HỌC SINH CHỌN PHẦN A HOẶC PHẦN B
PHẦN A
Câu 1. Tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh ra đời trong hoàn cảnh lịch sử nào? Anh (chị) hãy đánh giá ngắn gọn ý nghĩa lịch sử và giá trị văn học của tác phẩm đó?
Câu 2. Anh (chị) hãy phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị (tác phẩm Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài) trong đêm cuối cùng ở nhà thống lí Pá Tra (từ lúc nhìn thấy A Phủ bị trói đứng vào cột tới lúc cắt dây trói, cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài).
PHẦN B
Câu 1a.
Anh (chị) hãy bình giảng đoạn thơ sau trong bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu:
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”
Câu 1b.
Anh (chị) hãy bình giảng khổ thơ sau trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu:
“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chùn chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền”…
Gợi ý làm bài
PHẦN A.
Câu 1.a Các ý chính:
1) Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập.
– Ngày 19-8-1945, Cách mạng tháng Tám thành công, dân tộc ta đã lật đổ ách thống trị của bọn phát xít và thực dân phong kiến. Chính quyền ở thủ đô Hà Nội đã về tay nhân dân. Sáng ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Bác đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể đồng bào.
– Trong khi đó, bọn đế quốc thực dân nấp dưới danh nghĩa Đồng minh câu kết với bọn phản động trong nước nhằm phá hoại chính quyền cách mạng còn non trẻ. Ở phía Bắc là quân Tưởng, tay sai của đế quốc Mĩ. ơ phía Nam là quân Anh, Pháp. Pháp còn tuyên bố Đông Dương là thuộc địa của Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng, Đông Dương phải được trả về tay Pháp.
2) Ý nghĩa lịch sử của tác phẩm:
– Tuyên ngôn Độc lập đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Đất nước ta chấm dứt hoàn toàn chế độ thực dân phong kiến và chuyển sang một kỉ nguyên mới – kỉ nguyên của độc lập, tự do.
– Tác phẩm đã khẳng định vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế và vạch trần âm mưu xâm lược, đập tan luận điệu phản động của kẻ thù.
3) Giá trị văn học của tác phẩm:
– Tuyên ngôn Độc lập đã nêu cao truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Mặt khác, tác phẩm còn là một bản cáo trạng đanh thép vạch trần tội ác tày trời của kẻ thù đối với nhân dân ta.
– Tác phẩm với lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, luận cứ tiêu biểu, toàn diện, giàu sức thuyết phục, văn phong sắc sảo, giàu tính thẩm mĩ, từ ngữ chính xác, hùng hồn, xứng đáng là áng văn chính luận mẫu mực, một bản “thiên cổ hùng văn” sánh ngang với Cáo binh Ngô của Nguyễn Trãi.
Câu 2. Các ý chính:
1) Giới thiệu khái quát về Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và nhân vật Mị (nhấn mạnh cuộc đời đau khổ, bị vùi dập tàn bạo nhưng khát vọng sống vẫn âm thầm và mãnh liệt).
– Giới thiệu vị trí và ý nghĩa của đoạn văn. Miêu tả diễn biến tâmtrạng của Mị từ khi nhìn thấy cảnh A Phủ bị trói đến khi vùng dậy bột phát cắt dây trói cứu A Phủ, sau đó tự giải thoát đời mình. Đó là kết quả của cả một quá trình đấu tranh giành quyền sống.
2) Phân tích diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm cuối cùng ở nhà thống lí Pá Tra.
a) Nhìn thấy cảnh A Phủ bị trói đã mấy đêm rồi, nhưng Mị vẫn thản nhiên ngồi thổi lửa sưởi “…. A Phủ là cải xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Lúc này, Mị như một cái bóng, tồn tại và hành động theo thói quen. Tâm hồn Mị đã khép kín vì quá khổ, quá tuyệt vọng.
b) Khi nhìn thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ, Mị đã có sự thay đổi trong suy nghĩ và tình cảm, hành động.
– Mị nhớ lại tình cảnh mình cũng đã từng bị trói, bị đánh “nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi đâu được”. Mị liên hệ mình với những con người khốn khổ của mình: Người đàn bà ngày trước, người đàn ông này… Mị xót thương cho mình, cho người, rồi căm phẫn và kết tội kẻ thù: “Chúng nó thật độc ác”. Sự đồng cảm đã khiến Mị trở nên tỉnh táo, sáng suốt.
– Mị ý thức được cái chết sắp xảy ra đối với A Phủ là một cái chết oan ức, phi lí: “người, kia việc gì phải chết thế”.
– Tình thương người đã khiến Mị thay đổi đột biến trong ý nghĩ. Nếu phải chết thay cho A Phủ. “Mị cũng không thấy sợ”. Ý nghĩ đó đã dẫn Mị đến hành động dũng cảm cắt dây trói, giải thoát cho A Phủ. Ý thức căm thù và lòng nhân ái đã thắng mọi sự sợ hãi và đã biến Mị thành con người dũng cảm.
– Giải thoát cho A Phủ rồi, nỗi lo sợ cho mình chợt ập đến với Mị. “Mị đứng lặng trong đêm tối” trong một khoảnh khắc ngắn ngủi mà chứa chất dông bão. Những dự cảm về cái chết sẽ đến khiến Mị cứng rắn trở lại. Những bước chân tự do của A Phủ dội lại đã thổi bùng lên ngọn lửa của khát vọng sống vốn âm ỉ bấy lâu. Mị vụt chạy ra, cùng trốn đi với A Phủ. Mị cũng đã tự giải phóng cho cuộc đời mình. Hành động này là kết quả tất yếu của một quá trình vật lộn đầy đau khổ chống lại ách áp bức của Mị. Đó cũng là con đường tất yếu đến với cách mạng của những người nghèo khổ bị đè nén, bóc lột.
3) Đánh giá chung về giá trị của đoạn văn:
a) Đánh giá về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: chân thật, sinh động, phù hợp với sự vận động trong tính cách của nhân vật Mị. Tác giả đã lựa chọn những chi tiết nghệ thuật đặc sắc để khơi gợi được nét bản chất nhất của nhân vật.
b) Đánh giá về giá trị hiện thực và nhân đạo: giá trị của tác phẩm được tô đậm, nâng cao ở sự vận động của suy nghĩ, tính cách và hànhđộng của Mị. Lòng căm thù giặc, lòng nhân ái giai cấp và khát vọng sống mãnh liệt bao giờ cũng tiềm tàng trong tâm hồn những người lao động bị áp bức.
PHẦN B.
Câu 1a. Các ý chính:
1. Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm, vị trí và ý nghĩa của đoạn thơ.
2. Bình giảng đoạn thơ
a) Câu 1, 2: Hình ảnh vườn hoa mùa thu:
“Hơn một loài hoa đã rụng cành”
Tả hoa mà lại tả cảnh hoa rụng thì thật là buồn, dù là sự rơi rụng mới chỉ bắt đầu. Hình ảnh thơ “sắc đỏ rũa màu xanh” là hình ảnh sáng tạo nói lên sự phôi pha một cách nghiệt ngã của sự sống trước thời gian. Từ “rũa”, Xuân Diệu đã mượn cách nói kiểu Pháp. Trong câu thơ nó nói lên sự lấn át, sự thay thế sắc xanh của lá.
Câu thơ bảy chữ với hai từ gốc Pháp “hơn một”, “rũa” đã nói lên sự cảm nhận tinh tế và sự thể hiện đầy ấn tượng của nhà thơ.
b) Câu 3, 4:
“Những luồng run rẩy rung rinh lá”
Câu thơ không tả gió mà người đọc cảm nhận được gió, cái gió heo may se sắt của mùa thu đã làm cho những khóm hoa trong vườn lay động một cách khác thường “run rẩy”.Âm điệu đặc biệt của câu thơ: bốn âm tiết có phụ âm đầu “r” cũng góp phần làm nổi bật cái yếu đuối, cái cô đơn của những khóm hoa trong không gian mùa thu.
“Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”
Hình ảnh những nhành cây mùa thu được chạm khắc rất tinh tế bằng một loạt những tính từ “khô”, “gầy”… “mỏng manh”, tô đậm hơn nữa sự tàn phai, héo úa và đơn độc của cảnh vật khi thu về. Hình ảnh so sánh “xương mỏng manh” làm cho cây gần với người hơn, cây cũng chính là con người.
c) Đánh giá chung về giá trị của đoạn thơ: Nhà thơ đã cảm nhận thiên nhiên bằng một hồn thơ lãng mạn, tinh tế và nhạy bén, đã chạm khắc nên một bức tranh thu mang những nét rất riêng. Bức tranh đẹp nhưng buồn và đầy ấn tượng về sự tàn phai, héo úa. Ngôn ngữ, hình ảnh thơ vừa mang chất cổ điển vừa mang màu sắc hiện đại.
Câu 1b. Các ý chính:
1. Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm, vị trí của đoạn thơ.
2. Bình giảng:
a) Chỉ ra ý nghĩa và cái hay, cái đẹp của những hình ảnh, từ ngữ “chiều mộng”, “nhánh duyên”, “ríu rít cặp chim chuyển”, “đổ trời xanhngọc”, “động tiếng huyền”.“Chiều mộng” ở đây là một chiều thu ngọt ngào thơ mộng. “Duyên” có nghĩa là sự giao hòa của vũ trụ, của thiên nhiên, của con người với trời đất, cỏ cây, với những người khác. Trong cảm nhận của tác giả, một người có tâm hồn yêu sống, yêu đời, khát khao được hòa hợp và giao cảm với thiên nhiên và con người thì cả đất trời, cảnh vật và con người đâu đâu cũng có “duyên” với nhau. Buổi chiều thì giao hòa với “nhánh duyên”.Trên cây me thì cặp chim ríu rít chuyền từ cành này qua cành khác. Bầu trời trong xanh như ngọc thì như sà xuống, đổ xuống giao hòa với cành cây, kẽ lá.
– Nhận xét về giá trị của hệ thống động từ: “hòa thơ”, “ríu rít”, “đổ”, “động”, “đến”.
– Bình về nhịp thơ, âm hưởng thơ: êm dịu, ngọt ngào.
b) Đánh giá chung: Đây là một bức tranh mùa thu đẹp, trong sáng, thơ mộng hiếm thấy trong thơ Xuân Diệu và thơ viết về mùa thu nói chung. Đằng sau cảnh vật chính là tâm hồn say sưa, yêu đời, khát khao với cuộc sống của một thi sĩ lãng mạn.
Leave a Reply