Phân tích bài thơ “Thương vợ” của Trần Tế Xương.
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm convới một chồng.
Lặn lội thân cò khi quảng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững củng như không.
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Thương vợ được viết khoảng năm 1896 – 1897. Bà Tú tên Phạm Thị Mẫn, là người vợ hiền thục đảm đang, tần tảo lo cho chồng con, nên tác giả rất quý trọng và có viết một số bài thơ về bà. Trong những bài thơ viết về vợ của Tú Xương, bao giờ ta cũng bắt gặp hình ảnh hai người: bà Tú hiện ra phía trước, ông Tú khuất ở phía sau, nhìn kĩ mới nhận ra và hiển hiện trong từng câu thơ. Đằng sau cốt cách khôi hài, trào phúng là cả một tấm lòng, không chỉ thương mà còn tri ân vợ.
– Đặc biệt, bài Thương vợ thể hiện lòng thương quý và biết an người vợ đảm đang, giàu đức hi sinh cho chồng con.
II. THÂN BÀI
A. VIỆC MƯU SINH VẤT VẢ CỦA BÀ TÚ
1. Việc mưu sinh vất vả của bà Tú được diễn tả trong bốn câu đầu.
– Thời gian (quanh năm), công việc (buôn bán), không gian (ở mom sông): quanh năm bà Tú miệt mài buôn bán vất vả ở mom sông, lo liệu việc mưu sinh cho cả nhà là nuôi lũ con (năm con), lại nuôi luôn cả chồng (với một chồng). Lối nói úp mở vừa hóm hỉnh trong hai câu 1, 2 vừa nhấn mạnh lòng biết ơn pha lẫn sự ăn năn và tỏ ý thương quý bà Tú.
– Câu 3 mượn hình ảnh con cò trong ca dao, có sử dụng biện pháp đảo ngữ (lặn lội thân cò) để diễn tả việc buôn bán vất vả của bà Tú, lặn lội cả những nơi vắng vẻ, nguy hiểm (nơi quãng vắng). Câu 4 tả cảnh bà Tú phải chen chúc trên mặt nước vào những buổi đò đông, eo sèo mua bán thật tất bật, nhọc nhằn.
B. ĐỨC TÍNH CAO ĐẸP CỦA BÀ TÚ
– Bà Tú là người đảm đang, tháo vát, chu đáo với chồng con:
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Trong hai câu 5 và 6, Tú Xương một lần nữa cảm phục sự quên mình của vợ:
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
– Duyên một mà nợ hai nhưng bà Tú không một lời phàn nàn, lặng lẽ chấp nhận sự vất vả vì chồng con.
– Nắng mưa chỉ sự vất vả, năm, mười là số lượng phiếm chỉ để nói số nhiều, được tách ra tạo nên một thành ngữ chéo (“năm nắng mười mưa”), vừa nói lên sự vất vả gian truân, vừa thể hiện được đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú.
C. THÓI ĐỜI ĂN Ở BẠC
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
– Trong hai câu 7, 8, giọng thơ như nguyền rủa thói ăn ở bạc bẽo của chính nhà thơ. Nhìn bề ngoài, quả thật ông chẳng những không chia sẻ với nỗi cực nhọc trong việc mưu sinh của gia đình, lại trở thành gánh nặng cho bà Tú, nên có cũng như không. Có vẻ như ông hờ hững, bạc bẽo đối với vợ, thật đáng chê trách.
– Lời chửi trong hai câu kết là lời Tú Xương rủa mát mình nhưng lại mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Ông chửi “thói đời” bạc bẽo, vì thói đời là một nguyên nhân xâu xa khiến bà Tú phải khổ. Từ hoàn cảnh riêng, tác giả lên án thói đời bạc bẽo nói chung.
III. KẾT BÀI
Xã hội xưa “trọng nam khinh nữ”, coi người phụ nữ là thân phận phụ thuộc. Một nhà nho như Tú Xương dám sòng phẳng với bản thân, với cuộc đời, dám tự thừa nhận mình là “quan ăn lương vợ”, không những đã biết nhận ra thiếu sót, mà còn dám tự nhận khiếm khuyết. Một con người như thế là một nhân cách đẹp.
Leave a Reply