Từ hai hình tượng Chí Phèo và lão Hạc trong những tác phẩm cùng tên của Nam Cao, hãy chỉ ra tấm lòng của nhà văn đối với người nông dân cùng khổ trước Cách mạng tháng Tám 1945.
YÊU CẦU
– Thể loại
Kiểu bài tổng hợp (phân tích và chứng minh), cụ thể là phân tích và chứng minh một khía cạnh về tác giả.
– Nội dung
Tấm lòng Nam Cao đối với người nông dân cùng khổ trước cách mạng tháng Tám (qua hai nhân vật Chí Phèo và lão Hạc).
GỢI ý
Từ cách xây dựng hai nhân vật Chí Phèo và lão Hạc, Nam Cao thể hiện tấm lòng nhân đạo đối với người nông dân cùng khổ. Cho nên cần nắm vững hai tác phẩm được nêu ra trong đề bài, biết chọn dẫn chứng tiêu biểu để chứng minh. Cũng có thể nêu vài nhận xét về tấm lòng nhân đạo ấy trong phần cuối của thân bài.
A. PHÂN TÍCH
1. Sự gắn bó ân tình sâu nặng, thiết tha với bà con nông dân ruột thịt ở quê hương của Nam Cao có liên quan chặt chẽ đến tinh thần nhân đạo sâu sắc của nhà văn.
– Từ cuộc đời của nhà văn, người đọc rút ra một điều: nhà văn càng có điều kiện gần gũi, gắn bó với nhân dân thì cái gốc nhân đạo của tác giả càng sâu sắc và tiêu biểu.
2. Sáng tác của Nam Cao tập trung vào hai đề tài lớn: người trí thức nghèo và người nông dân nghèo. Viết về người nông dân, Nam Cao có tới hơn hai mươi tác phẩm.
– Nam Cao được coi là nhà văn của nông dân, bởi ông thấu hiểu sâu sắc số phận của người nông dân trong xã hội cũ với bao nỗi thống khổ cùng cực.
– Mỗi tác phẩm của Nam Cao viết về đề tài người nông dân là một câu chuyện cảm động về cuộc đời khốn cùng, thê thảm của người nông dân và nhà văn đặc biệt quan tâm tới số phận của họ. Tác phẩm thường tập trung đi sâu vào nỗi khổ của những tâmhồn bị đọa đày, nhân phẩm bị xúc phạm. Từ nỗi khổ của người nông dân, Nam Cao đã lên án xã hội bất công đã chà đạp lên nhân phẩm con người và đã bênh vực họ ngay khi họ bị nhục mạ một cách độc ác.
3. Qua hai tác phẩm “Chí Phèo” và “Lão Hạc”, Nam Cao đã xây dựng thành công hai hình tượng người nông dân. Qua hai nhân vật Chí Phèo và lão Hạc, Nam Cao đã bộc , lộ sâu sắc lòng yêu thương, sự trân trọng đối với người cùng khổ.
B. CHỨNG MINH
1. Từ hình tượng nhân vật Chí Phèo
– Nam Cao không nói về sưu thuế như Ngô Tất Tố, mà tác giả nói về số phận người lao động bị chà đạp ở hai bình diện:
• Bị tha hóa, lưu manh.
• Muốn trở lại làm người lương thiện nhưng bị cự tuyệt.
– Nam Cao có cái nhìn mới mẻ, sâu sắc trong việc thể hiện nỗi đau khổ của người nông dân bị áp bức bóc lột trong xã hội cũ. Từ nỗi đau khổ của họ, nhà văn đã biểu hiện thái độ căm thù giai, cấp địa chủ, cường hào đã đẩy người nông dân vào chỗ lưu manh hóa.
– Từ hình tượng Chí Phèo sau khi ở tù ra, Nam Cao đã phản ánh được quy luật ở nông thôn nước ta thời thuộc Pháp: người lương thiện bị xô đẩy vào con đường cùng. Họ đã phản kháng lại để tồn tại.
– Nam Cao bày tỏ sự cảm thương cho số phận đau khổ của người nông dân (qua nhân vật Chí Phèo) và tác giả đã viết những trang văn đầy xúc động. Người đọc cảm thương cho người cố nông phải sống trong trạng thái cùng khổ triền miên, bị cướp mất hình người và linh hồn người.
– Nam Cao đã chỉ ra được bản chất lương thiện của người lao động ẩn giấu trong con người lưu manh của họ. Tác giả khẳng định tình người, tình yêu đã sưởi ấm và làm sống dậy trong tâm hồn kẻ bất hạnh như Chí Phèo, Thị Nở và bao kiếp người cùng khốn trong xã hội cũ.
2. Từ hình tượng nhân vật lão Hạc
– Tác phẩm Lão Hạc được viết sau tác phẩm Chí Phèo nên hình tượng người nông dân của Nam Cao và tấm lòng đến với người nông dân của Nam Cao dường như “đẹp” hơn và trọn vẹn hơn. Nếu trong tác phẩm Chí Phèo, nhà văn đã cho nhân vật của mình bị ngã gục trước sự cám dỗ của vật chất, bị lưu manh hóa, bị rơi vào bi kịch xót xa, thì trong Lão Hạc, hình tượng lão Hạc đã trở thành biểu tượng cho nhân cách đẹp ở người nông dân.
– Người đọc thấy rằng chưa bao giờ chất giọng của Nam Cao lại nghiêm nghị và trân trọng như khi ông viết Lão Hạc. Tác giả xây dựng những nhân vật bằng niềm xót xa mà vẫn kiêu hãnh, tự hào,
– Nếu trong Chí Phèo, Nam Cao chỉ cho người đọc thấy đó là một người khao khát sống lương thiện nhưng đã bất lực và phải trốn vào những cơn say triền miên thì đến truyện Lão Hạc, Nam Cao đã xây dựng lão Hạc là người nông dân lương thiện thực sự, vì:
• Lão sống bằng chính sức lao động của mình.
• Ở bất kì cảnh ngộ nào, lão cũng rất hiền lành, giữ nhân cách.
– Yêu thương con người, Nam Cao đã dành tình thương yêu cho hình tượng lão Hạc, tác giả đã không để cho lão Hạc chìm vào dòng lũ nghiệt ngã của dòng đời như Chí Phèo mà:
* Lão Hạc chết vẫn không ố, vẫn trong trắng.
* Bất chấp mọi nghịch cảnh để giữ cho được phẩm giá của mình.
* Là người cha giàu lòng yêu con với một tình cảm sâu nặng.
* Là con người nhân ái, giàu nghĩa tình.
* Là người có lòng tự trọng, có ý thức và trách nhiệm về những việc làm của mình.
3. Nhận xét tấm lòng của Nam Cao với người lao động
– Thể hiện tình cảm trân trọngđặc biệt đối với người nông dân.
– Khám phá được những gì sâu sắc nơi người nông dân khốn khổ. Đó là những con người có lương tri. Họ biết suy nghĩ, hành động, biết yêu thương, và biết trăn trở để giữ gìn phẩm giá con người.
– Nam Cao là nhà văn biết khóc cho nỗi khổ của người nông dân bất hạnh.
– Viết được hai hình tượng nhân vật như Chí Phèo, lão Hạc, Nam Cao phải hiểu đời, hiểu người, thấu đáo nỗi đau của con người. Nhà văn đã nói lên được khát vọng hoàn lương của Chí Phèo hoặc miêu tả các tiếng khóc khác nhau trong cuộc đời của Lão Hạc.
– Yêu thương người nông dân, Nam Cao đã đẩy nỗi bi thảm của những người cùng khổ đến tận cùng và cũng từ đó thắp sáng lên những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn họ.
Leave a Reply