Em hãy tả một người lao động mà em có dịp nhìn thấy (người đó có thể là công nhân, thợ thủ công, nông dân, phu khuân vác...)
BÀI LÀM 1
(Tả một công nhân mắc đường truyền hình cáp)
Hè lớp bốn, gia đình em chuyển nhà. Nhà bố mẹ em mới mua cách nhà cũ một khu phố. Đến nhà mới, mọi tiện nghi mẹ đều làm mới. Bày biện đồ đạc xong, mẹ em đăng kí sử dụng đường truyền hình cáp SCTV. Em có dịp quan sát chú công nhân của công ty Truyền hình Cáp SCTV làm việc.
Chú công nhân mặc đồng phục màu xanh dương của công ty SVTV thành phố Hồ Chí Minh. Lưng áo của chú ấy có in hình logo của công ty SCTV. Chú công nhân khoảng hai mươi sáu tuổi, thân hình nở nang, cân đối: cao, vai rộng, cánh tay dài săn chắc. Khuôn mặt chú cóvẻ trầm tĩnh, mắt to, lông mày thưa, to bản làm đôi mắt hiền dịu đi. Nước da của chú công nhân ngăm ngăm đen, tóc của chú dày và cháy nắng, ẩn dưới vành mũ công nhân làm bằng nhựa. Sau khi tự giới thiệu tên, chú bắt tay ngay vào công việc.
Chú Tân, tên chú công nhân, xem xét chỗ phích cắm điện ti-vi rồi bắt đầu kéo dây cáp. Đầu tiên chú mang dây nịt bảo hiểm vào thắt lưng rồi trèo lên cột điện, chỗ đầu mối dẫn dây cáp. Từ chỗ mối nối dây cáp đó, chú công nhân kéo dây cáp vào nhà em. Chú thao tác nhanh gọn, lành nghề. Luồn sợi dây qua ô gió của mặt tiền nhà, chú Tân kéo dây dọc bức tường đến chỗ để ti-vi. Dụng cụ lao động của chú đơn giản: dây điện cáp quang, kìm và vài cái tuốc-nơ-vít. Chú dùng kìm cắt dây cáp và dùng tuốc-nơ-vít để nối dây vào ổ cắm của ti-vi. Toàn bộ công việc chú công nhân chỉ làm trong bốn mươi phút. Sau cùng, chú bật ti-vi để kiểm tra kết quả của công việc. Chú điều chỉnh dây và ti-vi sao cho hình rõ nét, màu sắc đẹp. Xong đâu đấy chú công nhân viết hợp đồng thuê bao đường truyền hình cáp. Mẹ em ký tên vào hợp đồng và thanh toán tiền. Chú Tân lịch sự chào mẹ em rồi ra về.
Được quan sát công việc của một công nhân kéo cáp quang truyền hình, em rất vui và mở mang thêm kiến thức phổ thông. Em chân thành biết ơn chú công nhân đã phục vụ rất tốt cho gia đình em. Nhờ có chú, chỉ một ngày sau khi dọn nhà, gia đình em đã có truyền hình cáp để xem. Những người công nhân lành nghề, làm việc năng nổ là những tấm gương cho chúng em học tập. Mai này, dù học ngành gì, em cũng phải chăm chỉ rèn luyện tay nghề mới có thể phục vụ tốt dược.
BÀI LÀM 2
(Tả một chú thợ thủ công: thợ mộc)
Cậu Tám của em là một thợ mộc giỏi, lành nghề. Em đã có lần được xem cậu bào chuốt gỗ và đóng tủ.
Cậu Tám vừa đúng bốn mươi tuổi, cậu đã có hơn mười lăm năm làm nghề mộc. Cậu em người dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm rám nắng. Mới bốn mươi tuổi nhưng tóc cậu đã có sợi bạc. Khuôn mặt cậu đầy đặn phúc hậu. Dưới đôi lông mày to bản như con tằm nằm, đôi mắt cậu to, lông mi dài và cong. Sống mũi cậu cao, hơi bè bè,đường nhân trung rộng làm khuôn mặt cậu có nét hiền lành, dễ mến. Bàn tay cậu Tám to, ngón tay thon dài, lúc nào cũng cắt ngắn sạch sẽ. Cậu có dáng đi hơi khập khiễng, kết quả của một lần bị ngã nặng. Cái lần ngã đó làm sức khoẻ cậu giảm sút. Dù vậy, tay nghề của cậu ngày một nâng cao.
Dưới bàn tay cậu Tám, tủ, bàn, ghế các kiểu ra đời mời gọi khách hàng. Bao giờ cũng vậy, để đóng một cái tủ, cậu đo rất cẩn thận và bắt đầu cắt gỗ. Các thanh gỗ mộc được bào chuốt láng mướt và được đục mộng ghép rất sắc sảo. Cậu Tám bào gỗ bằng hai cách: bào thô bằng máy bào và bào tinh bằng bào tay, dụng cụ bào cổ điển của thợ mộc. Trên ghế dài có nẹp chân, cậu Tám bào đi bào lại thanh gỗ. Cậu ngắm nghía, ướm thử. Mắt cậu nheo lại, tay nâng cao thanh gỗ ngang tầm mắt rồi lắp thử một cách nhẹ nhàng. Thanh gỗ nào cần bào lại, cậu đặt lên ghế dài, rồi khom người đẩy cái bào đi tới. Từng phôi gỗ đùn lên sau cái bào, thanh gỗ láng mặt, phổ vân gỗ màu hồng tuyệt đẹp. Xem cậu lắp tủ mới thật thích. Các thanh gỗ của sườn tủ được lắp xong, cậu đóng ván mặt hậu, ván ngăn đâu vào đấy là cậu bắt tay bào chỉ viền của tủ. Nẹp chỉ viền thanh mảnh rất khó bào được cậu chuốt kĩ lưỡng, chính xác từng ly một. Trong một ngày cái tủ được lắp xong. Cái tủ duyên dáng đứng chờ thợ đánh véc-ni. Chú thợ phụ việc pha véc-ni rồi bắt đầu giai đoạn đánh bóng. Để đóng một cái tủ như thế, cậu Tám phải mất năm, bảy ngày mới làm xong. Sản phẩm của cậu làm theo đơn đặt hàng nên xuất xưởng là đến tay ngay khách hàng. Tủ của cậu làm vừa xinh, vừa chắc bền, không chỉ làm vui lòng khách mà còn đem lại uy tín cho xưởng mộc của cậu.
Em rất thích xem cậu Tám làm việc. Ngoài sự khéo léo của người thợ, cậu Tám còn đặt vào sản phẩm mộc sự say mê nghề nghiệp và kĩ thuật tinh xảo của mình. Nghề mộc không chỉ đòi hỏi tài hoa của người thợ mà còn bắt buộc người thợ phải có tính chịu khó, nhẫn nại mới có thể thành công. Cậu Tám của em là một người như thế.
BÀI LÀM 3
(Tả một công nhân xây dựng thợ nề)
Hè vừa qua, mẹ em sửa lại nhà. Nhờ thế, em có dịp trông thấy công việc của một người thợ xây dựng. Chú Ba, thợ nề có phong cách làm việc cần mẫn, cẩn thận.
Chú Ba trạc ba mươi tuổi. Người chú thấp đậm, tay chân rắn chắc, bắp cơ nổi cuồn cuộn. Mái tóc chú Ba dày, cháy nắng, búi ngắn gọn gàng. Chú Ba có nước da rám nắng. Khuôn mặt chú tròn, đầy đặn, mắt to, ánh mắt sáng long lanh vẻ dí dỏm, vui vẻ. Bàn tay của chú to bè, ngón tay ngắn, móng tay cắt sạch sẽ, gọn gàng. Da bàn tay, bàn chân của chú khô ráp vì tiếp xúc với vôi vữa. Chú mặc bộ đồ công nhân xanh đậm may bằng vải ka-ki dày, đầu đội mũ lưỡi trai đen.
Tuy đậm người, mập mạp nhưng chú Ba đi lại rất nhanh nhẹn, làm việc rất nhanh. Thợ phụ trộn hồ rồi xúc hồ vào xô mang đến chỗ tường xây. Chú Ba dùng tay xúc hồ đổ vào phía dưới, san bằng hồ rồi nhẹ nhàng đặt viên gạch lên mạch hồ. Chú dùng bay gõ nhẹ lên viên gạch rồi tiếp tục xúc hồ cho viên gạch tiếp theo. Cứ thế, từng viên gạch được xây lên chắc chắn, thẳng tắp, viên nọ nối viên kia thành bức tường gạch mộc chờ khô chắc sẽ tô láng bằng xi-măng và cát mịn sau. Ngày hôm sau, khi các mạch hồ khô cứng lại, bức tường đến công đoạn tô láng. Hồ trộn lần này rất mịn màng. Chú Ba dùng bàn chà gỗ xúc từng bay hồ lên mặt bàn chà rồi áp bàn chà lên tường, dùng bàn chà và bay chà láng lại. Chỉ trong một buổi, bức tường được tô láng, góc cạnh vuông vắn, sắc sảo chờ khô để lăn sơn. Khi tường khô, chú Ba dùng cây lăn nhúng sơn trắng lót lần đầu. Sau đó chờ sơn trắng khô mới lăn sơn màu lần thứ hai. Lần này chú Ba lăn sơn chậm, thận trọng. Chú cẩn thận sơn những kẽ chỉ màu sậm hơn bằng cọ nhỏ. Chỉ trong một tuần, bếp nhà em đã sửa xong. Bàn tay thợ lành nghề của chú Ba đã biến căn bếp cũ thành căn bếp mới sáng sủa sạch đẹp.
Những người thợ xây làm việc thầm lặng như những con ong cần mẫn xây tổ của mình. Họ đã xây không biết bao mái nhà cao ráo, ấm áp cho từng hộ gia đình sinh sống. Trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà kho đều do bàn tay của người thợ xây dựng tạo nên. Họ là lực lượng lao động nòng cốt của xã hội. Em chân thành biết ơn chú Ba đã nhiệt tình sửa bếp cho gia đình em. Em sẽ phụ mẹ rửa dọn, lau chùi, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ như mới.
Leave a Reply