A. MỤC TIÊU
Học sinh nắm được dàn bài cơ bản của bài văn tả người.
B.NỘI DUNG
1. Xác định phần mở bài và cho biết tác giả giới thiệu người định tả bằng cách nào? (Đọc bài văn “Hạng A Cháng”, sách Tiếng Việt 5, tập 1, trang 119 – 120).
Mở bài: từ “Nhìn… đẹp quá!”
Tác giả mở bài bằng cách nêu câu khen ngợi của cụ già về vóc dáng của A Cháng.
2. Ngoại hình của A Cháng có những điểm nổi bật sau:
Ngực nở vòng cung, da đỏ như lim, bắp tay, bắp chân rắn chắc như trắc gụ. Vóc cao, vai rộng, người đứng thẳng như cột đá trời trồng.
3. Qua đoạn văn miêu tả hoạt động của A Cháng, em thấy A Cháng là người thế nào?
A Cháng là người có vóc dáng lực lưỡng, khoẻ mạnh, “hùng dũng như một chàng hiệp sĩ cổ đeo cung ra trận”.
4. Tìm phần kết bài và nêu ý chính của nó.
Kết bài: từ “Sức lực… Tơ Bo”.
Ý chính: Niềm tự hào của gia đình, dòng họ Hạng về A Cháng.
5. Từ bài văn trên, nhận xét về cấu tạo của bài văn tả người.
Bài văn tả người gồm có ba phần:
1. Mở bài: Giới thiệu người định tả.
2. Thân bài:
a) Tả ngoại hình (đặc điểm nổi bật về tầm vóc, cách ăn mặc, khuôn mặt, mái tóc, cặp mắt, hàm răng…).
b) Tả tính tình, hoạt động (lời nói, cử chỉ, thói quen, cách cư xử với người khác…).
3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ về người được tả.
C. LUYỆN TẬP
Lập dàn ý chi tiết cho bài văn tả một người trong gia đình em (chú ý những nét nổi bật về ngoại hình, tính tình và hoạt động của người đó).
BÀI LÀM 1
(Dàn ý tả mẹ em)
1. Mở bài: Giới thiệu người thân trong gia đình: mẹ em.
2. Thân bài:
a. Tả ngoại hình:
– Tuổi của mẹ em (mẹ em đã bốn mươi tuổi), vóc dáng (người mẹ thon thả, dáng gầy gầy). Khuôn mặt của mẹ như thế nào? (Mặt mẹ thon, nước da trắng trẻo, mắt to, hiền từ, mẹ hay cười phô hàm răng trắng muốt, đều đặn), mái tóc (tóc mẹ đen nhánh, dài đến nửa lưng, búi cao gọn gàng để lộ cái gáy trắng mịn màng).
– Nêu đặc điểm nổi bật về hình dáng bên ngoài của mẹ (bàn tay mẹ thon đẹp, khéo léo với những ngón tay tháp bút thon dài, móng tay cắt ngắn. Đôi bàn tay của mẹ lúc nào cũng thơm mùi xà phòng trầm dìu dịu. Đôi bàn tay của mẹ chăm sóc cả nhà được khoẻ mạnh, việc nhà gọn ghẽ, nhà cửa sạch đẹp.).
– Nêu cách ăn mặc của mẹ (giản dị, sạch sẽ: ở nhà mẹ mặc đồ bộ gọn gàng; ra ngoài, mẹ mặc đồ âu lịch sự, nghiêm túc. Vào những khi dự tiệc tùng hay lễ cưới xin, mẹ mặc áo dài hoặc áo đầm dạ hội trang trọng, xinh đẹp),
b) Tả tính tình, hoạt động:
– Mẹ em tính tình như thế nào? (tính mẹ hiền, dịu dàng, yêu thương và chăm sóc ân cần mọi người trong nhà):
Với chồng (tức bố em): dịu dàng, ân cần, chia sẻ, cảm thông.
Với con (em và các anh chị em): chăm sóc bữa ăn, việc mặc, học hành và vui chơi của các con tỉ mỉ, chu đáo yêu thương con hết lòng.
Với hàng xóm, láng giềng: hoà nhã, vui vẻ, nhường nhịn trong cư xử, tích cực tham gia công việc chung (dọn vệ sinh chung của xóm làng, thăm nom người đau ốm, chúc mừng người có tin vui).
– Nêu ý thích của mẹ em? (Mẹ thích nấu ăn, cắm hoa, may vá, đi nhà sách, đi mua sắm).
– Nêu thói quen của mẹ em? (đọc sách lúc rỗi rảnh, trồng và chăm nom cây cảnh).
3. Kết bài:
– Nêu tình cảm của em (hoặc kết hợp với nhận xét của mọi người) đối với mẹ.
– Để mẹ vui lòng, em làm gì? (chăm học, vâng lời, giúp mẹ trong công việc nhà).
BÀI LÀM 2
(Dàn ý tả ông em)
1. Mở bài: Giới thiệu người em yêu quý: ông em.
2. Thân bài:
a. Tả ngoại hình:
– Tuổi của ông em (ông em đã hơn bảy mươi), vóc dáng của ông em thế nào? (quắc thước, khoẻ mạnh, tay chân ông còn rắn chắc, bàn tay gân guốc do những ngày tháng còn trẻ ông lao động miệt mài với những mảnh vườn trồng cây ăn quả).
– Mái tóc ông (hoa râm, sợi tóc bạc đã nhiều hơn sợi tóc đen); khuôn mặt ông (tròn trịa, phúc hậu với đôi mắt đã xếp nhiều nếp nhăn, ánh mắt ông vui vẻ, hiền từ, hóm hỉnh).
– Nêu đặc điểm nổi bật về hình dáng bên ngoài của ông (đôi mắt ông lúc nào cũng ấm áp, vui tươi, lạc quan, yêu đời).
– Nêu cách ăn mặc của ông (ở nhà ông mặc đồ bộ xám tro, may theo kiểu áo cư sĩ. Khi có việc ra ngoài ông mặc đồ âu gọn gàng, giản dị. Vào những dịp lễ Tết, cưới xin, ông mặc vét tông trang trọng, lịch sự).
b. Tả tính tình:
– Tuy ông có tuổi, ông vẫn tham gia thể dục và tập võ cùng hội người cao tuổi. Dáng ông nhanh nhẹn, linh hoạt trong bài quyền buổi sáng.
– Ông ăn sáng lúc bảy giờ rồi đọc báo.
– Ông kiểm tra vở của em rồi giảng bài cho em.
– Ông chăm sóc chậu cảnh: bón phân cho cây, bắt sâu, tưới nước.
– Buổi tối, ông kể chuyện cổ tích, chuyện chiến đấu cho em nghe.
– Vào những lúc rỗi rảnh ông đưa em đi nhà sách và hướng dẫn em chọn lựa truyện thiếu nhi.
c. Tình cảm và sự chăm sóc của em đối với ông:
– Yêu ông, thích được chơi đùa với ông và nghe ông kể chuyện.
– Em thích pha trà, rót nước mời ông và cùng ông chăm sóc cây cảnh.
3. Kết luận:
– Em làm gì để ông được vui, khoẻ mạnh sống lâu? (Vâng lời ông, học hành giỏi để ông vui lòng).
Leave a Reply