A. MỤC TIÊU
– Học sinh ôn tập về văn miêu tả con vật, nắm rõ trình tự khi quan sát và mô tả con vật đã quan sát.
– Biết trình bày bài văn theo trình tự đã quan sát.
– Phân biệt rõ từng nội dung của mỗi đoạn văn, biết viết câu mở đoạn và câu chuyển ý (kết đoạn) rõ ràng, mạch lạc.
B. NỘI DUNG
1. Học sinh đọc bài văn “Chim hoạ mi hót” (sách Tiếng Việt 5, tập 2, trang 123) trả lời các câu hỏi:
a. Bài văn trên có mấy đoạn? Nội dung chính của mỗi đoạn là gì? Bài văn gồm có 4 đoạn:
– Đoạn 1: “Chiều nào … mà hót”: giới thiệu con chim hoạ mi hót vào buổi chiều.
– Đoạn 2: “Hình như… cỏ cây”: tiếng hót của chim hoạ mi.
– Đoạn 3: “Hót một … bóng đêm dày”: cách ngủ của chim hoạ mi.
– Đoạn 4: “Rồi hôm sau … bay vút đi”: tiếng hót vào buổi sáng sớm của chim hoạ mi.
b. Tác giả bài văn đã quan sát con chim hoạ mi bằng những giác quan nào?
Tác giả đã quan sát con chim hoạ mi bằng các giác quan:
– Thị giác (mắt nhìn thấy chim)
– Thính giác (nghe tiếng chim hót)
c. Em thích những chi tiết và những hình ảnh nào? Vì sao?
– Hình ảnh so sánh;
Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây. (1)
– Hót một lúc lâu, nhạc sĩ giang hồ không tên tuổi ấy từ từ nhắm hai mắt lại, thu đầu vào lông cổ, im lặng ngủ, ngủ say sưa sau một cuộc viễn du trong bóng đêm dày. (2)
Nó kéo dài cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn xa gần đâu đó lắng nghe.
– (1) Tác giả quan sát con chim hoạ mi rất tỉ mỉ. Chi tiết “như một điệu đàn” trong buổi chiều tĩnh mịch làm nổi bật tiếng hót của chim hoạ mi.
– (2) Tác giả gọi con chim hoạ mi là “nhạc sĩ giang hồ”: so sánh và nhân hoá.
– (3) Chim hoạ mi hót tha thiết để mọi người đều nghe: “nó muốn…”
2. Viết một đoạn văn khoảng 5 câu tả hình dáng (và hoạtđộng) của một con vật mà em yêu thích.
BÀI LÀM 1
(Đoạn văn tả hình dáng con chó)
Bê-tô là một con cún xinh đẹp thuộc giống chó Nhật đặc chủng. Bộ lông trắng của nó xù lên, xoăn xoăn khắp thân hình như một cái áo choàng lông. Mắt nó tròn, to, hơi lồi, mi mắt màu hồng nâu. Cái mõm thon nhỏ, màu hồng tươi như đôi môi của một em bé. Hai tai cún như hai dải mũ quặp lại, rũ xuống hai bên má lúc lắc theo từng bước chạy của nó. Bốn chân của Bê-tô thon nhỏ và ngắn nên những bước chạy của chú chó dường như gấp lên, rung rinh cái đuôi xù thật ngộ nghĩnh. Bộ dạng đỏm dáng như thế nên Bê-tô giống như một con chó nhồi bông. Cún ta cũng biết mình là thú cưng trong nhà.
BÀI LÀM 2
(Đoạn văn tả hình dáng con chim đại bàng con)
Vào ngày chủ nhật em thường đi qua nhà sách. Đường đi qua nhà sách băng qua một vườn thú và chim muông. Mê xem thú, em thường ghé vào đây chốc lát. Trong chuồng chim, dăm bảy chú đại bàng con rất đẹp đang vươn vai đón nắng. Chú đại bàng con còn tơ non nhưng đã ra dáng là thợ săn của thảo nguyên bát ngát. Mỏ chú chim quằm xuống gần như vuông góc. Mắt nó xếch, vành ngoài quanh con ngươi màu vàng có hình vành khuyên đỏ trong như hồng ngọc. Phủ trên đầu chim, dài đến ức là bộ lông cổ màu vàng mơ, ngà ngà. Bộ lông chimmới thật đúng là tài hoa dệt màu của tạo hoá. Bộ lông màu ngà, lông cánh màu nâu. Một màu nâu pha xám, tôn bộ lông màu ngà của nó mà những giống chim khác hiếm có được. Đôi chân chú chim còn có móng sắc, vũ khí lợi hại giúp nósăn mồi. Đại bàng con vẫn không hổ thẹn là con chim dũng mãnh của vùng rừng xanh.
BÀI LÀM 3
(Đoạn văn tả hình dáng con mèo nhà em nuôi)
Con mèo nhà em không hề có tên riêng. Nó đã quen với tên gọi “Mèo” mà cả nhà ai cũng gọi nónhư thế. Mèo ta được cả nhà đặt tên cho là Phù Thuỷ Mèo bởi chính nó rất khôn ngoan. Hình dáng bên ngoài của nó rất xứng đáng với biệt danh đó: nó đen tuyền, một bộ lông đen óng mượt như nhung. Đầu nó tròn, hai con mắt màu xanh biếc, bộ ria đen thính nhạy. Thân hình nó uyển chuyển, mềm mại với cái đuôi dài duyên dáng. Bốn chân nó đẹp như đi hài nhung đen. Chú mèo mun được cả nhà cưng chiều. Em rất yêu quý chú mèo phù thuỷ của em.
Leave a Reply