Cảm nhận của em về khí phách anh hùng của người chiến sĩ yêu nước Phan Châu Trinh qua bài Đập đá ở Côn Lôn
BÀI LÀM
“Đập đá ở Côn Lôn” là khẩu khí của một người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang. Khẩu khí ấy rắn rỏi như chính khí phách của tác giả – một nhà chí sĩ yêu nước trên bước đường bôn ba cách mạng đang bị giam cầm, đày ải. Có thể nói rằng, với “Đập đá ở Côn Lôn” nhà chí sĩ Phan Châu Trinh đã khẳng định rằng, có một dòng thơ ca yêu nước chống ngoại xâm toát lên khí phách kiên cường bất khuất.
Trước hết tác giả đã dựng lên một tượng đài hiên ngang, lẫm liệt về người anh hùng cứu nước. Dẫu đó là một người tù nhưng hình ảnh thơ lại khiến ta liên tưởng đến tư thế của người đang làm chủ mình, làm chủ cuộc sống, muốn dùng sức mạnh và nghị lực của bản thân để hoán cải càn khôn, vũ trụ:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Thật hào hùng, thật lẫm liệt ở cái tư thế “đứng giữa đất Côn Lôn”. Ởđây, vị trí của kẻ làm trai là vị trí trung tâm. Đất Côn Lôn như là toàn bộ hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống đầy cam go khủng khiếp. Với tư thế ấy, kẻ làm trai như muốn khẳng định sức mạnh dời non lấp biển của mình, sức mạnh ấy sánhngang cùng trời đất, ở chính giữa trời đất. Họ tin rằng với vị trí ấy, sức mạnh đó sẽ làm cho “lở núi non”.
Đi liền với tư thế là hành động:
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Hai câu thơ vận dụng nhiều động từ chỉ hành động mạnh, hay nói cách khác động từ chi phối toàn bộ ý tưởng của câu thơ: “xách”, “đánh tan”, “ra tay”, “đập bể”… Hình ảnh và ý thơ đối nhau chan chát vừa tạo lớp nghĩa tả thực người tù đang cầm búa để đập đá trong những buổi lao động khổ sai, vừa tạo nghĩa bóng thể hiện khí phách hào hùng của người có chí lớn.
Cùng với dụng ý sử dụng động từ, cách ngắt nhịp của hai câu thơ khiến hình ảnh thơ trở nên cứng cỏi, mãnh liệt:
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Nhịp thơ 2/2/3 tạo nên hành động mạnh mẽ, ý chí quyết tâm của kẻ có chí vá trời lấp biển.
Và tiếp theo, hai câu luận (5 – 6) thể hiện nghị lực phi thường của kẻ làm trai trong một hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã:
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.
“Tháng ngày”, “mưa nắng”, những thử thách của thời gian và hoàn cảnh không làm cho người chiến sĩ sờn lòng, nản chí, trái lại, lời thơ khẳng định một quyết tâm vượt qua mọi gian lao, khổ hận để giữ tấm lòng son sất.
Hai câu thơ kết, tác giả bộc lộ trực tiếp tâm tư, tình cảm của “những kẻ vá trời khi lỡ bước”. Nếu nói rằng âm hưởng chủ đạo của bài thơ là khẩu khí anh hùng của một người tuy thất thế nhưng vẫn nuôi mộng lớn dời non lấp bể thì ở hai câu kết ý tưởng đó được thể hiện nổi bật nhất:
Những kẻvá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con!
Hình tượng kì vĩ “những kẻ vá trời” làm ta liên tưởng đến bà Nữ Oa trong câu chuyện thần thoại, sức mạnh của Nữ Oa là sức mạnh biến cải cả trời đất, vũ trụ. Khí phách của người anh hùng trong bài thơ được tỏa sáng, tạo nên sức truyền cảm góp phần động viên tinh thần những người yêu nước trong những giờ phút nguy nan nhất.
Đọc xong bài thơ, có hai hình ảnh đậm nét đọng lại trong tâm trí em. Đó là hình ảnh một người bị kẻ thù đày đọa nhưng vẫn coi thường gian khổ, chết chóc, dáng vẻ vẫn hiên ngang anh hùng. Người chí sĩ xem thực tế khổ ải của lao tù thực dân như một hoàn cảnh để tôi rèn khí phách. Một hình ảnh khácvượt lên hoàn cảnh tù đày, không gian, thời gian, một kẻ “làm trai” nguyện đem tâm huyết và nghị lực để cải tạo thế giới, biến cái cuộc sống thực tại hướng tới một chân trời sáng tươi của đất nước, dân tộc. Hai hình ảnh đó liên kết, đan xen, bổ sung cho nhau để dựng nên một tượng đài anh hùng rực rỡ trong dòng văn học yêu nước chống ngoại xâm.
Cuộc đời và thơ văn của Phan Châu Trinh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam anhhùng.
Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh.
Bài làm
Tương tự như bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu, bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú. Bài thơ đã thể hiện khí phách hiên ngang bất khuất của người chiến sĩ cách mạng trong chốn tù đày.
Nhan đề bài thơ gợi lên cảnh lao động khổ sai của tác giả và các chiến sĩ yêu nước bị thực dân Pháp bắt giam và đày đọa ở Côn Đảo. Sau sự kiện chống thuế ở Trung Kì, năm 1908, Phan Châu Trinh và một sốchiến sĩ bị thực dân Pháp bắt giam và đày ra Côn Đảo với án khổ sai chung thần.
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Bốn câu thơ đầu vừa tả thực cảnh đập đá, vừa biểu lộ một tâm thế, một ý chí. Chí nam nhi, chí làm trai coi việc đứng giữa đất Côn Lôn, bị tù đày khổ sai là một thách thức nhưng không phải là thấp hèn mà là lừng lẫy, không những thế còn lừng lẫy làm cho lở núi non. Hai từ đứng giữa biểu thị một tư thế hiên ngang, bất khuất trước quân thù. Câu thơ thứ hai thể hiện chí khí kiên cường trước cảnh đày đọa của quân thù. Các động từ đánh tan, đập bể vừa tả thực sức mạnh đập đá, vừa thể hiện một quyết tâm, một ý chícăm thù giặc. Đó là quyết tâm phá tan cảnh ngục tù, lật đổ ách thống trị của bọn thực dân tàn bạo. Câu thứ ba và thứ tư đối nhau làm cho lời thơ thêm mạnh mẽ, các sốtừ trong câu đã tạo nên vẻ đa nghĩa cho bài thơ: .
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Hai câu năm và sáu đôi nhau rất chỉnh. Tác giả lấy thời gian bị giam cầm (tháng ngày)đối với gian truân, thử thách (mưa nắng); lấy thân dày dạn phong trần (thân sành sỏi) đối với tinh thần sắt thép (dạ sắt son). Nghệ thuật đối làm hiện lên hình ảnh người chiến sĩ cách mạng có tâm hồn và khí phách cao đẹp.
Thân sành sỏi và dạ sắt sonlà hai hình ảnh ẩn dụ thể hiện một cách hàm súc và hình tượng phẩm chất cao quý của tác giả:
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!
Các từ bao quản và chi sờn biểu thị một thái độ chấp nhận đương đầu với khó khăn thử thách, thái độ thách thức với cảnh ngục tù của quân thù. Hai câu kết thể hiện bản lĩnh phi thường của những người có chí lớn, mưu đồ đại sự (vá trời) mà không thành (lỡ bước). Hình ảnh những anh hùng thất thế mà vẫn hiên ngang đã được khắc họa một cách thú vị. Chuyện tù đày được xem là con con, không đáng kể. Hai câu cuối toát lên một phong thái ung dung tự tại, rất ngạo nghễ của người chí sĩ yêu nước:
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kề việc con con!
Đập đá ở Côn Lôn là bài thơ tiêu biểu cho thơ ca viết trong ngục tù của các chiến sĩ yêu nước đầu thế kỉ XX. Bài thơ có giọng điệu đĩnh đạc, hào hùng,ngôn ngữ hàm súc, vừa bình dị, vừa cổ kính sang trọng. Tác giả đã lấy thơ để giãi bày cái tâm, cái chí của mình, sẵn sàng xả thân để cứu nước, sắt son thủy chung với sự nghiệp cứu nước, bất khuất hiên ngang trước cảnh tù đày. Đó chính là cái tâm, cái chí của Phan Châu Trinh thể hiện qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn.
Hình tượng người chiến sĩ yêu nước vào đầu thế kỉ XX được thể hiện như thế nào trong hai bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu và Đập đá ở Côn Lôncủa Phan Châu Trinh.
Bài làm
Văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX có những bước phát triển mới với những hoạt động sôi nổi phong phú. Tiên phong trong phong trào văn học thời kì này là các nhà Nho yêu nước tham gia phong trào cách mạng. Những tác phẩm của họ đã thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc, ý chí đấu tranh để giải phóng dân tộc, phát triển đất nước. Tác phẩm của họ còn khắc họa hình tượng người chiến sĩ yêu nước trong hoàn cảnh tù đày gian khổ nhưng vẫn hiên ngang, giữ vững ý chí kiên định với khí phách hào hùng. Tiêu biểu trong số đó là bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác’’ của Phan Bội Châu và bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Châu Trinh.
Hai tác phẩm trên đã khắc họa rõ nét hình ảnh người chiến sĩ dù lâm vào cảnh tù đày vẫn giữ tư thế hiên ngang, giữ vững khí phách của người chiến sĩ cách mạng, làm nên một phong thái ung dung giữa muôn trùng khó khăn củacuộc sống. Giọng thơ trong hai bài thơ này thể hiện sự coi thường khó khăn gian khổ pha lẫn chút tự hào:
Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.
(Phan Bội Châu)
Chỉ có một ý chí kiên định, một bản lĩnh vững vàng thì mới dám coi thường gian khổ nơi chốn tù đày, coi ở tù như một chuyện bình thường, là chốn trú ngụ khi đường đời mệt mỏi. Từ suy nghĩ ấy đã toát lên tư thế của người chiến sĩ cách mạng, họ không bị phụ thuộc mà vẫn làm chủ bản thân mình, sự nghiệp cách mạng vẫn được họ theo đuổi cho dù có trắc trở, gian truân. Coi những thử thách của nhà tù là cơ hội cho người chiến sĩ rèn luyện bản thân, biến nhà tù thành nơi học tập, thể hiện khí phách của người làm trai:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
(Phan Châu Trinh)
Người tù thể hiện tư thế oai hùng, hiên ngang. Hành động đập đá biểu hiện sức mạnh và khí thế của con người. Đó là hình ảnh biểu tượng cho việc phá tan xiềng xích nôlệ của kẻ thù, thể hiện ý chí quyết tâm vì độc lập tự do của đất nước.
Chí khí lớn lao, hành động dũng mãnh nên không ngại gì khó khăn, không kể đến tấm thân phong trần. Dù có bị vùi dập chôn lao tù họ vẫn một lòng kiên trung với lí tưởng cách mạng:
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
(Phan Châu Trinh)
Khí phách hào hùng, tư thế hiên ngang và ý chí kiên định của hai nhà cách mạng họ Phan xứng đáng tiêu biểu cho hình tượng người chiến sĩ cách mạng đầu thế kỉ XX. Yêu nước, bất khuất khi còn được tự do là điều thường gặp nhưng khi rơi vào tay giặc vẫn thể hiện bản chất ấy thì thật đáng khâm phục và tự hào. Truyền thống dân tộc ta đã góp phần tôi luyện thêm tinh thần sắt đá không chỉ của hai nhà thơ họ Phan mà còn biết bao nhiêu người khác nữa.
Một sốtác phẩm văn thơ cách mạng đã khắc họa được hình tượng người chí sĩ yêu nước đầu thế kỉ XX. Đó là những con người dù trong hoàn cảnh tù đày gian khổ, hiểm nguy vẫn luôn có tư thế hiên ngang, khí phách hào hùng và ý chí kiên định.Dựa vào các tác phẩm Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông, Đập đá ở Côn Lôn… hãy làm sáng tỏ điều đó.
Bài làm
Trong dòng văn thơ cách mạng của các tác giả viết vào đầu thế kỉ XX, đã có nhiều tác phẩm khắc họa hình tượng người chiến sĩ yêu nước trong hoàn cảnh tù đày gian khổ nhưng vẫn hiên ngang bất khuất, kiên định ý chí cách mạng. Các tác phẩm “Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông”, “Đập đá ở Côn Lôn”, “Những trò lố hay Va-ren và Phan Bội Châu”, nằm trong số các tác phẩm đó.
Thông qua các tác phẩm ấy, các tác giả đã thể hiện rõ hình ảnh dù họ bị tù đày nhưng tư thế vẫn hiên ngang, lẫm liệt, khí phách thật hào hùng. Đó là tư thế ung dung, tự tại đầy vẻ hào kiệt và phong lưu. Sự kết hợp hài hòa hai tính cách đó tỏ rõ một thái độ thách thức hiểm nguy. Với giọng thơ có vẻ đùa vui:
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
thì sự thách thức càng mạnh mẽ hơn. Họ thách với hoàn cảnh tù đày, với cái chết kề bên. Vào tù nhưng lại biến mình ‘thành một vị thần. Họ thật tài ba khi biến cái thế bị động của người tù sang thế chủ động của một con người làm chủ bản thân và hoàn cảnh.
Họ đã biến cái lao dịch khổ sai của nhà tù thành một công cuộc chinh phục thiên nhiên dũng mãnh. Phan Châu Trinh đã tạc lên sừng sững một nhân vật thần thoại lẫm liệt, lồng lộng giữa biển cả bao la:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn.
Và họ, những con người mạnh mẽ được ví với nhân vật thần thoại Nữ Oa: còn lí tưởng của họ vĩ đại như việc vá trời. Khí thế lừng lẫy như xung trận, hành động quả quyết phi thường “Xách búa đánh tan” “ra tay đập bể”, với sức mạnh thần kì làm “lở núi non”.
Vì vậy họ coi nhà tù như là nơi rèn luyện và để thể hiện ý chí bất khuất của người chiến sĩ yêu nước. Và những người chiến sĩ yêu nước này cũng thể hiện được ý chí hiên ngang bất khuất ngay trong cuộc đối mặt với kẻ thù. Khi thể hiện khí phách của Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã diễn tả tư thế gang thép của Cụ khi đối mặt với tên toàn quyền Đông Dương. Người chiến sĩ yêu nước ấy không hề nói một câu nào, không thèm nghe mà chỉ im lặng dửng dưng trước những lời dụ dỗ cũng như đe dọa của kẻ thù. Với họ, dù gươm kề cổ, súng kề tai, cũng không bao giờ phản bội lí tưởng cách mạng. Chính thái độ đó khiến kẻ thù từ chỗ tự đắc cho rằng chúng có thể bẻ gãy được ý chí của người chiến sĩ cách mạng đến chỗ phải hoang mang, rồi phải kính sợ. Mặc dù Cụ đang bị chúng “đeo gông lên vai, đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma kề bên cổ” (“Những trò lố hay Va-ren và Phan Bội Châu”). Qua đó, ta thấy hình tượng người chí sĩ cách mạng thật hàohùng. Họ không hề sợ hoàn cảnh tù đày mà ngược lại họ còn coi thường hiểm nguy, coi việc vào tù như một sự nghỉ chân, lỡ bước với một tư thế hiên ngang, bất khuất.
Ý chí thực hiện lí tưởng cách mạng của những chí sĩ yêu nước cũng rất lớn lao và khó có thể suy chuyển nổi. Phan Châu Trinh viết hài Đập đá ở Côn Lôn trong hoàn cảnh của người tù bị đày đọa, nhưng lời thơ lại cứng rắn, không chịu khuất phục, cùng với giọng điệu đanh thép, lời thơ vui sống, luôn tin tưởng vào tương lai, đặc biệt là sự nghiệp cách mạng cao cả. Điều đó thể hiện ý thức, tình cảm tự giác, mạnh mẽ, quyết tâm dồn sức lực trí tuệ để đạt được mục đích. Mượn hình ảnh đập đá phá tan những trái núi, ông thể hiện chí dời non lấp biển, tinh thần gang thép mà ngục tù khổ sai không bẻ gãy được họ. Trái lại họ coi nhà tù là nơi tôi luyện thêm ý chí bền bỉ, dẻo dai, vững chắc:
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son để họ thực hiện lí tưởng.
Như vậy, qua đó ta thấy hình tượng người chí sĩ rất hào hùng, kiên định một lí tưởng giải phóng đất nước, xây dựng đất nước. Bởi thế văn thơ của họ như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho dân tộc đồng thời cũng làm cho kẻ thù khiếp sợ. Chính vì thế trước Cách mạng tháng Tám, các tác phẩm thơ văn đó chỉ thường lưu hành không công khai, nhưng không vì thế mà nó không đến với quần chúng. Nó vẫn như tiếng kèn xung trận, thúc đẩy quần chúng lên đường cứu nước.
LUYỆN TẬP
Đề 1. Giới thiệu ngắn gọn về Phan Châu Trinh và hoàn cảnh ra đời của bài thơ Đập đáở Côn Lôn.
Đề 2. Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh.
Đề 3. Tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cách mạng được thể hiện như thế nào qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông Cảm tác và Đập đá ở Côn Lôn.
Đề 4. Cảm nhận của em về người anh hùng Phan Châu Trinh qua hai câu thơ sau:
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!
Leave a Reply