Đề bài: Nêu ý kiến của anh (chị) về chủ đề của truyện ngắn Hai đứa trẻ. Theo anh (chị), đó là câu chuyện về một ngày tàn, một phiên chợ tàn vì những cuộc đời tàn tạ hay là câu chuyện về niềm khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn?
Hướng dẫn làm dàn ý
1. Mở bài
Giới thiệu: truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
2. Thân Bài
a. Chủ đề truyện ngắn Hai đứa trẻ
. Niềm thương của tác giả đối với những kiếp người cơ cực, ở phố huyện nghèo trước Cách Mạng.
. Sự trân trọng ước mong đổi đời …
b. Ý 1 ý kiến về chủ đề truyện ngắn Hai đứa trẻ
. Câu chuyện về một ngày tàn: tối hết cả con đường thăm thẳm …
. Lòng buồn man mác ngày tàn.
c. Ý 2 ý kiến về chủ đề truyện ngắn Hai đứa trẻ
– Một phiên chợ tàn.
. Đó là cảnh bãi chợ trống trải, vắng vẻ …
. Trên đất chỉ còn “rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”.
d. Ý 3 ý kiến về chủ đề truyện ngắn Hai đứa trẻ
– Những cuộc đời tàn tại
. Đó là mấy đứa trẻ con nhà nghèo
. Mẹ con chị Tí đi mò cua bắt tép …
. Gia đình bác Xẩm ngồi trên chiếu
. Hai chị em Liên với cửa hàng …
. Bà cụ Thi điên điên tàng tàng …
. Những “hột sáng” hắt ra từ ngọn đèn con, bếp lửa, ngọn đèn …
. Nhịp sống ấy vẫn lặp đi lặp lại, buồn tẻ, đơn điệu vô cùng.
e. Ý 4 ý kiến về chủ đề truyện ngắn Hai đứa trẻ
– Niềm khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
. Đợi đoàn tàu đêm đêm vẫn đi qua nơi phố huyện …
. Thạch Lam đã yêu thương, đã đồng cảm đối với trẻ em Việt Nam (đợi tàu là để sống với một thế giới khác, khác hẳn cái thế giới buồn tẻ mà chúng đang phải sống.
3. Kết bài
– Đánh giá chung: truyện ngắn “hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
Bài làm 1: Nêu ý kiến của anh (chị) về chủ đề của truyện ngắn Hai đứa trẻ. Theo anh (chị), đó là câu chuyện về một ngày tàn, một phiên chợ tàn vì những cuộc đời tàn tạ hay là câu chuyện về niềm khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn?
“Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”.
(Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)
Tác phẩm của Thạch Lam như những bài thơ trữ tình chứa đựng tâm hồn của người sáng tác, chứa đựng biết bao tình cảm yêu mến chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước nhưng biến đổi của cảnh vật và lòng người. Một trong những tác phẩm hay như thế là truyện ngắn Hai đứa trẻ, câu chuyện về một ngày tàn, một phiên chợ tàn và những cuộc đời tàn tạ hay là câu chuyện về niềm khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn?
Trước hết, chúng ta tìm hiểu chủ đề của câu chuyện. Chuyện kể về một phố huyện nghèo nàn vào một buổi chiều tối với những nhân vật như chịTí, bà Lực, cụ Thi, bác Siêu… và nhân vật chính là chị em Liên và An. Từ đó câu chuyện thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thìa niềm xót thương của tác giả đối với những kiếp người cơ cực, quẩn quanh, tăm tối ở phố huyện nghèo trước Cách mạng. Đồng thời cũng biểu lộ sự trân trọng ước mong đổi đời tuy còn mơ hồ của họ.
Trước tiên, truyện ngắn Hai đứa trẻ là câu chuyện về một ngày tàn. Bức tranh đời sống ở phố huyện nghèo lúc chiều tối được bắt đầu bằng âm thanh của một “tiếng trống thu không” vang vọng như đang gọi: “Chiều, chiều rồi”. Đó là một tiếng kêu ngậm ngùi trước cảnh ngày tàn. Cảnh vật thiên nhiên trong ánh mặt trời đang lụi tàn “đỏ rực” như lửa đang cháy khiến cho những đám mây ánh hồng lên như “hòn than sắp tàn”. Tiếp đến là những luỹ tre làng đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.Đó là một buổi chiều “êm ả như ru” trong những âm thanh “văng vẳng râm ran của tiếng ếch nhái ngoài đồng ruộng” được “ngọn gió nhẹ hoang vu” mang theo vào phố huyện. Hoà vào đó là tiếng muỗi kêu vo ve thật gợi buồn.Phố huyện nghèo giờ đây chìm ngập trong bóng tối dày đặc, mênh mông, “tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối càng mênh mông dày đặc hơn khi tác giả điểm vào đó những điểm sáng “le lói, lập loè, yếu ớt” của đàn đom đóm, một “quầng sáng lờ mờ” của ngọn đèn hàng nước chị Tí, những “hột sáng” nhỏ nhoi lọt qua phên nứa nơi gian hàng của chị em Liên. Nỗi buồn của buổi chiều quê được thể hiện thấm thía qua tâm hồn của nhân vật Liên: “Đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thìa vào tâm hồn ngây thơ của chị. Liên không hiểu vì sao nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Chính bức tranh đời sống rất chân thật, vừa thấm đượm cảm xúc trữ tình này đã gây nên cảm giác buồn thương day dứt cho người đọc. Ý nghĩa tư tưởng của truyện chủ yếu toát ra từ bức tranh đời sống phố huyện nghèo.
Ngày tàn nơi phố huyện cũng báo hiệu sự ngưng lại của những hoạt động chung trong cái xã hội thu nhỏ này. Phiên chợ tàn cũng gieo vào lòng người nhiều nỗi niềm xúc động. Đó là cảnh bãi chợ trống trải, vắng vẻ khi buổi chợ đã vãn từ lâu.“Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”. Cảnh chợ tàn phơi bày sự nghèo nàn, xơ xác của đời sống phố huyện, ống kính cần mẫn của nhà văn lia qua phố huyện: trên đất chỉ còn “rác rưởi, vỏ bưởi vỏthị, lá nhãn và lá mía”. Cảnh còn được miêu tả bởi khứu giác tinh tế cho nhà văn: “Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụiquen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quêhương này”. Bức tranh phố huyện đầy sức ám ảnh vì những màu sắc và hương vị như thế. Điều đó đủ thấy nhắc đến phốhuyện là nhắc đến sự nghèo khó, lầm than, lam lũ. Chao ôi! Cái mùi quê hương buổi chợ tàn thân thiết quá nhưng cũng thật tội nghiệp, xót xa!
Trên cái nền thời gian và không gian đã tàn lụi là những cuộc đời tàn tạ, những kiếp người cũng đang âm thầm hoà mình vào bóng tối. Trong khung cảnh tiêu điều, buồn bã đó, hình ảnh những con người nghèo khổ lam lũ, nhếch nhác của phốhuyện hiện dần ra. Đó là “mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi nhặt nhạnh những thanh nứa thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại”. Mẹ con chị Tí lễ mễ đội chõng xách điếu đóm ra dọn hàng, “ngày chị đi mò cua bắt tép; tối đến chị mới dọn cái hàng nước này…”. Gia đình bác Xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt trắng để ở trước mặt”. Và hai chị em Liên với cửa hàng tạp hoá nhỏ xíu mẹ Liên dọn ngay từ khi cả nhà bỏ Hà Nội về quê vì thầy Liên mất việc. Bà cụ Thi điên điên mua rượu uống và cười “khanh khách” lảo đảo đi vào bóng tối. Tất cả đều là những kiếp sống lầm than, cực khổ, tàn tạ. Cảnh đêm tối càng làm cho phố huyện chìm dần trong cái mênh mông mờ mịt. Có chăng chỉ thỉnh thoảng có những “hột sáng” hắt ra từ ngọn đèn con của chị Tí, bếp lửa của bác Siêu, ngọn đèn Hoa Kì vặn nhỏ của chị em Liên. Những đốm lửa ấy chẳng làm cho đêm tối trở nên sáng sủa hơn mà ngược lại chỉ càng làm thêm mịt mù dày đặc. Hình ảnh ngọn đèn con nơi chõng hàng chị Tí trở đi trở lại tới bảy lần trong tác phẩm là một hình ảnh có sức gợi cảm rất nhiều về những kiếp người nhỏ nhoi mù tối trong đêm đen mênh mông của cuộc đời. Thạch Lam đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập để miêu tả bóng tối và ánh sáng. Nếu như bóng tối nuốt chửng tất cả phố huyện vào trong cái dạ dày tối thui của nó thì ánh sáng xuất hiện với tần số thấp. Đó chỉ là “hột sáng”, “khe ánh sáng”, “đốm sáng”, “vệt sáng”… tất cả đều hiện lên thật bé nhỏ tội nghiệp “mất đi rồi lại hiện ra trong đêm tối”. Và cùng với ánh sáng nhỏ nhoi, yếu ớt đó là những phận người với cuộc sống bấp bênh, trôi nổi và lụi tàn, le lói như ngọn đèn trước gió. Nhịp sống ấy cứlặp đi lặp lại một cách quẩn quanh, đơn điệu, buồn tẻ gây cho người đọc một tâm trạng u buồn day dứt. Đây là ý nghĩa cảm động và sâu sắc của thiên truyện. Bức tranh đời sống nơi phố huyện không chỉ là cuộc sống nghèo khổ của những người dân vì nếu giá trị của tác phẫm chỉ có vậy thì có nghĩa lí gì so với Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao…? Cái hay của tác phẩm là ởchỗ nó đã diễn tả được nhịp sống nơi phố huyện. Cảnh ngày tàn, chợ tàn, và đời tàn nơi phố huyện tối nay sẽ giống như hôm qua và sẽ lặp lại trong ngày mai, ngày kia… Chiều nào cũng vậy, mẹ con chị Tí lại lễ mễ dọn hàng, bác Xẩm lại trải chiếu ra, bác Siêu lại quẩy hàng… để chờ đợi những người cũng bần hàn như họ. Và chị em Liên cũng vậy, tối nào hai chị em cũng ngồi lên chõng tre dưới gốc bàng đế ngắm nhìn trời đêm và nhìn những người từ từ đi vào đêm. Mọi người chờ đợi những điều mà họ vẫn chờ đợi. Nhịp sống ấy vẫn lặp đi lặp lại, ngày này sang ngày khác, buồn tẻ, đơn điệu vô cùng.
“Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu,
Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người”.
Cuối cùng, truyện ngắn Hai đứa trẻ là câu chuyện về niềm khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong hoàn cảnh tàn tạ ấy, những đứa trẻ cũng ước mơ, cũng hi vọng nhưng chúng chỉ là những đứa trẻ còn thơ dại nên cũng chỉbiết ngóng đợi đoàn tàu đêm đêm vẫn đi qua nơi phố huyện của đời mình. Bởi âm thanh, hình ảnh, màu sắc, ánh sáng của con tàu khi vào ga đem đến cho phố huyện cả một không khí náo nhiệt, rạo rực. Tiếng còi gióng lên hối hả, tiếng các toa tàu dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi, tiếng người đi lại ồn ào huyên háo. Trên những toa tàu, đèn điện sáng trưng: “Đồng và kền lấp lánh ở những ô cửa kính sáng”. Chuyến tàu ở Hà Nội về. Ở Hà Nội cũng có nghĩa là ở nơi phồn hoa đô hội. Con tàu ấy đã mang về phố huyện cả một thế giới hoa lệ, “con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua”. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Con tàu từ Hà Nội về, “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”. Con tàu ấy đã thức dậy trong Liên một trời kỉ niệm để Liên sống với tuổi thơ trong chốc lát, sống lại một thời “vàng son”nay chỉ còn vang bóng. Đó là cái thời thầy chưa mất việc, gia đình ở Hà Nội, mẹ có nhiều tiền, “chủ nhật được đi bờ hồ uống nhữngcốc nước xanh đỏ”. Nghĩ đến ngày ấy là lòng hai đứa trẻ u hoài nuối tiếc.Nhưng tàu đến rồi tàu lại đi. Con tàu lao về phía trước mở ra một chân trờitương lai mà con tàu cuộc đời Liên không biết bao giờ mới đến được. Chị em Liên cứ đứng nhìn theo con tàu mãi không thôi. Con tàu chính là con thoi rực sáng lấp lánh những kỉ niệm từ quá vãng trở về hiện tại và khơi dậy một tương lai trong mắt người nhìn. Thạch Lam đã miêu tả rất tinh tế “những rung động cực điểm của những tâm hồn thơ dại”. Hai đứa trẻ đợi tàu với một niềm thiết tha mong chờ và những vui buồn phức tạp. Chỉ riêng điểm này đã cho thấy Thạch Lam yêu thương, đồng cảm như thế nào đối với trẻ em Việt Nam. Như vậy, đợi tàu là nhu cầu của đời sống tinh thần. Đợi tàu là một nhu cầu bức xúc để chốc lát thoát ra khỏi cuộc sống tù túng tẻ nhạt của hiện tại. Đợi tàu là để sống với một thế giới khác, khác hẳn cái thế giới buồn tẻ mà chúng đang phải sống. Thể hiện tâm trạng đợi tàu của hai đứa trẻ, Thạch Lam với sự thức tỉnh ý thức cá nhân sâu sắc muốn bày tỏ lòng xót thương vô hạn đối với những kiếp người nhỏ bé vô danh không bao giờ biết đến ánh sáng và hạnh phúc.
Thạch Lam là một nhà văn lãng mạn. Ông phác hoạ bức tranh phố huyện nghèo, chân thật trong từng chi tiết và trong chiều sâu tinh thần của nó. Bức tranh làng quê mù xám với một ngày tàn, một phiên chợ tàn và những cuộc đời tàn tạ. Ngòi bút của nhà văn thấm đẫm niềm cảm thương chân thành đối với những người lao động nghèo khổ sống quẩn quanh bế tắc, tối tăm nhưng vẫn toát lên niềm khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó, ta thấy được mơ ước lớn của nhà văn là muôn thay đổi cuộc sống ngột ngạt đó bằng bức thông điệp: Xin đừng để tắt ngọn lửa của lòng khao khát.Vì con người không còn khao khát đợi chờ gì nữa thì cũng có nghĩa cuộc đời đã hết. Và tất cả đều trở nên vô nghĩa. Phải biết ước mơ thì cuộc đời mới được chắp cánh bay cao bay xa hơn. Và đây cũng chính là “Tuyên ngôn văn học” của Thạch Lam trong bài giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa xuất bản trước Cách mạng tháng Tám:
“Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thếgiới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Leave a Reply