Trong “Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1 – 12 – 2003“, Tổng thư kí Liên hợp quốc Cô-phi An-nan cảnh báo: “Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ”.
Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về lời cảnh báo trên và về vấn đề phòng chống AIDS trong cộng đồng?
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Ai cũng biết HIV/AIDS là một dịch bệnh có sức lây lan khủng khiếp trên phạm vi toàn cầu. “Chính trong lúc này (2003), dịch HIV/AIDS vẫn hoành hành, gây tỉ lệ tử vong cao trên thế giới và có rất ít dấu hiệu suy giảm. Trong năm qua, mỗi phút đồng hồ của một ngày trôi đi, có khoảng 10 người bị nhiễm HIV…” (Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1 – 12 – 2003).
– Thông thường, trước một dịch bệnh nguy hiểm như thế, người ta hay nghĩ đến sự cách li người bệnh. Thế nhưng, Cô-phi An-nan lại nói điều ngược lại: “Hãy đừng để một ai có ảo tưởng rằng chúng ta có thể bảo vệ được chính mình bằng cách dựng lên các bức rào ngăn cách giữa “chúng ta” và “họ”. Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết.”
Chúng ta suy nghĩ như thế nào về lời cảnh báo trên?
II. THÂN BÀI
A. DỊCH BỆNH HIV /AIDS
1. HIV (Human Immunodeficiency Virus: Vi-rút suy giảm miễn dịch ở người) là tên loại vi-rút gây ra bệnh AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome: Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).
HIV/AIDS là một dịch bệnh. Tưởng chừng phòng chống dịch bệnh là vấn đề đặt ra chủ yếu cho ngành y tế. Tuy nhiên, đây phải là nhiệm vụ ở tầm quốc gia, của nhân dân toàn thế giới, và đặc biệt là của mỗi người. Vì nó có sức lan truyền khủng khiếp: “Bệnh dịch này đang lan rộng nhanh nhất ở chính những khu vực mà trước đây hầu như vẫn còn an toàn – đặc biệt là Đông Âu và toàn bộ châu Á…” (Thông điệp).
2. Vì thế, nỗ lực phòng chông HIV/AIDS cũng không thể chỉ tập trung vào mặt chuyên môn của ngành y tế, như tìm một loại thuốc chủng ngừa vi-rút HIV hoặc tìm ra loại thuốc điều trị, chế độ và phác đồ trị bệnh…, mà còn là nỗ lực của mọi người.
Cho nên, trong Thông điệp, tác giả kêu gọi “phải công khai lên tiếng về AIDS”.Trước đại dịch này, mọi người không thể im lặng. Im lặng ở đây chỉ thái độ thờ ờ, vô cảm của những người muốn đứng bên ngoài những tấm rào vô hình ngăn cách mình với AIDS.
B. VẤN ĐỀ PHÒNG CHỐNG AIDS
1. Nhân loại đã và đang trải qua nhiều dịch bệnh như bệnh lao, dịch tả, dịch hạch, thương hàn…, trong đó có những trận đại dịch đã tăng gây ra nhiều thảm họa cho loài người. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực to lớn của con người và những bước tiến lớn lao của y học, nhiều đại dịch nguy hiểm đã bị khống chế.
2. Riêng HIV/AIDS là loại bệnh gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, làm tê liệt sức đề kháng của con người và khi phát triển đến giai đoạn cuối, người bệnh sẽ tử vong. Nguy hiểm đến thế, nhưng cho tới hôm nay, AIDS vẫn nằm trong số những loại bệnh mà người ta vẫn chưa tìm ra thứ thuốc chữa nào hữu hiệu. Hơn nữa, nó lại lan truyền nhanh, bằng nhiều con đường lây nhiễm.
3. Cho nên, trong khi rất nhiều nhà khoa học đang miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để tìm ra thứ thuốc chữa trị AIDS, một loại vũ khí đắc lực để phòng chống HIV/AIDS chính là con người, là lòng nhân ái của con người, cần cảnh báo các nguy cơ của thái độ xa lánh, chia rẽ, phân biệt đối xử với những người phải sống chung với HIV/AIDS. Mục tiêu phòng chống loại bệnh nguy hiểm này sẽ không thể hoàn thành chừng nào chúng ta còn kì thị và phân biệt đôi xử đối với những người bất hạnh lỡ vướng căn bệnh hiểm nghèo này.
4. Chúng ta hoàn toàn thống nhất với lời cảnh báo của Cô-phi An-nan, thể hiện tinh thần trách nhiệm của chúng ta đối với đồng loại. HIV/AIDS sẽ được nói đến như một thế giới khốc liệt tới mức sự phân biệt “chúng ta” và “họ” còn tồn tại, ở đó, sự im lặng cũng như mọi sự kì thị và phân biệt đối xử đều trở thành các “thành lũy” nặng nề và kiên cố. Ta phải cố gắng đánh đổ nó trong một “cuộc chiến” gian nan.
III. KẾT BÀI
Phòng chống đại dịch HIV/AIDS phải là mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại. Nhưng cho đến nay, dường như những cố gắng của con người vẫn còn chưa đủ.
Leave a Reply