Ý nghĩa bàn thờ vọng
Bàn thờ vọng ông bà cha mẹ chỉ được lập trong trường hợp sống xa quê. Những người con thứ, không kể giàu nghèo, sang hèn nếu ở gần cánh cửa trưởng trên đất tể phụ lưu lại thì đến ngày giỗ, ngày tết, con thứ phải có phận sự hoặc góp lễ, hoặc đưa lễ đến nhà thờ hay nhà con trưởng làm lễ. Cho dù cửa trưởng chỉ thuộc hàng cháu, thì chú hoặc ông chú vẫn phải thờ cúng ông bà tại nhà cửa trưởng. Do đó, không có lệ lập bàn thờ vọng đối với cửa thứ ngay ở quê nhà. Nếu cửa trưởng khuyết hoặc xa quê thì người con thứ 2 thế trưởng được lập bàn thờ chính, còn bàn thờ ở nhà người anh cả ở xa quê lại là bàn thờ vọng.
Cách lập bàn thờ vọng
Lập bàn thờ vọng chưa phải là phong tục cổ truyền, chưa có nghi lễ nhất định, mà chỉ là kinh nghiệm lưu truyền. Nay tuỳ hoàn cảnh thuận tiện mà vận dụng. Khi bắt đầu lập bàn thờ vọng phải về quê báo cáo gia tiên tại bàn thờ chính. Sau đó xin phép chuyển một lư hương phụ hoặc mấy nén hương đang cháy mang đến bàn thờ vọng rồi thắp tiếp.
Nếu có nhà riêng, tương đối rộng rãi, khang trang thì bàn thờ đặt hẳn một phòng riêng chuyên để thờ cúng cho tôn nghiêm, hoặc kết hợp đặt ở phòng khách, nhưng cao hơn chỗ tiếp khách. Nếu đặt bàn thờ gia thần riêng, thì phải đặt thấp hơn bàn thờ gia thần một ít. Nên đặt hướng về quê chính, để khi người gia trưởng thắp hương vái lạy thuận hướng vái lạy về quê. Thí dụ, người quê miền Trung sống ở Hà Nội thì đặt bàn thờ vọng ở phía Nam.
Không nên đặt bàn thờ trong buồng ngủ. Không nên đặt cạnh chỗ uế tạp, hoặc cạnh lối đi.
Leave a Reply