Tả quả mãng cầu – quả na
BÀI LÀM
Tạo hoá sinh ra muôn loài đều có cái đẹp, cái xấu. Hoa khoe sắc thắm, cây vươn tán lá đem lại bóng mát cho người. Quả, củ, lúa, gạo… là những thực phẩm nuôi sống con người. Trong các cây ăn trái, em thích nhất là quả mãng cầu ta, còn có tên gọi khác là quả na.
Mãng cầu có hai loại: mãng cầu dai và mãng cầu bở. Loại nào cũng có hình dáng giống nhau, chỉ khác về chất thịt của quả. Mãng cầu hình tròn như trái banh tennis, cuống trái to cỡ đầu đũa ăn cơm, cứng. Da quả có từng mắt u lên hình móng tay cái xếp đều bao quanh vỏ. Quả lúc ở trên cây có vỏ rất cứng, mẹ em chờ quả nở gai mới hái xuống.
Quả mãng cầu khi hái xuống vẫn phải ủ trong lá sầu đông hai hôm mới chín. Quả lúc chín có mùi thơm nhẹ, trái cầm trên tay thấy hơi mềm là đến lúc ăn được, bóc vỏ dễ dàng. Mẹ phải hái mãng cầu vừa lúc nó nở gai mà không chờ chín mềm trên cây là vì phần sợ chim mổ ăn, phần sợ quả chín mềm quá sẽ tự động tuột khỏi cuống trái, rơi xuống đất. Mãng cầu lúc ủ chín rồi trở nên mềm và có mùi thơm, dễ lột vỏ. Mãng cầu dai có thịt của quả dày và dai. Mãng cầu bở có thịt của quả ngậm nước, mềm hơn mãng cầu dai. Thịt mãng cầu màu trắng, mỗi một múi bọc một hạt màu đen bóng hình giọt nước, rất cứng.
Mãng cầu càng chín mùi thơm dịu đi chứ không nồng hắc như lúc còn cứng vỏ. Thịt mãng cầu ăn ngon, ngọt nhưng chậm tiêu hoá. Vì thế, ta không nên ăn nhiều mãng cầu một lúc. Mãng cầu rộ trái theo màu là độ tháng sáu, tháng bảy âm lịch. Hiện nay, người dân trồng và chăm sóc mãng cầu theo phương pháp mới nên mãng cầu hầu như có quả quanh năm. Trên mâm ngũ quả, trái mãng cầu với hình dáng xinh xắn, tôn mọi nét đẹp của chính nó, dung hoà với màu sắc của các thứ quả khác một cách ý nhị, duyên dáng mà độc đáo. Do vậy, mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên ngày Tết thường có quả mãng cầu đơm xen các loại trái cây khác với hàm ý cầu sự tốt lành cho năm mới.
Em rất thích ăn mãng cầu. Vườn nhà em chỉ có ba cây mãng cầu nhưng cũng đủ cho gia đình ăn và biếu dì mợ, bà con ăn lấy thảo. Mỗi tuần, em giúp bố tưới nước cho cây tươi tốt, vừa lao động chân tay cho khoẻ. Nhờ vậy, mấy cây mãng cầu luân phiên ra trái và xanh mướt quanh năm.
Leave a Reply