Phân tích nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn kịch “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” trích vở kịch “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng.
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Từ một sự kiện lịch sử có thật ở thế kỉ XVI, Nguyễn Huy Tưởng đã hư cấu, sáng tác vở kịch Vũ Như Tô, một vở kịch hiện đại có yếu tố bi kịch, đặt ra vấn đề có tầmquan trọng: số phận của nghệ thuật và của người nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước bị chìm đắm trong chế độ phong kiến thối nát.
– Nhân vật trung tâm của vở kịch là người nghệ sĩ tài ba ngàn năm chưa dễ có một Vũ Như Tô. Người kiến trúc sư thiên tài này có lí tưởng nghệ thuật, ham mê Cái Đẹp và khao khát sáng tạo Cái Đẹp nhưng không nhận thức được mâu thuẫn giữa lí tưởng nghệ thuật và hoàn cảnh thực tế của nhân dân đang bị đày đọa, giết hại trong việc xây Cửu Trùng Đài nên cuối cùng phải trả giá bằng sinh mệnh bản thân thật bi thảm.
II. THÂN BÀI
A. VỞ KỊCH “VŨ NHƯ TÔ” VÀ CAO TRÀO KẾT THÚC KỊCH
– Vở kịch gồm năm hồi. Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài. Vũ Như Tô là một nghệ sĩ có nhân cách, có lí tưởng nghệ thuật, không phải là người ham sống sợ chết hoặc hám lợi. Lúc đầu thà chết không xây Cửu Trùng Đài cho hôn quân; sau đó, khi xây đài, được nhà vua thưởng vàng bạc, lụa là, ông đem chia hết cho thợ. Nhưng Vũ Như Tô quá say sưa với ước mơ xây dựng cho đất nước một công trình nghệ thuật tuyệt mĩ, vĩnh cửu đến quên cả thực tế: dân chúng đang đói khổ, đang bị giai cấp thống trị bòn rút mồ hôi, nước mắt và xương máu để xây Cửu Trùng Đài. Trong khi đó, bọn thống trị mục nát mâu thuẫn nhau, xâu xé nhau kịch liệt. Mâu thuẫn này đến hồi cuối đã lên tới đỉnh điểm và giải quyết dứt điểm. Hôn quân Lê Tương Dực bị giết. Cùng lúc, Cửu Trùng Đài bị chính bọn thợ xây dựng nổi loạn đập phá và Vũ Như Tô bị giết chết. Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài là hồi cuối cùng, cũng là cao trào kết thúc vở kịch.
B. NHÂN VẬT VŨ NHƯ TÔ
1. Tính cách nhân vật
– Tính cách nổi bật nhất của Vũ Như Tô là tính cách của người nghệ sĩ tài ba, hiện thân cho niềm khát khao và đam mê sáng tạo Cái Đẹp. Nhưng trong một hoàn cảnh cụ thể, Cái Đẹp ấy thành ra phù phiếm, nó sang trọng, siêu đẳng, thậm chí “cao cả và đẫm máu” như một “bông hoa ác”. Vì thế, đến tận cùng niềm đam mê, khao khát ấy, Vũ Như Tô tất phải đối mặt với bi kịch đau đớn của đời mình. Ông trở thành kẻ thù của dân chúng, thợ thuyền mà không hay biết.
– Xây đài Cửu Trùng là đúng hay sai? Vũ Như Tô không trả lời được thỏa đáng câu hỏi đó, bởi ông chỉ đứng trên lập trường của người nghệ sĩ mà không đứng trên lập trường của nhân dân, đứng trên lập trường Cái Đẹp mà không đứng trên lập trường Cái Thiện. Hành động của ông không hướng đến sự hòa giải mà thách thức và chấp nhận sự hủy diệt. Vũ Như Tô đã từng tranh tinh xảo với hoá công, giờ lại bướng bỉnh tranh phải- trái với số phận và với cuộc đời. Hành động kịch hướng vào cuộc đấu tranh này thểhiện qua diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô.
2. Diễn biến tâm trạng nhân vật
– Trong hồi cuối của vở kịch, Vũ Như Tô lâm vào trạng thái khủng hoảng – chỉ một người duy nhất hiểu được Cái Tài siêu việt của Vũ, là Đan Thiềm. Đây là sự vỡ mộng thê thảm.
Vũ Như Tô vẫn không thể thoát ra khỏi trạng thái mơ màng, ảo vọng của chính mình. Ông không tin rằng, công trình cao cả mình làm lại có thể xem là tội ác, cũng như không thể tin sự quang minh chính đại của mình lại bị rè rúng, nghi ngờ. Sự vỡ mộng của Vũ Như Tô vì thế đau đớn, kinh hoàng gấp bội so với Đan Thiềm. Nỗi đau ấy bộc lộ thànhtiếng kêu bi thiết và âm điệu não nùng, khắc khoải chẳng những trở thành âm hưởng chủ đạo bao trùm đoạn kết đã đành, mà còn là một thứ chủ âm dội ngược lên toàn bộ những phần trước của vở kịch. “Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Đó cũng là những tiếng kêu cuối cùng của Vũ Như Tô khi ngọn lửa oan nghiệt đang bùng bùng thiêu rụi Cửu Trùng Đài, ngay sau đó tác giả của nó bị dẫn ra pháp trường. Trong tiếng kêu ấy, mộng lớn, Đan Thiềm, Cửu Trùng Đài đã được Vũ Như Tô đặt kế tiếp nhau, nỗi đau mất mát như nhập hòa làm một, một nỗi đau bi tráng tột cùng.
C. ĐÁNH GIÁ NHÂN VẬT VŨ NHƯ TÔ
– Khát vọng nghệ thuật của Vũ Như Tô có phần chính đáng, cao đẹp, xuất phát từ thiên chức của người nghệ sĩ, từ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc nhưng đã đặt lầm chỗ, lầm thời (giai cấp thống trị lúc đó quá xa hoa thối nát, nhân dân đang đói khổ vì sưu thuế, tạp dịch, tham nhũng) và xa thực tế, dẫn đến phải trả giá bằng sinh mệnh của bản thân và cả công trình nghệ thuật.
– Trong việc xây Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân. Tội nhân vì thực thi chủ trương của hôn quân, làm cho nhân dân thêm khổ cực, là nạn nhân vì ảo tưởng của chính mình, nạn nhân của mối mâu thuẫn chưa giải quyết được: mâu thuẫn giữa lí tưởng nghệ thuật và hoàn cảnh thực tế.
III. KẾT BÀI
Bằng một ngôn ngữ kịch có tính tổng hợp rất cao, nhất là trong hồi cuối của vở kịch Vũ Như Tô, tác giả đã dẫn dắt hành động xung đột kịch rất thành công, tạo nên một bức tranh đời sống bi kịch hoành tráng trong nhịp điệu bão tố của nó. Đặc biệt là việc khắc họa tính cách, miêu tả tâm trạng qua nhịp điệu lời nói – hành động bằng ngôn ngữ tổng hợp (miêu tả, kể, bộc lộ…) mang tính hành động cao, đã thể hiện thành công nhân vật trung tâm Vũ Như Tô của vở kịch lịch sử cùng tên.
Leave a Reply