Có thể nói thơ văn từ nửa sau thế kĩ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, chứa chan tấm lòng nhân đạo với nội dung đòi quyền sống cho con người, trước hết là quyền sống cho người phụ nữ. Đồng thời nó biểu dương những giá trị nhân bản mới. Những tác phẩm mới của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Phạm Thái trong giai đoạn đã chứng minh điều đó.
Như chúng ta đã biết, thế kỉ XVIII là thế kỉ đánh dấu sự suy tàn của chế độ phong kiến. Triều đình nhà Lê sau một thời kì phát triển rực rỡ đã bước vào giai đoạn khủng hoảng, mọi rường cột của chế độ phong kiến bắt đầu bị lung lay, không còn đủ khả năng để ổn định xã hội nữa. Cuộc sống con người lâm vào tình trạng bế tắc, đặc biệt là thân phận khổ đau của người phụ nữ. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi các nhà văn, nhà thơ trong thời kì này đều sáng tác về con người và đề cao người phụ nữ.
Lần đầu tiên trong nền văn học Việt Nam, Phạm Thái thể hiện cái “tôi” của mình trong văn thơ thật mạnh mẽ và chân thật. Đối với Phạm Thái, cuộc đời con người sinh ra là để hưởng lạc, hưởng những niềm vui chính đáng của cuộc sống, chứ không gò ép mình vào trong khuôn khổ. Phạm Thái ca ngợi cả những lạc thú mà lẽ ra trong chùa chiền không có. Những hình ảnh: “vãi già đong đưa, ra vào tiểu gái lẳng lơ…”. Đốivới Hồ Xuân Hương thì đáng ghét, nhưng đối với Phạm Thái, ông không đay nghiên mà còn ca ngợi. Và cũng lần .đầu tiên Phạm Thái viết văn tế – một loại văn bản trang trọng ưa dành ai điếu cho những trang tuấn kiệt, những người già cả tạ thế – để khóc người yêu là Trương Quỳnh Như. Trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, con cái chết trước cha mẹ đã là một tội “bất hiếu” rồi, đằng này Trương Quỳnh Như lại chết “vì trai” thì thật là một chuyện “khủng khiếp”. Thếnhưng Phạm Thái lại ca ngợi, khóc thương, gọi Trương Quỳnh Như là “nương tử” và còn xưng hô “mình”, chứng tỏ ông đề cao quyền sống của người phụ nữ, ca ngợi phụ nữ, bất chấp lễ giáo phong kiến.
Cùng với Phạm Thái, tiếng nói của Hồ Xuân Hương là tiếng nói bênh vực phụ nữ. Bà căm ghét chế độ “nam quyền” đã bóp nghẹt đời sông người phụ nữ, bà dám công khai nói đến tình yêu nam nữ, kết quả của mối tình cao đẹp:
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa
Mảnh tình một khối thiếp xin mang…
Đứa con trong bụng, thiếp cam chịu, mặc cho miệng đời cười chê, chỉ cần chàng hiểu thiếp… có người phụ nữ không may chồng chết, bà thông cảm nỗi đau ấy khi nghe tiếng khóc:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng
Nín đi kẻo thẹn với non sông.
Hồ Xuân Hương an ủi người phụ nữ bất hạnh bởi chính bà đã từng trải qua nỗi bất hạnh. Bà thông cảm sâu sắc với người phụ nữ, vì cuộc đời bà chẳng hơn gì họ: một lần lấy lẽ Tổng Cóc, một lần lấy lẽ ông phủ Vĩnh Tường. Bà căm ghét chế độ đa thê, coi phụ nữ như món hàng. Người tài sắc như bà lẽ ra phải sông hạnh phúc như bao kẻ khác, được “đắp chăn bông”, đằng này lại bị “lạnh lùng”, nên bà đã thẳng thừng lên án:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kể đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng…
Khi Tổng Cóc chết, Hồ Xuân Hương không cảm thấy buồn mà còn thấy đám tang chồng là một sự khôi hài: một họ hàng nhà Cóc đi đưa đám tang Tổng Cóc!… và bà luôn thua cuộc trong đấu tranh chống chếđộ “nam quyền”, nhưng bà vẫn không tự ti, mệt mỏi:
Thân này đâu đã chịu già tom.
Bà vẫn buông lời thách thức với đời, vẫn ca ngợi hạnh phúc của người phụ nữ:
Không có, nhưng mà có mới ngoan.
Đặc biệt bài thơ “Mời trầu” của Hồ Xuân Hương, thật sự là một cái tát mạnh vào mặt của chế độ phong kiến. Người phụ nữ trong Hồ Xuân Hương, táo bạo mà duyên dáng, dám chủ động mời trầu, chủ động tìm đến tình yêu:
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.
Câu thơ như hờn dỗi, như trách móc, Hồ Xuân Hương như vậy đó. Có thể nói Hồ Xuân Hương và Phạm Thái đã thể hiện tấm lòng nhân đạo đối với con người, đặc biệt là người phụ nữ. Đồng thời cũng đã biểu dương những giá trị nhân bản mới: ca ngợi tình yêu lứa đôi và hạnh phúc con người.
Tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là Nguyễn Du. Nguyễn Du là nhà văn quá khứ có tấm lòng nhân đạo bao la nhất đối với con người. Ông thương cảm cô Tiểu Thanh tận Trung Quốc, một người tài sắc nhưng Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương.
Có tài mà lại khổ sở, dó là người đồng cảnh với Nguyễn Du nên ông có sự đồng cảm sâu sắc. Ông thương cảm người phụ nữ mới ngày nào còn tài, sắc rực rỡ như một ngôi sao sáng, thế mà bây giờ lại lặng lẽ ngồi ở góc cuối bàn tiệc với mái tóc hoa râm, thân hình tiều tụy. Ông đã nhìn thấy bên đường ba mẹ con ăn xin:
Gặp người chẳng dám nhìn
Lệ sa vạt áo ướt…
(Sở kiến hành)
Nguyễn Du cũng thương cảm cho một kiếp người đau khổ:
Cũng có kể đi về buôn bán
Đòn gánh tre chín dạn hai vai.
(Văn chiêu hồn)
Không có tấm lòng nhân đạo sâu sắc đối với con người thì làm sao Nguyễn Du thấy được “đòn gánh tre gánh dạn hai vai”? Đặc biệt trong Truyện Kiều và Văn chiêu hồn, bằng những chứng cứ không thể chối cãi, Nguyễn Du đã thét lên tiếng nói của lòng mình: hãy cứu vớt lấy con người, cứu lấy người phụ nữ!
Đau đớn thay phận đàn bà.
Và ông đau đớn đến tận tim óc khi chứng kiến cảnh người kĩ nữ trở về già sống bơ vơ:
Ngẩn ngơ khi trở về già
Chồng con đâu tá, biết là cậy ai?
Vấn đề quyền sống Nguyễn Du đặt ra cho con người, đặc biệt là người phụ nữ, nói như Xuân Diệu là: “Được đặt ra như lửa châm nhà đã cháy, như ngàn chuông treo trên sợi chỉ mảnh, như thòng lọng đã riết vào cổ con người”. Đồng thời Nguyễn Du cũng là người đề ra những giá trị nhân bản mới qua hình ảnh Thúy Kiều trong Truyện Kiều, ông công khai ca ngợi nàng Kiều tìm đến tình yêu:
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
và:
Xắn tay mở khóa động đào.
để đến với người yêu. Rõ ràng, Nguyễn Du đã thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của mình đối với mọi kiếp người, nhất là người phụ nữ. Nguyễn Du là người “nhìn xa trông rộng” nhất trong các tác giả ở giai đoạn này.
Tóm lại, nếu như nền văn học Việt Nam thế kỉ XI – XV thể hiện rõ “hào khí Đông A”, thì nền văn học giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX lại chứa chan tấm lòng nhân đạo với nội dung đòi quyền sống cho con người, nhất là người phụ nữ. Đồng thời, nó biểu dương những giá trị nhân bản mới. Chúng ta cần trân trọng những tác giả, những nhà “nhân đạo chủ nghĩa” trong giai đoạn này, đồng thời cần phải phát huy mở rộng những giá trị ấy, đưa nền văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ hơn cho xứng đáng với truyền thống của nó.
Leave a Reply