Đề bài Trình bày quan niệm của anh (chị) về việc chọn nghề trong tương lai (Chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình; chọn nghề đang được ưa chuộng trong xã hội hay nhất quyết theo duổi nghề mà mình yêu thích nhất?)
Hướng dẫn lập dàn ý
1. Mở bài
Giới thiệu: chọn nghề nghiệp
2. Thân bài
a. Việc lựa chọn nghề nghiệp phải chú ý tới những đặc điểm gì?
– Chọn nghề nghiệp theo năng lực
– Chọn nghề nghiệp được ưa chuộng
– Chọn nghề minh yêu thích
b. Những tấm gương chọn nghề nghiệp?
. Tấm gương Bác Hồ.
. Tấm gương Lỗ Tấn.
c. Làm thế nào lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn.
3. Kết bài
Đánh giá chung: chọn nghề nghiệp
Bài làm tham khảo Trình bày quan niệm của anh (chị) về việc chọn nghề trong tương lai (Chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình; chọn nghề đang được ưa chuộng trong xã hội hay nhất quyết theo duổi nghề mà mình yêu thích nhất?)
“Chẳng phải nghề nghiệp tạo danh dự cho con người mà chính con người tạo danh dự cho nghề nghiệp
(Louis Pasteur)
Trong cuộc đời, ai cũng cần có nghề nghiệp để sinh sống. Nghề nghiẹp cũng mang lại danh dự cho con người. Nhưng cũng chính con người tạo ra danh dự cho nghề nghiệp, vấn đề này gây nhiều suy nghĩ cho học sinh trung học phổ thông trong việc chọn nghề nghiệp trong tương lai: chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình; chọn nghề đang được ưa chuộng trong đời sống hay nhất quyết theo đuổi nghề mà mình vẫn thiết tha yêu thích?
Thế nào là chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình? Hướng lựa chọn nghề này phù hợp với năng lực thực tế, năng lực bản thân. Nghề nghiệp trước hết đòi hỏi con người phải có khả năng làm công việc dó. Tức là phải có tri thức, kĩ năng, kĩ xảo về công việc lựa chọn. Hơn nữa, nghề nghiệp đòi hỏi sự ổn định. Vì thế chúng ta khó có thể nay làm nghề nà mai làm nghề khác. Đặc biệt ngày nay, khi vấn đề chuyên môn hoá đang được chú trọng thì việc ổn định, đi sâu tìm tòi, sáng tạo trong lao đông càng được khuyến khích. Thay đổi việc làm có nghĩa là sẽ bắt đầu lai những kiến thức mới, kĩ năng, kĩ xảo mới, những quan hệ mới… Chừng ấy việc tiêu hao quá nhiều thời gian sức lực, chưa kể những khả năng ấy sẽ giảm dần theo tuổi tác, làm cho lao động không có hiệu quả.
Thế nào là chọn nghề đang được ưa chuộng trong đời sống? Xã hội ngày nay đang vận động biến đổi không ngừng. Yêu cầu xã hội mỗi ngày mồi khác. Mới cách đây khoảng hai chục năm, công nghiệp nặng còn thu hút sự tập trung khai thác của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thì ngày nay xã hội đem thành quả và tiềm năng của công nghệ thông tin, dịch vụ xã hội, khoa học công nghệ… làm tiêu chí đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia, khu vực. Nói như vậy để thấy được sự lựa chọn này cần phải suy nghĩ kĩ vì chúng ta có chắc rằng mình sẵn sàng thay đổi nghề nghiệp theo chu kì 20 năm, 15 năm, 10 năm… hay thậm chí là 5 năm, 4 năm… không? Đó là chưa kể đến việc liệu chúng ta có khả năng hoàn thành tốt công việc đó không? Chúng ta có thực sự say mê với lựa chọn của mình? Giới sinh viên từng “lưu truyền” câu nói: nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm. Thực tế, không ít người chạy theo nhu cầu của xã hội, thay đổi công việc cho hợp với thời thế. Hậu quả là việc cũ chưa đem về kết quả bao nhiêu đã mất rất nhiều thời gian, sức lực, tiền bạc cho công việc mới.
Chọn nghề đang được ưa chuộng trong đời sống còn được hiểu là chọn nghề làm ra nhiều tiền. Tiền bạc là nhân tố quan trọng để tạo nên hạnh phúc (Hạnh phúc được hiểu theo nghĩa chung nhất là được thỏa mãn những nhu cầu của con người. Nó là một phương tiện không thể thiếu để giúp con người thoả mãn những nhu cầu rất thiết thực trong cuộc sống và thực hiện được hoài bão, mơ ước của mình. Chính vì thế, khi cuộc sống còn nhiều gian khó, thiếu thốn thì tiền bạc mang ý nghĩa quyết định hạnh phúc. Chọn nghề theo hướng này sẽ đảm bảo được những yêu cầu về vật chất của bản thân, gia đình, nhất là tiền bạc được tạo ra từ bàn tay, khối óc, từ lao động chân chính của mình sẽ kiến tạo được một hạnh phúc lâu bền, đích thực. Tuy có mặt tích cực nhưng chọn nghề theo cách này vẫn còn mặt hạn chế. Tiền bạc chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để tao nên hạnh phúc – Nó có vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định nhưng khồng phải là điều kiện duy nhất để dệt nên hạnh phúc của con người. Bởi hanh phúc chỉ thực sự trọn vẹn khi con người được no đủ về vật chất và thoải về tinh thần. Có tiền không phải là có tất cả. Nếu chọn nghề với mục đích làm ra nhiều tiền mà nghề ấy mình không yêu thích, không phù hợp thì công việc mỗi ngày sẽ trở thành gánh nặng suốt đời.
Thế nào là chọn nghề mà mình thiết tha yêu thích? Chọn nghề theo cách này có mặt tích cực là thoả mãn được nhu cầu, sở thích của cá nhân nên mỗi ngày sẽ là niềm vui, cuộc sống sẽ trở nên đáng yêu hơn khi niềm đam mê ấy được đáp ứng. Yêu thích công việc bao giờ cũng là một tiền đề dẫn đến niềm mê say. Và một khi đã mê say công việc thì chắc chắn hiệu quả công việc sẽ cao hơn, thu nhập từng bước sẽ được nâng cao… Nhưng vẫn có mặt hạn chế: cuộc sống được tạo ra bởi muôn vàn mối quan hệ, không bao giờ cái “ta” sở thích của mình cũng đáp ứng, hài hoà được với cái “chúng ta” chung của gia đình, cộng đồng, xã hội. (Hạnh phúc không thể trọn vẹn nếu như mình không mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người). Ngoài ra, cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu của xã hội và cá nhân ngày càng cao. Vì vậy nếu chọn nghề theo tiêu chí sở thích của bản thân mà không chú ý đến những mặt khác sẽ khó đáp ứng được những nhu cầu chính đáng do cuộc sống đặt ra.
“Hãy chọn công việc bạn yêu thích và như vậy bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời mình”. (Khổng Tử)
Tấm gương tiêu biểu nhất cho việc chọn nghề, đó là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Bác đã từng làm nghề dạy học tại trường Dục Thanh ở Phan Thiết: dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp ba và tư. Trong thời gian ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã làm nhiều nghề: nghề phụ bếp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville; làm nhà văn, nhà thơ và nhà báo (chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Le Paria (Người cùng khổ), nghề cào tuyết, đốt lò rồi phụ bếp cho khách sạn… nhưng tất cả đều phục vụ cho một mục đích chính: làm cách mạng. Chính vì nhu cầu cấp thiết: độc lập, tự do của đất nước; ấm no hạnh phúc của nhân dân mà Bác đã chọn con đường này. Nhờ chọn đúng mà Bác đã trở thành lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới
Một tấm gương khác về chọn nghề là Lỗ Tấn, nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Năm 1899, ông đến Nam Kinh theo học ở Thuỷ sư học đường (trường đào tạo nhân viên hàng hải). Hai năm sau, ông thi vào trường Khoáng lộ học đường (đào tạo kĩ sư mỏ địa chất). Sau hai năm học tiếng Nhật, năm 1904, ông chính thức vào học ngành y ở Trường Đại học Tiên Đài. Nhưng trước nhu cầu thức tỉnh nhân dân Trung Quốc thoát khỏi u mê, lạc hậu, Lỗ Tấn đã bỏ tất cả để đi theo nghề viết văn. Chính việc chọn nghề này mà Lỗ Tấn đã để lại tên tuổi mãi mãi sau này.
Vậy làm sao để chọn nghề nghiệp đúng cho bản thân mình trong tương lai? Để lựa chọn cho bản thân một ngành nghề nào đó, chúng ta phải tự trả lời được một số câu hỏi như: Lực học thực sự của mình đến đâu? Mong muốn, nguyện vọng cho tương lai của mình là gì? Mình thực sự yêu thích ngành nghề nào? Ngành đó có đảm bảo khả năng tài chính cho tương lai của mình không? Những người thân của mình có ý kiến gì?…
Trong các suy nghĩ trên thì việc xác định thực lực của chính mình là điều quan trọng nhất. Có thể ước mơ rất cao, có thể cha mẹ mong muốn cho chúng ta được học những ngành nghề sau này dễ xin việc làm, dễ kiếm sống… nhưng liệu rằng năng lực bản thân có cho phép ta thi đỗ được những trường, ngành như thế không? Rất nhiều bạn không xác định được lực học của mình, lại mơ hồ, viển vông, không tưởng nên đã bị trượt. Như vậy, chúng ta lại phải mất công sức, thời gian, tiền bạc để ôn luyện lại kiến thức. Đấy là chưa kể đến những sức ép tinh thần từ phía gia đình và chính bản thân.
Khi xác định được năng lực của mình rồi, lúc đó chúng ta mới quan tâm đến điều mà bản thân mình mong muốn. Nhiều bạn không biết rõ mong muốn của mình là gì. Không ít người chọn ngành học không phải vì niềm đam mê cá nhân mà do tác động của người thân hoặc vì trào lưu chung… nên đến khi gặp khó khăn trong học tập, tìm việc làm, họ trở nên hoang mang. Niềm đam mê, lòng yêu nghề sẽ cho chúng ta sự tự tin, nghị lực để vượt qua mọi trở ngại. Yếu tố tinh thần này là một trong những điều rất quan trọng giúp chúng ta định hướng tương lai.
Điều thứ ba chúng ta phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp cho mình là yếu tố tài chính. Chúng ta đừng lo đến những khó khăn về kinh tế trong quá trình học tập. Bởi lẽ cha mẹ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng ta. Hơn nữa, nếu phấn đấu học tốt, chúng ta sẽ có cơ hội nhận được học bổng. Hoặc nếu thu xếp được thời gian, chúng ta có thể thêm những việc làm phù hợp. Hiện nay, Nhà nước ta cũng có những chính sách hỗ trợ cho sinh viên các gia đình khó khăn dược vay vốn để học tập… Chúng ta cũng cần chú ý đến khả năng tài chính mà ngành nghề tương lai sẽ mang đến. Cần phải xác định xem việc làm đó có mang lại nguồn tài chính đáng kể hay không. Bởi lẽ, suy cho cùng, tiền bạc không chỉ giải quyết những nhu cầu cơ bản nhất của đời sống mà còn kích thích khả năng làm việc của con người.
Trả lời được những câu hỏi cho riêng mình rồi, chúng ta cũng nên tham khảo ý kiến người thân trong gia đình, các thầy cô và cả bạn bè nữa. Ít nhất, những người thân vốn hiểu mình sẽ cho mình lời khuyên về ngành nghề hợp với tính cách của mình. Thầy cô sẽ giúp mình định hướng ngành nghề phù hợp với lực học. Còn bạn bè sẽ cho mình nhiều tham khảo bổ ích. Đừng ngại ngần khi lựa chọn của chúng ta không trùng khít với định hướng của cha mẹ. Khi chứng kiến chúng ta trưởng thành trong tương lai, cha mẹ sẽ hiểu tất cả.
Biết kết hợp trả lời những câu hỏi trên, biết tự giải quyết hợp lí những mâu thuẫn của bản thân như: mâu thuẫn giữa năng lực và ước mơ, mâu thuẫn giữa nguyện vọng cá nhân và ý muốn của cha mẹ… chúng ta sẽ chọn được cho mình ngành nghề phù hợp.
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”
Bất cứ nghề nào cũng có cái hay, cái đẹp, cái cao quý riêng của mình. Chẳng có nghề nghiệp chân chính nào hèn kém cả. Nghề nào ta bỏ ra mồ hôi, công sức đều đáng trân trọng. Bỏ ra một chút thời gian để tìm hiểu về nghề, ta sẽ thấy được vẻ đẹp và tầm quan trọng của nó. Từ đó sẽ nảy sinh tình cảm mến yêu, quý trọng và tự hào khi mình lao động, kiếm sống bằng đôi bàn tay chân chính, bằng khối óc trong sạch của bản thân mình, như lời phát biểu của Bác Hồ trong buổi nói chuyện với nhân dân Hải Phòng tháng 5/1957:
“Nói lao động là vẻ vang thì nhiều người nói: một thầy thuốc hay một người khoa học, một thầy giáo mới là lao động vẻ vang. Thế còn những người khác, lao động có vẻ vang không? Cũng là vẻ vang. Lúc nãy tôi nhắc đến chuyện lao động của hai người lao động – của hai phụ nữ: một là cô Bin làm việc vệ sinh, hai là cô Thơm làm việc moi cống. Chắc bà con nhiều người biết. Những công việc đó có vẻ vang không? Rất vẻ vang”.
Bài làm tham khảo trình bày ý kiến của anh chị về quan niệm chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Khoảng thời gian cuối cấp ba cũng là lúc rất nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn về việc chọn nghề nghiệp trong tương lai. Có rất nhiều người cho rằng nên nghe theo lời bố mẹ và những người đi trước. Cũng có người cho rằng nên chọn theo ý thích của bản thân. Vậy, ý kiến nào là đúng?
Việc chọn nghề nghiệp trong tương lai là một việc rất quan trọng. Nó quyết định rất nhiều trong cuộc sống của bạn sau này. Vì thế, rất nhiều người cho rằng cần phải nghe theo bố mẹ và những người đi trước. Quan niệm này cũng có ưu điểm. Đó là, bố mẹ và những người đi trước là những người từng trải, có kinh nghiệm, họ sẽ có những định hướng tốt cho con em mình. Tuy nhiên, nếu như định hướng của gia đình phù hợp với nguyện vọng và khả năng của các bạn thì việc định hướng mới có tác dụng tốt nhất.
Hiện nay, bố mẹ và gia đình nhiều người luôn cho rằng, học đại học mới có thể thành công. Và vào đại học, thì việc lựa chọn các ngành đều phải là ngành “hot”, điểm cao chứ không dựa vào ý thích, khả năng của các con em mình. Rất nhiều bạn phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến của mọi người, mà không chọn theo ý thích của mình. Hay có những gia đình cố gắng tìm đủ mọi cách cho con đi học đại học, dù các bạn ấy không hề thích hoặc không có khả năng. Có lẽ đa số các gia đình và thậm chí là các bạn học sinh cũng có một suy nghĩ rằng “Phải đi học đại học”. Có lẽ chính điều này đã dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ở Việt Nam hiện nay. Quá nhiều trường đại học được mở ra tràn lan, và người đi học cũng tràn lan. Kết quả là tình trạng thất nghiệp của sinh viên mới ra trường ngày càng đáng báo động.
Một số người thì cho rằng, nên chọn nghề nghiệp tương lai dựa vào ý thích của mình. Quan niệm này cũng có ý đúng, vì nếu dựa vào ý thích, các bạn sẽ có động lực học, có động lực cố gắng, có động lực tìm tòi và sáng tạo. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải biết dựa vào khả năng của mình để chọn, chứ không chỉ dựa vào ý thích. Có thể bạn rất thích ca hát, nhưng bạn thi vào các trường năng khiếu không đỗ, hay thi qua các cuộc thi không bao giờ được giải, thì bạn chỉ nên coi ca hát là niềm đam mê bên cạnh công việc chính, chứ đừng nên cố chấp theo đuổi, chọn ca hát là nghề nghiệp trong tương lai.
Nhiều tấm gương bỏ học đại học mà vẫn thành công như Bill Gates,…, nhưng bạn nên nhớ, họ phải trả giá nhiều hơn ở “trường đời”, họ học thông qua trải nghiệm, qua cố gắng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải biết cố gắng, phải biết phấn đấu, phải biết mình muốn gì, biết con đường đi của mình trong tương lai. Đừng để tương lai của mình bị quyết định bởi người khác, cũng đừng quá mù quáng mà lao theo những thứ viển vông. Hãy sáng suốt để chọn một tương lai tốt nhất cho mình.
Bài làm tham khảo 3 trình bày ý kiến của anh chị về quan niệm chọn nghề nghiệp trong tương lai: chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình; chọn nghề đang được ưa chuộng trong đời sống hay nhất quyết đeo đuổi nghề mà mình vẫn thiết tha yêu thích.
Trong bất cứ xã hội nào, quốc gia nào thì việc chọn nghề luôn là vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng đối với thanh niên, học sinh. Bàn về vấn đề này, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, có ba xu hướng chính là: chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình; chọn nghề đang được ưa chuộng và nhất quyết đeo đuổi nghề mà mình vẫn thiết tha yêu thích.
Tâm trạng chung của phần lớn thanh niên học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời là thường phân vân, băn khoăn khi chọn cho mình một hướng đi. Ai cũng có mơ ước, khát vọng và những mơ ước, khát vọng ấy bắt nguồn từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người lại có những sở trường, sở đoản, mặt mạnh, mặt yếu riêng. Điều đó tác động không nhỏ tới việc chọn ngành nghề của từng cá nhân.
Theo tôi, cách chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình là có tính khả thi cao nhất trong việc biến ước mơ thành hiện thực. Ví dụ: Bạn A thông minh, học giỏi và ước mơ thi đậu vào Đại học Y để sau này trở thành bác sĩ. Thế nhưng hoàn cảnh gia đình lại rất nghèo, không có điều kiện để nuôi bạn ấy ăn học suốt sáu năm. A chọn giải pháp thi vào Trường trung cấp Y tế của tỉnh nhà, vừa bước đầu đáp ứng được nhu cầu học tập, vừa đỡ tốn kém cho gia đình và sau vài năm làm việc vẫn có thể học tiếp lên Đại học. Bạn B muốn trở thành một nhà quản trị doanh nghiệp trong tương lai nhưng không đủ tiền để theo học Đại học chính quy như những bạn khác nên B đã chọn con đường vừa làm vừa học (Đại học tại chức). Tuy vất vả, cực nhọc nhưng B rất vui vì đã đi đúng con đường mình đã chọn.
Hiện nay, xu hướng chọn nghề đang được ưa chuộng trong đời sống cũng ảnh hưởng không ít tới suy nghĩ của học sinh. Cách đây mấy chục năm, nhiều người biết đến câu: Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua, Nông lâm đút xó. Còn bây giờ, các bạn trẻ truyền nhau câu: Nhất Kinh, nhì Tin, tam Y, tứ Luật (Nhất Kinh tế, nhì Tin học, ba Y, bốn Luật). Bởi trình độ nhận thức và phân tích hạn chế nên nhiều người cố thi và tìm mọi cách, kể cả tiêu cực để vào bằng được vào các trường trên. Nhưng do khả năng học tập không thực sự khá giỏi nên càng học càng đuối, sinh ra chán nản. Sau khi ra trường, số người tìm được công việc đúng nghề nghiệp rất ít, phần lớn phải chấp nhận gặp gì làm nấy. Mà phải làm những công việc không đúng ngành nghề mình đã được đào tạo là điều bất đắc dĩ, cho nên chất lượng công việc không thể như ý muốn và bản thân cũng không thể phát huy khả năng sẵn có.
Điều đó dẫn tới hiện tượng mất cân bằng trong xã hội. Có những ngành nghề cung không đủ cầu và ngược lại. Nếu theo dõi báo chí và các phương tiện truyền thông khác, chúng ta sẽ thấy số lượng sinh viên đã tốt nghiệp Đại học mà không xin được việc làm là nhiều vô kể và số lượng ấy cứ tăng thêm năm này qua năm khác, gây lãng phí tiền bạc của từng gia đình nói riêng và của cả nước nói chung. Đối với mỗi người thì đó là sự thiệt thòi về nhiều mặt.
Cách chọn nghề thứ ba là nhất quyết đeo đuổi nghề mà mình vẫn thiết tha yêu thích. Cách này có cái hay là thỏa mãn được ước mơ nhưng đi kèm theo nó lại là những điều kiện bắt buộc phải đáp ứng. Trước hết là bản thân phải có lập trường kiên định, ý chí và nghị lực phấn đấu, bền bỉ, sẵn sàng chấp nhận thử thách và cả thất bại. Sau đó là điều kiện vật chất cho phép kéo dài thời gian thực hiện ước mơ. Đối với những học sinh nghèo thì thì cách chọn nghề này quả là một thử thách gay go. Nếu vượt qua được “vũ môn” thì “cá chép sẽ hóa rồng”. Những người chọn cách thứ ba này đều có bản lĩnh vững vàng và một niềm tin chắc chắn vào năng lực của mình, tin rằng mình sẽ thành công trên con đường đã chọn.
Không gì sung sướng, hạnh phúc bằng thực hiện được ước mơ và suốt đời gắn bó với công việc mà mình yêu thích. Lòng say mê, khát vọng, kết hợp với tài năng là những yếu tố cơ bản dẫn tới thành công, vinh quang trong sự nghiệp của mỗi con người. Nhưng trên hết vẫn là tính mục đích. Chúng ta hãy luôn nhớ tới câu nói nổi tiếng của nhà văn Pháp Đi-đơ-rô: Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường. Trong tình hình đất nước hiện nay, việc chọn nghề để làm việc và kiếm sống phải dựa trên năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu của xã hội.
Bài làm tham khảo 4 Trình bày ý kiến của anh chị về quan niệm chọn nghề nghiệp trong tương lai
Vấn đề này thật khó khăn đối với thế hộ chúng ta bởi tuổi trẻ còn thiếu kinh nghiệm, bồng bột, nông nổi để đưa ra quyết định thiếu chín chắn, làm phí đi nhiều thời gian, sức lực. Nghề nghiệp là vấn đề gắn bó lâu dài với đời sống mỗi cá nhân, chi cần chọn sai nghề ta sẽ phải trả giá.
Vậy phải lựa chọn nghề nghiệp như thế nào?
Nghề nghiệp trước hết đòi hỏi con người phải có khả năng làm công việc đó. Tức là phải có hệ thống tri thức, kỹ năng kĩ xảo về công việc bạn lựa chọn. Có như vậy bạn mới làm việc có sản phẩm (vật chất hay phi vật chất). Hơn nữa, nghề nghiệp đòi hỏi sự ổn định. Bạn khó có thể nay làm nghề này mai làm nghề khác. Đặc biệt ngày nay, khi vấn đề chuyên môn hóa đang được chú trọng thì việc ổn định việc làm đi sâu tìm tòi, sáng tạo trong lao động càng được khuyến khích. Thay đổi việc làm, bạn sẽ bắt đầu lại những kiến thức mới, kĩ năng kĩ xảo mới, những quan hệ mới… Chừng ấy việc tiêu hao quá nhiều thời gian sức lực của bạn. Chưa kể những khả năng ấy sẽ giảm dần theo tuổi tác, bạn cũng sẽ lo có nhiều thời gian để lao động, hoặc lao động không có hiệu quả. Bên cạnh đó, tình cảm nghề nghiệp cũng là yếu tố quan trọng. Nó trở thành động lực để bạn say mê với việc làm của mình.
Như vậy, nếu chọn nghề dựa vào tiêu chí nghề nghiệp đang được ưa chuộng trong đời sống thì ta tưởng tượng xem? Ta biết rằng xã hội ngày nay đang vận động biến đổi không ngừng. Yêu cầu xã hội mỗi ngày mỗi khác. Mới cách dây khoảng hai chục năm, công nghiệp nặng còn thu hút sự tập trung khai thác của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thì ngày nay xã hội đem thành quả và tiềm năng công nghệ thông tin, dịch vụ xã hội, khoa học công nghệ… làm tiêu chí đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia, khu vực. Nói như vậy để thấy được sự lựa chọn này quá mạo hiềm! Bạn có chắc rằng minh sẵn sàng thay đổi nghề nghiệp theo chu kì 20 năm, 15 năm, 10 năm,… hay thậm chí là 5 năm, 4 năm… không? Đó là chưa kể đến việc liệu bạn có khả năng hoàn thành tốt công việc đó? Bạn có thực sự say mê với lựa chọn của mình? Thực tế, không ít người chạy theo nhu cầu của xã hội, thay đổi công việc cho họp với thời thế. Hậu quả là việc cũ chưa đem về lãi đã mất rất nhiều thời gian, sức lực, tiền bạc cho công việc mới. Mong bạn nhớ rằng: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh!
Còn nếu bạn nhất quyết theo đuổi nghề mà mình thiết tha yêu thích thì phải tính đến năng lực của bản thân mình. Tình cảm nghề nghiệp là yếu tô không thể thiếu song năng lực lại là yếu tố cần cho mọi công việc. Bạn yêu thích thơ văn, bạn mong muốn trờ thành nhà văn nhưng những gì bạn viết ra người đọc không thể hiểu; hay nó nhạt nheo vô vị. Khi ấy, bạn bị lạc lõng, bất lực bên bờ cát dài của con chữ. Bạn bế tắc hoàn toàn. Lựa chọn con đường này, bạn sa vào tình cảm “Lực bất tòng tâm” đau khổ vô cùng. Chẳng những đời sống kinh tế bị khốn cùng, mà tâm hồn bạn cùng bị chất vấn day dứt không yên. Lúc đó, tình yêu nghề nghiệp trở thành gánh nặng ghìm bước chân bạn trên đường đời.
Chốt lại mọi con đường, hướng lựa chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế, hợp lí và khả thi hơn cả.
Có năng lực, điều đó hứa hẹn thành công trong công việc của bạn. Cũng có nghĩa nó mở ra khả năng đạt mức cao trong đời sống vật chất. Hội tụ lại mọi điều, bạn được xã hội tôn vinh và trở thành người thành dạt. Một chút nhạy bén với thị trường, một chút khả năng tính toán, ngoại giao, quan hệ,… bấy nhiêu điều đủ tạo nên năng lực một nhà kinh doanh có tài. Năng động, sắc sảo, tinh tế, thẳng thắn cộng với khả năng “viết lách” và vốn sống phong phú – đó là những gì cần có ở một nhà báo tài ba,… Nhắc đến nghề nghiệp là nhắc đến công việc; nhắc đến công việc là nhắc đến khả năng làm việc. Vậy là gì nếu không phải là yếu tố năng lực khi lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Cũng có thể nghề nghiệp bạn có khả nâng không “thịnh hành” lắm trong xã hội. Giới sinh viên từng “lưu truyền” câu nói: Nhất Y, nhì Dược, tạm dược Bách khoa, bỏ qua Sư phạm. Như vậy không có nghĩa xã hội không cần đến nghề của bạn cũng như cuộc sống không thế thiếu những người thầy. Quan trọng là bạn biết nổ lực giành lấy những thành công trong lĩnh vực của mình. Xã hội có thể “bỏ qua” nhưng là bỏ những kẻ bất tài, kém chí. Thực tế, mỗi ngành nghề đóng một vai trò khác nhau trong đời sống, thiếu đi một trong số đó xã hội sẽ khủng hoảng rối loạn. Vậy bạn cần khẳng định mình là ai trong giới của mình.
Tình cảm là thứ không thể gò ép, bắt buộc. Song cũng cần nhìn nhận rằng bất cứ nghề nào cũng có cái hay, cái đẹp, cái cao quý riêng của mình. Chẳng có nghề nghiệp chân chính nào hèn kém cả. Bất cứ nghề nào ta bỏ ra mồ hôi, công sức, thì đều đáng trân trọng. Bỏ ra một chút thời gian để tìm hiểu về nghề ta sẽ thấy được vẻ đẹp và tầm quan trọng của nó. Từ đó sẽ nảy sinh tình cảm mến yêu quý trọng. Có ai không tự hào khi mình là giáo viên – là những kĩ sư tâm hồn đi gieo những mầm sống cho đời? Có ai không tự hào khi mình là người công nhân xây cầu, bắc những nhịp yêu thương, đi nối những bờ ánh sáng?… Và ai ai cũng tự hào khi mình lao động, kiếm sống bằng đôi bàn tay chân chính, bằng khối óc trong sạch của bản thân mình.
Cũng cần nói rằng, trong thực tế có rất nhiều bạn khi lựa chọn nghề nghiệp phải chịu nhưng sức ép từ phía gia đình. Lại có bạn lựa chọn mà không hề suy nghĩ hay suy nghĩ viễn vông, vượt quá tầm khả năng… Những điều ấy cũng chẳng khác gì lựa chọn theo yêu cầu của xã hội hay chạy theo ham muốn cá nhân. Chúng chỉ khiến ta thỏa mãn tâm lí trong một thời gian ngắn để rồi phải trả giá cả cuộc đời lao động của mình.
Công việc, nghề nghiệp cần dược định hướng sớm để mỗi cá nhân có hướng chuẩn bị hành trang về tri thức, kỹ năng kĩ xảo. Đó là những yếu tố sẽ tạo nên những thành công bứt phá trong sự nghiệp mỗi con người. Lựa chọn nghề nghiệp cần dựa trên sự két hợp hài hòa giữa năng lực và sở thích trong đó năng lực đóng vai trò quyết định.
Nguồn: choiphongthuy.com
Leave a Reply