Nêu cảm nhận về khổ thơ sau đây trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mạc Tử
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Hàn Mặc Tử là một trong số những nhà thơ xuất sắc của phong trào “Thơ mới”. Ông đã để lại nhiều tập thơ đặc sắc, trong đó có những bài thơ rất trong trẻo và tươi sáng, hình ảnh đẹp như trong ca dao, cổ tích. Đó là các bài Tình quê, Mùa xuân chín và đặc biệt là bài Đây thôn Vĩ Dạ, in trong tập Thơ Điên của nhà thơ.
– Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ viết về Huế, viết cho Huế, bộc lộ lòng mến yêu của tác giả trước một xứ sở đẹp và thơ, với những hình ảnh của cảnh và người xứ Huế thơ mộng. Khổ thơ bình giảng là khố thơ thứ hai
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay .
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
II. THÂN BÀI
1. Ở khổ thơ này, tâm trí Hàn Mặc Tử hướng về một hình ảnh không thể tách rời thôn Vĩa Dạ, đó là dòng sông Hương với hai nét tiêu biểu cho xứ Huế là êm đềm và thơ mộng, đồng thời ẩn sâu trong đó biết bao cảm xúc, suy tư của nhà thơ:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Hai câu thơ tả thực vẻ êm đềm, nhịp điệu khoan thai của xứ Huế: gió mây nhè nhẹ bay đi, dòng nước chảy lững lờ, cây cỏ khẽ đung đưa. Biện pháp nhân hóa với cả gió, mây và dòng sông đã tạo sắc thái cảm xúc ở hai câu thơ này. Gió thổi mây bay và nhờ gió mà dòng sông mới có sóng, có sự sống động nhưng ở đây mây và gió lại rời xa nhau. Sự chuyển động ngược chiều của gió mây làm tăng thêm cái trống vắng của không gian; hay nói đúng hơn, rất ít mây và gió nên dòng sông lặng lẽ buồn thiu và cây cỏ bên bờ chỉ lay động rất nhẹ. Nhìn chung, đó là một hình ảnh đẹp nhưng cũng thật lạnh lẽo, dường như phảng phất tâm trạng u buồn, cô đơn của nhà thơ trước sự thờ ơ, xa cách của cuộc đời đối với mình.
2,
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Hai câu thơ sau cho thấy tâm hồn nhà thơ buồn và cô đơn nhưng vẫn chan chứa tình yêu với con người và thiên nhiên xứ Huế. Đây là cảnh thực mà như hư ảo, vì dòng sông không còn là dòng sông của sóng nước nữa mà là dòng sông ánh sáng, lấp lánh ánh trăng vàng, hay đây là dòng ánh sáng tuôn chảy khắp vũ trụ làm cho không gian nghệ thuật thêm hư ảo, mênh mang. Cũng vì thế, con thuyền vốn có thực trên dòng sông đã trở thành một hình ảnh của mộng tưởng, đậu trên bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong mơ. Có thể nói ngòi bút tài hoa của Hàn Mặc Tử đã phác họa được nét dẹp của sông Hương là vẻ huyền ảo, thơ mộng dưới ánh trăng. Đến câu thơ thứ hai, con thuyền, dòng sông, ánh trăng trong sự hồi tưởng quá khứ ấy lại gắn với cảm nghĩ của nhà thơ trong hiện tại, bởi vì nhà thơ mong muốn con thuyền chở trăng về kịp tối nay chứ không phải một tối nào khác. Phải chăng trong cái tối nay đó, một buổi tôi thật buồn và cô đơn, nhà thơ có điều gì muốn tâm sự mà riêng chỉ có trăng mới hiểu được nhà thơ? Điều đó cho thấy Hàn Mặc Tử rất yêu trăng, trăng là người bạn thân thiết củanhà thơ. Cũng như nhà thơ rất yêu xứ Huế nhưng dường như cảnh Huế, người Huế không hiểu được, không đáp lại tình yêu ấy nên nhà thơ mới phải mong muốn tâm sự với một người bạn nơi xa vời là vầng trăng – ánh trăng xoa dịu nỗi xót xa, khi có trăng bầu bạn thì con người sẽ bớt cô đơn.
III. KẾT BÀI
– Cùng với khổ đầu và khổ cuối, khổ thơ thứ hai của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đã dệt nên những hình ảnh thơ bằng một thứ ngôn từ trong suốt, đẹp đẽ và gợi cảm, đọng lại trong tâm hồn người đọc những ấn tượng da diết, khó phai mờ về một xứ Huế thơ mộng và thân thương.
– Người đọc yêu mến bài thơ, vì biết rằng bài thơ này đã được tác giả viết ra từ một tâm hồn đau khổ, nhưng luôn gắn bó thiết tha với cuộc đời và con người bằng một tình yêu trần thế.
Leave a Reply