Khi tự xem Kinh Dịch, cần xác định việc cần xem bắt đầu khởi lên vào tháng nào trong lịch Tiết khí. Đây là điều nhiều người thường lầm lẫn với lịch nhà nông, tức lịch âm bằng số. Trong lịch Âm nhà nông bằng số có 12 tháng, mỗi tháng khoảng 30 ngày, khởi đầu của tháng là ngày mồng 1, tiếp mồng 2, mồng 3, mồng 4…đến rằm (15) rồi ngày cuối tháng 29 hoặc 30. Trong lịch Can Chi hay lịch Tiết khí không phải như vậy, không phải bất cứ ngày mồng 1 của một tháng là ngày đầu tiên của tháng đó, mà ngày đó có thể thuộc tháng trước đó. Như ngày mồng 1 tháng Giêng chưa hẳn là ngày của tháng Giêng mà có thể vẫn là ngày của tháng Chạp năm trước nếu ngày Lập xuân rơi vào tháng Chạp. Ngược lại, ngày của tháng Chạp năm trước, lại là ngày đầu của tháng Giêng năm mới. Như năm nay Quý Tỵ 2013, ngày 24 Tân Sửu Tháng Chạp năm Nhâm Thìn (Thứ Hai ngày 4/2/2013) là ngày Lập Xuân, thì ngày 24 tháng Chạp Nhâm Thìn đã là ngày đầu của tháng Giêng Tiết khí năm Quý Tỵ. Nói cách khác, năm Quý Tỵ không có Lập xuân.
Cũng như vậy, ngày 24/ Canh Ngọ tháng Giêng là ngày tiết Kinh trập (Thứ Ba ngày 5/3/2013), nên đã là ngày đầu của tháng Hai âm Tiết khí của năm Quý Tỵ, chứ không phải là ngày mồng 1/Đinh Sửu tháng Hai âm (Thứ Ba/12/3/2013).
Chúng ta cần biết, tháng của lịch Can Chi được dựng theo tiết khí, nghĩa là ngày bắt đầu của tháng căn cứ vào ngày chuyển tiết sang tháng đó. Như tháng Giêng bắt đầu từ ngày Lập xuân, nghĩa là ngày 1 tháng Giêng (tết Nguyên đán) chưa hẳn đã là ngày của tháng Giêng. Ngày của tháng Giêng bắt đầu từ ngày Lập xuân. Lập xuân có thể đến sớm trong tháng Chạp, ví dụ Lập xuân rơi vào ngày 26 tháng Chạp, thì từ ngày này trở đi như ngày 27,28,29…tháng Chạp đã là ngày của tháng Giêng. Khi dự báo, nếu người sinh vào ngày 28 tháng Chạp, coi như là đã sinh vào tháng Giêng của năm sau, mặc dù chưa đến tết Nguyên đán. Để xác định vị trí tháng và ngày của từng tháng trong năm, người xưa đã đưa ra cách xác định như sau:
THÁNG | GIỚI HẠN THÁNG VÀ NGÀY CỦA THÁNG |
Giêng | Kể từ ngày Lập xuân đến giáp ngày Kinh Trập |
Hai | Kể từ ngày Kinh trập đến giáp ngày Thanh minh |
Ba | Kể từ ngày Thanh minh đến giáp ngày Lập hạ |
Tư | Kể từ ngày Lập hạ đến giáp ngày Mang chủng |
Năm | Kể từ ngày Mang chủng đến giáp ngày Tiểu thử |
Sáu | Kể từ ngày Tiểu thử đến giáp ngày Lập thu |
Bảy | Kể từ ngày Lập thu đến giáp ngày Bạch lộ |
Tám | Kể từ ngày Bạch lộ đến giáp ngày Hàn lộ |
Chín | Kể từ ngày Hàn lộ đến giáp ngày Lập đông |
Mười | Kể từ ngày Lập đông đến giáp ngày Đại tuyết |
Một | Kể từ ngày Đại tuyết đến giáp ngày Tiểu hàn |
Chạp | Kể từ ngày Tiểu hàn đến giáp ngày Lập xuân |
Ví dụ: ngày 4/10 âm năm Bính Tuất (2006 ngày 24. Thứ sáu/11): lịch ghi Lập đông vào ngày 17/10 âm, như vậy ngày 4/10 này cho đến ngày 16/10 âm vẫn là ngày của tháng chín âm. Khi dự báo bằngKinh Dịch…, người ta rất chú ý đến cách tính thời gian này.
Việc nắm vững giới hạn một ngày của một tháng Tiết khí rất quan trọng trong tự xem Kinh Dịch, vì nếu sai thì kết quả tính toán qua các số thời gian để lập quẻ hay mô hình dự báo sẽ sai, kết quả xem đương nhiên là sai.
Leave a Reply