A – MỞ BÀI
Truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân có nguyên mẫu lịch sử từ cuộc đời Cao Bá Quát (1855), một danh sĩ đời Nguyễn mà tài văn thơ và tính cách ngang tàng đã trở thành huyền thoại.
Nguyễn Tuân vốn là một người đề cao chữ “ngông” – một phản ứng với thời đại và cũng là một nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo. Do đó Huấn Cao đã thừa hưởng hay nói đúng hơn là phiên bản của hai con người rất tài hoa và đầy khí phách. Đặt trong hoàn cảnh đen tối trước Cách mạng tháng Tám, việc Nguyễn Tuân ca ngợi Huấn Cao có tài, có tâm, có khí phách chính là một ẩn dụ để nhà văn bày tỏ niềm cảm phục với những người đương thời đang dũng cảm chiến đấu vì nước quên mình.
B – THÂN BÀI
1) Một con người tài hoa
Hình tượng Huấn Cao hiện lên trong tác phẩm trước hết là vẻ đẹp của một người có tài viết thư pháp. Đây là những thủ pháp tinh thông điêu luyện để viết chữ đẹp. Thời xưa, chữ Hán vốn được coi là chữ của thánh hiền và thứ chữ khối vuông ấy có người thì viết như rồng bay phượng múa, có người thì viết cứng cỏi sắc sảo cho nên chẳng những nó có tính tạo hình mà còn ít nhiều biểu hiện tính cách của người viết. Có chữ thánh hiền ở trong bụng đã là con người được tôn trọng. Viết chữ thánh hiền mà không ai bắt chước thì đó là người đặc biệt được tôn trọng trong văn hóa của người xưa. Vì thế thưởng thức chữ đẹp đòi hỏi phải có văn hóa cao, có khả năng thẩm mĩ tinh tế. Chơi chữ trở thành một thú vui tao nhã bậc nhất của người xưa. Có điều thưởng thức chữ đẹp đã khó, sáng tạo chữ đẹp khó gấp bội phần (viết, chạm, khắc thành câu đối, thành hoành phi, thành những bức trung đường; có khi thành bộ tứ bình hay là bức châm…). Do đó người viết chữ đẹp đượccoi là nghệ sĩ và việc sáng tạo ra chữ đẹp đối với người xưa là một thứ nghệ thuật siêu việt.
Trong truyện ngắn này Huấn Cao chính là một nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp, Nguyễn Tuân không trực tiếp miêu tả “tay tiên thảo những nét” của Huấn Cao. Nên nhớ rằng Nguyễn Tuân vốn rất thích chi li và luôn muốn quan sát đối tượng một cách trực tiếp. Đọc Người lái đò sông Đà thìrõ.
Nguyễn Tuân đãdùng cái thủ thuật “vẽ mây nẩy trăng” một cách gián tiếp qua lời kể chuyện đầy cảm phục của viên quản ngục và viên thơ lại. Ngay khi Huấn Cao chưa đến nhà giam thì quản ngục đã chú ý nét đặc biệt của nhân vật Huấn Cao “người mà vùng tỉnh Sơn vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp… Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm… Có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”.
Thực ra trong toàn bộ tác phẩm, những băn khoăn tính toán, những mưu mẹo, những biệt đãi, những đau khỗ nhẫn nhục, những hốt hoảng tuyệt vọng và rồi hi vọng được nhen lên, rồi hồi hộp thành kính của viên quan ngục, là những thủ pháp nghệ thuật đầy hiệu quả để Nguyễn Tuân ca ngợi cái tài hoa vừa quý vừa hiếm của ông Huấn Cao.
2) Cái tâm cao cả
Một kì tài như Nguyễn Du khi khép lại Truyện Kiều đã nói những điều gan ruột “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Có lẽ Nguyễn Tuân cũng rất đồng ý với suy ngẫm của cụ Tố Như và đã xây dựng tính cách ông Huấn Cao nghiêng hẳn về chữ “tâm”. Nên nhớ rằng Nguyễn Tuân rất cực đoan trong việc miêu tả ca tụng hết lời những người có tài. Nói chính xác hơn cái “tài” luôn là cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của Nguyễn Tuân.
Đọc Chữ người tử tù cảm giác của độc giả kính mến trân trọng Huấn Cao có lẽ không phải vì tài mà có lẽ ở tấm lòng ông ta. Nhân vật Huấn Cao sáng ngời nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Tuân có lẽ là nhờ sự nghiêng lệch của chữ “tâm” này. Huấn Cao được tác giả thể hiện và ca ngợi cái tài của ông luôn đi với cái tâm và Huấn Cao coi trọng trước hết là chữ “tâm” (tâm hồn, đạo đức, nhân cách).
Đối với Huấn Cao chữ đẹp không phải là ở kiểu chữ, ở cách viết mà quan trọng là nội dung của nó, ý nghĩa của nó. Nó có thể biểu hiện những phẩm chất trong sáng nói lên những ước mơ khát vọng cao đẹp của một đời người. Huấn Cao có ý thức rõ rệt khi sử dụng cái tài của mình. Ông biết chọn người để cho chữ “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Ông không hề vì vàng ngọc và những kẻ có quyền thế cũng không bao giờ ép được ông viết chữ. Xét trong mối quan hệ giữa tài và tâm như thế việc Huấn Cao cho chữ người quản ngục là rất khác thường. Bởi vì chính Huấn Cao đã nói “Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”.
Ở đây, quản ngục là kẻ thù của Huấn Cao, là đại diện trực tiếp cho cái triều đình thối tha đã ra bản án tử hình ông. Tuy nhiên, nếuhiểu diễn biến câu chuyện sẽ thấy cái tâm của Huấn Cao thể hiện nổi bật trong việc ông phát hiện và cảm nhận cái tâm của viên quản ngục và viên thơ lại. Mới đầu thấy viên quản ngục biệt đãi mình, Huấn Cao nghi ngờ đấy chính là âm mưu đen tối “hay là hắn muốn đến dò những điều bí mật của ta”. Và vì thế Huấn Cao tỏ thái độ khinh bỉ đến mức tàn nhẫn “Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Sau đó nghe viên thơ lại kể về tâm sự và nguyện vọng xin chữ của quản ngục, Huấn Cao hết sức xúc động “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Như vậy một con người biết coi khinh vàng ngọc như Huấn Cao nhưng rất sợ “một tấm lòng”, rất sợ mình phụ tình người. Dĩ nhiên đó là con người có chất người nhiều nhất, ở đây Huấn Cao trân trọng tấm lòng biết yêu cái đẹp biết quý cái tài, có sở thích cao đẹp. Theo Huấn Cao đó là tấm lòng của những con người còn giữ được thiên lương “là thanh âm trong trẻo giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.
Có thể thấy Huấn Cao, viên quản ngục, viên thơ lại, tuy ba người ở ba vị trí khác nhau nhưng họ đều gặp nhau ở một điểm chung đó là cái đẹp. Một người biết sáng tạo cái đẹp; một người yêu quý và biết thưởng thức cái đẹp; một người ngưỡng mộ và tôn kính cái đẹp. Cả ba người đều đã chứng tỏ cái đẹp cố một sức mạnh kì diệu. Nó có thể làm cho những người khác nhau về mọi phương diện (đặc biệt là vị trí xã hội) gặp gỡ nhau có sự giao cảm với nhau về tâm hồn. Nói chính xác cái tâm, cái thiên lương cao cả của Huấn Cao đã gặp được cái tâm cái thiên lương đẹp đẽ của viên quản ngục, của viên thơ lại – những người tưởng như là kẻ thù của Huấn Cao.
3) Khí phách anh hùng
Hình tượng Huấn Cao còn hiện lên trong tác phẩm với vẻ đẹp của khí phách anh hùng. Đấy là khí phách chân chính của kẻ sĩ không sợ cái chết, khí phách hiên ngang bất khuất của Cao Bá Quát. Khi Huấn Cao chưa đến nhà giam tỉnh Sơn Tây, chỉ qua những lời trò chuyện của viên quản ngục và viên thơ lại “Y văn võ đều có tài… một tên tù có tiếng là nguy hiểm…” người đọc có thể hình dung những hoạt động anh hùng của Huấn Cao trong cõi đời tự do. Tiếp đó là sự xuất hiện của Huấn Cao trước cửa nhà giam đã cho thấy một tính cách mạnh mẽ ngang tàng. Ở đây thái độ của Huấn Cao là thái độ của một người làm chủ tình thế chứ không phải là một người tử tù đang mang trên vai chiếc gông nặng trĩu. Ông nói với những người bạn tù “rệp cắn tôi đỏ cả cổ lên rồi, phải dỗ gông đi”. Sau đó trước lời đe dọa của tên lính áp giải, Huấn Cao vẫn lãnh đạm không thèm chấp chỉ “chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thanh gông xuống thềm đả tảng đánh thuỳnh một cái”.
Câu nói và hành động ấy không chỉ là sự ngang nhiên, coi khinh bọn lính giải tù mà là sự biểu thị ý chí tự do, muốn làm việc gì thì làm bằng được.
Như vậy Huấn Cao là người bị tù đày về thể xác nhưng vẫn hoàn toàn tự do về tính cách và tư tưởng. Ông là “khách tự do” trong điều kiện nhà tù nghiệt ngã. Tất cả những điều đó gợi liên tưởng đến đôi câu đối vẻ ngỗ ngược ngang tàng của Cao Bá Quát.
Một chiếc cùm lim chân có Đế
Ba vòng xích sắt đứng thì Vương
Những chuỗi ngày trong chốn lao tù chờ ra pháp trường, Huấn Cao vẫn giữ được tư thế cứng cỏi, ung dung đường hoàng trong cách ứng xử. Ông vẫn thản nhiên, vẫn cố ý trả lời viên quản ngục bằng cái giọng “làm ra khinh bạc”. Huấn Cao bình tĩnh “đợi trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quản ngục bị sĩ nhục”. Ông không hề sợ hãi bởi vì “đến cảnh chết chém ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này”. Cùng với tính cách cứng cỏi như thế khi nhận được tin sắp bị giải về kinh chịu án tử hình, Huấn Cao trầm ngâm rồi mỉm cười tưởng như trong giây phút đó ông đã quên cảnh ngộ bi thảm của mình để nghĩ tới cái sở nguyện của viên quan coi ngục là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một câu đối do ông Huấn Cao viết. Chính vì thế Huấn Cao đã đồng ý cho chữ người quản ngục. Có lẽ bằng hành động ấy ông muốn truyền lại cái tài, cái tâm và khí phách cao đẹp của mình cho người đời sau.
4) Cảnh cho chữ
Tất cả vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao được thể hiện tập trung nhất trong cảnh cho chữ. Đấy cũng là tình tiết khắc họa sâu sắc nhất chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Trước hết cảnh tượng xưa nay chưa từng có ấy đã diễn ra trong phòng giam của một kẻ tử tù. Chỉ vài nốt bút vẽ khéo léo, Nguyễn Tuân đã tạo ra vẻ trang nghiêm cổ kính và có phần huyền bí kết hợp với việc cho chữ “trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lèn ba cái đầu người đang chăm chú”. Không những thế, Nguyễn Tuân còn sử dụng thủ pháp đối lập, tương phản. Một bên là “tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”, rất mới mẻ sạch sẽ, nơi con người sẽ sáng tạo cái đẹp và nâng niu cái đẹp. Đối lập với “trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Đấy là hình ảnh tượng trưng cho sự xấu xa. Ánh sáng ngọn lửa làm cho cái xấu xa đáng kinh tởm mờ dần, nhường chỗ cho tấm lụa mỗi lúc một sáng đẹp lên, mỗi lúc càng có ý nghĩa hơn lên. Nguyễn Tuân rất có dụng ý miêu tả quá trình: bắt đầu là “tấm lụa bạch”, tiếp theo “người tù đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”. Cứ mỗi nét chữ được viết thì tấm lụa chuyển thành phiến lụa óng. Khi những nét chữ cuối cùng kết thúc, tấm lụa trở thành “bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn”. Cái tài, cái tâm của Huấn Cao được trọn vẹn nhất khi tấm lụa trở thành bức châm khiến cho cả ba người chỉ cần nhìn nó rồi nhìn nhau đã hiểu tấm lòng tri kỉ.
Sự đối lập tương phản ở nơi nào cho chữ càng làm tăng thêm tínhchất tương phản trong cảnh cho chữ (giữa người cho chữ và kẻ xin chữ). Một bên là Huấn Cao, người tử tù, người đứng đầu bọn phản nghịch “cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ”. Một bên là viên quản ngục và viên thơ lại, những kẻ coi tù, những kẻ đại diện cho triều đình bấy giờ. Hành động “run run bưng chậu mực” là thái độ ngưỡng mộ đầy vẻ tôn kính. Trong thế tương phản như vậy, Huấn Cao hiện ra như một nghệ sĩ tài hoa với một tư thế uy nghi lồng lộng đang ban phát cái đẹp. Sự có mặt của ông tượng trưng cho cái đẹp cao cả. Còn viên quản ngục và viên thơ lại biểu hiện cho tư thế của kẻ chịu ơn, những kẻ nhận sự ban phát cái đẹp. Điều kì diệu là dù có sự tương phản đối lập nhưng ở đây quyền uy lớn nhất chính là cái đẹp đã thống nhất “tam vị nhất thể”. Đây quả là một cảnh tượng chưa từng có, một tấm lòng đền đáp một tấm lòng trong thiên hạ, một tấc lòng son của kẻ tri âm dành cho kẻ tri kỉ được tiến hành trong một khung cảnh không thích hợp chút nào.
Huấn Cao không chỉ hiện ra như một nghệ sĩ tài hoa mà còn như một kẻ sĩ cứng cỏi, có phẩm tiết trong sáng, có cái tâm cao cả, có tinh thần bất khuất. Chính con người rất hiên ngang trước cường quyền bạo ngược, rất coi khinh vàng ngọc, quyền thế ấy cũng là người rất trân trọng và tinh tế trong việc đối xử với người tốt. Cảnh cho chữ đã hiện lên vẻ đẹp của một tấm lòng trọng nghĩa, một cách ứng xử cao thượng đầy tinh thần văn hóa.
Những người nghĩa sĩ anh hùng xưa bao giờ cũng coi trọng đạo nghĩa. Vì chữ nghĩa, vĩ ân trả oán mà họ sẵn sàng coi khinh cái chết. Huấn Cao phát hiện được một nhân cách trong sáng giữa chốn tối tăm. ông không muốn nhân cách ấy bị bóng tối lao tù làm cho u ám. Ông ân cần khuyên bảo viên quản ngục bằng những lời tâm huyết “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng…”. Như vậy Huấn Cao không chấp nhận cái đẹp, cái tài lại chung sống lẫn lộn với cái xấu, cái ác. Ông càng không thể chấp nhận một người vừa biết yêu cái đẹp lại vừa dù là bắt buộc phải “nhúng tay vào chàm”. Do đó muốn yêu quí thưởng thức cái đẹp, muốn chăm lo cho nó thì trước hết phải giữ lấy điều thiện ở đời “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Tuy đang trong vai trò của một kẻ tử tù, đang bị uy quyền phong kiến đè bẹp nhưng Huấn Cao vẫn sáng rực rỡ như một con người tự do chủ động với giọng nói của bậc đàn anh. Có lẽ đây cũng là “lời châm” để vạch hướng chỉ đường giải thoát cho người tù chung thân: viên quản ngục.
Điều lạ lùng xưa nay chưa từng xảy ra không phải chỉ vì việc cho chữ (vốn là một thú chơi tao nhã có phần đài các) mà nó diễn ra trong không gian tồi tệ, hơn thế nơi tù ngục bẩn thỉu này không phải cái ác, cái xấu làm chủ tình thế. Trái lại cái Đẹp – cái Thiện – cái Cao cả đã chiến thắng và tỏa sáng. Tất cả đều thấm đẫm trong ánh sáng thuần khiết của vẻđẹp, của thiên lương và khí phách. Đấy cũng chính là chiến thắng vĩ đại của tinh thần bất khuất so với thái độ nô lệ cam chịu.
Và lúc này đã có một sự thay đổi ngôi diễn: kẻ tử tù như một giáo chủ ban ơn khuyên dạy điều hay lẽ phải, còn kẻ coi tù như một đệ tử lễ phép, một người chịu ơn thành kính.
Nếu nói Huấn Cao chẳng hề sợ gì e không ổn. Thực ra người mà Huấn Cao sợ chính lại là kẻ đang vái mình và nói qua dòng nước mắt. Thái độ ấy khiến ta chọt nhớ đến câu thơ nổi tiếng của họ Cao “Nhất sinh đề thủ bái mai hoa”. Cảnh cho chữ diễn ra thật, cảm động khi ngục quan “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Tự xưng là kẻ mê muội tức là viên quan đã chấp nhận lời khuyên của Huấn Cao. Cử chỉ bái lạy người tử tù không chỉ nâng cao nhân cách Huấn Cao mà còn làm thăng hoa tính cách đẹp đẽ của chính viên quản ngục. .
C – KẾT BÀI
Đọc truyện ngắn Chữ người tử tù ta thấy bao phủ một không khí trang nghiêm cổ kính có phần bi tráng. Tác phẩm cho thấy Nguyễn Tuân không chỉ am hiểu sâu sắc và rất yêu quí những điều cao đẹp mà còn có ngòi bút điêu luyện đầy nghệ thuật để làm sống lại những con người, những cảnh sinh hoạt ngày xưa. Chính điều đó càng tăng thêm vẻ đẹp cho hình tượng Huấn Cao. Có thể khẳng định rằng truyện ngắn này như một áng văn yêu nước trong hoàn cảnh mất nước.
Leave a Reply