Phân tích bài thơ: “Đàn ghi-ta của Lor-ca” của Thanh Thảo
A. MỞ BÀI
Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người trí thức nghệ sĩ suy tư trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Thanh Thảo muốn cảm nhận cuộc sống ở chiều sâu nên khước từ lối biểu đạt dễ dãi. Ông cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái “Tôi” nội cảm, biểu đạt bằng câu thơ tự do, tạo cơ chế liên tưởng, phóng khoáng qua hệ thống thi ảnh và ngôn từ mới mẻ.
“Đàn ghi-ta của Lor-ca” rút trong tập “Khối vuông ru-bích”(1985) đã thể hiện được những nét phong cách thơ của Thanh Thảo.
B. THÂN BÀI
* Khái quát: Lor-ca, là tên tuổi sáng chói của nghệ thuật và văn hóa Tây Ban Nha. Lor-ca là một thần tượng để lại rất nhiều những dấu ấn nghệ thuật về âm nhạc, hội họa, kịch nói và đặc biệt là thơ ca. Lor- ca sinh ra và lớn lên trong thời loạn lạc. Bọn cường quyền phát xít đang đầu độc, đang chuẩn bị làm mưa làm gió để có chiến tranh thế giới. Lor-ca tự đặt cho mình một sứ mệnh, là cải cách nền nghệ thuật già nua ở đất nước ông. Sáng tác của Lor-ca bảo vệ nhân quyền, ngợi ca dân chủ, chống lại những thế lực áp chế… Hiển nhiên, anh trở thànhkẻ thù của bọn phát xít. Chúng đã bắt, đã hành hình Lor-ca một cách lạnh lùng. Cái chết của Lor-ca đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới với bè lũ phát xít, tên tuổi của anh đã tập hợp mọi người bảo vệ văn hóa chống lại cường quyền. Đó là biểu tượng của việc chống phát xít và bảo vệ văn minh nhân loại.
Có rất nhiều tác phẩm bất hủ đã viết về Lor-ca . Ở Việt Nam có những bài hát về Lor-ca và có một bài thơ rất thành công về nhân vật này. Thanh Thảo là một nhà cách tân thơ ca gặp gỡ một nhà cách tân nghệ thuật ở đất nước Tây Ban Nha. Có lẽ hai tâm hồn đồng điệu này đã tìm tới nhau một cách tự nhiên.
* Đoạn thứ nhất cho ta nghe những âm thanh của tiếng đàn ghi- ta, cho ta hình dung một chàng nghệ sĩ lang thang đang đi trong một đêm trăng, đi mãi xa vời vào một vùng không gian không định trước.
“Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Lilalila lila
Đi lang thang về miền đơn độc
Với vầng trăng chếch choáng
Trên yên ngựa mỏi mòn.
Chỉ có một câu thơ gợi nên bối cảnh không gian ấy. Đó là, “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”. Tây Ban Nha không phải là màu xanh của biển cả, là vườn nho xanh. Tây Ban Nha không phải là sự dịu dàng nồng nhiệt của đôi mắt thiếu nữ. Bốn tiếng “áo choàng đỏ gắt” gợi cho chúng ta một nét văn hoá đặc trưng: Tây Ban Nha là xứ sở của những trận đấu bò tót.
Hoàn cảnh mà Lor-ca sinh ra và lớn lên ở đất nước quê hương mình là hoàn cảnh bất thường. Nơi ấy có những đấu trường đẫm máu. Bọn phát xít độc tài đang thủ tiêu tự do dân chủ đang đặt những người dân vào trong những đấu trường. Những câu thơ còn lại khắc họa hình tượng Lor-ca lẻ loi, đơn độc. Người nghệ sĩ ấy cùng với cây đàn ghi-ta cùng với những giai điệu ngợi ca quyền sống con người, đã trở nên hết sức lạc lõng trên đất nước. Chỉ có màu đỏ gắt. Lor-ca đi lang thang bởi vì anh không có cái đích để dừng chân. Mặt đất rộng mà Lor-ca sẽ tới không cho anh những tình người mà bắt cứ nghệ sĩ nào cũng mơ ước. Lor-ca đi với vầng trăng, nghiêng ngã chếch choáng cùng vầng trăng với một mình mối mòn ngắm vầng trăng, vầng trăng là một biểu tượng nghệ thuật từ xưa tới nay. Từ Đông sang Tây, nó hướng tới thế giới an bình, hạnh phúc. Làm bạn với trăng, ca ngợi vầng trăng là khát vọng của bất cứ người nghệ sĩ chân chính nào. Có điều Lor-ca cùng với vầng trăng rất cô đơn, cô độc. Đó là bối cảnh, đất nước Tây Ban Nha thời ấy.
Câu thơ mở đầu:
“Những tiếng đàn bọt nước” rất dễ liên tưởng tới câu thơ sau “Tiếng ghi-ta tròn, bọt nước vỡ tan”. Rõ ràng tiếng đàn ghi-ta là một ẩn dụ.
Đó là nghệ thuật của Lor-ca, đó là những giá trị cách tân của nhà nghệ sĩ Lor-ca. Và hai tiếng “bọt nước” gợi cho chúng ta về sự vật vô cùng mỏng manh rất dễ vỡ tan tành.
Nghệ thuật sáng tạo và bản thân những người nghệ sĩ đứng trước bạo lực cường quyền phát xít chỉ là những bọt nước không cần quá nhiều bạo lực để tiêu diệt.
Ý nghĩa thứ hai của hình tượng “bọt nước” chính là biểu tượng cho con đường cách tân của Lor-ca. Nghệ thuật không cách tân nó sẽ chết. Nhưng nếu cách tân táo bạo nó cũng có khả năng là bọt nước vỡ tan. Đây là bi kịch của những nhà cách tân táo bạo. “Bọt nước” ở trong văn học phương Tây thường nói tới tình yêu, sự ra đời của thần Vệ nữ là bắt đầu từ bọt nước biển. Như vậy, những “tiếng dàn bọt nước” xác định thế giới nghệ thuật của Lor-ca là ca ngợi tình yêu. Đó là những giá trị nhân văn, thiêng liêng, dễ vỡ nếu không có sự nâng niu đùm bọc, chởche.
Tây Ban Nha
Hát nghêu ngao
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bè bết đỏ
Lor-ca bộ điệu về bãi bắn
Chàng đi như người mộng du
Đoạn thứ hai tái hiện lại những giây phút kinh hoàng rất bất ngờ cuộc đời đoản mệnh của Lor-ca.
Trước đất nước Tây Ban Nha vang lên tiếng hát từ cây đàn ghi-ta của Lor-ca. Tiếng hát “nghêu ngao” biểu hiện những cảm xúc chân thực của chàng “nghệ sĩ lang thang”. Tiếng hát tưởng như nó thánh thiện vô tội không hề liên quan tới ai. Chắc hẳn Lor-ca cũng cảm nhận điều đó.
Thế mà Tây Ban Nha “bỗng kinh hoàng, ảo choàng bè bết đỏ”. Không chỉ là đấu trường trước lúc diễn ra một trận đấu, và những người hiệp sĩ đấu bò đã chết giữa đấu trường. Cái chết một mình Lor-ca được Thanh Thảo khái quát đó là cả một đất nước đang sống trong những cái chết của những người vô tội.
Hai dòng thơ cuối nói lên một tương phản. Chính quyền phát xít đã điệu Lor-ca về bãi bắn nhằm thủ tiêu tiếng nói tự do dân chủ. Nhưng ngay trong giây phút kinh hoàng ấy, tâm hồn Lor-ca vẫn “hát nghêu ngao” cho đất nước Tây Ban Nha, Vì:
“Chàng đi như người mộng du”
Lor-ca không tin mình bị giết bởi chàng không tin mình là tử tù. Hiện thực là bãi bắn nhưng không gian mà Lor-ca nghĩ tới là một cuộc du chơi trong giấc mộng. Hiện thực phũ phàng là bị lôi sềnh sệch về bãi bắn nhưng Lor-ca lại là người “đi thanh thản” trong giấc mộng. Tiêu diệt Lor-ca đến với chính quyền phát xít điều đó quá dễ dàng nhưng bè lũcường quyền không hiểu rằng chúng đang tiêu diệt những giá trị dân chủ mới của Tây Ban Nha. Bởi Lor-ca là hiện thân của Tây Ban Nha, thân xác người nghệ sĩ bị giết nhưng tiếng hát nghêu ngao của Tây Ban Nha thì vẫn còn:
Tiếng ghi-ta nâu
Bầu trời cô gái ấy
Tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
Tiếng ghi-ta tròn, bọt nước vỡ tan. .
Tiếng ghi-ta
Ròng ròng máu chảy.
Đoạn thơ thứ 3 thông qua “tiếng ghi-ta” ta bắt gặp được những nội dung nghệ thuật của chàng nghệ sĩ lang thang hát nghêu ngao trên đất nước Tây Ban Nha một nền văn hoá có truyền thống nghệ thuật độc đáo. Ta bắt gặp trong những giai điệu trái tim của Lor-ca, thiên nhiên, đất nước, tình yêu lứa đôi của miền đất đầy nắng ấm, của biển đồi luôn xanh một màu xanh, của những cánh đồng nho gắn với tình yêu, những cô gái mắt nâu. Nếu ai đã đọc Lor-ca thì thông qua khổ thơ này sẽ cảm nhận được rất nhiều hình tượng trong thế giới nghệ thuật của chính Lor-ca.
“Tiếng ghi-ta nâu /bầu trời cô gái ấy”gợi về tình yêu rất trinh trắng và cuồng nhiệt của những thiếu nữ mắt nâu với mái tóc màu hạt dẻ giữa những ruộng nho xanh và bầu trời chao đảo một màu xanh.
Tiếng ghi-ta thứ hai nó không “nâu” mà gợi thị giác màu xanh; xanh tới tận cùng “xanh biết mấy”. Tây Ban Nha là xứ sở của biển xanh, của bầu trời xanh, của những cây lá xanh. Đó là đất nước của hòa bình và hạnh phúc. .
Ấy vậy mà “tiếng ghi-ta tròn, bọt nước vỡ tan”, về vật lí, bọt nước càng to, càng lớn, càng tròn thì nó càng dễ vỡ.
Lor-ca càng cách tân nghệ thuật, càng thổi hồn vía dân chủ tự do vào tác phẩm của mình càng có nguy cơ bị tiêu diệt.
Hai dòng cuối cùng cho thấy chung cục và số phận của Lor-ca.
“Tiếng ghi-ta
Ròng ròng máu chảy”.
Sự lặp lại 4 lần 3 âm tiết. “Tiếng ghi-ta” trong 6 câu thơ đã cho thấy nghệ thuật của Lor-ca phong phú nhiều giai điệu, cho thấy sự đổi thay các đề tài của Lor-ca tất yếu sẽ nhận một kết cục đẫm máu:
“Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng.
Bốn dòng tiếp theo, Thanh Thảo suy nghĩ về nghệ thuật cách tân Lor-ca sau khi ông mất. .
Quả thật, sau khi bị bắn thân thể Lor-ca được chôn cất nhưng những gì mà ông cách tân ông để lại cho nghệ thuật không ai có thể giết chết nó. Vì vậy mà
“Không ai chôn cất tiếng đàn”
Vậy thì tiếng đàn sẽ có hai khả năng một là nó sẽ nâu, sẽ xanh biết mấy – nghĩa là nó vẫn hát lên những giá trị tích cực của tâm hồn Lor-ca. Oái ăm thay, sau khi Lor-ca mất, những cách tân dang dở của ông không ai có đủ tài năng để người ta đi tiếp. Vì vậy mà nó “như cỏ mọc hoang”. Vì vậy mà những giá trị của Lor-ca là “nước mắt” là “vầng trăng”, là “ánh sáng long lanh” nhưng lại nằm ở “trong đáy giếng”.
Đường chỉ tay đã đứt
Dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
Trên chiếc ghi-ta màu bạc.
Đoạn thơ thứ 5 có một sự tương phản đối lập. Một bên là “đường chỉ tay đã đứt” và một bên là “dòng sông rộng vô cùng”.
Số mệnh Lor-ca đã chấm dứt tại đột ngột nhưng dòng sông của cuộc đời thì vẫn tha thiết chảy đêm ngày.
Có điều, dòng sông cuộc đời không được Thanh Thảo quan tâm theo dòng chảy chiều dọc mà Thanh Thảo quan tâm tới chiều rộng của nó. Vì thế mà Lor-ca không thả mình trôi xuôi qua dòng sông. Linh hồn của ông đã “bơi sang ngang” nối kết hai bờ. Hành động đó là một cố gắng Lor-ca bơi cùng với “chiếc ghi-ta màu bạc”. Ghi-ta hẳn là biểu tượng của thế giới nghệ thuật, còn “màu bạc” là màu của ánh trăng. Chiếc ghi-ta màu bạc là thế giới nghệ thuật, hướng tới những giá trị nhân văn, ngợi ca hạnh phúc con người.
“Chàng ném lá bùa cô gái di-gan
Vào xoáy nước
Chàng ném trái tim mình
Vào lặng yên bất chợt
Lila lila lila.
Câu thơ đầu tiên của khổ thơ cuối có hình tượng “lá bùa cô gái Di- gan”. Tây Ban Nha có bộ lạc Di-gan sinh sống. Họ là những người phóng khoáng yêu tự do đến cuồng nhiệt. Cũng là những người gieo rắc những tư tưởng thần bí qua việc coi chỉ tay, làm bùa chú để định hướng cho số phận. Lor-ca ném bùa vào xoáy nước tức là chàng đã khước từ những định mệnh oái ăm ràng buộc. Chàng không thừa nhận sự cay nghiệt của định mệnh. Vì thế,
“Chàng ném trải tim mình
Vào lặng yên bất chợt”.
Trái tim Lor-ca là thế giới nghệ thuật của anh. Nơi “lặng yên bất chợt”
là vương quốc tự do của cảm hứng sáng tạo. Đó là cõi vĩnh hằng của hạnh phúc. Trái tim ngủ ngon để rồi nó thức dậy với những giai điệu mới.
Câu thơ kết thúc chỉ là ghi âm của tiếng đàn ghi-ta. Đó là tiếng đàn của trái tim sau giây phút “lặng yên bất chợt”. Nó sẽ reo ca. Và giai điệu nó sẽ sống mãi.
Leave a Reply