuộc nguyên đại đệ nhất là tổ tiên của các côn trùng ngày nay sống lâu hơn đi nữa, vẫn không giải thích được làm thế nào với hệ thống thần kinh sơ đẳng, chúng lại có thể vươn đến một khả năng phân biệt mà ngay đến các động vật ở các cấp bậc cao hơn nhiều cũng không thể có được.
Sau nữa, có thể nào những biến đổi thủ đắc bởi một cặp sinh vật lại được truyền cho con cháu, như Lamarck chủ trương hay không? Những biến đổi ấy được thủ đắc bởi phần soma sẽ được truyền lại qua trung gian của phần germen. Nhưng các thí nghiệm của Weissmann đưa đến chỗ nhận định là các tế bào truyền sinh (di truyền) hầu như độc lập với các tế bào dinh dưỡng. Khi đó, sự truyền lại các biến đổi thủ đắc trở nên không thể quan niệm được, bởi vì chúng là các đặc điểm của phần soma.
3. Giải pháp của Burloud: Bản năng, tập quán của chủng loại
Đây là một quan niệm vượt lên hết các học thuyết cũ. Phần lớn các giải pháp trên đều tìm cách đi ngược về các nguồn gốc của bản năng. Phương pháp này đã đưa La-marck và các môn đệ của ông tới chỗ cho rằng bản năng là một tập quán di truyền, đã gây nên khó khăn không thể vượt qua được chỉ vì đó là một quan niệm hoàn toàn vật chất về di truyền.
Nhưng có thể hiểu di truyền một cách khác hẳn. Thay vì là một biến đổi, thể chất của phần soma được thủ đắc bởi cá thể, di truyền có lẽ là một tập quán được thủ đắc xuyên qua vô số các thế hệ tạo thành một dòng sống mà mỗi cá thể là một giai đoạn, tập quán là một thứ gì năng động và siêu cơ thể. Tóm lại, là một khuynh hướng khi đó, vì những biến thiên thủ đắc không còn là những đặc điểm của phần soma nữa, nếu sự kiện dinh dưỡng độc lập với các tế bào truyền sinh không còn quan trọng nữa (những tế bào sau này chỉ là những công cụ di truyền mà thôi).
Nếu là như thế, bản năng hay tập quán của chủng loại phải biểu lộ ra trong đời sống của chủng loài cùng những đặc tính mà tập quán biểu lộ ra trong đời sống của cá thể; dò dẫm, lẩm lẫn, thử thách có hướng dẫn và dần dần đồng quy: đó chính là điều mà các kiểu mẫu có đẳng cấp quan sát được trong các chủng loại ngựa, voi… đã xác nhận. Ấy là bản năng kéo dài các sức mạnh tổ chức sự sống, Nhưng thay vì là kết quả của các sức mạnh đó, bản năng lại sử dụng chúng nhằm cho các cứu cánh mới.
Khảo sát các hành vi bản năng sẽ cho ta thấy thấu đáo hơn bản chất của bản năng. Ngoài ra, sự khảo sát này còn làm bộc lộ được các lược đồ và chủ đề tổ tiên, cũng xác nhận thêm quan niệm cho rằng những bản năng là tập quán của chủng loại.
+ Những chủ đề bản năng
Hành vi bản năng được điều kiện hoá bởi tri giác do các đối vật tạo thành một toàn thể, một cảm quan trường cơ cấu hóa: các thí nghiệm đã chứng tỏ những con ong bị đưa đi xa tổ của chúng đã trở về mà không bị lôi cuốn bởi khứu giác. Theo Buytendijk, loài ong biết rõ khu vực chung quanh tổ chúng cho tới một khoảng xa bốn cây số. Ấy là các đối vật tri giác trong một tương quan với không gian về vị trí của chúng.
Các đối vật còn được tri giác trong một tương quan với hành vi được thực hiện: các con chuột nhỏ; bị nhốt trong một cái lồng có kê một máng ăn rất lớn, ẩn nấp sau cái máng đó khi có người lại gần: máng ăn đã được nhìn thấy tuỳ thuộc vào hành vi; như một nơi ẩn náu trong tương quan với một nguy hiểm nào đó.
Cái ý nghĩa đó không thuộc vào sự thủ đắc các vật: nó phát xuất từ một số lớn kinh nghiệm tổ tiên. Hành vi ẩn nấp đằng sau máng ăn liên hệ với một cách cư xử còn sơ khai hơn: các con vật bị tấn công chạy trốn cho đến khi thoát khỏi nguy hiểm. Khi có một chướng ngại bó buộc phải dừng lại; nó có thể ẩn nấp sau một bụi cây hoặc do ngẫu nhiên; hoặc để tránh nhìn thấy kẻ đuổi theo. Những hành vi thuộc loại đó được lặp đi lặp lại ngàn lần đã gán cho loại cây và các vật không trong suốt cái giá trị của chức năng nơi ẩn nấp trong thị giác trường) lâu dần, những hành vi đó làm phát sinh một chủ đề cùng với một loại cử thái mới.
+ Những lược đồ bản năng
Còn về hành vi chạy trốn thì được tổ chức bởi một khuynh hướng khác, bởi một lược đồ cơ động cứ mỗi lúc lại tuyển trong số các cử động thân thể và xác định trật tự tiến diễn của chúng, Sự tổ chức đó cũng bao gồm những biến thái như sự tổ chức của cảm quan trường vậy.
Các bản năng của loài người
Vậy bản năng không phải là một phản xạ phức tạp, cũng không phải một trí thông minh thoái hoá. Ở bên trên phản xạ, và ở bên dưới thông minh, bản năng xuất hiện nhờ một tập quán được thủ đắc theo chủng loại, nhưng bẩm sinh nơi cá thể, tương đối độc lập với kinh nghiệm bản thân, mà vẫn có thể biến thái trong một giới hạn nào đó.
Bản năng hiểu như thế hầu như chỉ ở loài vật; nơi con người, có lẽ ngoại trừ hành vi bước đi, vì lúc ban dầu, bản năng chỉ là một chủ đề hành động, một khuynh hướng bẩm sinh hướng chúng ta đến một loại hành vi mà không cho chúng ta các phương tiện để thực hiện.
1. Bản năng bản thân
Trước hết chúng ta có thể xếp một số bản năng vào nhóm bản năng bản thân gồm các nhu cầu cơ thể: nhu cầu hô hấp và ăn uống; nhu cầu hoạt động thể chất; nhu cầu ngủ nghỉ. Trong số các bản năng khác liên quan đến bản ngã, có thể kể bản năng chế ngự, bản năng bảo tồn cần phân biệt với bản năng di sản, bản năng phá hoại, bản năng chiến đấu. Một số tác giải hiện đại chấp nhận với Freud là có những bản năng đặc biệt cừu địch mà mục đích là huỷ diệt.
2. Bản năng tình dục
Trước khi trở nên sự thức tỉnh của tình yêu, bản năng tình dục đã được đánh dấu nơi đứa trẻ qua những giai đoạn khủng hoảng, những ngấm ngầm đứt khoảng xen vào những thức tỉnh thình lình, và ở buổi đầu tuổi thiếu niên, bằng một thứ sôi nổi tình cảm thuận lợi cho sự nảy nở tình bạn và mọi khuynh hướng vị tha khác. Lúc sơ khởi, không xác định được bản năng tình dục có thể có những lệch lạc mà Freud và các môn đệ ông ta đã mô tả kĩ càng. Mặt khác, các xung đột của bản năng tình dục hay năng lực dục tính bị các khuynh hướng xã hội và đạo đức, hoạt động nhằm dồn ép nó, là nguồn gốc của một số lớn hiện tượng xáo trộn tâm lí.
3. Bản năng gia đình xã hội
Tình mẹ con và chắc chắn cả tình cha con nữa đều có tính cách bản năng. Trong số các xu hướng, nó được lí tưởng hoá và tinh thần hoá hơn cả. Còn bản năng tập thể thì sơ đẳng nhất trong số các bản năng xã hội không có nơi một số loài vật, nhưng dường như chúng hiện diện ở tất cả loài người; rất sớm, đứa trẻ đã tìm kiếm bạn ở các trẻ khác.
Bản năng tập thể không phải là khuynh hướng tha hướng; nhưng có khuynh hướng tha hướng có tính cách bẩm sinh một cách rõ ràng. Charlotte Buhler đã quan sát thấy những biểu lộ hiển nhiên của khuynh hướng tha hướng nơi những trẻ nít được hơn 1 năm tuổi. Decroly có thể chụp hình được những phản ứng của một đứa trẻ 12 tháng tuổi “dù đói vẫn cương quyết từ chối nhận bầu sữa từ một người mà nó không ưa”. Những quan sát thuộc loại ấy xác nhận, về một điểm nào đó; một lí thuyết phổ biến vào thế kì XVIII chủ trương rằng thiên nhiên đã đặt nơi chúng ta, bên cạnh tình yêu chính mình, tất cả các khuynh hướng xã hội hướng chúng ta đến ước muốn hạnh phúc của tha nhân. Các bản năng xã hội góp phần cấu tạo các bản năng phi bản thân góp phần tạo nên khoa học, đạo đức và tôn giáo.
Leave a Reply