A – MỞ BÀI
Trong dòng văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945, nếu các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao đã miêu tả sinh động xã hội phong kiến nông thôn đầy đen tối đau thương, thì Vũ Trọng Phụng đã thành công khi miêu tả xã hội tư sản, quý tộc thành thị đồi bại, nhố nhăng, vô đạo đức. “Số đỏ” là bức hí họa đặc sắc bóc trần bộ mặt thật của xã hội bỉ ổi ấy. Nhân vật điển hình Xuân Tóc Đỏ có ý nghĩa điển hình bởi mang tính thời sự, tính chiến đấu mạnh mẽ, bởi nghệ thuật trào phúng sắc sảo, sâu cay.
– Nghệ thuật trào phúng trong văn chương yêu cầu người viết lựa chọn trong đời sống hiện thực một mâu thuẫn, một tình huống, một sự kiện, một hiện tượng khôi hài kì dị khác thường rồi phóng đại tô đậm nó trước mắt người đọc để gây ra tiếng cười. Với cách hiểu như vậy ta có thể thấy chương XV. Hạnh phúc của một tang gia là tiêu biểu nhất của nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong tiểu thuyết Số đỏ.
B – THÂN BÀI
1) Hoàn cảnh, tình huống trào phúng
Vũ Trọng Phụng rất có ý thức khi đặt cái tên cho tác phẩm và cho từng chương. Chỉ cần đọc cái tên của thiên truyện ta đã thấy có tính hài hước. Bởi vì “Hạnh phúc của một tang gia” nghĩa là có một cái chết không đem lại đau đớn buồn thảm mà đem lại biết bao nhiêu niềm vui sướng hân hoan cho mọi người, nhất là cho cái đại gia đình bất hiếu có người chết. .
Cái tên của chương truyện đã gợi ra từ một tình huống đặc biệt, đó là cái chết bất bình thường của cụ tổ chỉ vì câu nói của thằng Xuân Tóc Đỏ. Từ đó mới có niềm vui của cái gia đình nhiều tiền bạc gia tài nhưng rất ít nước mắt và tình thương. Cụ tổ chết, gia sản được chia cho mọi con cháu trong nhà “chúng chờ đợi mãi cái giây phút tắt thở củacụ tổ là vì thế”. Dựa vào tình huống truyện như vậy, Vũ Trọng Phụng đã khai thác sâu sắc một mâu thuẫn trào phúng. Đó là mâu thuẫn giữa quy luật tang gia chung với thực tế tang gia xảy ra ở nhà cụ cố Hồng.
Người ta thường nói: “Tang gia bối rối” – ở đây đúng là gia đình cụ cố Hồng đã tổ chức một đám ma rất to, rất đông “một đám ma gương mẫu” và đúng là cả nhà cụ cố Hồng rất bối rối bận rộn. Sự bối rối bận rộn này có cái lo bởi chuyện của cô Tuyết hư hỏng nhưng cơ bản nó là sự bận rộn tíu tít, sự nhộn nhịp vui sướng của việc tổ chức một cuộc lễ hội, một đám rước chứ không phải là đám ma.
Chượng truyện đã hé mở một cảnh tượng ngược đời, một xã hội ngược đời chính nó tạo ra sự ngược đời, nghịch cảnh nghịch lí để bóc trần sự rởm đời quái gở. Đó là cách thức trào phúng. “Hạnh phúc một tang gia” có nghĩa là đám tang của người chết trở thành ngày hội của người sống, cái chết của cụ tổ đã thổi cái sinh khí mới cho tất cả mọi người được hạnh phúc, nó làm cho niềm phấn khởi, phấn chấn được khơi bùng lên “Ai cũng sung sướng thỏa thích”.
2) Dựng các hình tượng nhân vật trào phúng
Cái chết của cụ tổ đã đem lại biết bao nhiêu niềm vui sướng cho con cháu của cụ, có điều niềm vui sướng hạnh phúc ấy được biểu hiện ở mỗi người khác nhau. Con trai người quá cố là cụ cố Hồng được biểu hiện như một kẻ ngu ngốc nhưng luôn tỏ ra thông thái với câu nói cửa miệng “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” đã được lặp lại đến lần thứ 1872, với những lời nói giả tiếng Tây “toa, moa” với thằng con của mình là Văn Minh. Là một kẻ tuy mới 50 tuổi nhưng con trai cụ cố tổ cứ luôn luôn bắt người ta gọi mình là “cụ cố Hồng”. Cái chết của cụ già ở trong nhà đã thực sự làm cho niềm ao ước bấy lâu của cụ cố Hồng trở thành hiện thực. Bâygiờ đích thực phải gọi là “cụ cố Hồng” chứ không còn phải bắt mọi người phải gọi mình như thế. Niềm vui sướng khi bỗng nhiên nhờ bố chết mà “cụ cố Hồng nhắm nghiền mắt lại, mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho vừa khạc, vừa khóc mếu máo, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ – úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”.
Giấc mơ của cụ cố Hồng có cái gì đó thật là quái gở, kì quặc: muốn được làm người già, muốn được con cháu và hàng phố kính nể mình… Tuy nhiên, cái lõi thực chất bên trong là biểu hiện của sự ích kỉ, tính toán. Cụ cố Hồng rất ham mê và muốn chiếm đoạt quyền lực tuyệt đối ở trong nhà, để điều khiển gia đình, để làm cho cái câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” không chỉ là câu nói cửa miệng mà là câu nói có trọng lượng hơn đối với gia đình, với mọi người.
Người cháu nội của cụ tổ là Văn Minh quả thực đang bối rối đang đăm chiêu nghĩ ngợi, nét mặt buồn của anh làm người ta nghĩ là anh buồn bởi tang gia, nhưng thực ra điều mà Văn Minh nghĩ không có một chút dây mơ lễ má nào tới ông nội đang nằm chết. Văn Minh đang lo tính toán đám cưới chạy tang để cho cô em gái là nàng Tuyết hư hỏngđược tống khứ ra khỏi nhà, để quả bom nổ chậm ở trong nhà được tháo ngòi… Việc suy nghĩ đến hôn nhân của cô em gái với thằng Xuân Tóc Đỏ khiến cho cái mặt của Văn Minh “lại thành ra hợp thời trang, rất đúng với cái mặt của một người lúc gia đình đương tang gia bối rối”. Dù sao cái vui vẫn lớn hơn rất nhiều bởi vợ chồng Văn Minh bỗng nhiên có dịp “lăng xê mốt thời trang táo bạo” có thể ban cho những ai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút hạnh phúc ở đời. Hạnh phúc lớn nhất là y sắp nhìn thấy chúc thư của ông nội sắp đi vào thời kì thực hành.
Cô Tuyết sung sướng vì được trình diễn “bộ y phục Ngây thơ viền đen và đội loại mũ mấn xinh xinh”. Cô vô cùng đau khổ “trên mặt lại hơi có vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám”. Cô Tuyết buồn không phải vì thương ông nội chết mà vì “tìm kiếm mãi vẫn không thấy bạn giai đâu cả” – bạn giai ở đây chính là thằng ma-cà-bông Xuân Tóc Đỏ.
Cậu Tú Tân- cậu út được cưng chiều nhất nhà, học hành thì lêu têu chưa lần nào thi đậu nhưng bắt mọi người phải gọi mình là cậu Tú (cũng giống ông già của cậu, bắt mọi người gọi là cụ cố Hồng). Nhân đám ma, Tú Tân giải tỏa được niềm ấm ức bấy lâu vì mãi mà chưa được trổ tài chụp ảnh. Ông nội chết đột ngột là một dịp may, cậu “sướng điên người” và hăng hái chuẩn bị “mấy cái máy ảnh mãi chưa được dùng tới”. Niềm hạnh phúc của một kẻ được cưng chiều trong gia đình giàu có, vô giáo dục, nó hơi khó hiểu đối với chúng ta nhưng hạnh phúc kiểu bốc đồng, vui sướng theo một dạng đam mê bệnh hoạn vốn là điều rất có thực của những người như Tú Tân.
Ông cháu rể Phánmọc sừng thì có niềm hạnh phúc là bất ngờ thấy đôi sừng hươu ở trên đầu mình – đôi sừng vô hình mà thiên hạ thường nói về những kẻ bị vợ qua mặt, phụ tình – sao mà nó giá trị đến thế. Nhờ nó mà cụ cố tổ chết ngay tức thì, nhờ nó mà đáp ứng được niềm mơ ước của mọi người. Nhờ nó mà mang lại cho Phán được “vài nghìn đồng”.
Sở dĩ cụ tổ lăn đùng ra chết vì tên cháu rể mọc sừng yêu cầu Xuân Tóc Đỏ bêu rếu sự khốn nạn của vợ chồng y trước mặt người bệnh – rõ ràng cái công lao to lớn ấy là thuộc về ông Phán. Phán mọc sừng là tiêu biểu cho một kiểu người đang kinh tởm trong cái xã hội nhố nhăng, hắn ta đã lấy những cái xấu, những cái khốn nạn mà xã hội rất khinh bỉ trong tính cách của mình để biểu dương nó, để khoe nó và quả thực đã có thành tựu. Nhân vật này gợi nhớ đến Karamadốp của nhà văn Đốt, một con người hết sức hứng thú, hết sức hạnh phúc khi lôi những chuyện trong buồng ngủ của y ra thao thao bất tuyệt trước mọi người.
Nhân vận thứ sáu là Xuân Tóc Đỏ – nó sắp trở thành một thành viên trong gia đình cụ cố Hồng thì danh giá và uy tín bỗng to thêm. Nếu không có nó “làm gì có cái đám ma to tát này”, hơn nữa đây là dịp để chứng tỏ vai vế quan trọng của nó trong xã hội. “Ông Xuân – đốc tờ, và ông Xuân – cố vấn bảo “Gõ Mõ” nền có sự long trọng như
thế thêm cho đám tang”.Ông rể hiện thực Phán mọc sừng là nguyên nhân gián tiếp, ông rể tương lai là nguyên nhân trực tiếp đưa đến cái chết của cụ tổ; hai ông đã đưa đến cái hạnh phúc to lớn cho cả một đại gia đình bất hiếu.
Cũng cần lưu ý chương sách này, nhân vật Xuân Tóc Đỏ không xuất hiện thường xuyên nhưng nó là nhân vật đốn mạt, bóng dáng hậu trường của nó rất lớn. Có điều là ở phía sau ấy, nó được Văn Minh bỏ lên bàn cân giữa công và tội. Và dĩ nhiên theo Văn Minh “Xuân tuy phạm tội, quyến rũ em một em gái ông, tố cáo cái tội trạng hoang dâm của một cô em gái khác nữa của ông, nhưng đã gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết. Hai cái tội nhỏ, một cái ơn to”.
Cụ bà nôn nóng và thấy đám ma chưa được hoàn chỉnh nếu như không có con người đầy uy tín là Xuân Tóc Đỏ, nàng Tuyết cũng bồi hồi nhớ chàng Xuân trong đám ma… mà Xuân đã xuất hiên đột ngột ngoài sự mong đợi của mọi người. Xuân cùng với những chiếc xe tang cồng kềnh chính là nhân vật tiêu biểu nhất của đám tang hạnh phúc này vậy.
Không những cả gia đình đại bất hiếu của người chết hạnh phúc mà cái hạnh phúc quái đản này nó lây nhiễm sang cả cái xã hội của những kẻ quý tộc thượng lưu Hà Thành. Trước hết nó giải quyết tình trạng thất nghiệp cho hai ngài cảnh sát của nhà nước là Mindơ và Mintoa. Cả hai đã đạp xe đến rời cẳng từ sáng đến tối khắp các đường ngang ngõ hẹp, đỏ mắt ra cũng không kiếm lấy một cái vỏ chuối, một con chó phóng uế tầm bậy để được phạt. Thế mà gia đình cụ cố Hồng mời hai vị đến dẹp trật tự cho dám ma. Hai vị “sung sướng đến cực điểm” và phóng xe như bay đến nhà cụ cố Hồng để nhận “nhiệm vụ”.
Sư cụ Tăng Phú“thêm giàu” thì sung sướng và “vênh váo” vì nhân dịp đám tang đã chứng minh cho mọi người thấy “sư cụ đã đánh đổ hội Phật giáo”. Vui sướng nhất là đám bạn bè đông đảo của cụ cố Hồng. Họ đến để khoe cái bộ ngực đầy huân chương và huy chương; khoe những bộ râu “cái dài, cái ngắn, cái đen, cái hung” và sung sướng nhất của các ngài là đã thỏa mãn đôi mắt nhìn xuyên thấu cái áo mỏng dính của nàng Tuyết.
3) Miêu tả cảnh trào phúng.
a) Miêu tả khái quát
Nếu quan sát chúng ta sẽ thấy gia đình cụ cố Hồng và bạn bè thân thích đã cử hành hôn lễ hết sức trọng thể. Đấy là một đám ma rất to “đưa đến đâu làm huyên náo đến đấy”, không phải chỉ vì đông người mà nó có sự phối hợp kì dị các kiểu ta, Tàu, Tây, kiệu Bát Cống lợn quay đi lọng, kèn bú dích, rất nhiều vòng hoa, hàng trăm câu đối, một đám phóng viên choai choai, nhờ thợ chụp ảnh nghiệp dư là bạn của Tú Tân thi nhau chụp ảnh lách tách như ở hội chợ… Cảnh tượng ấy đã khiến cho “cả một thành phố đã nhốn nháo lên”, hơn thế cồn làm cho người chết “nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng… nếukhông gật gù cái đầu”.Người đọc phì cười bởi họ Vũ đã cho người ta thấy cách mở nắp quan tài.
Câu văn biểu diễn đám rước rồng rắn phố phường; “Đám cứ đi, cứ đi”. Để khiến ta nghĩ đến cái quan tài cứ dập dềnh vui vẻ và dĩ nhiên theo nhịp kèn ta, ken Tàu, kèn Tây thì cái đầu ở trong quan tài cũng sẽ lắc theo… Ngẫm cho kĩ và bình tâm lại sau tiếng cười, người đọc muốn khóc, buồn hơn là vui. Đây đích thực mới là bản chất của nghệ thuật trào phúng.
b) Đặc tả những nét cụ thể
Nhưng nếu đặc tả cận cảnh cái đám ma ấy thì là mới thấy những gì mà Vũ Trọng Phụng vừa miêu tả chỉ là cách nói mỉa mai. Bởi vì, nếu người chết sống dậy thì ông ta sẽ thấy vô cùng đau đớn khi hầu hết những người đưa ma kẻ vui người buồn đều có, nhưng buồn – vui ấy đều không liên quan đến người chết. Ngoài những kẻ hả hê, sung sướng ra mặt, đa số có vẻ cảm động, đăm chiêu, buồn rầu nhưng thực ra họ đang chuyện trò “về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may”. Nhất là đám “trai thanh gái tú” Hà Thành. Họ “cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau… bằng vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma”. Do đó cái điệp khúc “đám cứ đi” có một ý nghĩa hài hước đặc biệt. “Đám cứ đi” nghĩa là cái dòng người đông đúc sau quan tài chuyển động không ngừng tới nơi hạ huyệt. Nhìn bề ngoài là đám ma nhưng quan sát từng con người cụ thể, từng câu nói thầm thì của họ, từng cử chỉ lén lút của họ thì mới thấy đây là một ngày hội tưng bừng, một đám rước rất vui rất nhộn.
4) Dùng giọng điệu trào phúng
a) Dùng từ ngữ để tạo nên hình ảnh trào phúng
Tính chất gây cười của chương truyện tăng thêm rất nhiều nhờ Vũ Trọng Phụng tạo hình ảnh và dùng từ ngữ gây cười. Đó là hình ảnh “nhà đạo diễn” Tú Tân say mê bố trí dàn dựng mọi người để nâng cao tính “nghệ thuật” của những bức ảnh chụp lúc hạ huyệt, đó là đám “phóng viên nghiệp dư’ bạn của Tú Tân “rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác mà chụp để cho ảnh khỏi giống nhau”. Có biết bao nhiêu vui sướng và nhẫn tâm trong hai chữ “rầm rộ” ấy.
b) Dùng từ, đặt câu tạo mâu thuẫn giữa thực và giả
Có lẽ giọng điệu trào phúng thể hiện rõ nét nhất ở những câu văn khai thác triệt để sự tương phản giữa cái giả và cái thật, giữa cái hình thức đẹp đẽ và cái nội dung dối trá, đểu cáng. Đó là cảnh Phán mọc sừng cứ oặt người đi khóc mãi không thôi bên cạnh ông bố vợ dở hơi “cũng đang mếu máo và ngất đi” thật đúng quy cách của những bậc cháu con chí hiếu. Đúng lúc ấy Phán mọc sừng đã tranh thủ thanh toán nốt món tiền thuê Xuân Tóc Đỏ giết cụ tổ, “Xuân Tóc Đỏ muốn bỏ quách ông Phán ra thì chợt thấy ông Phán dúi vào tay nó một tờ giấy bạc năm đồng gấp tư”. Đây là hành động ai điếu hay là một khúc khải hoàn mừngchiến thắng? Có thể nói chi tiết này là đỉnh cao của sự bịp bợm đê tiện. Phán mà “mọc sừng” là bởi vì bị vợ cấm sừng nhưng ở chi tiết này ta thấy cái sừng của hắn làm cho hắn trở nên một con quái vật, một kẻ húc đổ những giá trị nhân luân đạo lí, một kẻ đại diện rất xứng đáng cho đại gia đình bất hiếu.
C – KẾT BÀI
Vũ Trọng Phụng đã miêu tả một đám ma rất to, rất đông đủ với mọi nghi thức trọng thể nhưng lại thiếu điều quan trọng là nỗi đau buồn, sự thương tiếc chân thành đối với người đã khuất – thiếu điều ấy mọi thứ còn lại đều trở thành vô nghĩa và giả dối. Có thể nói những kẻ có mặt trong đám tang cụ tổ đã tự trình diễn một màn hài kịch đáng ghê tởm, qua đó người ta thấy rõ sự lố lăng vô đạo đức, sự “chó đểu” của một xã hội tư sản thành thị đương thời đang làm băng hoại những giá trị truyền thống coi trọng nghĩa tình của cha ông ta. Và như vậy, họ Vũ muốn nói với chúng ta, báo động với chúng ta về một xã hội “vô nghĩa lí”.
Leave a Reply