A – MỞ BÀI
Thạch Lam là một nhà văn đầy tài năng. Ông không có cơ hội để lại nhiều tác phẩm như các anh của mình trong Tự lực văn đoàn. Tuy yểu mệnh, ông vẫn kịp cho ra đời nhiều kiệt tác. Truyện Thạch Lam bàng bạc chất thơ và có khả năng gợi sâu vào tâm tình người đọc để lại nhiều dư vị để độc giả có thể chiêm nghiệm chân lí cuộc sống một cách lặng lẽ. Hai đứa trẻ (được in trong tập Nắng trong vườn) là một tác phẩm như thế.
B – THÂN BÀI
Người ta thường băn khoăn không biết xếp hạng Thạch Lam thuộc dòng lãng mạn hay hiện thực. Nhưng chính ông tuyên bố văn chương là phản ánh những sự thật ở đời, những sự thật ấy thanh cao nhưng có tác dụng tích cực với cuộc sống.
Hai đứa trẻ được gợi ý từ một mảng đòi thơ ấu rất cụ thể của Thạch Lam. Tuy nhiên nó có giá trị tiêu biểu cho những mảng đời của bao nhiêu con người khác từng trải nghiệm. Đây là kỉ niệm ấu thơ, nhà văn cùng với chị mình là Nguyễn Thị Thế sống ở phố huyện cẩm Giàng (Hải Hưng) bên cạnh đường xe lửa Hà Nội – Hải Phòng. Sau này bà Thế kể lại “tôi không ngờ em Sáu lại có trí nhớ dai như thế, như truyện em tôi đã tả hai chị em thức đợi chuyến tàu đêm, qua rồi mới đi ngủ. Năm đó, tôi mới 9 tuổi còn em tôi lên 6” trích Hồi kí về gia đình Nguyễn Tường).
1) Khung cảnh thiên nhiên và bức tranh chung về phố huyện nghèo
a) Thời gian (ngắn, mang tính không gian)
Trước hết, Thạch Lam đã dựng một khung cảnh thiên nhiên có tínhthời gian và không gian. Câu chuyên diễn ra rất ngắn của một ngày tàn ở một thời gian mang tính không gian, tức là được miêu tả bằng những yếu tố không gian: từ lúc tiếng trống thu không điểm “phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn” cho đến khi chuyến tàu tới và đi qua để lại “đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối”. Không gian của truyện lại vận động theo thời gian và được gợi tả bằng cái quen thuộc của rất nhiều miền quê Việt Nam: Mở đầu là “một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng”, tiếp đó màn đêm dần dần buông xuống, “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát… Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh…”, cuối cùng đêm đã về khuya, “đêm của đất quê và ngoài kia đồng ruộng mênh mang im lặng”. Cảm nhận được những điều này không chỉ phải sống rất gắn bó với miền quê nông thôn mà phải có một tâm hồn đầy nhạy cảm của nhà thơ, tâm hồn giàu ấn tượng, để gạn lọc những gì tinh sạch nhất, về phương diện nghệ thuật, Thạch Lam đã dùng không gian để miêu tả thời gian và trôi theo cái thời gian lặng lẽ ta bắt gặp từng mảng không gian của phố huyện.
b) Bức tranh chung về phố huyện nghèo
Ngòi bút Thạch Lam không đơn thuần là khách quan với khung cảnh thiên nhiên mà đi sâu vào điều chủ yếu nhất: Đó là bức tranh về một phố huyện nghèo lúc chiều tối được cảm nhận qua tâm hồn ngây thơ của hai đứa bé Liên và An. Ta có cảm giác vật chất ở đây cũng đang dần dần được thu hẹp lại. Trước hết, trong một cái nhìn bao quát, người đọc hình dung ra một phố huyện nhỏ bé, một cái ga xép tưởng như bị bỏ quên vì chẳng mấy khi có đoàn tàu dừng lại. Tiếp đó là cảnh chợ tàn, trong một ngày tàn. Một bãi chợ tiêu điều vắng vẻ vì đã vãn từ lâu, bãi chợ ấy phơi bày hình ảnh một phố huyện nghèo nàn xơ xác “trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi vỏ thị, lá nhãn và bã mía”, phơi bày cả cái mùi vị của một cuộc sống không ít cơ cực lầm than “hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi”. Cuối cùng là cảnh một góc chợ nhỏ bé tồi tàn với mấy cái hàng quán thật đơn sơ tội nghiệp, trong đó có “cửa hàng” tạp hóa nhỏ xíu của Liên và An. Cảnh sống tù đọng nghèo khổ của một miền quê như mọi miền quê Việt Nam đương thời đã được tái hiện từ những nét vẽ giản dị và gợi cảm ấy.
2) Những kiếp người tàn tạ quẩn quanh
Trong cảnh ngày tàn và chợ tàn, hình ảnh phố huyện được miêu tả như những cuộc đời tàn. Họ giống như những đốm sáng tù mù, leo lét, vật vưỡng một cách tội nghiệp trong nghèo đói, trong buồn chán và tăm tối. Ở đây, trong cái nhìn của An và Liên những cuộc đời, những kiếp sống cứ như những cái bóng rất mờ, như những hình nhân trong cây đèn kéo quân chậm chạp, lừ đừ, quẩn quanh.
Đó là chị Tí, một người đàn bà nghèo khổ, ngày đi mò cua bắt tép, tối đến chị mới dọn hàng nước, cái “cơ nghiệp” của chị có thể mang trênvai dễ dàng bởi vì quá nhỏ bé và ít ỏi. Tuy chả kiếm được bao nhiêu “sớm với muộn mà có ăn thua gì”, nhưng chị vẫn phải bán hàng hi vọng nhặt nhạnh thêm vài đồng xu lẻ để nuôi con.
Đó là bác Siêu bán phở “một món quà xa xỉ” đối với dân quê phố huyện. Gánh phở lưng vốn có khá hơn nhưng nguy cơ “phá sản” cũng bị đe dọa hơn. Bác Siêu xuất hiện với gánh phở và với một chấm lửa “nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi, rồi lại hiện ra” tưởng như kiếp sống của con người ấy cũng chẳng khác gì cái chấm lửa kia. Nó đã nhỏ bé yếu ớt lại leo lét chực tắt, lúc có lúc không.
Và đây là gia đình bác Xẩm “ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt trắng để trước mặt… Thằng con bò ra đất, nghịch nhặt rác bẩn… Bác chưa hát vì chưa có khách nghe”. Cái gia đình ấy phải sống dựa vào một cái nghề buồn tủi, đó là phải bán tiếng hát, tiếng đờn để cầu xin lòng thương hại của người khác.
Đó là mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ, “cúi lom khom trên mặt đất, đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại”. Cuộc sống của những đứa trẻ ấy như những kí sinh trùng bám vào cái cuộc đời đã hết chất phù sa màu mỡ. Tương lai đối với chúng thật mù mịt, tăm tối, chúng không ở góc chợ này thì có lẽ sẽ trôi dạt đến một góc chợ khác, ắt hẳn là còn tối tăm hơn hiện tại.
Đó là bà cụ Thi, tối nào cũng đến cửa hàng của hai đứa bé, sau khi tợp một hớp rượu “lảo đảo bước ra ngoài, đi lần vào bóng tối”. Cái hình hài và bóng dáng của cụ như được chiết suất, như được cắt ra từ một mảnh của bóng tối. Cụ xuất hiện như ma và trong bóng đêm hun hút ném ra những tiếng cười khanh khách như ma. Chỉ vài nét mà ta thấy được trong cuộc đời khuất tất của bà cụ chứa đựng những nỗi đau mà rượu không làm khuây khỏa được.
Đáng chú ý là tất cả những con người ấy được nhìn bằng đôi mắt đầy thương cảm của hai đứa trẻ. Thế nhưng người đọc lại thấy hai chị em Liên có một kiếp sống cũng thật đáng thương, cũng thật tàn tạ. Chúng không chỉ là hai đứa trẻ ở trong cái vũ trụ già mà chính chúng cũng quên mình đang còn là trẻ nít, chúng đã bị cuộc đời đánh cắp tuổi thơ. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng chị em Liên và An phải tự trông coi nhau và bán hàng kiếm thêm, những thứ hàng nhỏ nhặt, thảm hại mà chỉ có những người miền quê khốn khổ này có thể mua được: nửa miếng xà bông, một nhúm thuốc Lào, một li rượu trắng…
Sân khấu cuộc đời đã trưng ra những nhân vật đơn điệu nhưng ở hậutrường của nó cũng lấp ló những cuộc đời tàn: đó là một bà cụ móm, một người cha vì thất nghiệp mà dắt díu cả vợ con xuống miền quê, một người mẹ bươn bả tất bật đến mức không có thời gian để yêu con… Tất cả cứ như đi vào bóng tối của cuộc đời. Ấn tượng về chữ tàn đã chi phối cái cảm giác của người đọc. Những cái tàn ấy hình như nó bổ sung cho nhaugợi một cái cảm giác nặng nề: ngày tàn, chợ tàn, những kiếp người tàn…
3) Vẻ đẹp của tình quê hương, tình người và niềm hi vọng
Tuy sống trong nghèo khổ tăm tối nơi phố huyện, người đọc vẫn nhận thấy bao vẻ đẹp sâu xa của tình quê hương, của tình người. Chỉ một góc chợ nhỏ bé đơn sơ nhưng đã có biết bao nhiêu hình ảnh thật quen thuộc với mọi miền quê trên đất nước Việt Nam. Cô bé Liên cảm nhận được một buổi chiều mùa hè êm ả như ru, một đêm dịu mát ở quê hương, cảm nhận được cả cái mùi nồng ấm của đất quê, thậm chí theo dõi được những cảnh bình dị hằng ngày khiến ta như bắt gặp đâu đây cái ấn tượng của chính mình: mặt trời khuất dần sau rặng tre, tiếng ếch nhái ngoài đồng theo gió nhẹ bay vào và cả cái thứ tiếng muỗi kêu vo ve nho nhỏ… Liên cũng nhìn thấy một hình ảnh quen thuộc của mấy đứa trẻ đang tìm tòi ở cái đống rác rưởi sau phiên chợ tàn. Cô bé động lòng thương, có cái gì đó mơ hồ nhưng không thể nói là không sâu sắc của tâm lí tuổi thơ. Bà cụ Thi có lẽ bớt ghê sợ hơn với người đọc bởi cái hành động âu yếm, xoa đầu đứa trẻ trước lúc lảo đảo đi vào bóng đêm. Chị em Liên đứng nhìn cụ Thi khuất mãi đã biểu hiện một sự ân cần, ái ngại.
Những con người như chị Tí, bác Siêu, gia đình bác xẩm gợi cho ta dáng hình người nông dân đã quen với nhẫn nại, cần cù và im lặng trong đôi mắt của Liên. Họ thật tội nghiệp, thật đáng thông cảm. Thật ra đằng sau đó là đôi mắt, trái tim, là những niềm chia sẻ xót thương của chính Thạch Lam. Có lẽ vì những điều đó mà Nguyễn Tuân đã viết: “Đọc truyện “Hai đứa trẻ”, thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm mát và sâu kín”. Không những thế Nguyễn Tuân còn nhấn mạnh truyện Hai đứa trẻ là “thông điệp của niềm hi vọng”. Chính trong cuộc sống tẻ nhạt, đơn điệu, buồn chán, những người dân phố huyện vẫn không thôi hi vọng dù chỉ là một niềm hi vọng mơ hồ. “Chừng ấy người trong hóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Như vậy họ vẫn mong muốn có sự đổi thay, vẫn ánh lên đốm lửa của tương lai.
Chị Tí với hình ảnh ngọn đèn được lặp lại nhiều lần, bác Siêu với ngọn lửa chập chờn, hai đứa trẻ ngắm mãi ánh đom đóm và bầu trời tinh tú.., Những thứ ánh sáng ấy phần nào là biểu tượng cho mong đợi, hi vọng… Và rồi đốm lửa ấy đã sáng rực lên như huyền thoại. Đó là con tàu rực rỡ vụt đi qua. Nếu cuộc sống của những người phố huyện như những ngọn đèn tù mù bị bóng tối bao vây, bị bóng tối cầm tù thì đoàn tàu mang tới một thế giới đầy ánh sáng. Anh sáng của đèn pha, của những “toa đen sáng trưng, đồng và kền lấp lánh”, phố huyện đang chìm dần vào giấc ngủ nặng nề đầy vắng lặng nhưng không yên ổn về tâm linh thì đột ngột đoàn tàu đã mang tới một thế giới khác, ánh sáng khác, âm thanh khác và đặc biệt là nhịp điệu của cuộc sống được thức dậy, được dồn dập trong chuyển động, trong cái tiếng lố nhố của những người sang trọng.
Đoàn tàu chính là thế giới sang trọng nhộn nhịp đầy ánh sáng, nó rất cần cho người dân phố huyện, rất cần cho hai đứa trẻ như nhữngcâu chuyện cổ tích ngàn đời, rất cần cho đời sống vốn nghiệt ngã của người lao động, của trẻ thơ sớm thiếu cái ánh dương chiếu rọi để nảy lộc đâm chồi. Như vậy ngày này qua ngày khác vẫn chừng ấy con người sống âm thầm chịu đựng nhưng luôn khao khát ước mơ về một sự đổi đời, thức đợi chuyến tàu để người ta ý thức rằng ở ngoài phố huyện này, đâu đó vẫn có một cuộc sống vui tươi hơn, đáng sống hơn. Đợi chuyến tàu là một nỗ lực để bám vào cái phao tinh thần, để có thể tiếp tục sống, để ngày ngày lại thắp ngọn đèn chưa cạn dầu.
C – KẾT BÀI
Đây là truyện ngắn tâm tình cho nên các chi tiết hình ảnh được tổ chức không phải để miêu tả sự kiện, để dẫn dắt diễn biến của cốt truyện mà chủ yếu để biểu hiện những cảm nghĩ sâu xa của tâm hồn con người. Cũng vì là chuyện tâm tình cho nên đằng sau các nhân vật, các cảnh vật được miêu tả người đọc còn nhận thấy một cái tôi tác giả rất nhân hậu, giàu tình thương, rất nhạy cảm với nỗi buồn khổ và cả niềm hi vọng của con người trong xã hội tối tăm. Như vậy cái mạch sống của câu chuyện chính là cái hệ vi mạch của tình cảm tâm linh. Truyện có giá trị hiện thực và nhân đạo. Nó đúng như tuyên ngôn mà Thạch Lam đã nói ở Theo dòng: “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên. Văn chương là một thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo một xã hội giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Nếu như cái chết của mẹ Lê để lại một đàn con đông đúc ngồi trông gạo mẹ đưa về, trong gió rét căm căm… tố cáo cái xã hội “giả dối và tàn ác” thì thứ văn chương thanh cao ở Hai đứa trẻ làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.
Leave a Reply