Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi:
“Mùa thu nay khác rồi
……………..
Những buổi ngày xưa vọng nói về.”
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Đất nước là một tác phẩm ngắn được sáng tác trong một thời gian dài. Nguồn cảm hứng của Nguyễn Đình Thi trải suốt cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1948 đến năm 1955. Có thể coi đoạn trích sau đây đã kết tinh nghệ thuật của toàn bài thơ nổi tiếng này (ghi lại 14 dòng thơ đề bài).
– Ta hãy phân tích đoạn thơ trên.
III. THÂN BÀI
Bài thơ Đất nước hình thành từ ba mảng thơ, chủ yếu lấy từ bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” viết năm 1948 và bài thơ “Đêm mít tinh” viết năm 1949, kết hợp với đoạn sau cùng (khổ 5 đến khổ 10) viết năm 1955. Riêng mười bốn câu thơ trích thể hiện một cảm hứng nhất quán về đất nước: tự hào về đất nước ta giàu đẹp, truyền thống dân tộc ta anh hùng, nhân dân ta chiến đấu kiên cường vì độc lập, tự do.
A. ĐẤT NƯỚC QUA HÌNH ẢNH MÙA THU MỚI
1. Từ hoài niệm về những ngày thu đã xa trong đoạn mởđầu, ý thơ dẫn vào cảm xúc về mùa thu nay của cách mạng, của dân tộc giữa khung cảnh chiến khu Việt Bắc.
– Đoạn thơ mở đầu bằng một dòng thơ năm tiếng bình dị nhưng tạo cảm giác có sự thay đổi lớn: một mùa thu mới của dân tộc, của đất nước đang hồi sinh. Lời thơ vút cao, giọng thơ sôi nổi thể hiện niềm vui náo nức:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Cảnh sắc thiên nhiên của đất nước quê hương thật tươi vui. Nếu mùa thu xưa xao xác gió heo may buồn thì mùa thu nay gió thổi rừng tre phấp phới; năm xưa lá rơi đầy thềm nắng của những con phố dài Hà Nội thì nay cả bầu trời Việt Bắc xanh biếc tươi vui:
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
– Niềm vui to lớn lan tỏa khắp đất trời, cỏ cây và tràn ngập cả lòng người. Nhà thơ đang lắng tâm hồn để cảm nhận niềm vui từ làn gió thu trong mát, từ sắc trời thu trong biếc và nhất là từ giọng nói tiếng cười thiết tha của mọi người, trong nỗi mừng vui quê hương vừa được giải phóng qua nghệ thuật nhân hóa với chủ thể trữ tình “Trời thu”.
2. Cảm xúc về mùa thu đất nước còn gắn liền với niềm tự hào làm chủ đất nước. Dưới cái nhìn say đắm của nhà thơ, đất nước trải rộng núi sông, nơi nào cũng tươi đẹp, nơi nào cũng màu mỡ phì nhiêu:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
– Điệp khúc của chúng ta như ngân lên, vang vọng cả không gian bao la. Tất cả những gì thân quen thuộc trên đất nước này là của chúng ta. Tư thế của nhân vật trữ tình trong mấy câu thơ trên là thế đứng của con người kiêu hãnh ngẩng cao đầu sau bao năm chiến đấu gian khổ, giành được quyền làm chủ đất nước. Trời thu, núi rừng, những cánh đồng tham mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa trở nên đẹp đẽ, đáng yêu lạ thường, vì đã thuộc về ta.
– Hình ảnh tiếp nối hình ảnh, nhạc điệu rộn ràng, âm hưởng khoáng đạt, lời thơ trải dài như vô tận, các dòng thơ liên kết nhau cùng xoay quanh một nội dung, đó là niềm kiêu hãnh tự hào của con người làm chủ đất nước.
B. ĐẤT NƯỚC TRONG TRUYỀN THỐNG BẤT KHUẤT CỦA DÂN TỘC
1. Từ không gian rộng lớn của đất nước (trời xanh, núi rừng, những cánh đồng, những ngả đường, những dòng sông), mạch thơ chuyển sang chiều dài của thời gian. Cảm hứng của nhà thơ từ hiện tại trờ về quá khứ, nói lên truyền thống bất khuất của dân tộc:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
– Từ giọng điệu rộn ràng náo nức ở đoạn thơ trên, giọng thơ chợt trầm lắng suy tư. Nước chúng ta, dòng thơ chỉ ba từ nhưng chất chứa bao điều thiêng liêng pha lẫn tự hào. Và dòng thơ tiếp theo là một khẳng định: Nước những người chưa bao giờ khuất.
2. Lịch sử dân tộc với hàng ngàn năm kiên cường chống xâm lược vang lên hồn thiêng sông núi. Hồn thiêng ấy là tiếng vọng không bao giờ dứt từ nhiều thế hệ cha ông, đã trở thành tiếng nói của truyền thống. Ý thơ toát lên một chân lí: quá khứ lịch sử của dân tộc ta anh hùng bất khuất đã làm nền cho hiện tại cũng anh hùng bất khuất.
– Như vậy bề dày của hàng ngàn năm lịch sử dân tộc đã được Nguyễn Đình Thi nhận thức và diễn đạt sâu sắc qua những dòng thơ giản dị mà thâm trầm, sâu lắng:
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
III. KẾT BÀI
– Mười bốn dòng thơ đã thể hiện chất trữ tình bay bọng hòa quyện chất chính luận sâu sắc, với nghệ thuật diễn đạt tài hoa, từ ngôn ngữ giàu hình ảnh gợi cảm đến những dòng thơ giàu âm điệu, giọng thơ lúc sôi nổi rạo rực, lúc lắng đọng suy tư.
– Nghệ thuật đó cũng thể hiện được một đề tài vừa là nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ ca thời kì hiện đại trong nhiều bài thơ có giá trị của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi, đó là đề tài về đất nước.
Leave a Reply