Nhận định về thơ Hồ Xuân Hương, sách “Văn học trung đại Việt Nam” của Lê Trí Viễn có viết: “Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ, thể hiện một bản lĩnh sông mạnh mẽ khác thường”.
Em hãy bình luận và chứng minh ý kiến trên.
YÊU CẦU
– Thể loại
Kiểu bài tổng hợp (bình luận và chứng minh) văn học, cụ thể là bình luận và chứng minh một nhận định về tác giả theo định hướng.
– Nội dung
Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ, thể hiện bản lĩnh sống mạnh mẽ khác thường.
GỢI Ý
Thân bài có thể được triển khai theo hai yêu cầu về thể loại: bình luận và chứng minh.
A. BÌNH LUẬN
1. Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa, bởi vì thơ bà trước hết là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ. Đặc biệt, không phải là người, phụ nữ lầu son gác tía, chinh phụ hay cung tần mà là người phụ nữ bình thường, người phụ nữ lao động có nhiều bất hạnh trong cuộc sống.
2. Do đó có thể nói, ngoài thơ ca dân gian, thơ Hồ Xuân Hương đem đến cho văn học tiếng nói của những người phụ nữ, những lời than, những tiếng căm hờn và những lời châm biếm sâu cay. Đây là đóng góp quan trọng và độc đáo của Hồ Xuân Hương.
3. Từ hiện thực thời đại cùng những đau buồn, trải nghiệm của bản thân, Hồ Xuân Hương sớm nhận ra nỗi khổ của người phụ nữ và đứng về phía những người phụ nữ bị áp bức để yêu thương, trân trọng và cảm thông họ. Bà là nhà thơ nữ và là nhà thơ của phụ nữ có một tiếng nói hết sức thấm thìa và cũng hết sức độc đáo, thể hiện một bản lĩnh sống mạnh mẽ khác thường. Chính điều này đã làm nên phong cách riêng cho thơ bà.
B. CHỨNG MINH
1. Thơ Hồ Xuân Hương khẳng định vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người phụ nữ (Bánh trôi nước, Thiếu nữ ngủ ngày, Để tranh tố nữ).
Bà lên tiếng đòi hạnh phúc lứa đôi, quyền sống cho người phụ nữ. Do đó, bà đi sâu vào những bi kịch chua chát mà người phụ nữ phải gánh chịu theo những chế ước nặng nề của lễ giáo phong kiến, vào nỗi cô đơn trống trải của họ. Thơ cho mình hoặc cho đời đều thấm thía, đau xót như thế (Làmlẽ, Không chồng mà chửa, Tự tình).
2. Không chi yêu thương đồng cảm, bằng sức sống mãnh liệt và thiết tha với cuộc sống, Hồ Xuân Hương đã truyền sức sống, lòng yêu cuộc sống cho những người cùng giới với mình. Do đó thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một bản lĩnh mạnh mẽ.
– Phóng túng nhưng rất thực khi nói những cái mà đạo lí phong kiến cho là thấp hèn, phản đối cái mà đạo lí phong kiến bảo vệ (Làm lẽ, Vịnh cái quạt, Không chồng mà chửa).
– Không chỉ thách đố thiên hạ vì bản thân mình (Tài tử văn nhân ai đó tá – Thân này đâu đã chịu già tom.) mà còn thách đố cả dư luận thay cho những người phụ nữ khác (Quản bao miệng thể lời chênh lệch – Không có… nhưng mà có… mới ngoan).
– Sống trong xã hội phong kiến, một cô gái dám Sáng mồng một lỏng then tạo hóa
– Mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào, công khai chủ động mời gọi tình yêu (Có phải duyên nhau thì thắm lại), thậm chí dám đổi phận làm trai (Ví đây đổi phận làm trai được) thật táo bạo, vượt thời gian.
– Nội dung trên được thể hiện qua vốn ngôn ngữ dân gian giàu có, đầy sáng tạo, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật tài hoa cũng góp phần làm nên “bản lĩnh sống mạnh mẽ khác thường” cho thơ bà.
Leave a Reply