A. MỞ BÀI
Việt Bắclà bài thơ được xếp vào hàng những bài thơ Tống biệt, đề tài cũ mà vẫn mới mẻ bởi không khí chia li của thời đại cách mạng. Không còn là những cảnh trạng chia li với nỗi buồn đầy nước mắt mà nỗi buồn được nén xuống để cho hào khí lạc quan được dâng lên. Cũng không phải là những tình cảm riêng tư bé nhỏ mà là tình cảm lớn, tình đồng chí, đồng bào mà cụ thể ở đây là tình cảm giữa cán bộ và nhân dân.
– Đoạn thơ đầu của bài thơ Việt Bắc sâu sắc tinh tế thể hiện một cách đầy đủ những rung động trong trái tim của con người trong giờ phút phân li và phần nào chứa đựng hào khí lạc quan cách mạng.
Mình về mình có nhớ ta
…
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
B. THÂN BÀI
Bốn câu phác họa bối cảnh phân li, không gian thời gian của cuộc phân li diễn ra rất đặc biệt.
Mình về mình có nhớ ta
…
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn
Giọng thơ như chảy ra từ trong nguồn mạch của ca dao. Cách xưng hô mình ta, ta mình cứ như lời bày tỏ tình yêu đôi lứa trong dân gian.
“Mình về mình có nhớ chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”
hay
“Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ”
Đại từ “mình” chỉ thể hiện ở cao trào của tình yêu, khi hai con người hóa thân thành một. Tác giả lấy phép màu nhiệm của tình yêu để cắt nghĩa, lí giải cho mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ với nhân dân. Điệp ngữ “mình về mình có nhớ” được láy đi, láy lại như khơi vào trong kỉ niệm. Rất khéo léo, Tố Hữu đã bố trí sắp đặt nỗi nhớ từ thời gian đến không gian hai câu thơ đầu khơi vào thời gian cho nỗi nhớ kéo dài thăm thẳm.
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Con số mười lăm năm vừa mang nghĩa thực vừa mang nghĩa hư ảo: Mười lăm năm cách mạng, mười lăm năm chiến khu Việt Bắc nhưng đồng thời cũng là mười lăm năm gắn bó thủy chung cứ như mối tình Kim – Kiều qua bao nhiêu năm thử thách vẫn hướng về nhau.
Hai câu thơ tiếp theo khơi gợi về không gian làm cho nỗi nhớ bồng bềnh lửng lơ, thăm thẳm.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn
Các cặp cây – núi, sông – nguồn cũng vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa hư ảo. Nó gợi được không gian núi rừng Việt Bắc với những nét đặc thù của nó. Nhưng các cặp hình ảnh ấy còn gợi lên tình cảm thủy chung quan hệ cội nguồn. Cán bộ từ nhân dân mà ra, nhớ về nhân dân như nhớ về nguồn cội. Cách liên tưởng so sánh trong bài thơ đãnới rộng về không gian của nỗi nhớ, làm cho kỉ niệm cứ được tuôn ra tầng tầng lớp lớp.
Tác giả đã miêu tả đúng quy luật của nỗi nhớ trong tình yêu. Nỗi nhớ nào cũng làm cho thời gian đằng đẵng và không gian mênh mông. Nhớ nhau người ta tính từng khoảng cách. Có điều ở bản tình ca Việt Bắc chưa chia li mà đã nhớ. Người còn đấy, cảnh còn đây, mặt đối mặt mà lòng đã xa cách.
– Giây phút chia li trong tưởng tượng như cũng diễn ra cực kì sâu sắc. Với những cảm xúc muốn nói to lên nhưng cứ ngượng ngùng e ấp rồi nén lại trong lòng.
Tiếng ai tha thiết bên cồn
…
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay
Cặp lục bát đầu diễn tả rõ ràng cái giây phút ngượng ngùng e ấp ấy.
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Đại từ “ai” phiếm chỉ tạo nên cõi mơ hồ mông lung trong nỗi nhớ.Cứ như cách bày tỏ tình cảm kín đáo trong ca dao:
Ai về ai có nhớ ai…;
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai
Tình cảm muốn nói ra mà cứ âm thầm trong lòng. Rồi chuyển thành âm điệu của tiếng suối xa thì thầm trong đêm vắng. Thiên nhiên trở thành bức màn ngụy trang cho tình cảm của con người. Nhưng từ trong cõi mơ hồ mông lung ấy, tình cảm được nhân lên và mở ra bao phủ cả không gian Việt Bắc. Đó chính là tình cảm lớn của cán bộ đối với nhân dân Việt Bắc.
Những từ láy “bâng khuâng, bồn chồn, tha thiết” diễn tả chính xác con sóng lòng đang dấy lên trong tâm hồn con người lúc phân li. Tất nhiên đó là những con sóng lòng thầm lặng dồn nén ở trong lòng để không xóa đi cái hào khí lạc quan cách mạng. Hơn nữa tình cảm chân thật bao giờ cũng thế, kín đáo một chút để dành cho sự ngân rung của tâm hồn.
Kỉ niệm trao gửi nhưng tình vẫn cứ giữ mãi sự e ấp ấy:
Áo chàm đưa / buổi phân li
Cầm tay nhau / biết nói gì hôm nay
Tố Hữu đã sử dụng nhịp lẻ 3/3, 3/3/2 diễn tả một cách thân tình thoáng ngập ngừng trong tâm trạng, trong cử chỉ của kẻ ở người đi. Thực ra nhà thơ đã mượn cách phân nhịp của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Người lên ngựa / kẻ chia bào
Rừng phong thu / đã nhuốm màu quan san
Vẫn nhịp lẻ, diễn tả sự đứt đoạn trong nỗi lòng của con người lúc chia li. Tất nhiên ở câu thơ của Nguyễn Du sự bịn rịn quyến luyến chỉ ở một phía Thúy Kiều. Còn anh chàng Thúc Sinh vội vàng lên ngựa trong khoảnh khắc trôi tuột vào trong rừng phong nghìn trùng cho nên nhịp 3/5 ở câu bát như kéo dài khoảng cách giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh. Còn câu bát của Tố Hữu nhịp 3/3/2 miêu tả sự dùng dằng tác động từ hai phía. Kỉ vật gửi trao rồi mà lòng vẫn quyến luyến không thể rời nhau.
C. KẾT BÀI
Đây là một trong những đoạn thơ hay nhất của bản tình ca Việt Bắc. Dù miêu tả tình cảm mang tính chất chính trị nhưng không khô khan trừu tượng bởi tác giả nắm đúng quy luật tâm lí của tình đời, tình người. Chính vì thế mà bài thơ vượt qua khỏi ranh giới của lịch sử thời đại thấm sâu trong tâm hồn của người đọc.
Leave a Reply