Sách Văn học 10, Tập một có viết: “Nền văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX có hai nội dung cốt lõi là cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân đạo”.
Hãy giải thích và chứng minh câu trên.
YÊU CẦU
– Thể loại
Kiểu bài tổng hợp (giải thích và chứng minh), cụ thể là giải thích và chứng minh đặc điểm của một thời kì văn học.
– Nội dung
• Cảm hứng yêu nước.
• Cảm hứng nhân đạo (văn học Việt Nam thế kỉ X – thế kỉ XIX).
GỢI Ý
Thân bài có thể được triển khai theo hai yêu cầu về nội dung.
A. CẢM HỨNG YÊU NƯỚC
Văn học thời kì này dựa trên tư tưởng ái quốc trung quân với nội dung thật phong phú.
1. Yêu nước là có ý thức tự cường dân tộc:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
(Lí Thường Kiệt)
2. Yêu nước là có khát vọng xây dựng đất nước hòa bình:
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu.
(Trần Quang Khải)
3. Yêu nước chính là yêu nòi giống, lịch sử, nhân dân, yêu giang sơn gấm vóc:
Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều
Đến sông Bạch Đằng bồng bềnh mái chèo.
Bát ngát sóng kinh muôn dặm,
Thiết tha đuôi trĩ một màu.
Nước trời: một sắc;
Phong cảnh: ba thu.
(Trương Hán Siêu)
4. Khi đất nước bị xâm lược, yêu nước là căm thù giặc, quyết chiến thắng kẻ thù, bảo vệ đất nước:
Ngẫm thù lớn há đội trời chung,
Căm giặc nước thề không cùng sống.
….
Một cỗ nhung y chiến thắng…
Bốn phương biển cả thanh bình…
(Nguyễn Trãi)
B. CẢM HỨNG NHÂN ĐẠO
1. Cảm hứng nhân đạo mang nội dung nhân đạo bao gồm những nguyên tắc đạo lí làm người, những khát vọng về quyền sống của con người, tôn trọng và yêu thương con người, vun đắp những giá trị nhân bản. Đó là lòng cảm thương mọi kiếp đời đau khổ, nhất là người phụ nữ (Chinh phụ ngâm khúc – Đặng Trần Côn, Tự tình – Hồ Xuân Hương), kẻ lương thiện bị hãm hại, người tài hoa nhiều lận đận (Truyện Kiều – Nguyễn Du).
Cảm hứng nhân đạo thể hiện rõ nét trong các tác phẩm văn học nửa sau thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX.
2. Cảm hứng nhân đạo trong văn học thời kì này chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo và Phật giáo. Đặc biệt, tư tưởng nhân nghĩa xuyên suốt các tác phẩm chính luận của Nguyễn Trãi:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
(Bình Ngô đại cáo)
Tư tưởng nhân nghĩa còn đề cao mối quan hệ giữa người với người qua các nhân vật chính diện trong Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu:
Ngư rằng: “Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả an”.
Leave a Reply