“Nhật kí trong tù” của HồChí Minh có bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”:
“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.
Giải thích và bình luận quan niệm của tác giả bài thơ trên về thơ, và rộng hơn, về văn học nghệ thuật.
YÊU CẦU
– Thể loại
Kiểu bài giải thích và bình luận văn học, cụ thể là giải thích và bình luận một vấn đề về quan điểm văn chương.
– Nội dung
Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh:
• Thơ có tính chiến đấu.
• Nhà thơ có tinh thần đấu tranh cách mạng.
GỢI Ý
Thân bài gồm hai đoạn chính: giải thích và bình luận.
A. GIẢI THÍCH
Bài thơ có bốn câu, gồm hai ý.
1. Ý thứ nhất (hai câu đầu) nói về thơ xưa.
Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
– Nguyên văn chữ Hán câu một là: Cổ thi thiên ái thiên nhiên mĩ. Chữ thiên thứ nhất nghĩa là nghiêng về, chú trọng nhiều đến (vẻ đẹp của thiên nhiên).
– Câu hai gồm một loạt bảy từ, mỗi từ chỉ một hiện tượng thiên nhiên, mỗi hiện tượng thiên nhiên gợi lên một vẻ đẹp. Câu hai cụ thể hóa câu một, làm cho ý trong câu một đầy đủ, trọn vẹn hơn.
2. Ý thứ hai (hai câu sau) nói về thơ nay.
Nay ở trong thơnên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
– Câu ba nói lên ý của tác giả muốn thơ nay có thêm một chất mới mà thơ xưa chưa có, đó là chất thép. Câu thơ này có chữ nên (nguyên văn chữ Hán: ưng), tỏ ý mong mỏi và khuyên nhủ. Chất thép là tính chiến đấu trong thơ.
– Câu bốn bổ sung, phát triển thêm ý của câu ba, nói về sứ mệnh của nhà thơ hiện nay, đó là phải biết xung phong. Xung phong là xông tới mũi nhọn, tức là phải tranh đấu, chiến đấu, phấn đấu… Nhà thơ phải là người chiến sĩ.
3. Hai câu đầu nói lên nhận xét của nhà thơ đối với thơ xưa, nói về cái “đã có”. Hai câu sau nói lên nguyện vọng của nhà thơ đôi với thơ nay, nói về điều “nên có”. Cả hai ý bổ sung cho nhau, tạo nên một quan niệm hoàn chỉnh về thơ: từ xưa đến nay, từ cũ đến mới.
B. BÌNH LUẬN
Bài thơ chứa đựng một quan niệm phong phú và sâu sắc của Hồ Chí Minh về thơ.
1. Trước hết, bài thơ khẳng định rằng trong thơ phải có tình yêu và vẻ đẹp, bao gồm tình yêu đối với vẻ đẹp của thiên nhiên. Dĩ nhiên, ngoài thiên nhiên, còn có con người, xã hội, cuộc đời… Dĩ nhiên thơ cũng có thể nói lên sự ghét đối với cái xấu, song sự ghét và cái xấu có thể là đối tượng và nội dung của thơ nhưng không phải là mục đích, là lí tưởng của thơ. Mục đích và lí tưởng phải là tình yêu và vẻ đẹp.
2. Nhà thơ không phê phán mà chỉ nhận xét về thơ xưa: thiên về tình yêu vẻ đẹp của thiên nhiên. Điều đó không có gì sai, trái lại là đúng, hay. Các hiện tượng đẹp của thiên nhiên như: mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông… đều đáng yêu, đáng ca ngợi. Ở đây không nên nghĩ rằng Bác Hồ chê thơ xưa vốn nói lên tình yêu vẻ đẹp của thiên nhiên. Trái lại Bác Hồ cũng công nhận, khẳng định điều dó. Nhịp điệu thơ, nhất là câu thứ hai nói lên sự khẳng định đó.
3. Tuy vậy, Bác Hồ cho rằng nếu thơ chỉ dừng lại ở tình yêu vẻ đẹp của thiên nhiên như thơ xưa thì chưa đủ. Bác còn mong cho thơ có thêm một chất mới (chất thép), mong cho nhà thơ có sứ mệnh mới (xung phong). Nói cách khác, thơ không chỉ khẳng định tình yêu đối với cái đẹp của thiên nhiên mà còn phải biết đấu tranh cho tình yêu và cái đẹp trong cuộc đời. Thơ và nhà thơ phải có tính chiến đấu, phải có tinh thần cách mạng.
4. Bài thơ của Bác Hồ làm trong hoàn cảnh đất nước còn chìm đấm, nhân dân còn lầm than, bản thân tác giả đang bị giam cầm, tù tội. Lúc này, thơ và nhà thơ phải tham gia đấu tranh cứu nước, cứu dân, phải làm nhiệm vụ công dân và cách mạng. Điều đó không trái ngược với tình yêu vẻ đẹp của thiên nhiên trong thơ mà làm cho thơ gần gũi, có ích, có tác dụng tích cực đối với đất nước, nhân dân, con người, cuộc đời… Quan niệm về thơ và nhà thơ, hay nói rộng hơn, về văn học nghệ thuật và về người nghệ sĩ như vậy là một quan niệm rộng lớn, cao cả và sâu sắc. Đó là quan niệm của một nhà thơ cách mạng.
Leave a Reply