Cảm nhận và suy nghĩ của em về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) của Lí Bạch.
Bài làm
Nếu cái đặc sắc của bài Xa ngắm thác núi Lư là sự kì vĩ, hoành tráng của thiên nhiên được thể hiện bằng sức tưởng tượngphong phú, phi thường thì cái đặc sắc của bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là ở độ sâu lắng của cảm xúc, ở sự bình dị, kín đáo và đầy thi vị của cảnh vật.
Bài thơ này gồm có bốn câu là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa cảnh và tình. Thi nhân từ xưa đến nay hay mượn cảnh để tả tình, mượn cảnh để tỏ bày nỗi niềm tâm sự của mình. Lí Bạch cũng thế.
Ở hai câu đầu, ông viết:
‘’Đầu giường ánh trăng rọi Ngỡ mặt đất phủ sương…”.
Hai câu thơ này tả trăng nhưng không chỉ để tả trăng. Ánh trăng rọi sáng tượng trưng cho đêm thanh tĩnh. Trong đêm ấy, thi nhân không ngủ được. Trước ánh trăng lung linh vằng vặc, ông cứ ngỡ là mặt đất phủ sương. Phải là một tâm hồn có sức tưởng tượng phong phú, phi thường, một tấm lòng chất chứa bao nhiêu nỗi niềm mới có được cảm xúc ấy, cái nhìn tuyệt vời, thơ mộng ấy.
Hai câu thơ tiếp theo là:
“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng Cúi đầu nhớ cố hương…”.
Thời tuổi nhỏ Lí Bạch thường lên núi Nga Mi để ngắm trăng. Lớn lên, thành thi sĩ, ông đã có nhiều bài thơ nói đến trăng. Ở đây Lí Bạch cũng không sao dửng dưng được với trăng. Có thể lòng đang chất chứa bao nỗi ưu tư nên đêm khuya, thi nhân trằn trọc không sao ngủ được. Thấy trăng sáng rọi đầu giường, ông mừng như gặp lại cố nhân, ngẩng đầu lên tìm lại vầng trăng thân thuộc cũ. Vầng trăng đêm nay bất chợt gợi lại hình ảnh vầng trăng thời niên thiếu trên núi Nga Mi thuở nào. Vì thế, vừa ngẩng đầu lên, thi nhân liền cúi ngay đầu xuống.
Hai tư thế đối ngược nhau “ngẩng đầu”, “cúi đầu” làm bật ra mạch cảm xúc “vọng minh nguyệt, tư cố hương’’ dạt dào, lai láng. Khi “ngẩng đầu” lên nhìn trăng, lòng vui vẻ phấn khởi và thoải mái bao nhiêu thì khi “cúi đầu” xuống tưởng nhớ đến cố hương thì lòng buồn rầu trăn trở bấy nhiêu. “Cố hương” là quê xưa, là mảnh đất cắt rốn chôn nhau, là nơi có bao người thân yêu đang sông hay đã gửi vào đất nắm xương tàn. Đối với kẻ lưu lạc nơi quê người đất khách, hai chữ cố hương thật quá đỗi thiêng liêng, sâu nặng, day dứt đến khôn cùng.
Bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) của Lí Bạch là một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt tuyệt vời. Thật đúng với nhận xét của Trương Minh Phi, một nhà phê bình thơ Đường: “Trong loại thơ nhìn trăng mà thổ lộ tâm tình nhớ quê, bài có khuôn khổ nhỏ nhất, ngôn từ đơn giản tinh khiết nhất là Tĩnh dạ tứ của Lí Bạch, song bài có ma lực lớn nhất, được truyền tụng rộng rãi nhất cũng là bài Tĩnh dạ tứ ấy”.
Trình bày một số nét về cuộc đời Lí Bạch và hai bài thơ Xa ngắm thác núi Lư và cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của ông.
Gợi ý viết bài
• Cuộc đời Lí Bạch
Lí Bạch sinh năm 701, mất năm 762 ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ông có hiệu là Thanh Liên, tự là Thái Bạch. Lí Bạch là một trong những nhà thơ lớn thời Đường nói riêng và của Trung Quốc nói chung.
Lí Bạch là người có tâm hồn phóng khoáng, thích ngao du sơn thuỷ để thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên. Ông là bạn của Đỗ Phủ, một nhà thơ lớn khác đời Đường, tác giả của bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá mà chúng ta sẽ được học ở phần sau, mặc dù hai người có sự chênh lệch về tuổi tác. Hai nhà thơ là đôi bạn tri âm tri kỉ.
Lí Bạch để lại cho thế hệ sau gần một nghìn bài thơ, trong đó có nhiều bài làm nên tên tuổi của ông. Đề tài trong thơ Lí Bạch hết sức phong phú từ tình bạn, tình yêu đến chiến tranh, chuyện đời, chuyện người, có cả tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, Lí Bạch rất hứng thú với việc miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ. Tất cả các bài thơ ông đều gửi gắm vào đó nỗi lòng tâm sự và tâm trạng của mình.
Thơ Lí Bạch mang phong cách phóng khoáng, thể hiện tinh thần hào hiệp, khát vọng tự do và thái độ xem thường danh vọng của ông. Thơ của ông tiêu biểu cho phong cách thơ Đường ở Trung Quốc, ông đã nâng thơ Đường thành một nghệ thuật mới trong sáng tác thơ. Chính vì vậy, người đời sau đã tặng ông danh hiệu tiên thơ.
· Hai bài thơ Xa ngắm thác núi Lư và Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh
Hai bài thơ trên thể hiện cảm nhận tinh tế của Lí Bạch trước cảnh đẹp thiên nhiên, đồng thời cũng thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước của ông. Thể thơ của hai bài thơ trên cho thấy đặc điểm của các thể thơ Đường.
Bài thơ Xa ngắm thác núi Lư được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, thể thơ phổ biến trong thơ Đường. Bài thơ gồm có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, những từ cuối của các câu 1, 2 và 4 hiệp vần với nhau. Bài thơ miêu tả cảnh thiên nhiên tráng lệ, hùng vĩ, huyền ảo và thơ mộng của thác núi Lư. Qua đó, tác giả đã thể hiện tình yêu thiên nhiên thắm thiết, qua tình yêu thiên nhiên đó, Lí Bạch gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước của mình.
Bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh được viết theo thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, 5 chữ cũng là một thể thơ phổ biến thời kì này. Bài thơ gồm có 4 câu, mỗi câu, chữ cuối cùng của câu thứ 2 và 4 hiệp vần với nhau. Bài thơ miêu tả cảnh đẹp của một đêm trăng yên tĩnh, qua đó nói lên nỗi lòng của nhà thơ đối với quê hương. Tác giả nhìn ánh trăng và nhớ về quê cũ của mình.
Phân tích bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) của Lí Bạch.
Bài làm
Lí Bạch (701 – 763) là một trong những nhà thơ lớn đời Đường, ông để lại trên một nghìn bài thơ. Thiên nhiên tráng lệ, trăng và rượu, tình bằng hữu, tình cố hương, lòng khát khaotự do được diễn tả qua những vần thơ lãng mạn, tràn đầy hùng tâm, tráng chí của một thi nhân – kiếm khách.
Xa ngắm thác núi Lư, Đường đi khó, Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnhlà những bài thơ tuyệt tác của Lí Bạch cho thấy một hồn thợ tuyệt đẹp.
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là nỗi buồn nhớ cố hương sâu lắng của Lí Bạch. Đây là bản dịch thơ:
“Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương”.
Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, vẻn vẹn có 20 chữ nhưng đã tạo nên một bức tranh thủy mặc về cảnh mộng đêm trăng gợi lên vẻ đẹp tâm hồn của thi nhân với bút pháp lãng mạn thần tình.
Đêm về khuya càng trở nên thanh tĩnh. Không gian bốn về vắng lặng. Không một tiếng gió thổi, một tiếng côn trùng kêu. Cũng chẳng có một tiếng chuông chùa ngân buông. Nhà thơ chợt tỉnh giấc thấy mình nằm dưới trăng:
“Đầu giường ánh trăng rọi”.
Cả một không gian ngập tràn ánh trăng. Ánh sáng rọi vào đầu giường. Hình như trăng đã đánh thức thi nhân dậy. Thật cảm động, trăng đến khơi gợi một nguồn thơ và trăng là chất liệu tạo nên vần thơ dào dạt.
Ánh trăng sáng quá, trải khắp không gian, bao phủ khắp mặt đất. Câu thơ thứ hai biểu hiện một trạng thái ngỡ ngàng của thi nhân vừa tỉnh giấc vừa nhìn trăng. Trăng đẹp và thơ mộng. Đêm đã sang canh, êm đềm thanh tĩnh. Chỉ có trăng và nhà thơ. Thế rồi, “Thi tiên” Lí Bạch “ngẩng đầu” ngắm trăng. Trăng với thi nhân như đôi bạn tri âm gặp nhau, nhìn nhau cảm động không nói nên lời. Cả ba câu thơ đầu đều tả ánh trăng trong đêm thanh tĩnh với tâm trạng ngỡ ngàng và bồi hồi của thi nhân. Câu 1 và 3 tả trăng bằng trực giác, câu 2 tả trăng bằng cảm giác. Một không gian nghệ thuật vừa thực vừa mộng, huyền ảo lung linh:
“Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng”.
Lúc bấy giờ, Lí Bạch đang sống nơi đất khách quê người. Giữa đêm khuya thanh tĩnh chỉ có trăng và thi nhân. Ba câu thơ đầu gợi tả một tâm trạng: nỗi buồn cô đơn của khách li hương.
Hai câu thơ 3 và 4 được cấu trúc theo phép đối:
“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương”.
Hai tư thế: “ngẩng đầu” và “cúi đầu”, hai tâm trạng “nhìn” và “nhớ”’, hai đối tượng làm xúc động và trĩu lòng kẻ xa quê: “trăng sáng” và “cố hương”. Hai hình ảnh “trăng sáng” và “cố hương” đi sóng đôi biểu hiện một tâm hồn giàu tình yêu thiên nhiên, một tấm lòng yêu quê hương thiết tha, sâu nặng. “Cố hương” là quê cũ thân yêu, “nhớ cố hương” là nhớ tới giađình, nhớ tới người thân ruột thịt, nhớ tới thời thơ ấu với bao mộng tưởng và kỉ niệm đẹp, nhớ lại những thăng trầm một đời người… Ta từng biết, Lí Bạch quê ở Ba Thục, thuở nhỏ thường leo lên núi Nga Mi để ngắm trăng và múa kiếm. Lớn lên, ông mang theo bầu rượu, túi thơ và thanh kiếm hiệp khách đi chu du mọi phía chân trời góc bể, chan hòa với gió trăng và tình bằng hữu… Vì thế, ánh trăng đêm nay là ánh trăng gợi nhớ, gợi sầu, vấn vương một hoài niệm, làm sống dậy bao bâng khuâng của một hồn thơ và một tình quê man mác.
“Ánh trăng” và “cố hương” gắn bó với nhau trong mạch cảm hứng trữ tình, hòa quyện thành một liên tưởng thấm thìa, cảm động, nâng cánh cho hồn thơ bay lên. Trăng lênh láng tràn ngập. Cảm xúc thơ dâng lên dào dạt.
Có thể nói Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là một bài thơ trăng tuyệt bút. Lí Bạch rất tinh tế khi lấy ngoại cảnh là “ánh trăng” miền đất lạ để biểu hiện tâm tình: nỗi buồn nhớ cố hương.
Ngôn ngữ thơ hàm súc, hình tượng hoa lệ, cảm xúc mênh mang, gợi lên bao nỗi buồn đẹp – tất cả góp phần tạo nên vẻ đẹp văn chương của bài thơ trăng này. Lí Bạch đã để lại hàng trăm bài thơ trăng. Ai đã từng trải qua nhiều năm tháng li hương, ai đã từng mang một tâm hồn yêu trăng, chắc sẽ bồi hồi xúc động khi đọc bài thơ này của Lí Bạch.
Tạ Đức Hiền
Bình giảng bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lí Bạch.
Bài làm
Lí Bạch quê ở Cam Túc, nhưng sinh ở Tứ Xuyên. Thuở nhỏ ông thường lên núi Nga Mi và Thanh Thành đọc sách, ngắm trăng. Những ấn tượng và kỉ niệm đẹp đẽ của quê hương đối với ông không thể nào quên. Suốt cuộc đời mấy mươi năm “chống kiếm bỏ quê hương, từ biệt cha mẹ viễn du” cho đến khi qua đời ở tỉnh An Huy, hình ảnh của quê hương, nhất là những đêm trăng sáng thanh tĩnh đối với ông rất tha thiết, đầy nỗi nhớ thương. Tình cảm sâu lắng đó Lí Bạch đã diễn tả trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ).
Nếu bài Xa ngắm thác núi Lư là một bài thơ tả cảnh thiên nhiên hùng tráng, thì Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là một bức tranh thiên nhiên thanh tĩnh. Thời gian trong bài Xa ngắm thác núi Lư là ban ngày, ánh nắng mặt trời chiếu rọi. Thời gian trong bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là ban đêm, ánh trăng sáng bằng bạc. BàiXa ngắm thác núi Lư ca ngợi cảnh đẹp thác nước. Bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là tình cảm suy tư trong đêm trăng sáng.
Như tựa đề, bài thơ mang hai nội dung. Nội dung thứ nhất miêu tả “đêm thanh tĩnh” (tĩnh dạ) và nội dung thứ hai là suy nghĩ (tư) của tác giả trong đêm thanh tĩnh đó. Để làm nổi bật nội dung thứ nhất. Lí Bạch đãdùng ba câu thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt. Ba câu thơ ngắn gọn, hàm xúc, miêu tả cảnh ban đêm thanh tĩnh. Đêm thanh tĩnh là đêm bầu trời trong xanh, mát mẻ, không có tiếng động, cảnh vật vắng lặng, êm ả, thơ mộng, trữ tình. Ngay từ câu thơ đầu, chủ đích của Lí Bạch là tả ánh trăng sáng để tượng trưng cho đêm thanh tĩnh. Ánh trăng ở đây chẳng những sáng mà còn tràn ngập, chan hòa và dịu hiền. Qua âm điệu khoan thai của câu thơ 5 chữ, sự thanh tĩnh, yên tĩnh hiện lên một cách tự nhiên, đáng yêu. Ánh trăng chiếu sáng trên bầu trời, ở mặt đất và ở đầu giường.
Cuộc sống thanh bình, yên tĩnh, đêm ngủ không cần cửa đóng, then cài, nên gió trăng thả sức đến chơi. Trước ánh trăng lung linh, vằng vặc, Lí Bạch ngỡ ngàng tưởng tượng rằng “mặt đất phủ sương”. Phải là một tâm hồn giàu sức liên tưởng, thường thi vị hóa sự vật nên mới có được cái nhìn tuyệt vời, thơ mộng như thế. Ánh trăng bàng bạc, lung linh hay là sương rơi là là mặt đất? Sự liên tưởng phong phú tạo nên một hình ảnh thơ tuyệt đẹp. Làm sao một tâm hồn đa cảm dạt dào cảm xúc, lai láng yêu thương như Lí Bạch lại có thể không rung động trước ánh trăng tuyệt diệu đầy hấp dẫn của chị Hằng? Hơn nữa, vầng trăng tuyệt vời kia vẫn là nguồn thi hứng vồ tận của Lí Bạch. Trăng ở đây còn là biểu tượng của một mảnh hồn cô đơn, luôn luôn mơ tìm một tâm hồn tri âm tri kỉ.
Ba câu thơ đầu đơn thuần là miêu tả cảnh vật. Mà cảnh vật tưởng tượng ở đây là ánh trăng sáng. Từ miêu tả ngoại cảnh, Lí Bạch đi sâu vào miêu tả nội tâm. Nội tâm mà tác giả diễn tả trong câu thơ cuối là tâm trạng. Hai câu thơ cuối tuy hai mà một. Tuy câu 3 và câu 4 có khác nhau, ngôn từ, ý tứ không tương đồng, nhưng nó đều bộc lộ hai trạng thái tâm trạng (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng – Cúi đầu nhớ cố hương).
Hai câu thơ cuối là hai câu thơ tuyệt hay. Hay về lời và ý về lời là ngôn ngữ trong sáng, giản đơn, dễ hiểu, từ ngữ đối nghịch (từ Cử – đê; vọng – tư, minh nguyệt – cố hương), về ý diễn tả được tư thế và tâm trạng của tác giả. Tư thế của Lí Bạch ở đây hoàn toàn trái ngược (khi ngẩng đầu nhìn trăng thì phấn khởi, vui vẻ, thoải mái – khi cúi đầu là buồn rầu, tưởng nhớ đến quê hương).
Từ “vọng” bao hàm sự ngưỡng mộ, ưu ái. Từ “minh nguyệt” được lặp lại nhưng không hề tạo cảm giác thừa mà trái lại làm người đọc thấy được tâm tình thiết tha, quyến luyến của Lí Bạch đối với trăng sáng mông lung.
Tình yêu quê hương đậm đà, như máu trong tim, như hơi thở của tác giả. Tính cách thâm trầm, kín đáo được tác giả thể hiện rất cảm xúc, đầy suy tư ở hai câu thơ sau. Hai câu thơ đôi nhau từng từ, từng ý. Mối liên hệ chặt chẽ giữa vẻ đẹp thiên nhiên với tình yêu, cảm xúc của con người trước sự vật. Ba câu thơ đầu gợi lên hình ảnh rất đẹp của thiên nhiên, nhưng chính câu thơ cuối mới là “câu thơ thần”, “điểm bút” của bài thơ. Đây là câu thơ “khép”, là đỉnh cao của cảm xúc mà tác giả dồn nén lại.
Cả bài thơ là vần bằng êm ả, nhẹ nhàng, làm cho tứ thơ vằng vặc, dàn trải, như vầng trăng sáng dàn trải, như nỗi nhớ và tình thương bao la của Lí Bạch. Ý, lời và âm điệu của bài thơ kết hợp rất hài hòa.
“Ý tại ngôn ngoại”. Với hai mươi chữ giản đơn mà chan chứa cả tâm tình ngưỡng mộ vẻ đẹp thiên nhiên. Tình yêu thiên nhiên mơ mộng tuyệt vời, tình cảm nhớ thương quê hương tha thiết của Lí Bạch được hiện lên qua từng câu, từng chữ của bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt tuyệt vời này.
Nếu cái hay của bài Xa ngắm thác núi Lư là sự rộng lớn, hùng tráng của thiên nhiên dược diễn tả bằng sức tưởng tượng phi thường, phong phú, thì cái hay của bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là ở độ sâu của cảm xúc, ở sự thầm kín, bình dị và đầy chất thơ của cảnh vật. Cảnh thác núi Lư “ngỡ dải Ngân Hà tuột khỏi mây” làm cho người đọc bàng hoàng sửng sốt, thì hình ảnh “đầu giường ánh trăng rọi, ngỡ mặt đất phủ sương” cũng làm cho người đọc bàng hoàng, sửng sốt vì sự quan sát và miêu tả tinh vi của Lí Bạch.
Bài làm của học sinh Gia Bình
Phân tích bài thơ Vọng Lư sơn bộc bố (xa ngấm thác núi Lư) của Lí Bạch.
Bài làm
Lí Bạch (701 – 762) là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất đời Đường. Ông được người đời mến mộ, gọi là thi tiên – ông tiên làm thơ. Thơ Lí Bạch là thơ của một tâm hồn phóng khoáng, đầy hùng tâm, tráng chí, giàu tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu tự do và đất nước, coi thường công danh, coi trọng tình bằng hữu, sống hào hiệp, nghĩa khí. Lí Bạch để lại trên một nghìn bài thơ với phong cách lãng mạn bay bổng, tràn đầy cảm xúc và tưởng tượng, khắc họa thành công những hình tượng kì vĩ, hào hùng.
Lí Bạch đi nhiều, hầu như các danh lam thắng cảnh trên đất nước Trung Hoa bao la, ông đều đặt chân tới và làm thơ. Xa ngắm thác núi Lư là một trong những bài thơ tả cảnh tuyệt bút của ông:
“Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác trước sống này.
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây”.
Bài thơ miêu tả cảnh thác núi Lư hùng vĩ, tráng lệ, biểu lộ một tình yêu thiên nhiên, yêu núi sống, Tổ quốc.
Núi Hương Lô trong dãy núi Lư trùng điệp ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Hương Lô nghĩa đen là lò hương; dáng núi như vậy nên mới được đặt tên là Hương Lô. Núi cao có mây khói bao phủ, xa trông như chiếc lò hương thiên tạo khổng lồ. Hương Lô càng trở nên nổi tiếng nhờ có thác đẹp, nhất là những ngày rực nắng, trời xanh trong.
Hai câu đầu cho thấy Lí Bạch đứng xa ngắm thác:
“Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác trước sông này”.
Sau gần 13 thế kỉ, không biết Lí Bạch đến thăm thác núi Lư vào buổi sáng hay buổi chiều, chỉ biết đó là một ngày rất đẹp có “nắng rọi”. Lưu truyền tiếng thác “như sấm động, như ngàn vạn con ngựa hí vang trời”. Ở đây, nhà thơ không tả âm thanh của tiếng thác mà chỉ tả bằng mắt vì đứng rất xa ngắm thác. Nắng chiếu xuống núi, chiếu xuống thác “khói tía bay’’ mù mịt, bao phủ một vùng bao la. “Khói tía” là khói màu đỏ pha tím sẫm. Thác núi Lư phản quang ánh mặt trời, du khách đứng xa tưởng như nhìn thấy Hương Lô, có hàng vạn mảnh trầm, có muôn triệu cây hương đốt lên “khói tía bay” trông rất ngoạn mục. Hình ảnh vừa thực vừa ảo làm hiện lên vẻ đẹp kì lạ của thác núi Lư. Câu thơ đầy màu sắc: màu trắng của thác, màu xanh của núi, màu vàng của nắng và màu tía của sương khói. Đằng sau câu thơ, người đọc cảm thấy “thi tiên” đang đứng lặng trầm ngâm và say sưa ngắm thác núi Lư. Thác núi Lư trông xa như dòng sông treo trước mặt.
“Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây”.
Từ núi cao, thác đổ xuống, trút xuống, “nước bay thẳng xuống”, tạo thành dòng trắng xóa “ba nghìn thước”. Trước cảnh tượng hùng vĩ lạ lùng ấy, Lí Bạch thốt lên ngạc nhiên. Với cảm hứng lãng mạn, nhà thơ đã sáng tạo nên một hình ảnh ẩn dụ để so sánh thác núi Lư với “dải Ngân Hà tuột khỏi mây”. Một nét vẽ phóng đại thần tình ca ngợi công trình tráng lệ và kì vĩ của tạo hóa. Nói rằng thơ Lí Bạch tràn đầy hùng tâm và tráng chí là như vậy. Với một tình yêu thiên nhiên đến say đắm, với một trí tưởng tượng đến phi thường, “thi tiên” đã để lại một bức tranh hoành tráng về thác núi Lư bằng ngôn ngữ thi ca hiếm có. Hơn một thiên niên kỉ trôi qua, đã mấy ai được đến núi Lư Trung Quốc ngắm thác trong “nắng rọi”? Quả vậy, thác núi Lư làm cho thơ Lí Bạch trở nên vĩnh hằng, và thơ Lí Bạch cũng góp phần làm cho cảnh thác núi Lư kì vĩ in sâu vào tâm hồn nhân loại.
Bài Xa ngắm thác núi Lư được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Trí tưởng tượng hiếm có, nét vẽ thậm xưng tráng lệ, cảm hứng lãng mạn dạt dào là những yếu tố đã làm nên cốt cách áng thơ kiệt tác này. Qua bài thơ, ta thấy rõ hồn thơ Lí Bạch: một tình yêu lớn đối với thiên nhiên và đất nước. Nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước Trung Hoa đã soi bóng vào thơ Lí Bạch, để từ đó đi sâu vào lòng người khắp mọi nơi trên hành tinh. Bài thơ Xa ngắm thác núi Lư đã mở rộng tầm nhìn, làm phong phú hơn tâm hồn chúng ta trong cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên, nâng tâm hồn chúng ta lên một tầm cao nhân văn khi tiếp cận các danh lam thắng cảnh trong và ngoài nước.
Tạ Đức Hiền
Bình giảng bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lí Bạch.
Bài làm
Tuy lớn hơn mười một tuổi, nhưng nhà thơ Lí Bạch cũng là người cùng thời với nhà thơ Đỗ Phủ. Quãng đời hai ông như một bản lề giữa hai thời kì cực thịnh và suy vong của nhà Đường Trung Quốc với những cuộc nội chiến do các tập đoàn phong kiến thời đó gây nên.
Nếu thơ Đỗ Phủ là những bức tranh hiện thực của bao nỗi cơ cực buồn thương thì thơ Lí Bạch là tiếng lòng lãng mạn trữ tình lành mạnh. Chúng ta dễ bắt gặp ở thơ ông sự liên tưởng độc đáo, mạnh mẽ của một trí tưởng tượng phong phú, sự rung động sâu xa của một tấm lòng yêu đất nước nồng nàn và tha thiết.Xa ngắmthác núi Lưlà một minh chứng. Sau đây là bản dịch của bài thơ ấy:
“Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác trước sông này.
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây”.
Đầu đề của nguyên tác là Vọng Lư sơn bộc bố, nghĩa là xa ngắm thác bạc trên Lư sơn. Lư sơn là dãy núi ở Giang Tây Trung Quốc có nhiều ngọn chạy dài, nhưng chỉ có một ngọn là có thác đổ:
“Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác trước sông này”.
Hương Lô hay Hương Lư là núi Lư Hương, một ngọn của dãy núi Lư trông giống như chiếc bình hương. Hai câu đầu của bài thơ là cảnh tổng quát của bức tranh sông núi hùng vĩ. Nhà thơ đứng ngắm thác từ phía xa và ở một vị trí thấp hơn nhiều so với chiều cao của thác. Do đó, trước mắt ông, cảnh dòng thác và núi Lư đâu khác gì một bức tranh sơn thủy treo ở lưng chừng trời. Bức tranh này có nhiều màu sắc và có vẻ đẹp huyền ảo. Ở độ cao ba nghìn thước, dòng thác đổ xuống như bay, hơi nước bốc lên thành những làn khói. Các làn khói nước này với muôn ngàn thấu kính li ti được ánh nắng mặt trời lọt vào, tạo nên một sắc tía cầu vồng kì ảo, đó là khói tía. Màu vàng của nắng, sắc tía có khói nước gợi lên vẻ đẹp huyền ảo của toàn cảnh. Dáng núi lại gợi hình giống chiếc bình hương. Bởi vậy, khi nhìn vào, nhà thơ chợt nghĩ đến chiếc bình hương khổng lồ đang tỏa khói nghi ngút giữa trời và nước.
Bức tranh kì vĩ của núi sông này như được bàn tay của người thợ vẽ tài hoa là tạo hóa đã pha màu tạo sắc. Giữa nền xanh của núi, hơi nước nắng rọi tỏa bay như khói hương là dòng nước bạc đồ sộ, tuôn dài như một tấm vải trắng. Trong chữ Hán, bộc có nghĩa là thác, bố là tấm vải. Bộc bố ý nói thác nước tuôn như một tấm vải trắng:
“Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước”.
Lời thơ và nhịp thợ mạnh mẽ làm nổi bật hẳn lên hình ảnh hùng vĩ, kì diệu của một dòng thác từ trên cao gần ba ngàn thước “bay thẳng xuống”.
Chỉ với ba câu thơ ngắn, ngòi bút tài tình của nhà thơ Lí Bạch, khung cảnh Lư Sơn hiện ra trước mắt ta với đầy đủ màu sắc, hình khối, đường nét… Nhưng dường như ba câu thơ ấy chỉ để chuẩn bị. Sức mạnh của bài thơ, vẻ đẹp huyền ảo, kì vĩ và đồ sộ của dòng thác núi Lư đã được dồn vào câu kết: –
“Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây”.
Câu thơ, trước hết là cảm nghĩ của nhà thơ khi đứng trước cảnh thực. Ông so sánh thác bay thẳng xuống như dải Ngân Hà tuột khỏi mây. Thật là một so sánh sáng tạo bất ngờ đầy thú vị và sảng khoái cho người đọc: “Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”. Dải Ngân Hà là nơi tập trung dày đặc muôn vàn vì tinh tú vắt ngang trời. Ánh sáng của dải sao này được so sánh với dòng bạc trên trời. Cách so sánh ấy cũng làm tôn thêm vẻ đẹp kì vĩ của dòng thác núi Lư có thực ở trần thế.
Thấy dòng thác lấp lánh bạc đổ xuống tưởng như dải Ngân Hà lạc khỏi chín tầng mây ở trời cao, cao lắm, rơi xuống hạ giới. Đây là hình ảnh đầy tự hào về trí tưởng tượng của nhà thơ trước khung cảnh hùng vĩ và đầy thi vị của thiên nhiên.
Bài Xa ngắm thác núi Lư của Lí Bạch đã lưu lại cho muôn đời bằng phương tiện văn học cái đẹp hùng vĩ của một dòng thác khổng lồ kì lạ.
Càng đọc thơ ông, ta càng thêm yêu thiên nhiên đất nước và càng khâm phục sự phóng khoáng của một nhà thơ có trí tưởng tượng dồi dào, phong phú, có nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và tài hoa vào bậc nhất đời Đường.
Bài làm của học sinh Diệp Quý Ngân
LUYỆN TẬP
Đề 1. Sự hùng vĩ và kì diệu của thác núi Lư thể hiện như thế nào qua bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lí Bạch.
Đề 2. Cảm nghĩ của em về bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lí Bạch.
Đề 3. Tình yêu quê hương của Lí Bạch thể hiện như thế nào trong bài thơ cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh.
Đề 4. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ của Lí Bạch thể hiện như thế nào qua hai bài thơ Xa ngắm thác núi Lư và cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh.
Leave a Reply