>> CÁC BẠN CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ LỰA CHỌN NHỮNG BÀI VĂN HAY NỮA NHÉ <<
CỐT TRUYỆN BÀI VĂN KỂ CHUYỆN
(Tiết 1 – Tuần 4)
Mục tiêu:
• Học sinh nắm được cốt truyện là chuỗi sự việc làm nòng cốt cho diễn biến của truyện.
• Học sinh biết cấu trúc của truyện (còn gọi là kết cấu nội dung truyện).
• Học sinh biết sắp xếp các sự việc cho sẵn thành một cốt truyện và kể lại truyện dựa trên cốt truyện đó.
• Học sinh nắm được tác dụng của từng phần của cốt truyện.
I. Cốt truyện bài văn kể chuyện là gì?
Cốt truyện là chuỗi sự việc làm nòng cốt cho diễn biến của truyện.
Cốt truyện thường có ba phần:
• Mở đầu.
• Diễn biến.
• Kết thúc.
Tác dụng của từng phần:
Mở đầu:
– Giới thiệu thời gian, địa điểm câu chuyện xảy ra.
– Giới thiệu nhân vật trung tâm của truyện kể hoặc có thể cùng lúc giới thiệu tất cả nhân vật của truyện.
Diễn biến:
– Nêu các tình huống xảy ra trong truyện theo trình tự thời gian.
Kết thúc:
– Nêu kết quả của các diễn biến trên và ý nghĩa của truyện kể.
II. Nắm các sự việc chính để xây dựng cốt truyện trong một bài văn kể chuyện(hoặc sự việc chính của một truyện kể):
Sự việc chính trong truyện “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu”:
1) Dế Mèn gặp chị Nhà Trò đang than khóc một mình.
2) Chị Nhà Trò kể cho Dế Mèn nghe hoàn cảnh bi cực, bị bọn Nhện hiếp đáp của mình.
3) Dế Mèn ra tay cứu giúp Nhà Trò: đưa Nhà Trò đi gặp bọn Nhện.
4) Bọn Nhện giăng tơ trên đường về tổ Nhà Trò để bắt Nhà Trò ăn thịt. Dế mèn đòi gặp Nhện chúa.
5) Dế Mèn ra oai và thuyết phục bọn Nhện phải bỏ ý định đòi nợ, hiếp đáp Nhà Trò.
6) Bọn Nhện sợ hãi, dẹp dây tơ đã chăng. Nhà Trò thoát nạn.
III. Luyện tập bài văn kể chuyện
Bài tập 1:
Truyện cổ tích “Cây Khế” bao gồm các sự việc chính sau đây:
a) Chim chở người em bay ra đảo lấy vàng, nhờ thế người em trở nên giàu có.
b) Cha mẹ chết, người anh chia gia tài, người em chỉ được cây khế.
c) Người anh biết chuyện, đổi gia tài của mình lấy cây khế, người em bằng lòng.
d) Cây khế có quả, chim đến ăn, người em phàn nàn và chim hẹn trả ơn bằng vàng.
e) Chim lại đến ăn, mọi chuyện diễn ra như cũ, nhưng người anh may túi quá to và lấy quá nhiều vàng.
f) Người anh bị rơi xuống biến và chết.
• Cốt truyện cây khế:
1) Cha mẹ chết, người anh chia gia tài. Người em chỉ được cây khế.
2) Cây khế có quả, chim đến ăn, người em phàn nàn và chim hẹn trả ơn bằng vàng.
3) Chim chở người em bay ra đảo lấy vàng, nhờ thế người em trở nên giàu có.
4) Người anh biết chuyện, đổi gia tài của mình lấy cây khế, người em bằng lòng.
5) Chim lại đến ăn, mọi chuyện diễn ra như cũ, nhưng người anh may túi quá to và lấy quá nhiều vàng.
6) Người anh bị rơi xuống biển và chết.
Bài tập 2. Dựa vào cốt truyện trên, kể lại truyện “Cây Khế”.
BÀI LÀM
Ngày xưa, có hai anh em nhà kia, cha mẹ mất sớm để lại cho chút ít của cải. Khi chia gia tài, người anh chỉ chia cho em trai mỗi một cây khế còn mình thì giữ tất cả ruộng vườn, nhà cửa. Người em ra sức chăm bón cây khế.
Đến mùa khế chín, một con chim to, đuôi dài, lông sặc sỡ, từ đâu bay đến, ăn hết khế chín. Người em than vãn:
– Ta chỉ có một cây khế bán trái, đổi lấy chút gạo nuôi thân, sao chim nỡ ăn hết khế của ta vậy? Ta lấy gì mà sinh sống đây?
Lạ thay, chim cất tiếng nói với người em:
– Ăn khế trả vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.
Nói xong chim bay đi. Người em y theo lời chim dặn, may một cái túi ba gang chờ chim đến. Hôm sau, chim bay đến, đậu trên mặt đất, sà cánh, hạ thấp cổ xuống ra hiệu cho người em ngồi lên lưng. Người em leo lên lưng chim. Chim vụt bay đi, mang người em băng qua núi cao, đồng rộng, biển sâu. Cuối cùng chim đáp xuống một hòn đảo vắng. Trên đảo, đất đá toàn bằng vàng. Vàng bạc, trân châu chất đống. Người em lấy số vàng đủ túi ba gang. Chim lại chở người em trở về túp lều có cây khế rồi bay đi mất. Nhờ số vàng đó, người em trở nên giàu có. Người anh hay chuyện bèn đem đổi tất cả nhà cửa, ruộng vườn của mình cho người em để đổi lấy cây khế. Người em bằng lòng. Thế là người anh ngày ngày chăm sóc cây khế, chờ chim đến. Đen mùa khế chín, chim lại đến ăn. Người anh cũng phàn nàn, rên rỉ với chim. Chim cũng hẹn với người anh là chim ăn khế sẽ đền trả bằng vàng. Người anh rắp tâm may một cái túi chín gang để đựng được nhiều vàng. Hôm sau, chim y hẹn đến chở người anh ra đảo vàng. Người anh bèn chặt vàng đầy túi chín gang, còn bỏ thêm ngọc ngà châu báu vào áo quần rồi cũng leo lên lưng chim để chim chở về đất liền. Chim bay qua biển rộng mấy lần chao cánh vì người anh mang vàng quá nặng. Sức chim mỗi lúc một yếu dần, nghiêng hẳn không giữ được người anh trên lưng. Thế là người anh lăn tòm xuống biển cùng túi vàng nặng. Thật đáng đời kẻ tham lam.
LUYỆN TẬP XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN BÀI VĂN KỂ CHUYỆN
(Tiết 2 -Tuần 4)
Mục tiêu:
• Học sinh xây dựng được cốt truyện với nhân vật và tình huống cho sẵn.
• Học sinh kể lại câu chuyện do chính các em xây dựng cốt truyện một các mạch lạc, sinh động, hấp dẫn.
Luyện tập xây dựng cốt truyện:
Đề bài: Hãy tưởng tượng và kể lại vắn tắt một câu chuyện có ba nhân vật: bà mẹ ốm, người con bằng tuổi em và một bà tiên.
Gợi ý:
1) Có thể xây dựng cốt truyện với ba nhân vật đề bài cho thành câu chuyện về lòng hiếu thảo.
2) Có thể xây dựng cốt truyện với ba nhân vật đề bài cho thành câu chuyện về trung thực, tự trọng.
3) Có thể xây dựng cốt truyện với ba nhân vật đề bài cho thành câu chuyện về chủ để tính kiên trì, nhẫn nại, quả cảm.
4) Có thể xây dựng cốt truyện với ba nhân vật đề bài cho thành câu chuyện có chủ đề bao hàm cả ba chủ đề trên: hiếu thảo, trung thực, kiên trì, nhẫn nại, quả cam.
Chú ý:
• Viết vắn tắt,không dài dòng.
• Các em xây dựng cốt truyện với ba nhân vật đề cho thành câu chuyện mang chủ đề nào cũng cần kết thúc truyện kể theo hướng bà tiên giúp đỡ người con chăm sóc mẹ khỏi bệnh.
a. Bài văn kể chuyện chủ đề về lòng hiếu thảo
BÀI LÀM
Xưa, có hai mẹ con nghèo khổ kia sống ở một làng nọ. Bà mẹ lam lũ cấy thuê gặt mướn nuôi con. Người con là một cô bé lên mười, chăm học, cơm nước giặt giũ đỡ đần cho mẹ. Vì gắng sức lao động, bà mẹ ốm nặng. Cô bé hết lòng chăm sóc mẹ sớm hôm không quản một việc gì. Cô bé còn ra đồng phụ người lớn đem mạ để kiếm ít tiền vì cô còn bé quá, chưa cấy được. Người mẹ ngày một bệnh nặng. Nhà có chút tiền dành dụm cũng không đủ thuốc thang. Đi phụ đếm mạ về, cô bé tất tả lo cho mẹ ăn cháo, uống thuốc.
Xong việc, cô lựa lưng vào chân giường lòng thầm cầu nguyện Trời, Phật giúp mẹ khỏi bệnh. Bỗng một bà tiên hiện ra nơi ngưỡng cửa. Bà đến bên giường bệnh, vuốt tóc cô bé rồi đưa cho cô một gói thuốc bột. Bà tiên dặn:
– Hòa thuốc này với nước sôi để nguội rồi cho mẹ uống ngay. Ta thương con là một đứa con hiếu thảo nên đến giúp con đó.
Cô bé lạy tạ bà tiên, ngẩng đầu lên thì bà đã biến mất. Cô vội vàng hòa thuốc cho mẹ uống. Kì diệu thay, mẹ cô ngồi ngay dậy, người khỏe khoắn như chẳng có bệnh gì. Cô bé thuật lại cho mẹ biết chuyện bà tiên đến giúp đỡ ra sao. Hai mẹ con quỳ xuống tạ ơn bà tiên. Hai mẹ con lại sống hạnh phúc như xưa.
b. Bài văn kể chuyện chủ đề về tính trung thực
BÀI LÀM
Ở một thị trấn nhỏ có hai mẹ con cậu bé kia sống trong một cái nhà gỗ ọp ẹp. Bà mẹ làm thuê để kiếm tiền nuôi con. Cậu bé học lớp bốn chăm ngoan, hiền hậu. Công việc nặng nhọc khiến bà mẹ ngày một gầy ốm rồi ngã bệnh. Cậu bé hết lòng chăm sóc mẹ và thay mẹ đi làm ở chỗ mẹ cậu đã làm. Vì cậu sức yếu nên cậu chỉ được chút tiền lương. Mẹ cậu bệnh ngày một nặng. Cậu bé gom góp số tiền ít ỏi, ra phố mua cho mẹ thang thuốc tốt hơn. Cậu đi nhanh trên con đường vắng thì thấy một túi xách bị đánh rơi. Có lẽ cái túi rơi nặngnên miệng túi toác ra để lộ những xấp tiền dày cộm. Cậu ngẩng phẳt đầu lên nhìn về phía trước chỉ thấy một bà lão chống gậy đang đi chầm chậm. Số tiền này không phải là ít – cậu nghĩ thầm – rồi ôm lấy cái túi, chạy tất tả theo bà cụ:
– Bà ơi! Bà đánh rơi túi xách này.
Bà lão dừng ngay lại, đưa mắt nhìn cậu có ý hỏi. Cậu bé thở hổn hển:
– Thưa bà, cái túi xách này là của bà, phải không ạ?
Bà lão cười hiền hậu:
– Quả con là đứa trò thật thà, hiếu thảo. Ta là tiên, chờ con ở đây để thử lòng con đó.
Bà lão đưa cho cậu một gói nhỏ dặn:
– Con hòa thuốc này cho mẹ uống. Chỗ tiền này ta cho con mang về giúp mẹ mở một cửa hàng nhỏ. Con về ngay đi.
Dứt lời. Bà lão biến mất. Cậu quỳ xuống lạy tạ bà tiên rồi chạy như bay về nhà.
Mẹ cậu khỏi bệnh và nhờ số tiền của bà tiên giúp, mở một tiệm tạp hóa, không phải làm thuê gánh mướn nữa. Hai mẹ con sống lương thiện, hạnh phúc bên nhau.
c. Bài văn kể chuyện chuyển chủ đề về lòng quả cảm
BÀI LÀM
Ở một làng chài ven biển, có một cậu bé đang chăm sóc mẹ bị ốm nặng. Đã đủ thứ thuốc thang mà mấy tháng ròng trôi qua, mẹ cậu vẫn chưa đỡ bệnh.
Có người mách cậu rằng trên hòn đảo xa kia có loại táo đỏ có thể cứu sống mẹ cậu. Không phân vân, cậu bé lên đường tìm loại táo đó. Cậu đi nhờ bằng thuyền lớn rồi cập bờ bằng thúng câu, vượt qua bao sóng to, gió dữ, đến hòn đảo chẳng có một bóng người, chỉ thấy mênh mông san hô ven bờ như ngăn người bước đến. Cậu cố sức đặt bàn chân lên lối đi hẹp, men đến chỗ san hô đo đỏ. Lối đi lởm chởm đá nhọn chọc thủng giày làm chân cậu rướm máu. Đây rồi! Cây táo đỏ đây. Cậu đưa tay toan ngắt lấy táo thì gốc táo tự dưng chĩa ra muôn nghìn gai nhọn đâm vào tay cậu đau điếng, rồi một bà tiên áo đỏ hiện ra. Cả cười:
– Người muốn lấy vị thuốc quý này phải tự cắt tay mình để máu chảy vào gốc mới được cho táo đỏ. Con có dám làm điều đó không?
Không chút ngần ngại, cậu bé rút con dao nhíp bên mình, ấn sâu vào lòng bàn tay. Máu chảy từ tay cậu tưới lên gốc táo. Lạ lùng sao. Gai của táo rụng đi và nhánh táo tự rơi vào tay cậu. Vết cắt tay cũng tự lành ngay. Bà tiên chỉ tay ra biển:
– Táo đỏ chỉ dành cho người con nào dũng cảm và hiếu thảo. Con đúng là một người con như vậy. Bây giờ con hãy trở về nhà nhanh lên!
Một chiếc, thuyền có cánh buồm đỏ thắm đã đậu sát chân bờ chờ cậu. Cậu bé lạy tạ bà tiên, thuyền đưa cậu thoáng chốc về đến nhà. Mẹ cậu ăn táo, bà hồi phục nhanh chóng. Cậu bé sung sướng sà vào lòng mẹ. Mẹ cậu ôm lấy cậu. Bây giờ không có gì có thể chia cắt hai mẹ con cậu nữa.
d. Bài văn kể chuyện chủ đề bao quát cả tính hiếu thảo, kiên trì, quả cảm
BÀI LÀM
Ở cái làng chài cheo leo bên vách núi có một mái nhà tranh. Trong nhà người mẹ vót nan đan giỏ để đổi gạo nuôi con. Cậu con lên mười tuổi, học giỏi và chăm làm.
Một chiều dầm mưa, bà mẹ ốm nặng. Cậu chăm sóc mẹ đã lâu mà mẹ cậu vẫn nằm li bì không sao gượng dậy. Nghe người mách trên đỉnh núi cao có bà tiên có thuốc cứu người, cậu lên đường đến nhà bà tiên. Cậu băng qua rừng rậm, suối sâu, leo lên vách núi cheo leo, gót chân rướm máu,quần áo rách bươn thì đến được ngôi nhà của bà tiên. Bên trong ngôi nhà vắng lặng chẳng có ai. Cậu tần ngần chưa biết làm gì thì nghe một giọng nói khẽ vang lên:
– Hãy nhặt hạt dẻ và đậu xanh trong cái thúng để trên bàn riêng ra, khi nào con nhặt xong thì thuốc của mẹ con mới được ta làm xong. Nếu con nhặt chậm, ta elà mẹ con không qua khỏi đó!
Cậu bé đến bàn, bắt đầu nhặt hạt dẻ và hạt đậu. Canh cánh lo mẹ ở nhà đang chờ thuốc cứu, cậu bé nhặt đậu mỗi lúc một nhanh hơn. Khi hạt dẻ cuối cùng đã được đặt vào thúng, một bàn tay ấm áp đặt lên vai cậu, bà tiên thuốc đưa cho cậu một gói nhỏ và dịu dàng bảo:
– Con thật hiếu thảo, có lòng quả cảm và biết nhẫn nại. Đây là thuốc của mẹ con.
Cậu bé đưa hai tay nhận gói thuốc, lạy tạ bà tiên và trở về. Bà tiên thu ngắn đường về nhà. Loáng cái, cậu đã về tới nhà. Cậu hòa thuốc cho mẹ uống. Mẹ cậu khỏi ngay. Hai mẹ con lại sống hạnh phúc bên nhau.
Leave a Reply