Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy ra đời năm 1978, năm đất nước đã bước vào công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước. Cuộc chiến tranh đã đi qua nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng trong tâm hồn nhiều thế hệ, như một quy luật cuộc sống sau chiến tranh với những bộn bề lo toan xây dựng đã làm người ta quên đi quá khứ, quên đi ân nghĩa của bao người. “Ánh trăng” ra đời trong dòng cảm hứng sám hối, tự truyện của văn học sau những năm 1978.
Ánh trăng trong văn học luôn là đề tài gắn với lãng mạn. Với Nguyễn Duy, ánh trăng biểu đạt một hàm nghĩa mới, mang dấu ấn của tình cảm thời đại. “Ánh trăng” là hình ảnh của quá khứ, là nhân dân, người lính, lí tưởng chiến đấu, “Ánh trăng” được viết theo thể thơ năm chữ gồm sáu khổ và bố cục ba phần tương ứng với ba giai đoạn, ba hoàn cảnh khác nhau trong cuộc đời người lính. Hai khổ đầu là sự gắn bó giữa người lính với ánh trăng. Hai khổ sau là những lãng quên, hai khổ cuối cùng là lời tự thú, tự nhắc nhở mình không được lãng quên quá khứ.
Hình ảnh gắn liền với một quá khứ nghĩa tình gắn bó là ánh trăng tri kỉ: “Vầng trăng tình nghĩa”. Trong quá khứ ấy, người lính sống với vầng trăng, bầu bạn với vầng trăng. Thời gian của quá khứ được tính theo trình tự trước sau: hồi nhỏ: những kỉ niệm mộc mạc mà đáng nhớ, hồichiến tranh ở rừng. Hai đoạn đó nghía tình gắn liền với trăng, vầng trăng là tri kỉ, tình nghĩa.
Ý nghĩa hàm ẩn trong những cách gọi tên vầng trăng đã nói lên mọi quan hệ gần gũi như máu thịt của người lính và vầng trăng – với nhân dân.
Cuộc chiến tranh đã trôi qua, người lính trở về với những bộn bề cuộc sống hàng ngày. Những bộn bề đã che khuất vầng trăng.
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Hình ảnh đối lập với vầng trăng, ánh điện cửa gương – là hình ảnh của tiện nghi vật chất. Sự có mặt của những tiện nghi đã che lấp quá khứ, che lấp kí ức. Sự gắn bó với vầng trăng, những tình nghĩa với vầng trăng đã lùi vào quên lãng: “Vầng trăng đi qua ngõ /như người, dưng qua đường”. Chỉ đến khi hình ảnh của những tiện nghi vật chất mất đi và sự bình lặng, trong đường tròn không thay đổi của vầng trăng tri kỉ xưa xuất hiện thì quá khứ bỗng như là một nhắc nhở, tràn về trong kí ức. Người đang lãng quên quá khứ. Trăng giờ như gương mặt của quá khứ, gương mặt sáng trong, giản dị, nghiêm khắc soi tỏ tâm hồn người:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng.
Trăng mang gương mặt của quá khứ: gương mặt sáng trong giản dị và nghiêm khắc soi tỏ tâm hồn người.
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Trăng hình như chưa bao giờ thay đổi “cứ tròn vành vạnh”. Cả bài thơ, sáu lần sử dụng hình ảnh vầng trăng để nói về quá khứ: vầng trăng khẳng định ý nghĩa tròn đầy như sự thuỷ chung trọn vẹn của nhân dân của những người đã từng nhường cơm sẻ áo cùng người lính.
Ánh trăng không thay đổi bao nhiêu thì nỗi day dứt trong tâm hồn người lính ấy càng sâu sắc bấy nhiêu.
Tâm trạng tự thú, sám hối ở cuối bài thơ là lời nhắn nhủ với chính mình: không được lãng quên quá khứ, không được vô ơn. Cảm hứng tự thú và sám hối cũng đã được Nguyễn Minh Châu diễn tả trong truyện ngắn “Bức tranh” khắc hoạ bức chân dung sám hối của nhà văn đồng thờikhẳng định bản chất tốt đẹp, hướng thiện vẫn luôn sống mãi trong tâm hồn người lính.
“Ánh trăng” của Nguyễn Duy cũng là một hình thức để tỏ lòng sám hối. Bài thơ kết thúc bằng một lời nhắc nhở chính mình của những người trong cuộc.
Với “Ánh trăng”, nhà thơ đã khắc hoạ hình ảnh của nhân dân, một nhân dân thủy chung, độ lượng.
Bằng hình ảnh ánh trăng hiện ra đột ngột giữa khung cảnh thành phố, bài thơ như một lời tự nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hòa. Em hãy phân tích bài thơ “Ánh trăng” (Nguyễn Duy) để làm rõ nhận định đó.
YÊU CẦU
1. Đây là dạng bài phân tích tác phẩm. Tác phẩm phải phân tích là bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.
2. Người viết cần tìm hiểu kĩ nhận xét về bài thơ nêu ở phần thứ nhất của đề để nắm vững chủ đề của bài thơ. Có như vậy mới phân tích bài thơ đúng hướng, mới làm rõ được nhận xét đó như yêu cầu đã nêu ở phần thứ hai của đề.
Để làm được điều này người viết không thể chỉ dựa vào những cảm nhận tự do mà cần căn cứ vào nhận xét, tiến hành phân tích bài thơ theo hướng ánh trăng gợi lại:
– Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt thì quan hệ đôi bên, người lính và trăng, đều thủy chung son sắt.
– Trong thanh bình hạnh phúc thì ngược lại, người ta dễ quên đi mối tình tri kỉ của một thời.
– Khi ánh trăng xưa vẫn thủy chung, bình dị, khiêm nhường và im lặng hiện về đột ngột, người lính bỗng có nhiều suy nghĩ.
Đặc biệt cần phân tích chiều sâu triết lí của khổ thơ cuối: vầng trăng – biểu tượng của sự bao dung, cái giật mình chứa đựng không chỉ là sự ân hận mà còn biết bao điều nhà thơ suy ngẫm và muốn nhắn gửi tới người đời.
3. Người viết còn phải luôn luôn bám vào ngôn ngữ thơ mà phân tích làm rõ từng ý trên đây.
Lời văn của người phân tích bài thơ cũng nên chân thành, giản dị như lời tâm sự mộc mạc mà tha thiết, trầm tĩnh mà sâu lắng của bài thơ.
BÀI LÀM
Khi hòa bình lập lại, xã hội chuyển mình theo dòng chảy của thời gian thì con người cũng thay đổi theo. Nhưng sự thay đổi đó nhiều khi đem lại sự mất mát, mất dần những gì đáng quý mà họ vốn có. Ánh trăng của Nguyễn Duy là một lời tâm sự như thế. Tác giả muốn qua hình ảnh ánh trăng làm thức dậy trong tâm hồn người lính lòng trung hiếu, trọn vẹn với nhân dân.
Bằng nghệ thuật nhân hóa, Nguyễn Duy đã khắc hoạ vẻ đẹp tình nghĩa, thủy chung của trăng đối với người lính. Tác giả gắn bó với trăng trong những năm dài kháng chiến khi còn là người lính:
Hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.
Cuộc sống trong rừng với biết bao gian khổ, khó khăn nhưng trăng đã đến với một tình cảm chân thành, không chút ngần ngại. Tình bạn giữa trăng và người lính gắn bó đằm thắm, họ là đôi bạn “tri kỉ”. Tác giả nhân hóa trăng như một con người thực sự, trăng không chỉ có hồn mà trăng còn mang vẻ hoang sơ mộc mạc:
Trần trụi với thiên nhiên hồn nhiên như cây cỏ Trăng và người lính đến với nhau bằng sự đồng cảm. Có lẽ chính cảnh rừng buồn bã, quạnh hiu đã khiến cho trăng và người đều cần tình cảm, khiến cho trăng và người xích lại gần nhau. Dường như cuộc đời của người lính không còn lạnh lẽo nữa, mà được sưởi ấm trong tình thương yêu, tình cảm bạn bè.
Thế nhưng nếu như những dòng thơ đầu khiến ta thấy tình bạn ấy sẽ mãi mãi bền vững thì những dòng thơ sau lại làm ta ngỡ ngàng. Nhà thơ thật tài tình khi viết hai câu thơ thật đối lập:
Ngỡ không bao giờ quên
đối lập với:
Như người dưng qua đường
Tại sao lại có sự đổi thay phũ phàng ấy? Tại sao trăng đã được coi là “tri kỉ” lại trở thành “người dưng’”? Tình cảm xưa đã bị chia lìa từ bao giờ vậy? Phải chăng từ ngày người lính đi ra khỏi cuộc chiến tranh, trở về sống với thành phốđầy đủ tiện nghi? Người lính đã quen với vật chất cao sang “ánh điện, cửa gương” nên lãng quên trăng. Anh quên đi những ngày gian khổ, quên đi tình cảm chân thành, quên đi quá khứ ác liệt nhưng cao đẹp tình người. Chính sự lãng quèn đáng trách ấy đã phá vỡ tình bạn. Đúng là những câu thơ đối lập trước sau đã làm tăng sự chua xót bất ngờ!
Người lính như vậy còn trăng thì sao? Lại một sự bất ngờ khác hiện ra trong bài thơ. Bị bạn lãng quên nhưng trăng không hề quên bạn. Trăngvẫn đến với bạn bằng một tình cảm tràn đầy, không mảy may sứt mẻ. Người lính chỉ nhận ra điều đó khi anh “bật tung cửa sổ”, chi là một phản xạ tự nhiên khi mất điện, nhưng anh đã bất ngờ gặp lại vầng tràng: đột ngột vầng trăng tròn Không đơn thuần nói về hình ảnh trăng tròn, nhà thơ còn muôn nói đến sự tràn đầy về tình của trăng, trăng vẫn thuỷ chung với người bạn năm xưa. Tình cảm mà trăng dành cho người lính chân thành ở chỗ: trăng không hề đòi hỏi một điều gì cả, trăng chỉ biết yêu, biết thương hết mình. Con người từng quay lưng lại với quá khứ nhưng trăng đã đánh thức tâm hồn họ:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng
Ánh trăng đánh thức những kỉ niệm quá khứ, đánh thức tình bạn năm xưa, đánh thức những gì con người đã lãng quên. Giờ đây hai người bạn lại thực sự bình đẳng: “Ngửa mặt lên nhìn mặt”. Hai gương mặt: gương mặt người lính và gương mặt trăng đang nhìn thẳng vào nhau, đang tìm lại sự đồng cảm. Tình nghĩa thủy chung của trăng đã khiến người lính phải xúc động: “Có cái gì rưng rưng”. Anh đang hối hận hay đang nhớ đến những kỉ niệm xưa?
Trăng tràn đầy tình người, đáng tiếc thay, cái tình đáng quý ấy con người lại bỏ rơi. Nhưng điều làm ta xúc động hơn là trăng không chỉ thủy chung mà trăng còn rất cao thượng, vị tha:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
Không nói một lời nào cả, trăng vẫn khoan dung, tha thứ cho người bạn đã lạnh lùng với mình. Trăng không trách móc, không oán hờn, nhưng đôi khi sự im lặng chính là sự trừng phạt nặng nề nhất. Chính vì thế, người lính đã băn khoăn day dứt biết chừng nào:
đủ cho ta giật mình
Không một tòa án nào xét xử sự phản bội trong tình bạn, chỉ duy có tòa án lương tâm. Sự cao đẹp của trăng khiến người lính giật mình để nhìn lại chính mình, để nhận ra mình đã lãng quên một phần quan trọng của cuộc đời: quá khứ đẹp của đời mình và quá khứ đáng tự hào của dân tộc. Con người ta không thể sống thiếu quá khứ, không thể không biếtđứng trên quá khứ để vươn tới tương lai. Đó mới thật là cách sống của một con người.
Thông qua sự thủy chung, cao thượng của ánh trăng, Nguyễn Duy đã nói đến chính tình cảm của nhân dân trong thời kì kháng chiến. Những người dân mộc mạc, vật chất của họ tuy nghèo nàn nhưng sự nghèo nàn lại không hề có trong tâm hồn họ. Họ đã bao bọc, đã chở che cho người lính suốt những năm dài gian khổ bằng cả một tình cảm đầy tình nghĩa thủv chung son sắt. Ánh trăng chính là biểu tượng đẹp đẽ về họ.
Nguyễn Duy là một nhà thơ có phong cách viết rất gần gũi với người đọc và lời thơ mang tính triết lí, giản dị nhưng cũng rất sâu sắc. Bài thơ đã khép lại nhưng vẫn mở ra cho chúng ta biết bao trăn trở, suy nghĩ về cách làm người. Có lẽ bởi vậy mà bài thơ Ánh trăng vẫn luôn trụ vững trong lòng người đọc, neo lại với thời gian…
Leave a Reply